Trong thời gian vừa qua có một số sự kiện được nhiều người đặc biệt quan tâm. Người ta đã tiêu tốn biết bao thời gian, công sức và cả giấy mực cho những sự kiện này. Đó là sự cố Hoa Hậu Việt nam 2008, việc tòa án hiến pháp Thái Lan truất chức thủ tướng Samak, và vấn đề tranh chấp đất đai ở Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà. Trong cả ba sự kiện này có một điểm chung là ở đó có một sự trục trặc, một sự tiêu cực, một hậu quả mà người ta không mong muốn nó xảy ra. Đáng tiếc thay, nguyên nhân của những điều tiêu cực chẳng ai mong muốn đó lại chính là sự phạm quy từ phía những người có quyền, những người có nhiệm vụ thi hành và bảo vệ luật pháp.
- Phạm quy là gì?
Theo Từ điển Tiếng Việt Phổ Thông của Viện Ngôn Ngữ Học, nxb TPHCM, 2002, trang 697, thì phạm quy là phạm lỗi, làm trái quy định của cuộc thi. Ở đây tôi muốn dùng từ phạm quy theo một nghĩa rộng hơn, tức là tình trạng vi phạm những quy định hợp pháp của bất cứ một tổ chức xã hội nào đó, và có thể thuộc phạm vi quốc gia hoặc quốc tế. Như vậy, đối với kì thi Hoa hậu Việt nam 2008, thì đó là vi phạm quy chế của Bộ Văn Hoá Thể Thao Du Lịch….., Với cựu thủ tướng thái lan Samak, hay liên quan đến vụ tranh chấp đất đai ở Toà Khâm Sứ và thái hà thì đó là sự vi hiến và trái pháp luật.
Ở cuộc thi Hoa hậu Việt nam 2008, quy chế số 37/2006/QĐ-BVHTT nêu rõ thí sinh dự thi hoa hậu phải “có trình độ văn hoá tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên” (Điều 4, khoản 2, mục 2.2), thế mà ông trưởng ban tổ chức Dương Xuân Nam không thèm để ý tới mà còn chống chế rằng, ông “nhanh nhẹn đi trước một bước, áp dụng thí điểm” một dự thảo nào đó chưa được công nhận!
Trong khi ở Thái Lan, có lẽ ông cựu thủ tướng không để ý hay “nghĩ chưa tới” những quy định của hiến pháp nước mình. Do vậy mà ông đã sơ xảy vi phạm hiến pháp (vì nếu ông nghĩ tới, ông sẽ không bao giờ dám làm điều đó, để dẫn đến tình trạng bị mất chức như thế). Luật là luật, cho dù ông ngay tình hay sơ sót, ông vẫn phải chịu trách nhiệm về hành động vi hiến của mình. Người ta đã dựa vào đó để buộc tội ông.
Trong vụ việc Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái hà, theo một số nhà luật học đã có sự vi hiến và “bạo hành hành chánh” ở ngay trong một số văn bản pháp luật, cũng như trong cách hành xử của những người nắm quyền, cụ thể là UBND thành phố Hà Nội. (xin xem bài “Nhà nước Pháp Quyền qua vụ việc hành sử của Chính Quyền liên quan tới Bất Động Sản thuộc Nhà Thờ Xứ Thái Hà” của Ls Lê Trần Nguyên đăng trên Vietcatholic,Thứ Tư 03/09/2008 11:52; và bài “UBND thành phố Hà Nội “bạo hành hành chánh” của Thiện Giao, VietCatholic News, Thứ Ba 23/09/2008 16:07).
Vì sao lại có những sự phạm quy này? Nguyên nhân thì có nhiều, ta thử điểm qua một vài nguyên nhân chính sau đây:
- Nguyên nhân
- Sự thiếu hiểu biết
Thiếu hiểu biết là một yếu tố dẫn đến những việc phạm quy đáng tiếc. Báo điện tử DanTri.com.vn ngày 13/07/2008 có bài “Những sai phạm ngớ ngẩn trong kỳ thi ĐH” kể lại những trường hợp phạm quy thật ngớ ngẩn như: khi cán bộ coi thi vừa phát đề thì có một thí sinh reo lên “Yeah, yeah”, hoặc thi gần xong thì điện thoại tự nhiên reo lên do người nhà sốt ruột, gọi hỏi thăm tin tức, hay ngay cả một giám thị rảnh rỗi không biết làm gì đành làm … thơ! Những chuyện tưởng như nhỏ nhưng dẫn đến hậu quả lại không nhỏ chút nào. Phần nhiều những trường hợp dở khóc dở cười này là do thiếu hiểu biết.
Trường hợp vi hiến của cựu thủ tướng Thái lan Samak có lẽ không do thiếu hiểu biết nhưng có lẽ do ông không để ý hoặc nghĩ chưa tới. Ông không nghĩ rằng việc ông dạy nấu ăn vài lần trên truyền hình lại vi phạm hiến pháp, và người ta có thể dựa vào chuyện này để buộc ông phải rời ghế thủ tướng vào một ngày nào đó.
- Coi thường luật pháp
Nhưng có lẽ nguyên nhân thường thấy nhất chính là thái độ coi thường pháp luật của người có quyền. Người ta vẫn thường nói luật ở phía kẻ mạnh. Khi người ta có quyền, rất dễ nảy sinh tâm lí là mình có thể làm bất cứ điều gì, kể cả làm ra luật! Do đó việc vi phạm luật là điều rất dễ xảy ra. Do vậy mà chẳng lạ gì việc ông chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho mình cái quyền cảnh cáo Đức TGM Hà Nội cũng như các cha DCCT ở Thái Hà theo sở thích và cách của ông, mà không cần tìm hiểu xem pháp luật có cho phép không và có đúng cách thức mà pháp luật đòi hỏi hay không. Vì vậy các nhà luật học cho rằng ông đã “bạo hành hành chánh” và có thể bị thưa ra toà.
Sự việc cũng hoàn toàn tương tự với ông Trưởng ban tổ chức giải Hoa hậu Việt nam 2008. Ông cũng cho mình cái quyền làm luật và ở trên pháp luật, nên ông không cần quan tâm đến bản quy chế hiện hành của Bộ liên quan đến việc thi Hoa hậu. Mặc dù ông biết quy chế không cho phép nhưng ông vẫn cố tình làm sai. Ông nghĩ rằng luật cũng chẳng bằng cái quyền của ông.
Tôi chỉ đơn cử hai trường hợp điển hình, nhưng thực ra sự phạm quy do coi thường luật pháp thì rất phổ biến. Nó có mặt trong mọi lãnh vực: chính trị, xã hội, giáo hội, đời tu,… và ở mọi cấp độ.
- Tự tôn và thiếu tôn trọng người khác
Phạm quy cũng xuất phát từ thái độ tự tôn và thiếu tôn trọng người khác. Khi người ta nghĩ rằng mình là nhất, chỉ có mình mới đúng, mới có lý thì người ta dễ “bỏ qua” luật lệ và làm theo ý riêng của mình. Có thể người có quyền nghĩ rằng người khác không biết, hoặc họ chẳng làm gì được mình nên muốn làm gì thì làm tuỳ theo cảm tính của mình.
- Vừa đá bóng vừa thổi còi
Sự nhập nhằng trong cơ chế cũng là nguyên nhân dẫn đến phạm quy. Trong các chế độ dân chủ, quyền bính được phân ra ba trục tách biệt nhau: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Người nắm quyền hành pháp không có quyền ra luật, và nếu hành sử quyền không đúng thì có ngành tư pháp xử lý. Chính nhờ chế độ tam quyền phân lập này mà sự tiêu cực, lạm dụng bị hạn chế đáng kể. Trong cơ chế tổ chức quản lí, cũng như trong các văn bản pháp lí, nếu không có sự rõ ràng, tách bạch sẽ là nguyên do của nhiều nhiều thứ lợi dụng quyền hành và phạm quy sau này.
- Hậu quả
Hậu quả của phạm quy thì vô vàn. Từ nhẹ đến nặng. Cả trên bình diện cá nhân lẫn tập thể.
Đầu tiên là đánh mất lòng tin nơi người khác. Thật vậy, khi một người phạm quy, không tôn trọng những quy định, luật lệ (nhất là lại là người nắm quyền), thì không thể tạo được niềm tin nơi người khác. Người đó có nói hay thế nào cũng khó thuyết phục. Vì “trăm nghe không bằng một thấy”. Giả dụ người đó có quyền và dùng quyền để áp đặt lên người khác thì cùng lắm người ta cũng chỉ khẩu phục chứ không tâm phục.
Khi đã đánh mất lòng tin nơi người khác thì thật khó lòng kêu gọi sự cộng tác trong công việc. Người ta chỉ có thể cộng tác với nhau khi người ta tin nhau và biết tôn trọng nhau. Bằng không thì không có sự cộng tác thật sự mà chỉ là một hình thức trao đổi nào đó, hoặc vì phận vụ bắt buộc phải làm mà thôi. Hậu quả là công tác quản lí và điều hành công việc sẽ lộn xộn và kém hiệu quả. Người nắm quyền hành cách độc đoán và phạm quy sẽ ngày càng bị cô độc và cô lập.
Ngoài ra nếu tình trạng phạm quy liên quan đến những vấn đề lớn và trầm trọng thì có thể gây nên tình trạng mất trật tự và bạo động. Bạo động có thể ở nhiều cấp độ khác nhau: tình cảm, ngôn từ hoặc cả hành động nữa. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” là điều đương nhiên xảy ra.
- Biện pháp xử lý
Trước tình trạng phạm quy như thế thì phải làm thế nào? Nhìn lại các nguyên nhân vừa điểm qua ở trên, ta cũng thấy có nhiều cách để khắc phục tình trạng trên. Có những biện pháp mang tính đề phòng và cũng có những biện pháp mang tính chữa trị.
Biện pháp đề phòng đòi hỏi phải có một thời gian chuẩn bị khá dài. Đó là trách nhiệm của công tác giáo dục. Một sự giáo dục toàn diện, mà đặc biệt là về mặt nhân bản. Con người phải được dạy và rèn luyện cho biết tôn trọng sự thật, tôn trọng các qui định pháp lí hợp pháp, và biết tôn trọng người khác. Đồng thời trong các công tác tổ chức quản lí, làm thế sao phải thật rõ ràng minh bạch và tách bạch. Cố gắng tránh sự lập lờ chồng chéo cả trong cơ cấu thực tiễn lẫn trong văn bản pháp qui hướng dẫn. Nhất là nên hạn chế hết sức (loại bỏ được càng tốt) trường hợp “vừa đá bóng vừ thổi còi”.
Khi tình trạng phạm quy đã xảy ra thì phải có biện pháp chữa trị hay xử lí. Tuỳ theo tình hình có thể có những hình thức sau: Đối thoại xây dựng và sửa sai, cảnh cáo hoặc truất phế.
Phương sách lí tưởng và “tình cảm” nhất là đối thoại xây dựng và sửa sai. Đây là cách thức ta thấy được sử dụng thường xuyên nhất. Khi việc phạm quy được phơi bày, người ta tiến hành “phê bình và tự phê bình”. Người vi phạm nhận ra sự sai phạm, khuyết điểm của mình, chấp nhận sửa sai và nếu có làm thiệt hại điều gì cho ai thì phải bồi thường, thì coi như vụ việc đã được giải quyết. Tất nhiên việc đối thoại xây dựng và sửa sai này phải được làm một cách thật sự nghiêm túc, chứ không phải là một màn diễn kịch rồi sau đó đâu lại vào đấy.
Tuy nhiên có những trường hợp người phạm quy không có cơ hội để sửa sai như trường hợp vi phạm quy chế các cuộc thi. Kể cả ngay tình, những thí sinh vi phạm quy chế sẽ bị cảnh cáo (nếu nhẹ) hoặc bị loại hẳn khỏi cuộc thi. Chúng ta không khỏi nhiều lần bùi ngùi tiếc nuối cho những thí sinh hoặc những vận động viên xuất sắc bị loại vì những phạm quy vô tình hoặc ngớ ngẩn. Tuy nhiên cũng có những phạm quy bị người ta cho là “đáng đời” như quay cóp, như sử dụng doping chẳng hạn.
Cựu thủ tướng Thái lan Samak hẳn chắc phải lâu lắm mới tiêu hoá được hành động vi hiến của mình. Một hành động xem ra chẳng quan trọng gì. Chỉ hai lần dạy nấu ăn trên truyền hình. Một việc bản chất là tốt nhưng lại bị cấm đối với một vị thủ tướng. Người ta đã lợi dụng việc đó để truất phế ông khỏi chiếc ghế thủ tướng. Sự việc thật khó lường.
Để kết thúc tôi xin mượn lời Kinh thánh trong thơ thứ nhất của thánh Phêrô: “Anh em hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn anh em” (1P 3,15). Vâng, khi chúng ta luôn luôn có thể trả lời một cách đàng hoàng, hợp tình hợp lí, về những hành vi của mình thì chúng ta có thể an tâm và tin chắn rằng chúng ta không phạm quy!
Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán
0 nhận xét:
Đăng nhận xét