Khi nói đến nét đẹp con người, chúng ta có rất nhiều nhận định để nói về nét đẹp. Có người cho là đẹp bề ngoài qua quần áo và cách trang điểm, người cho là phải đẹp về nết na, đẹp về tâm hồn. Rồi cũng có những ý kiến cho rằng: người ta còn đẹp về cách ăn, nói, đi, đứng và ứng sử nữa. Còn đối với tôi thì nét đẹp phải được thể hiện cả bên ngoài lẫn bên trong tâm hồn, nghĩa là một cái đẹp toàn diện.
Có thể nói đẹp là một một nhu cầu sống của con người, là sự mong đợi của muôn người già cũng như trẻ, lớn cũng như bé, ai cũng mong mình đẹp. Từ cái đẹp của mỗi cá nhân con người tạo nên cái đẹp cho dân tộc, làm đẹp cho đất nước và xã hội. Cũng như một đất nước có được một nền văn hóa đẹp là nó biểu hiện nét đẹp của dân tộc. Việt nam chúng ta vẫn thường tự hào về nét đẹp của người phụ nữ với tà áo dài, đây cũng phần nào thể hiện nét đẹp của phụ nữ và dân tộc. Nét đẹp còn được thể hiện trong gia đình, ngoài xã hội, trong công sở, và mọi nơi giao tiếp. Ta có thể nói rằng cái đẹp hiện diện ở mọi người nếu họ biết làm đẹp. Như vậy, nếu nơi nào thiếu bóng cái đẹp thì nơi ấy sẽ có sự xuất hiện của cái xấu và là cơ hội cho chúng hoành hành. Sự gian dối lấn át sự thật, cái ác bóp nghẹt cái thiện, sự gian tà sẽ thay chỗ cho chính nghĩa. Chính vì vậy mà chúng ta cần phải chiến đấu cho cái đẹp và sự chiến thắng của cái đẹp đó không gì khác chính là ‘lương tâm’.
Người ta vẫn đặt câu hỏi, điều ác bởi đâu, hay con người sinh ra vốn đã là thế? Tôi nghĩ không phải thế. Con người ta sinh ra luôn hướng về điều lành, điều thiện. Còn điều ác xuất hiện khi con người không được giáo dục, không được hướng dẫn dạy dỗ, họ tiếp súc với môi trường, văn hóa và hoàn cảnh đưa đẩy họ tới điều xấu. Vì vậy, con người vốn đẹp hay xấu nó được hình thành và sinh ra khi nơi đó thiếu vắng bóng của cái đẹp, của điều thiện, của cách thức giáo dục, đó chính là cơ hội cho cái xấu hoành hành.
Điều đó khẳng định cho chúng ta một điều là, cái đẹp hay cái xấu không tự nhiên có sẵn những nó là sản phẩm của chính cuộc sống sinh hoạt nơi con người và các mối tương quan của con người với nhau trong cuộc sống. Cũng như quần áo con người đang mặc được thêu dệt từ những cỏ cây rồi theo dòng thời gian có sự sáng kiến của bàn tay con người mà tạo nên những mảnh vải bóng đẹp như ngày nay. Thì con người cũng vậy, họ được hình thành trong từng giai đoạn của đời sống sinh hoạt. Cũng như mỗi dân tộc có một nền văn hóa khác nhau do chính dân tộc họ tạo nên, và chính cách thức trang điểm và ăn mặc của họ cũng được ví như cả một nền văn hóa có bản sắc mang đậm nét dân tộc. Đó là cả một cuộc chiến đấu được chi phối trong cuộc sống hàng ngày của cái đẹp, của một dân tộc.
Bất cứ ai cũng luôn muốn mình đẹp, muốn được người khác đánh giá từ cái vẻ đẹp bề ngoài đó là cách ăn mặc. Có thể nói chính những cách thức ăn mặc nó phản ánh phẩm chất văn hóa cá nhân cũng như văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, người ta vẫn luôn quy chiếu về cái đẹp của của tâm hồn, làm sao chính những cái đẹp bên ngoài nó mang lại giá trị đạo đức của cuộc sống. Với những cách thức mặc đúng mốt, đúng thời trang, hợp thời hợp văn hóa và hài hòa trong môi trường, là cách tự tôn trọng mình và làm người khác cũng phải tôn trọng mình.
Vậy việc ăn mặc đẹp chính là chiều nổi của của một văn hóa xã hội và phản ánh phẩn chất văn hóa cá nhân của sự biểu hiện một lối sống đẹp. Với vẻ đẹp từ bề ngoài qua cách ăn mặc đó chỉ là một khía cạnh của văn hóa. Điều quan tâm sâu xa hơn của cái đẹp đó là cái đẹp tâm hồn và lối sống đẹp. Nhưng nếu một người có tâm hồn không lành mạnh, không trong sạch, chất chứa toàn những lối sống ích kỷ, gian dối, lừa lọc, thiếu trung thực thì dù cho bề ngoài có đẹp mấy đi chăng nữa thì sớm muộn cũng bị người khác phát hiện bởi vì đó là cái đẹp của sự giả tạo, cho nên nó không tồn tại lâu được.
Sao tím
0 nhận xét:
Đăng nhận xét