Để cung cấp thêm tư liệu cho những suy tư về căn tính và đoàn sủng của Dòng, Dựng Lều xin giới thiệu một số tài liệu liên quan đến lịch sử và các Đấng tổ phụ của Dòng. Những tài liệu này trích dịch từ những báo cáo thường niên của các vị thừa sai (MEP) ở Campuchia và từ Bản tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP) vào những năm đầu thế kỉ 20, tức thời kì khai sinh của Dòng Thánh Gia
Trường Giảng Viên Giáo Lí
Tại
Joseph Vulliez
(tiếp theo và hết)
Cuộc cải tổ lần thứ hai
Cải tổ bên trong
Cuộc cải tổ này được Đức cha Chabalier giao cho tôi năm 1939. Khi lãnh Hội dòng, việc đầu tiên của tôi là soạn thảo Hiến pháp, tập quán pháp cho đệ tử, tập sinh và các thầy. Đó chỉ là những phác thảo. Tôi nghĩ phải nhiều năm để hoàn chỉnh nó.
Vừa phải lo soạn thảo luật lệ, tôi phải lo đào tạo các tu sĩ tương lai. Bỏ phương cách tuyển sinh vào tập viện trước đây, tôi nhận vào Đệ tử viện trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Để làm tốt công tác tuyển sinh, từ hai năm nay, tôi có một thầy chuyên làm công tác tuyển sinh. Một năm hai lần thầy đi các giáo xứ thuyết trình quảng bá ơn gọi, sát hạch những em muốn đi tu, gặp cha mẹ các em,… Sau 5 năm ở Đệ tử viện, các em sẽ làm 2 năm Tập viện.
Cải tổ bên ngoài
Sau khi khấn, các thầy vẫn còn được gởi đi dạy một mình trong thời gian một số năm, điều này không có lợi cho việc bền đỗ của các thầy. Tuy nhiên từ 3 năm nay, tôi được phép của Đức cha gởi các thầy ít nhất là 2 người với nhau, với một ngoại lệ đối với những thầy khấn trọn, nhưng không quá 6 tháng liên tục. Các thầy được nhóm theo từng hạt. Mỗi hại được điều hành bởi một thầy hạt trưởng, và mỗi cộng đoàn bởi một cộng đoàn trưởng. Thầy hạt trưởng đồng thời cũng là thầy trưởng cộng đoàn. Thầy hạt trưởng chủ toạ buổi tĩnh tâm hàng tháng, và một năm 3 lần, thầy phải đi thăm viếng các cộng đoàn trong hạt của mình và phải gởi báo cáo về cuộc thăm viếng về cho Bề Trên Tổng Quyền. Hàng năm, các thầy trở về sống 5-6 tuần trong cộng đoàn nhà Mẹ để “trầm mình” trở lại, để theo những môn học và cấm phòng năm. Mỗi tháng, bản tin “Dư âm” (l’Echo du Couvent), cung cấp cho họ thông tin, những chỉ thị và những lời khuyên tinh thần,… Nhờ vào cách tổ chức mới này, công việc chạy tố hơn, các thầy giữ luật sống cũng tốt hơn và dường như họ cũng dễ bền đỗ hơn.
Một vài chi tiết về luật lệ
Các thầy lập lại lời khấn tạm trong vòng 9 năm, sau đó sẽ khấn vĩnh viễn. Vì những hoàn cảnh khác nhau, chẳng có thầy nào khấn trọn cả. Tháng 8 năm nay sẽ có 6 hoặc 7 thầy khấn trọn.
Hiến pháp Dòng giống hiến pháp của các dòng giáo dục. Cuốn Tập quán pháp rất chi tiết, bao gồm 484 khoản, rất khó soạn thảo vì kiểu sống của các thầy. Phần thứ nhất xác định cách thức thực hành lời khấn vâng lời; phần thức hai liên quan đến cách sống. Đây là tiêu đề của các chương của phần hai, ta sẽ thấy trong đó rất nhiều đề mục được bàn đến:
Thứ bậc – Vật dụng cá nhân – Vật dụng cộng đoàn – Sách vở cá nhân – Vật dụng bị cấm – Sự ăn mặc: quy định chung, giặt giũ và khâu vá, mặc y phục – Vệ sinh y tế – Nơi ở và nhà cửa – Ăn uống: thức ăn, thức uống, chuẩn bị lương thực, phục vụ bàn ăn, nơi ăn, ăn ở bên ngoài – Việc học hành – Công việc chân tay – Dạy dỗ và giáo dục – Việc đạo đức – Những quy định thường nhật – Cách ăn ở trong một số nơi: Nhà nguyện, nhà ăn, nhà ngủ, … – Ngủ, thức và nghỉ trưa – Giải trí, vui chơi và đi dạo mát – Nghỉ hè và những ngày nghỉ khác – Nội vi – Vắng mặt ở nhà Mẹ – Vắng mặt ở các cộng đoàn khác – Đến cộng đoàn nhà Mẹ – Trở về họ đạo chính – Tiếp khách và thư từ – Tương quan với cách thành viên trong Dòng – Tương quan với người ngoài – Đón tiếp và mời mọc – Du lịch – Xe đạp – Chụp hình – Tiền lương – Sổ sách – Bệnh tật và thuốc men – Qua đời của các thầy.
Cuốn Tập Quán Pháp này hướng dẫn cách sống của các thầy trong tất cả mọi hoàn cảnh. Quan trọng là đi vào nhiều chi tiết, qui định chặt chẽ để tránh lạm dụng, đồng thời tạo nên tinh thần của Dòng. Công việc soạn thảo này, tôi làm đi làm lại nhiều lần, với các Tu huynh trong những kì nghỉ.
Ngoài ra còn có Tập Quán Pháp cho Đệ tử viện, Tập viện, bàn đến vấn đề tuyển sinh, tổ chức cũng như luật lệ thường nhật,… của hai cộng đoàn này.
Hội Dòng được quản trị bởi Bề trên tổng quyền với sự trợ giúp của 4 vị phụ tá. Sẽ tới ngày mà một thầy (người Việt) sẽ đảm nhận trách nhiệm Bề trên tổng quyền, điều này tuyệt đối cần thiết để đảm bảo tính kế thừa của hội Dòng.
Tất cả công việc của cộng đoàn: Bếp núc, may vá, sửa giày dép, chăm sóc bệnh nhân,… đều do các thầy đảm nhận với sự giúp đỡ của một vài người mồ côi. Vẫn còn thiếu các thầy biết nghề mộc và hàng gỗ cao cấp. Tôi hy vọng một ngày nào đó rồi cũng sẽ có.
Mục đích
Cũng là mục đích đào tạo các giảng viên giáo lí. Tuy nhiên tôi đang thử mở các trường trong những thành phố lớn để đào tạo các thầy trẻ.
Kết quả hiện thời
Hiện tại, Dòng có 21 thầy khấn, 6 tập sinh và 43 đệ tử. Từ bây giờ con số chỉ có thể tăng lên mà thôi. Từ năm 1939, có nhiều biến cố làm chậm sự phát triển của Dòng. Tôi phải đi lính (lính kiểng) 2 năm. Từ năm 1942, sự thiếu thốn đồ mặc bắt buộc tôi phải hạn chế thu nhận; từ năm 1945 cuộc cách mạng làm ngưng việc thu nhận trong một thời gian, và hiện giờ, trong một số họ đạo vẫn chưa thể tuyển sinh được.
Lợi ích
Một cách hiển nhiên, trường Giảng viên giáo lí có một tầm quan trọng rất lớn, hoặc giúp đảm bảo việc giảng dạy giáo lí ở những nơi thiếu vắng linh mục, hoặc giúp thành lập những cộng đoàn mới. Trước kia ta còn có thể dựa trên các thân hào của các cộng đoàn Kitô giáo, nhưng bây giờ thời đó đã qua rồi. Mặt khác, thời chúng ta, những người trẻ không những muốn được huấn luyện về đạo mà còn muốn biến các kiến thức đời nữa. Hơn nữa, càng ngày càng phải tính đến các trường của nhà nước. Vì vậy, không thể dựa trên các thân hào, cũng không thể dựa trên những giảng viên giáo lí ít được huấn luyện và họ có thể bỏ chúng ta bất cứ lúc nào.
Những giảng viên giáo lí
Phụ trách hội dòng này, tôi ít quan tâm đến những giảng viên giáo lí đang từ từ “bỏ nghề”. Phần lớn những cựu tu sĩ không muốn khép mình theo luật lệ cũng đã rút lui như họ. Hiện tại còn 4 giảng viên giáo lí. Họ là những tập sinh đã ra những năm vừa rồi vì những lí do khác nhau, và tôi cố gắng dùng họ để lấp vào sự thiếu hụt các thầy.
Chúng ta đã đến thời điểm mà Trường Giảng viên giáo lí được quan niệm theo cách ngày xưa, không thể tồn tại và thực hiện được nữa. Phương cách tốt hơn theo tôi là Tu sĩ - giảng viên giáo lí. Thật vật, chúng ta có thể có những thầy giáo tự do như ở Pháp, nhưng cái giá phải trả về mặt kinh tế thì rất lớn, mà lại không bảo đảm được một nhiệt huyết sâu xa…
Kết luận
Sau nhiều do dự, dò dẫm, tôi nghĩ rằng công việc đang đúng hướng và sẽ mang lại kết quả một ngày nào đó. Tuy nhiên, còn rất nhiều công việc phải làm, về phương diện đào tạo tri thức và đạo đức. Sự quan tâm lớn nhất của tôi là vấn đề bền đỗ của các thầy. Những nguy hiểm họ gặp phải ở bên ngoài thì rất nhiều. Các linh mục thường ít hiểu và thông cảm cho họ. Tuy nhiên tôi hy vọng rằng, khi có đông các thầy khấn trọn, các thầy trẻ được đào tạo tốt, họ sẽ dễ dàng bền đỗ hơn. Đó là một công việc tự nó rất khó và dài hơi; mặt khác chúng ta chẳng được chuẩn bị gì cho công việc này. Theo tôi, lập một đan viện khổ tu (Trappe) dường như còn dễ hơn nhiều.
Một dòng tương tự cũng tồn tại ở những vùng truyền giáo Vĩnh Long, Qui nhơn, Huế và có thể ở chỗ khác nữa.
Thông Phán
trích dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét