Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Cuộc bầu cử lịch sử

Cuộc bầu cử để chọn ra vị tổng thứ 44 của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ được nhiều người gọi là cuộc bầu cử lịch sử. Nếu đánh tên vị tổng thống vừa đắc cử Barack Obama trên trang phương tiện tìm kiếm Google, ta sẽ được con số 103 triệu bài viết có liên quan (cụm từ United States Presidential Election 2008, cho kết quả là 11,700,000). Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ lần này mang tính lịch sử, từ việc chuẩn bị, vận động tranh cử của các ứng viên, tới việc bầu cử và phản ứng của dư luận quốc tế sau khi có kết quả bầu cử.
Vận động tranh cử và cuộc bầu cử 2008
Chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2008 kéo dài nhất (21 tháng) trong lịch sử bầu cử hiện đại. Hai ứng cử viên nỗ lực vận động cử tri cho tới sáng Ngày bầu cử 4-11. Cũng nên nói thêm rằng, đội ngũ tranh cử của ông Obama có 37 văn phòng tại Iowa. Chưa một chiến dịch tranh cử nào khác được tổ chức tốt đến như thế. Đây cũng là cuộc vận động mắc mỏ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Uớc tính trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Obama nhận được tổng số tiền tài trợ khổng lồ trị giá 600 triệu USD (bằng lượng tiền cả hai ứng cử viên G.Bush và John Kerry có được trong mùa tranh cử năm 2004), để chi phí cho cuộc chạy đua của ông vào nhà Trắng.
Ngân sách tranh cử của ông McCain có vẻ khiêm tốn hơn nhiều. Vào tháng bảy, ông McCain bước vào chiến dịch vận động tranh cử với số tiền vào khoảng 95 triệu USD.
Trước đó, ở vòng sơ bộ, các ứng viên cũng đã đổ cả núi tiền đề vận động dành quyền đại diện của hai đảng Dân chủ và Cộng hoà, ứng cử vào chức vị tổng thống.
Chi phí cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 4-11 lên tới 5,3 tỷ USD, mức cao chưa từng có trong lịch sử bầu cử Mỹ.
Thời điểm lịch sử
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này diễn ra vào một thời điểm cũng mang tính lịch sử: Nước Mỹ lâm vào tình trạng suy thái kinh tế trầm trọng, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng. Đến nỗi quốc hội Mỹ phải thông qua gói ngân sách 700 tỉ USD nhằm giải cứu ngành tài chính ngân hàng, đồng thời tìm cách vực dậy nền kinh tế Mỹ.
Về chính sách đối ngoại, Mỹ dường như ngày càng sa lầy trong chiến dịch vãn hồi hoà bình tại Afganistan và Iraq. Người dân Mỹ không còn đủ kiên nhẫn khi thấy con cái của họ vẫn cứ thiệt mạng tại các chiến trường xa xôi này, trong khi nền hoà bình ở những nơi này vẫn cứ mù mịt. Những vụ đánh bom tự sát vẫn cứ liên tục diễn ra và gây biết bao thương vong. Trớ trêu thay, nhiều binh sĩ không còn tin vào chính nghĩa của cuộc chiến tranh này, nhưng họ vẫn đăng kí nhập ngũ trở lại nơi này khi đã mãn hạn, vì không muốn xếp hàng trong tuyệt vọng để xin việc ở trên chính quê hương của họ!
Do đó mà lập trường đối với cuộc chiến ở Iraq (cùng với vấn đề kinh tế), là một trong những điểm mấu chốt trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên tổng thống lần này.
Ứng cử viên tổng thống
Yếu tố làm nên tính chất lịch sử của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần này bắt đầu nơi các ứng viên của đảng Dân chủ: Bà Hillary Clinton và ông Barack Obama. Bất cứ ai đắc cử tổng thống cũng là một biến cố lịch sử lớn lao: Nữ tổng thống đầu tiên, hoặc tổng thống người da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Thế rồi sau cuộc chạy đua dành quyền đại diện đảng Dân chủ ra ứng cử tổng thống đã ngã ngũ – Ông Obama được chỉ định – cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008 cũng vẫn là cuộc bầu cử thu hút nhiều nhất sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước Mỹ, bởi lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, người da đen có khả năng trở thành ông chủ Nhà Trắng. Nếu không, nước Mỹ cũng sẽ có vị tổng thống cao tuổi nhất song hành cùng nữ phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử.
Chính vì vậy mà các cử tri Mỹ náo nức đi bầu với con số kỉ lục. Có tới 130 triệu cử tri Mỹ sẽ đi bầu trong ngày lịch sử này. Đây là lượng cử tri lớn nhất trong bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 1960.
Cũng cần nói thêm rằng, ngoài hai ứng viên trên, còn có 255 ứng viên tự do khác cũng tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.
Kết quả bầu cử và dư luận thế giới
Ông Obama đã chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống 2008. Ông Obama đã dành được 364 phiếu đại cử tri so với 162 phiếu dành cho ông McCain. Với chiến thắng này ông Obama đã được thế giới hết sức ca ngợi.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, trong một lá thư gởi ông Obama nói rằng: “Chiến thắng vang dội của ngài là phần thưởng xứng đáng cho những cam kết không mệt mỏi đối với người dân Mỹ. Nó cũng là đỉnh cao của một chiến dịch vận động tranh cử hiếm có trong lịch sử. Cảm hứng và không khí của chiến dịch vận động ấy cho thế giới thấy tầm quan trọng của nền dân chủ Mỹ. Thông qua việc chọn ngài, người dân Mỹ đã chọn sự thay đổi, cởi mở và lạc quan”
Thủ tướng Australia Kevin Rudd khẳng định chiến thắng của Obama là một bước ngoặt đối với công bằng xã hội. Ông nói: “Hai mươi năm trước Martin Luther King mơ về một nước Mỹ mà trong đó đàn ông và phụ nữ được đánh giá qua tính cách, chứ không phải màu da. Ngày nay người dân Mỹ đã biến giấc mơ ấy thành hiện thực”.
Về phía Việt Nam, ngoài phát biểu chỉ mang tính ngoại giao của ông Lê Dũng, dư luận quần chúng thì tỏ ra hết sức ngưỡng mộ bằng một câu nói ngắn ngủi: “bầu cử xứ người ta thấy mà ham”!
Về phía Giáo hội Công giáo chúng ta, Đức thánh cha Bênêđictô đã gởi điện văn riêng chúc mừng tổng thống mới đắc cử Obama chỉ vài giờ khi ông được tuyên bố thắng cử. Đây là một điều hết sức ngoại thường, vì từ trước đến nay, các Đức Thánh Cha chỉ chúc mừng các thống thống Hoa Kỳ trong ngày họ tuyên thệ nhậm chức.
Tại Kogelo, quê hương của dòng họ Obama tại Kenya, hàng trăm người đã tổ chức nhảy múa để ăn mừng. Tổng thống Mwai Kibaki của Kenya tuyên bố người dân cả nước được nghỉ làm vào ngày 6/11 để ăn mừng chiến thắng của ông Obama.
Chiến thắng của ông Obama còn gây nên một cơn sốt. Một người đàn ông Mỹ, Thomas Baldwin, đã đặt mua 10.000 tờ The Bellingham Herald số ra ngày 4/11 có in hình ông Obama mỉm cười dưới dòng chữ “Obama chiến thắng”. Tờ New York Times cũng đã phải in thêm 225.000 bản do nhu cầu mua tăng cao.
Ngoài việc “cháy hàng” nơi những sạp báo, ngày nhậm chức của tổng thống Obama cũng đang lên cơn sốt. Mặc dù bà Dianne Feinstein - người đứng đầu ủy ban phụ trách việc tổ chức - khẳng định rằng những chiếc vé (hơn 200.000 tấm) dự kiến sẽ được phát miễn phí và không ai phải trả tiền cho chúng, nhưng các công ty chuyên chào bán vé cho nhiều sự kiện văn hóa, xã hội đang rao giá hàng chục nghìn USD (tới 40.000 USD/vé) cho một ghế ngồi, thậm chí một chỗ đứng trong lễ nhậm chức của tân tổng thống Barack Obama vào tháng 1 tới.
Vượt qua mọi rào cản
Tính chất lịch sử của cuộc bầu cử và thắng lợi của ông Obama nằm chỗ người dân Mỹ đã dám vượt qua mọi rào cản để khẳng định lựa chọn của họ. Họ muốn một sự thay đổi. Họ muốn một nước Mỹ giàu mạnh, hiện đại và thật sự tự do dân chủ. Người ta vẫn còn hoài nghi về sức mạnh thật sự của nền dân chủ Mỹ, hoài nghi liệu nước Mỹ có dám vượt qua rào cản sắc tộc để bầu chọn một tổng thống da màu? Kết quả bầu cử đã chứng tỏ rằng nước Mỹ đã sẵn sàng bước vào đại dương tự dân chủ bao la. Trong bài phát biểu lúc 11 giờ ngày 4/11, tức chỉ ít giờ khi đắc cử, ông Obama tuyên bố: “Đó là câu trả lời đã dẫn dắt những người từ lâu bị người khác làm cho trở thành hoài nghi, e sợ, ngờ vực những gì chúng ta có khả năng đạt được, để họ có thể chạm tay vào khúc quanh của lịch sử và uốn lịch sử theo những hy vọng của họ về một tương lai tốt đẹp hơn”.
Người dân Mỹ muốn có một sự thay đổi. Họ đã dám khẳng định ý muốn đó qua những lá phiếu của mình. Ngay tối 4/11, tổng thống tân cử Obama đã khẳng định: “thời khắc này, thay đổi đã đến với nước Mỹ”. Tuy nhiên, ông cũng hiểu rõ hơn ai hết rằng sự thay đổi không thể có được một sớm một chiều, “Vì ngay khi làm lễ kỷ niệm tối nay, chúng ta đã biết rằng những thử thách mà ngày mai mang đến sẽ là những thử thách lớn lao nhất trong cả cuộc đời chúng ta”. Nhưng ông xác tín rằng: “nước Mỹ- tôi chưa bao giờ tràn trề hy vọng hơn hôm nay- chúng ta sẽ đến đó. Tôi hứa với tất cả các bạn- chúng ta, với tư cách một dân tộc, chúng ta sẽ đến đích. […] Vâng, chúng ta có thể!”
Cùng với ĐTC Bênêđictô, chúng ta cầu xin “phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên ông và trên nhân dân Hoa Kỳ để tất cả mọi người với lòng thiện chí có thể xây dựng một thế giới hòa bình”. May God Bless the United States of America.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP