Để cung cấp thêm tư liệu cho những suy tư về căn tính và đoàn sủng của Dòng, Dựng Lều xin giới thiệu một số tài liệu liên quan đến lịch sử và các Đấng tổ phụ của Dòng. Những tài liệu này trích dịch từ những báo cáo thường niên của các vị thừa sai (MEP) ở Campuchia và từ Bản tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP) vào những năm đầu thế kỉ 20, tức thời kì khai sinh của Dòng Thánh Gia
Trường Giảng Viên Giáo Lí Tại Nam Vang
Nguồn gốc và Tổ chức
Trường giảng viên giáo lí được cha Pianet thành lập năm 1905 và sau đó tiếp tục được cha Blondet coi sóc. Đâu là lí do thúc đẩy cha Pianet thành lập trường? Trong sứ mạng truyền giáo, có rất nhiều cộng đoàn không có các linh mục. Trong những cộng đoàn Kitô giáo này, các nữ tu không đến giảng dạy, các thày dòng Lasan thường mở trường ở những trung tâm lớn. Vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để chuẩn bị cho trẻ ở những cộng đoàn này, rước lễ lần đầu, chịu phép thêm sức và rước lễ trọng thể? Làm thế nào để chuẩn bị cho các dự tòng lãnh bí tích rửa tội? Cha Pianet đã thành lập trường các giảng viên giáo lí.
Ngài nhận những thanh thiếu niên từ 15 tuổi trở lên có lòng ước ao cống hiến cho công việc giảng dạy. Tại trường, các em cố gắng trao dồi các môn học đạo đời trong vòng 3 năm. Sau thời gian học tập này, các em được gởi đến các cộng đoàn trong thời gian 6 tháng hoặc 1 năm; sau đó lại được chuyển đến một nơi khác, ít khi nào ở một chỗ quá một năm. Như thế, trong tất cả các cộng đoàn này, cứ trong vòng 3 hoặc 4 năm, sự giảng dạy lại được bảo đảm trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.
Các giảng viên giáo lí này được nuôi ăn học bởi kinh phí truyền giáo, họ phải giảng dạy cách đều đặn trong suốt 3 năm. Sau thời gian này họ có thể thôi. Nếu họ còn tiếp tục giảng dạy và được đánh giá tốt, họ sẽ được phép mặc áo dòng.
Kết quả
Các giảng viên giáo lí này đã giúp rất nhiều cho công cuộc truyền giáo. Nhờ họ mà việc giảng dạy giáo lí được đảm bảo nơi những cộng đoàn thiếu vắng linh mục và có nhiều cộng đoàn mới được thành lập.
Nhược điểm
Tuy nhiên Trường này cũng có nhiều nhược điểm.
Phần lớn các giảng viên giáo lí đều không tiếp tục sau một ít năm giảng dạy (hết hợp đồng), nên số lượng gần như đứng yên tại chỗ chứ không tăng được; hơn nữa có rất ít những giảng viên giáo lí kinh nghiệm có thể tin tưởng được.
Những giảng viên giáo lí này, phần lớn còn trẻ, một thân một mình, không kinh nghiệm, phải đối diện với biết bao nguy hiểm, vì vậy đã để lại không ít tai tiếng làm thiệt hại cho uy tín của Trường.
Nếu lúc ban đầu chúng ta có thể hài lòng với một sự đào tạo hơi sơ sài, thì bây giờ không thể chấp nhận được với đà tiến bộ của đất nước. Phải cung cấp cho các giảng viên giáo lí một sự đào tạo tốt hơn xét về mọi phương diện. Chúng ta đã không làm điều đó. Sự suy giảm uy tín ngày càng nặng thêm. Sẽ đến một lúc nào đó những giảng viên giáo lí của chúng ta sẽ mang tiếng xấu cả với hàng linh mục lẫn giáo dân. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải dùng họ vì không có ai khác. Công trình này đang bị suy tàn. Cần phải có một sự cải tổ.
Cuộc cải tổ lần thứ nhất
Cải tổ lần thứ nhất bởi Đức cha Herrgott. Không thay đổi một chút gì cả liên quan đến trường giảng viên giáo lí, ngài thành lập Dòng Các Thày Thánh Gia năm 1931. Ngài hy vọng rằng các thày sẽ “bền đỗ” hơn và giảng dạy không chỉ bằng lời nói mà bằng chính gương sáng của đời sống mình.
Công việc tuyển sinh của Dòng như thế nào? Những giảng viên giáo lí nào đã giảng dạy 2 hoặc 3 năm và có tiếng tốt có thể làm đơn xin vào Tập viện. Sau một năm nhà tập, nơi mà họ được học một cách khá sơ sài những điều liên quan đến đời tu, họ khấn 1 năm và lại được gởi đi dạy một mình, không luật sống,…
Tự nó thì rất tuyệt vời, nhưng sự cải tổ này bị thất bại vì thiếu việc đào tạo, thiếu tổ chức và thiếu luật lệ. Các Thày cũng chẳng cho kết quả gì khá hơn, cả về phương diện bền đỗ lẫn chất luợng. Cần phải có một cuộc cải tổ mới, không thể chậm trễ.
Thông Phán
trích dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét