Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

NOEL và HÒA GIẢI

Cùng với toàn thể Kitô hữu trên thế giới, hôm nay chúng ta mừng kỉ niệm lần thứ 2008 ngày sinh của Đức Giêsu mà chúng ta tuyên xưng là Đức Kitô, nghĩa là Đấng Cứu Thế. Đấng Cứu Thế chính là Đấng đến thế gian và ở giữa thế gian để hòa giải: Hòa giải con người với Thiên Chúa và hòa giải con người với nhau. Vì thế, Lễ Giáng Sinh cũng là dịp nhắc nhở các Kitô hữu noi gương Đức Giêsu thực hiện công trình hòa giải mà Người đã khởi phát.
Ta gọi lễ này là lễ “Noel”. Noel bởi từ Do thái “Emmanuel” có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Thực ra, ngay từ khi sáng tạo loài người, Kinh Thánh đã mô tả tình yêu giữa Thiên Chúa và loài người bằng hình ảnh Thiên Chúa đi dạo với Adam, Eva trong vườn địa đàng. Adam, Eva vô cùng hạnh phúc khi được gần gũi với Thiên Chúa như con với Cha. Còn giữa Adam, Eva thì tràn đầy hạnh phúc khi họ chung sống với nhau và được làm chủ thiên nhiên. Nói theo triết đông thì hạnh phúc là cảnh “Thái hòa”: Thiên – Địa –Nhân hòa: Trời – đất và con người hòa hợp trong cảnh thái bình. Đi ngược lại với trật tự thái hòa là đi vào bế tắc.
Adam, Eva đã gây nên bế tắc khi muốn bằng Thiên Chúa, khi ăn trái cấm như một hình ảnh Kinh Thánh dùng để mô tả thái độ con người “chân muốn đạp đất” nhưng “đầu không muốn đội trời”. Vì thế mà tình trạng bất hạnh đã đến với con người. Adam, Eva không được hưởng hạnh phúc gần gũi với Thiên Chúa nữa, Adam, Eva đổ lỗi cho nhau, không còn thương yêu nhau như trước nữa, không còn được ở trong vườn xum xuê hoa trái nữa. Thế nhưng, như một người Cha, Thiên Chúa đã không bỏ con cái loài người mà mình đã tác sinh. Sau một thời gian để cho con người thấm thía nỗi bất hạnh của mình, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người đến thế gian để lập nên một trật tự mới nhằm nhu cầu hạnh phúc cho con người. Noel – Emmanuel: Thiên Chúa đã đến ở với loài người để tạo điều kiện cho loài người làm hòa với Thiên Chúa, nối loại tình Cha con, và để từ đó xây dựng tình huynh đệ con chung một Thiên Chúa là Cha, cùng nhau quản lý thật tốt vũ trụ mà Thiên Chúa trao phó cho con người. Nói cách khác, Thiên Chúa đã đến để cùng với con người lập lại trật tự “thái hòa”: Thiên – Địa – Nhân hòa. Hòa bình và hạnh phúc xuất phát từ trật tự thái hòa. Vì thế, không lạ gì trong đêm Noel đầu tiên, các thiên thần đã hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”.
Người được Chúa thương là người sống đúng vị trí của mình: “Đầu đội trời, chân đạp đất”, nghĩa là trời và đất như cha mẹ sinh ra con người. Mô hình mới đó chính là Đức Giêsu Kitô. Ngài vừa là con Thiên Chúa vừa là con Đức Maria. “Đất với trời se chữ đồng” (trong bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” của Hùng Lân) để sinh ra một con người mới là mẫu cho mọi người muốn có hạnh phúc đích thật và bền vững. Như thế, Đức Giêsu Kitô, ngay trong bản thân Ngài và sau này trong cuộc sống của Ngài, chứng tỏ Ngài là Đấng hòa giải. Hòa giải loài người với Thiên Chúa và hòa giải loài người với nhau.
Người Kitô hữu tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người mà Giáo hội sơ khai đã tuyên xưng. “Sứ thần đã nói với những người chăn chiên ở Bêlem: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân. Hôm nay Đấng Cứu Độ anh em đã ra đời trong thành Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2, 10-11). Khi chúng ta mừng lễ Noel, chúng ta đặc biệt tuyên xưng niềm tin đó. Tuy nhiên, sứ thần nói tiếp: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2,12). Như thế có thể nói rằng điểm khởi đầu của niềm tin Thiên Chúa làm người lại là tin một con người có tên Giêsu, con ông Giuse và bà Maria, người Nazareth, sinh dưới thời hoàng đế Cêsarê Augustô, có một cuộc sống như tất cả mọi người, đã có những lời rao giảng và việc làm khác với những nhà lãnh đạo tôn giáo đương thời và cuối cùng phải chịu chết trên thập giá vì sự không giống này, con người ấy chính là Thiên Chúa, xuất phát từ Thiên Chúa. Niềm tin này chỉ có thể nẩy sinh từ sức mạnh phục sinh của Đức Kitô. Như thế, đường đến với Chúa cũng là đường đến với con người. Đến Bêlem để “thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” và để nhìn nhận, bằng đức tin, nơi trẻ sơ sinh ấy chính là Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc. Cuộc gặp gỡ như thế đã và đang có thể diễn ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, khi có sự thông cảm, chia sẻ những nỗi vui, buồn, bất hạnh giữa con người. Đức Kitô đã khẳng định với tất cả chúng ta điều đó. Điều làm cho người nghe phải ngạc nhiên, đó là: ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống… là cho chính Đức Giêsu ăn, uống. Đức Giêsu Kitô đã mở ra cho chúng ta thấy bằng đức tin, một nhãn giới mới trong mối quan hệ giữa con người với nhau, không chỉ giữa những người tin Chúa mà giữa mọi người không trừ ai.
Thế nhưng, điều kiện để có được cuộc sống mới đó chính là phải có tinh thần hòa giải. Nói cụ thể như trên đất nước Việt Nam hiện nay, dù chiến tranh đã chấm dứt, nhưng các vết thương chiến tranh vẫn còn. Xem ra vết thương trong lòng còn sâu hơn là vết thương trên các cơ sở vật chất: giữa người với người vẫn còn nhiều xa cách, nhiều buồn phiền, nhiều mặc cảm, nhiều nghi ngờ, nhiều đố kị. Đó là một thách đố lớn trong Giáo hội hôm nay, người tin Chúa có khả năng xây dựng sự hòa giải trong gia đình, trong khu xóm, trong đất nước này không? Người tin Chúa và các cộng đoàn tin Chúa có là những mẫu gương hòa giải hay không? Xu thế của con người và thế giới hôm nay không còn phải là “đối đầu” nữa, nhưng là “đối thoại”, là hòa giải. Những người tin Chúa có thực sự là những người “thiện tâm”, được sự bình an dưới thế để trở thành khí cụ bình an của Chúa, biết “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem tha thứ vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm” không?
Mỗi người phải trả lời trước mặt Chúa vì lý do là điều Chúa muốn chúng ta thực hiện, hơn nữa sống tinh thần hòa giải là một cách làm chứng cho Chúa có tính thời đại. Tất nhiên hòa giải không phải là tránh mọi tranh luận. Nhưng hãy tranh luận trong tinh thần bác ái để tìm sự thật. Tranh luận cũng có thể như tranh banh. Đá banh chứ không phải đá nhau. Nhắm đá người khác hơn đá banh, đó là một lối chơi không “Fair play”. Hòa giải cũng không phải là chỉ xóa đi một quá khứ xích mích, nghi kị, mà còn hướng về phía trước với tinh thần tin tưởng nhau, tôn trọng nhau và hợp tác với nhau.
Khi Chúa Giêsu coi trọng việc hòa giải với nhau hơn là việc dâng lễ cho Thiên Chúa, thì rõ ràng Chúa đòi người hòa giải phải có một cái nhìn xa hơn là những quyền lợi trước mắt và phải đi từ động lực sâu xa là lòng mến mộ sự bình an, sự bình an mà Thiên Chúa đem đến cho người Chúa thương.
Chúng ta hãy tiếp tục loan truyền việc Chúa chịu chết và sống lại để cầu nguyện cho chúng ta có được tinh thần hòa giải của chính Đấng đã Giáng sinh để thực hiện công trình hòa giải.

Hải Voi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP