Để cung cấp thêm tư liệu cho những suy tư về căn tính và đoàn sủng của Dòng, Dựng Lều xin giới thiệu một số tài liệu liên quan đến lịch sử và các Đấng tổ phụ của Dòng. Những tài liệu này trích dịch từ những báo cáo thường niên của các vị thừa sai (MEP) ở Campuchia và từ Bản tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP) vào những năm đầu thế kỉ 20, tức thời kì khai sinh của Dòng Thánh Gia
Cha Giuse Vulliez
Cha Giuse Vulliez sinh ngày 5 tháng 3 năm 1912 tại làng Biot (Haute Savoie), thuộc địa phận Annecy, trong một gia đình công giáo đạo đức. Cha Giuse có 3 anh em là linh mục trong địa phận Annecy .
Sau khi học tiểu học với mẹ của ngài ở trường làng Biot, và trung học tại tiểu chủng viện thánh Phanxicô đờ Xan ở Thonon, ngài đến thử ở Hội Thừa Sai tháng 9 năm 1930, nhưng sau đó lại trở về Đại chủng viện Annecy trong hai năm học. Ngài vào dứt khoát chủng viện Hội Thừa Sai ngày 31 tháng 12 năm 1932. Thụ phong linh mục ngày 5 tháng 7 năm 1936, và ngài lên đường truyền giáo Campuchia ngày 15 tháng 9 sau đó.
Trước tiên cha Giuse học tiếng tại họ đạo Russey-keo, sau đó ở họ đạo kì cựu Pinhealu. Đức cha Chabalier vừa được bổ nhiệm giám mục Phnom-penh trao phó cho ngài coi sóc và cải tổ Dòng Các Tu Huynh Thánh Gia, được thành lập bởi Đức cha Herrgott năm 1931. Để đảm nhận trọng trách này, tháng 2 năm 1939, ngài ra học hỏi nơi cha Simon ở Quy nhơn, người đã thành lập một hội dòng tương tự (Dòng thánh Giuse). Dần dần, ngài soạn thảo cuốn luật sống và hoàn chỉnh Hiến pháp dòng. Ngài dự kiến một Tập viện, thậm chí một Thỉnh viện theo đúng quy định của giáo luật. Việc tổ chức hội dòng được thực hiện từng bướcm giữa muôn vàn trắc trở, nhất là trong lúc Nhật chiếm đóng và chiến tranh Đông Dương từ 1945 đến 1954. Dù thế, Dòng vẫn phát triển và đến năm 1963, Dòng đã có 54 đệ tử, 10 tập sinh và 39 thầy khấn. Cũng trong giai đoạn này, từ năm 1939 đến 1968, cha Vulliez còn đảm trách những phận vụ khác : nhiều năm làm tổng đại diện lo việc truyền giáo, một ít năm làm Bề trên địa phương của Hội Thừa Sai. Từ năm 1956 đến năm 1965, ngài cũng phụ trách trường dạy tiếng việt cho những nhà thừa sai trẻ của Việt nam và Campuchia.
Năm 1968, cha Vulliez thấy rằng đã đến lúc nên rút lui, ngài rời Banam và thôi điều hành Dòng Thánh Gia, để rồi trở thành cha sở họ đạo Vĩnh Phước (Prêk-Krabao). Nhưng sứ vụ ở giáo xứ trên bờ sông Mêkông, bên dưới Neak-Lương này, không kéo dài được bao lâu. Tháng 5 năm 1970, ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa cực đoan chống người Việt bùng lên dữ dội. Một số lớn người Việt hồi hương về Việt Nam . Vì thế ngày 9 tháng 5 năm 1970, cha Vulliez cùng với các cha Gouin và Parais và hàng nghìn người Việt nam phải rời Campuchia về Việt Nam. Những người tị nạn ở rãi rác trong những lều trại ở họ đạo Kiến Phong bên bờ Bãi sậy. Họ ở đó trong vòng 3 tháng trước khi đến phá rừng lập xứ mới ở Thống Nhất vào tháng 3 năm 1971. Dần dần, cha Vulliez cho xây dựng một nhà xứ, một trường học, một nhà thờ, một nhà cho các Soeurs. Dân số tăng lên không ngừng. Nhiều người tị nạn mới, thấy sự thành công của trung tâm tái định cư này, cùng kéo đến Thông Nhất. Đến năm 1975, dân số ở đây đã vượt quá 4500 người.
Tháng 4 năm 1975, khi cộng sản tấn công, ban đầu cha Vulliez ở lại Thống Nhất, nhưng 16 ngài quyết định lên đường, với sự hộ tống của thầy Modeste, tài xế của ngài. Trên đường đi, các ngài đã bị Việt cộng bắn. Thầy Modeste bị thương còn cha thì tử nạn. Những người Việt cộng đã báo cho một vài người còn ở lại Thống Nhất biết. Khi họ đến, xác ngài đã được chôn đối diện nhà thờ Hưng bình, dưới gốc một cây ăn trái. Ngày 7 tháng 5, thi hài ngài được đưa về an táng tại Thống Nhất.
Thông Phán trích dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét