Ngày nay người ta nói nhiều đến vai trò của người lãnh đạo. Có những người lãnh đạo được dân chúng mến yêu, nhưng cũng không ít vị luôn bị “bề dưới” xoi mói đủ điều, khinh chê đủ kiểu… Tệ hơn, trong lãnh vực nhà tu, với cương vị là một Bề trên, đại diện Chúa Kitô để “chăn dắt bề dưới”, nhưng không ít “bề dưới” chỉ chấp nhận sống kiểu “bằng mặt nhưng không bằng lòng” vì tư cách hay lối lãnh đạo của Bề trên. Ráng cho qua một nhiệm kỳ thôi mà! Hay nói theo kiểu “an ủi”: tu một đời chứ ai đâu tu một thời! Với những người “tin tưởng” hơn: ta hãy lấy đức tin mà bù lại! Hậu quả là “cả đoàn” tan tác, mạnh ai nấy sống, đường ai nấy đi, việc ai nấy làm…!
Ôi! Làm Bề trên khó lắm người ơi! Là một bề dưới, người viết không dám “lên lớp dạy đời” hay “chỉ vẽ”, nhưng, với những gì mắt thấy tai nghe trong những năm tháng qua, “bề dưới” này xin đưa ra những thao thức, “trăn trở” về tư cách của một vị lãnh đạo dựa trên Lời Chúa và Giáo huấn của Hội thánh.
1. Mẫu Gương Lãnh Đạo Của Chúa Ki-tô.
“Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, …nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15, 15). Với lời tuyên bố trên, Chúa Kitô đã ý thức quyền bính của Người dưới hình thức tình bạn. Thật vậy, Người đối xử với các môn đệ như Chúa Cha đã đối xử với Ngài “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con” (Mc 1,11). Người dạy các môn đệ như Chúa Cha đã dạy Người. Người sai các ông như Chúa Cha đã sai Người. “Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con” (Ga 17, 7-8).
Với quyền năng Thiên Chúa, Đức Giêsu có quyền coi các môn đệ như những người tôi tớ lắm chứ! Người có quyền sai bảo với tư cách là một vì Thiên Chúa. Là một chủ chăn, một người lãnh đạo, Chúa Giêsu có quyền ra lệnh, quát mắng con chiên của mình như một số vị “mục tử, lãnh đạo” đang làm. Chỉ là trưởng cộng đoàn thôi cũng tự cho mình quyền “sát phạt” các bậc đàn em như “ý mình muốn”. Không, Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành không thể hiện quyền hành đó. Người đến để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào (x. Ga 10, 10).
2. Đức Giêsu, Một Chủ Chăn Nhân Hậu.
Trong tương quan với các môn đệ và dân chúng, Đức Giêsu đã tỏ quyền bính của Người bằng chính tình yêu nhân hậu. “Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, và tôi hy sinh mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10, 14-15). Đức Giêsu đã biết, đã tiếp xúc từng con chiên một để săn sóc nó. Ta không bao giờ thấy Người đặt nặng vấn đề pháp lý, lề luật. Lề luật của Người là yêu thương. Pháp lý của Người là tha thứ, không luận phạt. “Chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15, 32). Lắm lần Pharisêu trách Đức Giêsu coi thường luật pháp. Tuy nhiên, trong thực tế, Người rất coi trọng luật pháp. “Của Xê da, trả về Xê da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22, 21). Ngoài việc tuân giữ lề luật, Người còn làm cho nó nên hoàn hảo hơn, hợp thời hơn. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mô sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Nghĩa là Đức Giêsu đến để đưa luật tới chỗ hoàn hảo trong tình thương, làm cho luật trở thành luật cứu sống. Quả thật, Đức Giêsu là mẫu mực của Bề trên, vị lãnh đạo cộng đoàn tu sĩ chúng ta.
3. Quyền Lãnh Đạo Từ Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa là mẫu mực để Đức Giêsu xây dựng quyền bính của Người. Người đã vâng lời Chúa Cha đến chết vì yêu, chứ không phải Chúa Cha đã dùng quyền lực để ép buộc Người. “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Một sự vâng lời tự hủy, tự hiến hoàn toàn theo thánh ý Cha. “Thế là đã hoàn tất” (Ga 10, 30).
Đức Giêsu đã xây dựng quyền bính của Người trên nền tảng tình yêu nhân loại. Vâng lời Cha, Người đã nhập thể, nhập thế vì yêu thương trần gian. Suốt cuộc đời trần thế, Người đã nỗ lực xây dựng một cộng đoàn hiệp thông bác ái huynh đệ. Trên thập giá, Người đã không thể không nghĩ đến những người đã bách hại, giết Người; những người tội lỗi và cuối cùng là những người đạo đức thánh thiện. Người đã ôm tất cả vào trong trái tim bị đâm thâu của Người. Cuộc đời của Người luôn luôn cảm thấy khát. Bên bờ giếng Gia cóp, Người đã khao khát sự cảm thông, sự hiệp nhất. Trên thánh giá, Người đã khao khát tình yêu con người, khao khát trao ban tình yêu cho nhân loại, khao khát làm vinh danh Cha. “Tôi khát” (Ga 19, 28).
Ngày Đức Giêsu về trời, sứ mạng trần gian của Người đã xong. Người đã nhường chỗ cho Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục hướng dẫn và thánh hóa Giáo hội. Đức Giêsu không lấy quyền để phủ nhận vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần. Người đã trấn an các Tông đồ: “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy; Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Nơi khác: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bấy giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí Sự Thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật vẹn toàn” (Ga 16, 12-13).
4. Người Lãnh Đạo Là Linh Hồn Của Cộng Đoàn.
Bộ luật năm 1983, điều 618 nói: “Các Bề trên phải lãnh đạo các người thuộc quyền như con cái của Thiên Chúa, và để khuyến khích họ tự nguyện vâng phục trong sự tôn trọng nhân vị, các Bề Trên phải sẵn sàng lắng nghe họ và phải cổ vũ họ cộng tác vì lợi ích của tu hội và của Giáo hội”.
Thánh Công Đồng. Vatican II cũng bảo phải xúc tiến việc canh tân dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (x. PC. 2). Đó là một đoàn sủng của cộng đoàn (Charisme Communitaire). Sứ mạng của Bề trên là góp phần mình vào sự bảo tồn và làm nẩy nở đoàn sủng đó. Bề trên phải chu toàn bổn phận phục vụ và hướng dẫn tu hội đúng theo đặc tính riêng của tu hội. Ngài có bổn phận khơi động những đoàn sủng tốt đẹp, như thánh Phaolô bảo: “Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn huệ cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả” (1Cr 13, 31). Quyền bính của Bề trên phát xuất từ Thánh Thần của Chúa. Vì thế Ngài phải đem được lửa của Thần Khí vào trong đời sống của chính mình và của tu hội. Hoa trái của Thần Khí là gì nếu không phải là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5, 22-23). Dĩ nhiên, đức tin, đức cậy phải là nền tảng vững chắc cho nguồn hứng khởi trong cộng đoàn của Ngài. Bề trên phải sống làm sao cho cộng đoàn nhận thấy rằng Ngài luôn tin, cậy vào Thiên Chúa một cách mãnh liệt, cho dù, trên thực tế, cộng đoàn còn đang gặp những khó khăn khó giải quyết. Lòng tin của Bề trên sẽ lôi kéo cộng đoàn vượt mọi trở ngại. Trong mọi lãnh vực, Bề trên phải là linh hồn của cộng đoàn, một linh hồn sống động, luôn vươn mình lên hướng về phía trước, hoàn toàn tin tưởng cậy trông, nhờ đó cộng đoàn có thể thăng tiến mọi mặt. Có lẽ vì thế mà Giáo luật năm 1983, điều 629 buộc: “Các Bề Trên phải ở tại nhà mình và không được vắng nhà, trừ trường hợp chiếu theo qui tắc của luật riêng”.
5. Hiệp Thông Trong Đức Ái.
“Các Bề Trên phải tận lực thi hành nhiệm vụ của mình, và trong sự hiệp nhất với các thành viên được trao phó cho mình, các Ngài phải tìm cách xây dựng một cộng đoàn huynh đệ trong Đức Kitô, nơi đó Thiên Chúa được tìm thấy và được yêu mến trên hết mọi sự” (GL. 1983, Can. 619).
Ngay từ tạo thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo dựng con người trong tình trạng hiệp thông. Con người hiệp thông với Thiên Chúa: chiều chiều đi dạo với Thiên Chúa trong làn gió hiu hiu (x. St 2, 8a). Con người hiệp thông với vạn vật: “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn E-đen, để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2, 15). Con người hiệp thông với nhau. Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2, 23a).
Qua Tân Ước, Đức Giêsu đã xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn của Người, từ các môn đệ đến dân chúng. Người đã chọn các Tông đồ có quê quán khác nhau, từ mỗi cá tính khác nhau để làm thành cộng đoàn chủ chốt của Giáo hội. Trong lời nguyện hiến tế của Đức Giêsu, Người đã xin Chúa Cha hiệp nhất mọi người nên một: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).
Ý thức được tầm quan trong về sự hiệp thông trong Giáo hội nói chung và trong cộng đoàn tu sĩ nói riêng, thánh CĐ. Vt. II đã khẳng định: “Đời sống chung được nuôi dưỡng bằng giáo lý Phúc âm, Phụng Vụ Thánh và nhất là bí tích Thánh Thể phải được duy trì trong lời cầu nguyện, trong sự hiệp thông cùng một tinh thần” (PC. 15). Thực vậy, khi được tình yêu Chúa thúc đẩy, Bề trên và các vị lãnh đạo cộng đoàn phải trở nên cột trụ của sự hiệp nhất bằng đời sống bác ái huynh đệ của mình. Cộng đoàn là một gia đình thiêng liêng, trong đó, Bề trên là vị cha chung, thực sự đoàn tụ nhân danh Chúa, ca ngợi tình thương của Ngài. “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).
Thế nhưng, đâu có phải lúc nào cũng có sự hiệp thông cả đâu. Và tình trạng đổ vở sự hiệp thông càng ngày càng lớn trong xã hội cũng như trong Giáo hội và ngay cả trong các cộng đoàn tu trì. Trong bài triển khai trọng tâm đào tạo, niên học 2007 – 2008, với chủ đề Hiệp Thông của Linh mục Cr. Hồ Bặc Xái cho các chủng sinh, ngài viết: “Hiệp” (hay “hợp” ) là nhiều người nhưng gom lại, qui tụ lại ở chung với nhau thành một tập thể. Đó là cái mặt bề ngoài, chưa hẳn là tốt. “Thông” là tính cách bề trong của cái “hiệp” bề ngoài. “Thông” là giữa những người đã “hiệp” lại ấy không có rào cản, không có chướng ngại, nhờ đó tất cả mọi người đều hài hòa, vui vẻ, hạnh phúc. Ngài triển khai tiếp: có khi có “hiệp” mà không “thông”. Ví dụ: những người buôn bán “hiệp” lại trong cùng một cái chợ, nhưng cạnh tranh nhau, chửi bới và thậm chí ẩu đả nhau; cảnh “đồng sàng dị mộng”; hay nhiều người trên cùng một chiếc thuyền, nhưng người thì chèo phía này người thì chèo phía khác, khiến chiếc thuyền chẳng những không tiến đúng hướng mà còn có thể lật chìm. Như vậy, trong cuộc sống hay trong bất cứ công việc nào phải vừa có “hiệp” vừa có “thông” thì mới có kết quả.
Như đã trình bày ngay từ đầu, vai trò của Bề trên trong việc xây dựng cộng đoàn rất quan trọng. Ngài là đầu, là gương mẫu, là linh hồn, là sự hiệp thông… trong cộng đoàn. Trong khuôn khổ Hội Dòng Thánh Gia, người viết luôn thao thức có sự “hiệp” và sự “thông” trong từng phần tử với nhau, và đặc biệt hơn, giữa các phần tử và Bề trên của mình. Có được như vậy thì mới mong Hội Dòng phát triển được. Đương nhiên, không phải cái gì cũng phải “hiệp”, phải “thông”; nhưng, như lời thánh Augustin: “Hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì tùy phụ, và bác ái trong hết mọi sự”.
Xin mượn lời bài hát Hiệp Thông của Lm. Thái Nguyên để thay cho lời kết của mình. Trong tình thương mến Chúa ta vui sống đời hiệp thông, cho nhau tất cả tấm lòng, cùng nhau xây đắp hy vọng. Hiệp thông trong đức ái ta dựng xây, hiệp thông trong đức tin ta hành động, hiệp thông trong đức cậy cùng nhau nỗ lực vươn lên.
Tất Bật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét