Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Quê Nghèo Của Tôi, Và Đâu Là Sự Đồng Hành Của Giáo Hội?


1. Miền Tây Nam Bộ là nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Nơi đây là một vùng nông thôn trù phú với những cánh đồng lúa bát ngát, những vườn cây xanh trĩu quả, những nhánh sông chằng chịt nặng phù sa và đầy tôm cá. Nhà tôi nằm trên bờ một con kênh xuyên qua cánh đồng lúa ngút ngàn một màu xanh mơn mởn hoặc vàng ươm khi mùa nước cạn, và xuyên qua một biển nước bao la một màu tráng ngần khi mùa nước lớn. Trên cánh đồng lúa, tôi đã theo mẹ đi nhổ cỏ, theo cha đi xạ lúa, bón phân. Dưới dòng sông nhỏ, tôi đã theo anh đi mò cua bắt ốc. Bên ngọn đèn dầu trong đêm tĩnh mịch, chị dạy tôi đánh vần, tập viết a, b, c… Con đường đất sình lầy vào mùa mưa và bụi mù vào mùa nắng dọc theo bờ kênh đã đưa các bạn và tôi đến trường; và bây giờ, cũng con đường này đã đưa tôi về thăm nhà vào những kỳ nghỉ. Từng ánh nắng, ngọn gió, hạt mưa, và ánh sao đêm  của miền quê đã  khắc sâu trong đời sống và ký ức của tôi. Tôi nhận ra rằng, hình hài, nhân cách, và con người của tôi đã được bắt đầu và hình thành tại nơi đây.
Nhưng nghịch lý thay, giữa cái cảnh trù phú do thiên nhiên ưu đãi ấy là cảnh sống nghèo nàn và sự lầm than của người dân. Khi có dịp đi xa, rồi hướng nhìn về quê nhà, tôi nhận ra rằng quê tôi còn nghèo nàn lắm. Người nông dân chân lấm tay bùn, làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Là người làm ra những hạt lúa thơm ngon, nhưng trên tay thì lại bưng những chén cơm hẩm hiu, vì những hạt lúa thơm ngon kia đã phải bán đi để trả tiền thuế, tiền phân, thuốc sâu, xăng dầu, công cán, và nhiều khoản không tên khác nữa. Người đi làm thuê làm mướn thì còn khổ sở hơn, không chỉ vất vả trong nắng mưa, mà ngay cả bữa ăn cũng không đủ no. Có những bữa ăn chỉ với muối ngô dầm ớt, hoặc khá hơn thì ít cọng rau với vài trái cà ghém, hoặc khá hơn nữa thì có vài con cá kho. Tội cho những em học sinh, lưng ướt đẫm mồ hôi, cố đạp xe cho nhanh qua quãng đường gồ ghề mấy cây số giữa trời nắng nóng để kịp giờ đến lớp.
Tuy nhiên, giữa quê nghèo này lại rất giàu về một thứ, và thứ này còn quý giá hơn tiền bạc châu báu, đó là tình yêu thương, đặc biệt là tình yêu gia đình. Để tôi được no bụng và kịp giờ đến trường, suốt mấy năm trời mẹ đã không ngần ngại thức sớm để thổi rơm bắc bếp, chuẩn bị cho tôi một chén cơm ngon. Mỗi khi đi đâu từ xa về, thì cả nhà náo nức chờ trông và vui cảnh sum vầy. Chính tình yêu này đã nuôi dưỡng tôi, sưởi ấm tôi trong những khi tôi chán chường, cô đơn và nghi nan. Chính tình yêu này dạy tôi biết về một tình yêu tuyệt đối–tình yêu Giê-su. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi dám chắc rằng, những em học sinh lưng uớt đẫm mồ hôi kia, cũng giống như tôi, được yêu thương hết mực. Họ là niềm vui và là hy vọng của quê nghèo của tôi. Phần tôi, mặc dù chưa làm được điều gì tốt cho gia đình và quê hương, nhưng vấn đề làm sao để mãi biết trân trọng và làm triển nở tình yêu này, vẫn luôn là khát vọng và trăn trở trong tôi. Trong ánh sáng của niềm tin, của tình yêu Giê-su, một tình yêu tuyệt đối được thắp sáng qua Giáo hội, tôi tìm kiếm, lắng nghe, và phó thác cùng Giáo hội vào tình yêu ấy với hy vọng là tình yêu sẽ được triển nở trong tôi.
2. Nói về cái nghèo, thì quê tôi nghèo đủ thứ, không chỉ nghèo về cái ăn cái mặc, mà còn nghèo về các phương tiện sinh sống. Lấy một ví dụ đơn giản, trong khi ở các nước như Nhật, Hàn Quốc, Triều Tiên, một người lao động bình thường, nếu tiết kiệm thì một tháng lương có thể mua được một chiếc máy tính xách tay, thì tại quê tôi, cả gia đình làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn chưa đủ tiền để mua một cái máy như thế. Đó là đang nói trong một hoàn cảnh ổn định, còn nếu trong hoàn cảnh tụt giá hoặc mất giá như đã xảy ra đối với cà phê, mía, và lúa những năm trước đây, thì không những không thể mua một máy tính mà còn trở nên nợ nần, rồi nhiều gia đình đã phải bán đi nhà cửa đất đai. (Ở đây, tôi xin miễn bàn về chính trị và chính sách xã hội.)
Với hy vọng giúp gia đình bớt nghèo, nhiều thanh niên thiếu nữ đã phải rời quê để đi làm thợ hoặc công nhân đây đó. Nếu được đi làm công nhân ở nước ngoài, thì đó là một ước mơ. Cũng là lao động, nhưng vì sao sức lao động ở quê tôi lại rẻ mạt đến thế?! Để thoát khỏi cái lầm than lam lũ của cái miền quê nghèo nàn, nhiều thiếu nữ đã mộng tưởng quá sức đến một cuộc hôn nhân với người nước ngoài. Người nước ngoài cao quý thật!!! Hay tại vì quê tôi nghèo cả về nhân phẩm và về giá trị con người??? Nếu không có được một hôn nhân như mong ước, thì con đường làm gái bán thân có lẽ cũng không đến nỗi vất vả như số phận một người suốt ngày trên cánh đồng, dãi dầu với nắng mưa, đen đủi, lem luốc, và đói rét. Bên kia biên giới Cam-pu-chia, có biết bao cô gái trẻ từ quê tôi đã chọn con đường này. Xin đừng hiểu lầm rằng tôi miệt thị con người của quê hương tôi! Nhưng nếu những ai cùng mang một khắc khoải và trăn trở, thì đây là nỗi xót xa chung của chúng ta.
Về các dịch vụ phục vụ cho những nhu cầu con người cơ bản như sức khỏe, giáo dục, thông tin truyền thông và giải trí thì cũng còn rất nghèo. Một người nào đó trong gia đình bị bệnh, thì cả gia đình phải gồng gánh nhau lên thành phố xa xôi, để chờ chực khám bệnh và thăm nuôi. Việc học hành thi cử của các sỹ tử thì cũng không kém phần nhiêu khê. Gia đình bón xén cả năm mới dành dụm được ít tiền cho con đi thi. Khăn gói lên thành phố, chưa đặt chân đến được cổng trường đại học, thì đã “được” anh xe ôm đưa đi “dạo phố,” rồi sau đó phải trả tiền với một cái giá cắt cổ. Cái tập tục đưa người khác vào mê hồn trận như thế này chỉ là một trong những kết quả của một nền giáo dục nghèo nàn. Một hệ thống giáo dục đã đào tạo những CON người đối xử với con người như thế. Trong hệ thống ấy, một ngày kia, khi sỹ tử ra trường rồi và đã trở thành ông chủ, thì những món nợ bị bóc lột kiểu này cũng sẽ rất có thể được trả bằng việc bóc lột lại những người khác ở mức độ cao hơn. Lĩnh vực thông tin và giải trí thì cũng không khá hơn. Không đủ ăn đủ mặc, thì lo chi đến giải trí với thông tin. Hơn nữa, nếu dịch vụ thông tin tốt, thì… lấy ai làm “hai lúa” để anh “xe ôm” kia có dịp đưa đi “dạo phố”.
Ngay cả trong tinh thần sinh hoạt đời sống tôn giáo thì quê tôi cũng vẫn còn nghèo lắm. Ý của tôi ở đây không đề cập đến sự đối lập của thế lực vô thần, nhưng là nói về sự nghèo nàn do chính nội bộ tôn giáo mang lại. Nói đến đây, tôi, như là một tu sỹ, có thể bị chỉ trích rằng, tôi đã quá đam mê vào chuyện thế gian và quá dính bén đến sự giàu sang của trần thế hư nát, vì với tư cách là một tu sỹ thì chỉ nên quan tâm đến các việc đạo đức linh thiêng, nêu gương sáng, và dạy mọi người biết yêu thương. Cũng giống như vậy, người giáo dân được dạy hãy cam chịu những đau khổ ở đời này, để được phần thưởng ở đời sau. Hãy tuân giữ những giới răn và vâng phục những giáo huấn của Giáo hội, thì sẽ được ơn cứu độ là sự sống muôn đời. Thỉnh thoảng chúng ta cũng đọc được trong sách báo đây đó các bài viết liệt kê hàng loạt những thói hư tật xấu của người thời nay, tiếp đó là một danh sách dài các điều khoản phải như thế này hoặc phải như thế kia. Kiểu giáo huấn như thế này có thể mang lại trật tự và sự ngoan ngoãn vâng phục, nhưng chính cái trật tự và sự vâng phục ngoan ngoãn này là sự “nghèo nàn” trong Tin Mừng. Cách giáo huấn này không thật sự mang Tin Mừng đến với con người như là người, nhưng là một cách nào đó đang đào tạo những con người thành những công cụ cho những người mang danh lãnh đạo tinh thần và bảo vệ đức tin. Cách giáo huấn và lối sống này đã bị vạch trần và kết án từ lâu bởi các hiền nhân như Martin Luther, Karl Marx, Friedrich Wilhelm Nietzche, và nhiều người khác nữa. Sự giàu có nơi tôn giáo dĩ nhiênnhất quyết không phải là “thuốc phiện” cho nhân dân. Dĩ nhiên là vì tự bản chất tôn giáo không là “thuốc phiện”; và nhất quyết là vì tôn giáo cần chúng ta tham gia và sống một cách tự do, phong phú và giàu có, đúng với tương quan của con người như là người trong hình ảnh của Thiên Chúa.
Là một tu sỹ Dòng Thánh Gia, tôi được thấm nhuần điều răn dạy, “Hãy sống khiêm tốn và chuyên tâm lo việc dạy giáo lý!” Nhưng khiêm tốn như thế nào và việc dạy giáo lý như thế nào? Tôi nghĩ rằng nhiều người hiểu, cảm nhận và vận dụng điều này ở nhiều mức độ sâu cạn khác nhau, nhưng tôi dám chắc rằng không ít người vận dụng nó với ý nghĩa, “Đừng tìm hiểu sâu xa hơn hay mở rộng hơn, nhưng hãy vâng phục và tuân giữ những gì được truyền dạy thôi!” Tôi dám chắc là vì ít nhất một lần tôi đã được nghe kèm theo lời nhận định, “Học hành đây đó làm chi, đòi hỏi này nọ làm chi!” Nghĩ thoáng qua thì có vẻ thật thâm sâu, thấm nhuần tinh thần hiệp nhất, phó thác và vâng phục, nhưng thực ra, có phải nó là một nhận định quá ngây ngô và rất giới hạn. Đời sống con người không đơn giản như vậy. Dẫu biết rằng con người cứ muốn bay lên, nhưng đồng thời con người cũng phải tỉnh thức để nhận ra rằng, miếng ăn cái mặc nó đang bám lấy chân mình. Muốn bay vút lên trời xanh, con người không nằm mơ bay lên như chim, nhưng phải chủ động bắt tay vào việc làm nên máy bay, phi thuyền để giấc mơ kia thành hiện thực. Con người được mời gọi đáp trả tình yêu và sự sống muôn đời của Thiên Chúa, nhưng làm sao có thể đáp trả nếu con người không đáp trả bằng chính mình: con người cụ thể trong một môi trường cụ thể với sự tỉnh thức và chủ động? Nói như thế không có nghĩa là con người có khả năng đáp trả tình yêu Của Thiên Chúa bằng chính năng lực của mình, nhưng bằng chính những gì Thiên Chúa đã khởi đầu và đã đặt nơi con người.
Phải chăng tôi đã thái quá khi nói về cái nghèo của quê tôi? Trong lịch sử loài người, chưa bao giờ điều kiện vật chất đầy đủ và phong phú như ngày nay, chưa bao giờ sự hiểu biết về tôn giáo được mở rộng và tôn trọng như ngày nay, chưa bao giờ nhân phẩm và giá trị con người được được bảo vệ và trân trọng như ngày nay, thì làm gì có chuyện nghèo. Hơn nữa, thế giới này sẽ qua đi, nhưng chỉ sự sống nơi Thiên Chúa là còn mãi; như vậy, sự giàu nghèo đâu có ý nghĩa thực của nó. Hơn thế nữa, nếu có cái nghèo, thì nó có giá trị cao quý của nó, “Phúc thay ai nghèo khó, vì nước trời là của họ” (Lc 6:20). Như vậy, phải chăng chúng ta đã uổng phí thời gian để nói về cái nghèo, hoặc cái nghèo mà chúng ta đang nói đến là một cái nghèo khác?
Những gì đã được nói đến, chỉ là đấu chỉ của một cái nghèo thật, một cái nghèo tiêu cực, tinh vi ẩn nấp và dấu tên. Nếu chỉ trong Thiên Chúa mới có sự viên mãn và giàu có, thì cái nghèo dấu tên này chính là sự chối bỏ thông phần với tình yêu của Thiên Chúa, đó là thái độ ích kỷ và khép kín của chúng ta, đặc biệt là đối với những người có trách nhiệm. Thay vì cởi mở lòng mình để đón nhận và thực thi tình yêu, thì chúng ta, mà đặc biệt quan trọng là những người có trách nhiệm, đã khép kín lòng mình, đã quá “nghèo nàn” trong việc đáp trả lời mời gọi tình yêu của Thiên Chúa qua những “dấu chỉ của thời đại”, qua những khác biệt, những điều mới tiến bộ; đã quá “nghèo nàn” trong việc cởi mở chính mình vì sợ mất quyền lực, địa vị, tiếng nói hay lợi ích cá nhân. Nếu chúng ta không nói đến cái nghèo trần thế, thì trước cái nghèo tâm linh này, đâu là tiếng nói và sự hiện diện của Giáo hội, đặc biệt là Giáo hội địa phương?
3. Đứng từ xa, hoặc từ trên cao nhìn xuống, thì liệu đó có phải là sự hiện diện thật của Giáo hội trước trước nỗi đau đớn vì nghèo của nhân loại, của quê hương? Trong hoàn cảnh của quê hương tôi, khi những đôi vợ chồng nghèo sống dưới những căn chòi lá nằm heo hút nơi những cánh đồng hiu quạnh, liệu giáo huấn về kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên có thiết thực không? Khi phải làm lụng vất vả mà vẫn không đủ ăn đủ mặc, và con cái thì nheo nhóc kêu la, thì hỏi rằng làm sao con người ta không trở nên chè chén say sưa, rồi ngông cuồng man dại? Quanh năm suốt tháng lam lũ với nắng mưa sình lầy, thì hỏi rằng làm sao một thiếu nữ xuân thì làm sao không bị cám dỗ bởi một ngày được nhàn hạ và mặc đẹp? Và còn biết bao câu hỏi rất thiết thực khác nữa. Giáo hội trên quê hương tôi nói gì và giúp gì trước những vấn đề như thế này trong giáo dục luân lý và đức tin?
Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II dạy rằng, lao động là một đặc trưng phân biệt con người với các tạo vật khác, và những hoạt động thuần túy để tồn tại thì không được gọi là lao động. (Laborem Exercens, 1). Trong một Tông thư khác, ngài dạy, “Con người là con đường chính yếu và cơ bản cho Giáo hội”, hoặc “Tất cả các con đường của Giáo hội đều quy hướng về con người” (Redemptor Hominis, 14). Nếu áp dụng những lời dạy này vào hoàn cảnh quê hương của tôi, thì Giáo hội trên quê hương tôi đã, đang và sẽ đi qua con đường của nhân loại như thế nào khi gặp phải những con người chưa được là “người”, vì họ vẫn đang ở mức độ vật lộn với sự sinh tồn và vẫn chưa đạt tới mức độ có lao động sáng tạo? Ân sủng được trao tặng qua tự nhiên. Thực tại của cái nghèo tự nhiên nơi quê tôi vẫn đang chờ trông ân sủng qua bàn tay hữu hình của Giáo hội địa phương yêu dấu. Mong sao quê hương tôi được thăng hoa từ thực tại tự nhiên này!
Vì nhiệt huyết nóng vội bảo vệ và bênh đỡ Giáo hội, có lẽ có người mạnh miệng nói rằng, Giáo hội đã và đang làm biết bao những công tác từ thiện, đã giúp đỡ được biết bao người thoát khỏi cảnh nghèo đói cả về vật chất lẫn tinh thần. Phải thừa nhận là như vậy. Hoạt động quyên góp và ủng hộ được quan tâm rất nhiều trong Giáo hội. Một cách rõ ràng hơn hết là những xả thân quên mình của những Giám mục, Linh mục, các Tu sỹ nam nữ và những giáo dân hảo tâm nơi vùng sâu vùng xa, những nhà thương, những trung tâm cho người bất hạnh, và ở mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, cũng nên nhận thấy rằng, chính những nơi giàu có lại có những cạm bẫy của cái nghèo buốt giá. Một gia đình giàu có chưa chắc là không có sự hiện diện của nghèo khổ. Cũng vậy, đàng sau những hoạt động yêu thương này lại rất có thể có những cạm bẫy chống lại yêu thương. Chúng ta có thể chỉ ra ba loại cạm bẫy ở đây. Thứ nhất, đó là cạm bẫy của lòng thương hại.
Thấy một người sắp chết đói.
Tội nghiệp! Bố thí cho mấy đồng bạc.
“Thế là đủ rồi nhé,” lòng tự nhủ.
Rồi tiếp tục bước đi.
Ở đây, người được tội nghiệp chỉ là đối tượng của lòng thương hại mà thôi. Người làm ơn đứng ở vị trị trên cao, ban bố của bố thí xuống người chịu ơn. Hành động thương hại này không khác gì mấy với việc ta thương hại những con vật bất hạnh mà ta gặp phải.
Thứ hai, đó là cạm bẫy của sự gây ảnh hưởng. Tôi tự nhủ, “Thôi thì cho nó vài đồng, để nó khỏi quậy phá, khỏi ăn cắp ăn trộm.” Hoặc sâu sắc hơn, những cử chỉ yêu thương có thể là những chiến thuật tinh vi trong cạnh tranh quyền lực.
-          Như anh chị em biết, tôi chia sẻ với anh chị em những gì mà tôi có. Gia tài của tôi, năng lực của tôi, tôi đã đem ra phục vụ anh chị em. Chúng ta đoàn kết và yêu thương. Đó là mong muốn của tôi.
-         
-          Tôi là người biết quan tâm và lo lắng đến anh chị em. Ai theo tôi sẽ không bị thiệt thòi.
-         
-          Anh chị em hãy nghe theo tôi! (Giáo hội đã làm những điều tốt lành cho anh chị em, và anh chị em đã nhận lãnh. Hãy phục tùng Giáo hội, thì anh chị em sẽ được tận hưởng ơn lành!)
-         
-          (((Và tôi là vua của anh chị em))).
Mở đầu thì giống như sự hiến thân phục vụ của Chúa Giê-su, nhưng phần kết thúc thì trái ngược. Chúa Giê-su đã chết như người hèn mọn, còn tôi sẽ hưởng thụ cái ảnh hưởng quền lực trên người khác như một ông vua. Một khi người khác đã rơi vào bàn tay khéo léo điều khiển của tôi một cách vô thức, họ chỉ là những công cụ trong tay tôi. Với hình thức là những con chiên ngoan đạo, nhưng chắc gì họ không là những công cụ bị điều khiển bởi Giáo hội?
Thứ ba, đó là cạm bẫy của việc tìm kiếm và thỏa mãn về sự thánh thiện của mình. Qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện –một tự mãn về sự thánh thiện của mình và một gục đầu ăn năn– (Lc 18:9-14), Chúa Giê-su đã cảnh báo chúng ta về hình thức cũng như sự nguy hiểm của loại cạm bẫy này.
Lòng thương hại, sự tinh ranh, và tính tự mãn trong ba loại cạm bẫy trên, tự bản thân, không là những điều xấu. Chúng là những yếu tố tốt, nhưng nếu chúng ta chỉ dừng ở đó và hướng đến chúng như là mục đích cuối cùng vì lòng ích kỷ bản thân, thì chúng lại là những cản trở làm chúng ta “sập bẫy”, thất bại trong việc đáp trả tình yêu. Chúng trở thành những cạm bẫy một khi chúng ta chỉ biết hướng về mình mà không nhìn đến con đường và hướng đi phía trước, một khi người khác, đặc biệt là những người nghèo chưa được hướng đến như là con đường mà chúng ta phải đi qua để đến với tình yêu.
Trước cái nghèo của quê hương, cùng với những thách đố của những “cạm bẫy”, đâu là sự hiện diện của Giáo hội?
Học theo Chúa Giê-su, có lẽ Giáo hội sẽ có thể mang sự giàu có của ân sủng đến cho quê nghèo. Cuộc đời của Chúa Giê-su là cuộc đời của phục vụ, “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20:28). Sự phục vụ và hiến mạng của Người không bằng lý thuyết, nhưng bằng con tim và hành động. “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; nhưng Thầy đã gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Và một khi là bạn, thì sự hiện diện và liên đới là sự hiện diện và liên đới của nhân vị - hiệp thông, tôn trọng, yêu thương, và không có thái độ phân biệt hoặc xét đoán - đó là đời sống của người “đồng bàn với bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Mt 9:11).
Từ bài học nơi thầy Giê-su, Giáo hội tại quê hương tôi đã và đang phục vụ quê nghèo của tôi như thế nào? Giáo hội quê tôi đã thật sự “đồng bàn” với người nghèo, quê mùa và dốt nát? Đã thật sự xem họ là bạn để sẵn sàng đối thoại và trao đổi trong tôn trọng và hiệp thông?
Tôi không dám và cũng không có đủ khả năng để nhận xét và đánh giá về sự hiện diện của Giáo hội địa phương đối với quê nghèo của tôi, nhưng như là một đứa con của quê hương và cũng là một phần tử của Giáo hội, tôi chỉ xin được nói lên những trăn trở của mình mà thôi. Khi nói lên những trăn trở này, dù tôi chỉ là một đứa con nhỏ bé và nhiều khiếm khuyết, cũng mong rằng tiếng nói của tôi được lắng nghe và đón nhận, không phải vì tiếng nói của tôi có giá trị, nhưng vì tôi cũng là một đứa con của quê hương và Giáo hội, và đặc biệt cũng là một “hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1:26).
4. Dù tôi được sinh ra nơi một miền quê nghèo nàn, nhưng tôi cũng biết rằng, dù quê tôi nghèo biết mấy đi chăng nữa, thì đối với thân phận một con người, như thế cũng đã quá là giàu có. Thực ra, tất cả những gì phong phú nhất của cuộc sống một con người, đều đã có và hiện diện trên quê hương tôi. Điều quan trọng là tôi có biết mở rộng lòng mình ra, để đón nhận sự giàu có của cuộc đời, của quê hương tôi. Cuộc đời của tôi, quê hương của tôi với những cánh đồng xanh, những dòng sông nặng phù sa, những tia nắng mặt trời, những cơn mưa, ngọn gió, những gia đình yêu thương, và biết bao điều tốt lành khác nữa, tất cả đều được ban tặng nhưng không từ Thiên Chúa. Sự giàu có được ban tặng nhưng không này thật sự vượt quá sức tưởng tượng và trí hiểu của tôi. Sự giàu có được ban tặng cho tôi, trong tôi, và vì tôi. Thiên Chúa là sự giàu có của tôi và của quê hương tôi.
Trong cuộc đời thực tại, luôn luôn có sự hiện diện của những cái nghèo tạm bợ, những cái nghèo của những lúc khép kín lòng mình; nhưng sự giàu có viên mãn và chân thật thì luôn mãi còn đó. Những cái nghèo tạm bợ không là cùng đích, nhưng chúng như là những nhắc nhở đối với con người, để con người biết đón nhận, biết khát vọng, và đáng  tìm kiếm sự giàu có thật đang hiện diện và luôn mãi phong phú đến vô cùng. Bởi vậy, đời sống của tôi không gì khác hơn và mãi nên là một đời sống của lòng cảm tạ biết ơn. Được yêu thương và trao tặng nhưng không, nên để sống lòng cảm tạ biết ơn, thì không có gì cần phải thực hiện nữa ngoài việc mở rộng lòng mình để đón nhận và chia sẻ nhưng không cuộc đời mình với muôn người và muôn tạo vật.

03/10/2008
Âu Phủ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP