Để cung cấp thêm tư liệu cho những suy tư về căn tính và đoàn sủng của Dòng, Dựng Lều xin giới thiệu một số tài liệu liên quan đến lịch sử và các Đấng tổ phụ của Dòng. Những tài liệu này trích dịch từ những báo cáo thường niên của các vị thừa sai (MEP) ở Campuchia và từ Bản tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP) vào những năm đầu thế kỉ 20, tức thời kì khai sinh của Dòng Thánh Gia
Cha Blondet, Bề Trên tiên khởi Dòng Thánh Gia
Ngài vào chủng viện của Hội Thừa Sai ngày 20/09/1890. Ngài chịu phép cắt tóc ngày 27/9/1891, lãnh các chức nhỏ ngày 24/09/1892, phụ phó tế ngày 22/09/1894, phó tế ngày 9/3/1895 và được thụ phong linh mục ngày 30/6/1895. Ngài nhận được bài sai đến Phủ Doãn Tông Toà Phnompenh (Camphuchia) và ngài đã lên đường đến đây vào ngày31/7/1895.
Đầu tiên, cha Blondet được gởi tới Cái Đôi, rồi năm 1897, ngài đến cư ngụ tại Rạch Giá. Trong số các cộng đoàn Kitô hữu mà ngài trông coi, ngài yêu quý nhất là cộng đoàn Coi Moi. Nơi đây đã rất sầm uất dưới thời Đức cha Adran, sau đó bị tàn phá nhiều lần và bị phá huỷ hoàn toàn trong lần bách hại sau cùng. Dân chúng ở đây rất yêu mến ngài. Năm 1898, ngài đã rất nỗ lực để giải quyết những vấn đề khó khăn xảy ra ở họ đạo Hoà Hưng. Năm 1899, ngài đã rảo khắp hạt Rạch Giá để gặp gỡ và giúp đỡ những gia đình kitô hữu bị nợ nần chồng chất. Năm 1900, ngài thành lập cộng đoàn Lai-hieu, và năm sau đó ngài lập cộng đoàn Tràm chẹt gồm có 150 tín hữu.
Năm 1903, ngài giao Rạch giá lại cho cha Grandmaire, và đến phụ trách hạt Bò ót. Tháng giêng năm 1904, ngài giúp đỡ một số tân tòng ở Đường láng bị bắt tù và bị tước đoạt tài sản một cách bất công. Năm 1907, những tín hữu ở Bò ót gặp khó khăn, ngài đã nghĩ ra một kế, đó là lập ra “Quỹ gia đình” để giúp đỡ họ. Năm 1909, ngài dạy tiếng việt và huấn luyện truyền giáo cho cha Henri Collot. Năm 1912, cha Blondet tổ chức Tuần Tam Nhật kính Thánh Thể thật sốt sắng tại Bò Ót.
Năm 1915, ngài được bổ nhiệm về Long Xuyên, ngài mua cho cộng đoàn Cần Xây một khu đất thuộc phường Bình Đức, khu đất mà các Kitô hữu đã ở mướn từ 40 năm qua. Năm 1916, ngài được bổ nhiệm làm quản hạt hạt Banam, đồng thời làm giám đốc điều hành Trường Giảng Viên Giáo Lý được cha Pianet thành lập năm 1906. Để điều phối dân nhập cư, ngài đã đưa những người kitô hữu ở những trung tâm chật chội về những vùng đất còn hoang hoá ở Khsach-sâr. Năm 1918, ngài tổ chức cho các bổn đạo Banam ba ngày tĩnh tâm đại phúc.
Năm 1922, trong kì nghỉ ở Pháp, ngài đã tranh thủ thuyết trình cho Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng viện Saint Claude. Và ngày 25 tháng 8 năm 1922, ngài lại xuống tàu trở về xứ sở truyền giáo của mình.
Trở lại Campuchia, ngài đã phải chứng kiến cảnh thiệt hại đổ nát của nhà thờ, nhà ở, Trường Giảng Viên Giáo Lý, do lũ lớn của sông Mêkông gây ra. Năm 1929, với sự giúp đỡ của cha Phụng, ngài thành lập cộng đoàn Việt nam ơ Khsach-sâr. Đây là giáo điểm thứ 14 của hạt Banam. Một năm sau đó ngài dựng cho cộng đoàn này một nhà thờ.
Năm 1932, ngài tổ chức mừng 25 năm ngày thành lập Trường Giảng Viên Giáo Lý. Cũng năm này, ngài đề nghị cha Alexandre de Cooman đến Kompong-cham phụ trách 4 cộng đoàn phí bắc của hạt, và chăm sóc những người lao động Việt nam ở vùng này. Năm 1934, với sự trợ giúp của 3 cha phó, ngài cai quản 14 cộng đoàn của hạt với tổng số 5.492 giáo dân.
Năm 1939, cha Blondet bắt đầu chịu đựng bệnh tiểu đường và cảm thấy sức nặng của tuổi tác. Tháng 9 năm 1941, ngài nhập viện vài tuần ở Phnômpênh, sau đó về nghỉ dưỡng bệnh ở Toà Giám Mục. Giữa tháng 10 năm 1941, ngài phải nhập viện trở lại và ngài đã qua đời tại đó ngày 26 tháng 10 năm 1941.
Thông Phán trích dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét