Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Logic Tước-Quyền và những hệ quả của nó...

«Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!» ... «Nếu ông là Con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!» (Lc 4, 3.9). Chúng ta biết rằng trước đó không lâu, tại sông Gio-đan, lúc Chúa Giêsu chịu phép Thánh Tẩy, Chúa Cha đã tuyên bố: «Con là con yêu dấu của Cha» (Mc 1, 11). Bằng lời thách thức trên Satan đã đặt Chúa Giêsu trước một thử thách liên quan đến vấn đề qui chế làm con: thế nào là một người con, là một người con Thiên Chúa. Satan dẫn Chúa Giêsu vào trong logic quyền lợi: Là con Thiên Chúa thì có quyền được hưởng những quyền lợi: nếu ông là con Thiên Chúa, thì ông (nhờ quyền làm con Thiên Chúa) có thể biến đá thành bánh mà ăn; nếu là con Thiên Chúa thì Thiên Chúa buộc phải cứu ông! Một lối suy luận hết sức tự nhiên. Chúa Giêsu từ chối đi vào trong logic đó. Trước khi đề cập đến câu trả lời của Đức Giêsu, ta thử quan sát một vài kinh nghiệm  trong cuộc sống và những hậu quả của lối suy luận này.

Kinh nghiệm thấy được trong cuộc sống

Cơ chế xử sự «mẹ chồng – nàng dâu» đã đi vào trong «văn hóa» của dân tộc Việt Nam. Mẹ chồng là người có tước «mẹ chồng». Cùng với tước này là một quyền kèm theo: ‘quyền hành hạ con dâu’! Xã hội và cả người con dâu cũng thừa nhận một cách nào đó cái «tước-quyền» này. Vì vậy mà khi người con dâu trở thành mẹ chồng thì nàng cũng sẽ hành xử y như thế. Tưởng rằng cơ chế «mẹ chồng – nàng dâu» này chỉ liên quan đến quan hệ trong gia đình và đã chìm vào dĩ vãng, nhưng không, nó vẫn cứ tồn tại và biến thể cách này cách khác, và có mặt trong mọi lãnh vực của đời sống con người.
Người ta đã chẳng gọi các chủng sinh đi giúp xứ là đi «làm dâu» đó sao? Thực tế không đến nỗi thế nhưng nó cũng không hoàn toàn sai. Người ta vẫn thường khuyên các chủng sinh hãy cố gắng chịu đựng một thời gian đợi khi làm cha (người viết cố ý sử dụng từ cha thay cho từ linh mục!) rồi thì sẽ khác! Quả thật một khi những người mang tư tưởng này trong giai đoạn đào tạo, khi họ đã làm cha thì họ hoàn toàn khác. Không phải là sự «khác tích cực» do được thánh hiến bởi thánh chức, mà là một cái «khác tiêu cực» được hỗ trợ bởi cơ chế tước-quyền. Sự thay đổi này làm nhiều người cảm thấy bị thất vọng.
Ở một nhà dòng kia, quy luật Tập Viện cấm hút thuốc. Vị tập sư khuyên các tập sinh rằng: «Thôi chịu khó một thời gian đi, khi khấn rồi thì có ‘quyền’ hút»! Và đúng như thế, sau khi mãn Tập kì, tất cả đều hút thuốc, kể cả những chàng trước đó chưa hề biết hút! Lời khuyên hoàn toàn hữu lí về mặt lí luận. Vì tu sĩ khấn không bị cấm hút thuốc. Hút hay không hút là vấn đề cá nhân. Tuy nhiên về mặt giáo dục, đó là một tai họa! Vì qua lời khuyên đó, người có trách nhiệm đã vô tình truyền cho những kẻ thụ giáo một quan niệm sống theo cơ chế quyền lợi. Cơ chế này vượt ra rất xa ngoài phạm vi hút thuốc. Nó chi phối rất nhiều mặt của đời sống con người.
Người ta cũng ghi nhận một nghịch lí rằng, tại các nước Tây Phương, có rất nhiều cặp trai gái sống với nhau như vợ chồng nhiều năm, họ quyết định làm đám cưới với nhau, và rồi li dị chẳng bao lâu sau đó. Có một linh mục tâm sự rằng, ngài không thể hiểu nổi, có cặp sống với nhau thật hạnh phúc trong 10 năm trời, họ quyết định làm đám cưới và li dị sau đó sáu tháng! Có nhiều lí do để giải thích hiện tượng trên. Nhưng một lí do không nhỏ đó là cơ chế quyền lợi đã can dự vào đời sống của họ cùng với đám cưới. Thật vậy, trước khi kết hôn, hai người hoàn toàn tự do sống với nhau không bị gì ràng buộc. Sau khi thành hôn, họ chính thức mang lấy tước là vợ là chồng. Cùng với tước là quyền. Một khi mà không khéo để cho cơ chế quyền lợi điều khiển cuộc sống, thì sự đổ vỡ là khó tránh khỏi.

Những hậu quả không tránh khỏi

Tất nhiên là chức vị bao giờ cũng đi đôi với quyền lợi, nhưng khi lấy cơ chế quyền lợi làm kim chỉ nam cho cuộc sống thì thật tai hại.
Như thế người mẹ chồng hành hạ nàng dâu mình chỉ vì một mục đích để tỏ ra là mình có quyền, không những chỉ tạo ra những xung đột, bất hạnh nhất thời, mà còn để lại di chứng cho những thế hệ tiếp theo. Bà sẽ lại tạo nên cho tương lai những bà mẹ chồng độc ác. Hơn nữa hành động không dựa trên sự thật, sự tự do và sự tôn trọng sẽ không thể thăng tiến con người.
Điều này cũng hoàn toàn đúng trong lãnh vực giáo dục đào tạo, kể cả việc đào các cán bộ của Giáo Hội. Người ta than phiền rất nhiều về thái độ cha chú, cửa quyền của các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội. Chắc chắn đây là một hậu quả không nhỏ của phương pháp giáo dục theo cơ chế quyền lợi hoặc cơ chế «Mẹ chồng nàng dâu». Cơ chế này tạo ra một tâm lí rằng tôi đã hoàn thành một cái gì đó, bây giờ tôi đã là một nhân vật nào đó ắt tôi phải được hưởng những quyền lợi nhất định. Nếu tôi không hưởng những quyền lợi mà tôi có thể được hưởng thì tôi có thể sẽ không còn là tôi nữa! Là cha là, thầy,...thì phải có xe hơi, phải có những đồ dùng mắc tiền, ... mà không cần biết những thứ đó có cần thiết và có phù hợp không. Con người có nguy cơ sống theo cơ chế «nhu cầu - thỏa mãn nhu cầu» một cách không giới hạn vì được bảo đảm bởi quy chế tước quyền. Một sự cám dỗ khủng khiếp. Chúa Giêsu từ chối đi vào lôgic «Làm Con = Quyền lợi» như thế. Câu trả lời của Ngài vạch cho ta một hướng đi mới.

Câu trả lời của Chúa Giêsu

«Người ta sống không nguyên bởi bánh» (Lc 4,4). Cơm bánh là cần thiết cho cuộc sống. Con người có những nhu cầu cần thiết và cần được thoả mãn. Thế nhưng điều này không thể choán hết mọi chỗ của con người. Đối với Đức Giêsu, đời sống con người không thể bị đóng kín trong việc thoả mãn các nhu cầu. Chúng ta thấy điều này được nói đến rất nhiều trong Kinh Thánh. Ví dụ trong câu chuyện kể về vua Babylone Nabuchodonosor trong sách tiên tri Đaniel chương 4. Trong câu chuyện vua Nabuchodonosor được ví như một cây cổ thụ. Cây cổ thụ này bị kết án không phải vì nó to lớn, nhưng là vì nó che kín khắp mọi nơi : Chiều cao lên đến tận trời, và tán của nó đến tận cùng trái đất (Đn 4, 8). Sự ‘đầy’ có tính loại trừ này bị kết án vì nó đóng kín trong sự tự thoả mãn, nó không cần đến ai khác, không cần đến Đấng khác. Nó bị kết án vì nó chiếm hết không gian của người khác. Chúng ta cũng gặp thấy sự tự thỏa mãn này bị kết án trong dụ ngôn người giàu có trong Tin Mừng thánh Luca (x. 12, 16-21). Người giàu có tự nói với mình rằng «Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi hãy cứ nghỉ ngơi ăn chơi cho đã!» Nhưng Thiên Chúa nói rằng «Đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi mạng sống ngươi!» Đóng kín thật nguy hiểm, Chúa Giêsu dẫn chúng ta ra khỏi cái lôgic đóng kín đó.
Chúng ta thấy rằng trong các cơn cám dỗ trên, Chúa Giêsu từ chối đi vào trong lôgic của Satan, Ngài không trả lời thách thức của nó. Mỗi lần Satan thách thức «Nếu ..., thì...», Chúa Giêsu không thỏa mãn yêu cầu của Satan đặt ra để chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, mà Ngài trích dẫn một lời Thánh Kinh. Chính Lời Chúa soi sáng và mạc khải thế nào là vị trí của một người Con: Là Con tức là biết đặt mình trong tương quan với Cha, trong tương quan với người khác, với anh em. Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta một mô hình sống mới theo lôgic tam nguyên: «Nếu.... Lời Chúa... thì». Lôgic này khác hẳn với lôgic nhị nguyên của Satan.
Lôgic nhị nguyên: Đó là lối suy lí chỉ có hai vế: nếu A thì B. Trong Kinh Thánh chúng ta gặp kiểu suy luận này rất nhiều, đó không phải là suy luận dẫn đến đức tin. Ngay trong trình thuật sa ngã trong sách Sáng thế chương 3 Satan đã con người vào trong lôgic nhị nguyên này. Satan đặt Thiên Chúa như là đối trọng của con người, nó xóa bỏ khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người tượng trưng bằng lệnh cấm ăn trái sự sống. Chính lệnh cấm này là điểm quy chiếu nhờ nó mà con người biết mình là ai, và biết sống thế nào để đạt đến hạnh phúc tròn đầy, để được phái triển đến mức hoàn hảo nhất. Khi con người muốn loại bỏ đi khoảng cách này bằng việc đưa tay hái trái cấm, con người đã đánh mất tương quan với Thiên Chúa, chính cái tương quan làm cho con người là con người. Hậu quả là con người đánh mất chính mình. Lôgic nhị nguyên rõ ràng nhất trong công thức "Thấy - Tin". Người Do thái thường đòi Chúa Giêsu cho dấu lạ để tin. Chúa Giêsu tu chối vì Thấy chỉ dẫn đến Biết chứ không dẫn đến Tin. Trong biến cố truyền tin cho ông Dacaria, ông đòi một dấu để tin. Ông vào trong lôgic nhị nguyên nên ông bị kẹt ở trong đó và ông không nói được. Đó cũng là một dấu cho ông để đến khi khi ông đặt tên Gioan (một cái tên không đến từ ông mà đến từ Đấng Khác) cho con ông, ông nhớ đến Lời Chúa đã nói với ông và ông thoát ra được sự đóng kín đó.
Lôgic tam nguyên: Đây là lôgic của lòng tin, lôgic của ơn cứu độ. Lôgic này bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba ngôi, một nguồn sống thông chuyển giữa ba ngôi vị. Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ con người cũng qua trung gian của người thứ ba đó là Đức Giêsu. Đức Maria khi nhận lời truyền tin, có Chúa trong mình thì lập tức đi viếng bà Elisabeth, và bà Elisabet ngợi khen Thiên Chúa qua Mẹ Maria: lòng tin, lời cảm tạ thông chuyển trong vòng tròn : Thiên Chúa - Đức Maria – Bà Elisabeth. Chúng ta gặp rất nhiều ví dụ tương tự như thế, vai trò người trung gian thật rõ ràng. Thánh Phao lô cũng khuyên các tin hữu hãy bắt chước ngài như ngài bắt chước Đức Kitô. Chúng ta thấy rất rõ lôgic này trong hành trình đức tin: Thấy – nghe/nhớ lại (lời Chúa) – Tin. Tin Mừng thánh Gioan chương 20 kể lại việc các bà ra thăm mộ Chúa ngày phục sinh. Các bà thấy mộ trống (dấu) các bà nghĩ là có người đã lấy trộm xác Thầy mình. Đó là suy luận theo lối nhị nguyên. Ngược lại, thánh Gioan đến mộ, ông thấy và ông tin. Giữa thấytin ở đây có một khoảng trống. Cái thấy nhắc Gioan nhớ đến những điều Đức Giêsu đã nói với các ông về cái chết và phục sinh của Ngài. Chính nhờ cái nhớ (nghe trong thâm tâm) này mà ông tin. Cũng thế hai môn đệ đi đường Emmau đã tin nhận ra Đức Kitô khi Ngài bẻ bánh. Chính cử chỉ bẻ bánh (mà các ông thấy) nhắc các ông nhớ lại các lời Kinh Thánh và nhờ đó các ông tin. Chúng ta có thế tìm thấy rất nhiều những ví dụ tương tự trong Kinh Thánh.
Câu chuyện về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu giúp chúng ta suy nghĩ về cách sống của một con người. Con người chỉ thực sự là mình khi sống vị trí của mình trong tương qua với người khác, với Đấng Khác. Khi đứng trước một lựa chọn, một quyết định, một cơn cám dỗ.... con người cần có một «tiêu chuẩn thứ ba» để quy chiếu. Sự hữu lí thôi chưa đủ (đó là sống theo lôgic nhị nguyên), cần phải có những tiêu chuẩn khác như: Điều đó tốt nhưng có cần thiết không? Đâu là chỗ của người khác, của Đấng Khác trong đời sống của tôi? Đâu là chỗ của tôi, trong tương quan với người khác, với Đấng Khác?... Câu trả lời của Chúa Giêsu nói lên sự cần thiết phải có một khoảng trống nào đó (yếu tố trung gian của lôgic tam nguyên) trong con người giữa nhu cầu và thỏa mãn nhu cầu. Khoảng trống đó có thể là một sự thiếu thốn một cái gì đó. Chính chỗ thiếu đó là chỗ dành cho người khác, cho Đấng Khác. Nhờ vậy mà con người không bị đóng kín trong logic quyền lợi và có thể trở nên chính mình trong con người thập toàn theo hình ảnh của Thiên Chúa. Chúa Giêsu chỉ thật sự là Con Thiên Chúa, được tôn vinh trên mọi danh hiệu khi Ngài chấp nhận từ bỏ điạ vị ngang hàng với Thiên Chúa, chấp nhận sống kiếp phàm nhân, vâng phục cho đến chết và chết trên thấp giá theo thánh ý Đức Chúa Cha (x. Pl 2,6-11). Chúng ta muốn trở nên chính mình, tức là hình ảnh thật của Thiên Chúa, chúng ta cũng không có con đường nào khác.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP