Lời Nói, Lời Hứa, và Lời Khấn[1]
Trong lịch phụng vụ tháng 10 phát pháo bằng lễ kính Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu, tiến sĩ Hội Thánh. Trong dòng em nhà cháu, năm nay mừng lễ kính Thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu khá long trọng và hoành tráng. Lý do, ngoài Ngài là bổn mạng tập viện của Dòng Thánh Gia, cộng đoàn tập viện Túc Trưng còn khánh thành tượng đài Thánh Tê-rê-xa nữa. Thế mới oắch chứ!
Tuy nhiên, đối với em nhà cháu đây, năm nay mừng kính lễ ngày 1 tháng 10 này, còn có một ý nghĩa cao hơn, một dịp tốt cho thằng mọn hèn này nghĩ lại quãng đường dâng hiến ngắn tẻo tèo teo mà nó đã và đang đi theo. Nếu em nhà cháu không nhầm ngày 5 tháng 10 năm 2003, Dòng Thánh Gia hân hoan đón nhận 8 tập sinh lớp chữ B thế hệ thứ III vào năm tập ngặt theo giáo luật. Có thể nói rằng đây là một trong những lớp nhà tập với sỉ số khá đông so với những lớp đàn anh trước. Trong lớp 8 chú nhóc này được thu hoặc và “thu lượm” từ 3 cộng đoàn chính: 2 ở cộng Cần Thơ, 2 ở cộng đoàn Nhà Mẹ Long Xuyên, 2 cộng đoàn Hàng Xanh, tp. HCM, và 2 chú còn lại tạm trú ở ngoài. Về độ tuổi cũng khá đa dạng: 4 người thuộc hệ 7X và 4 người thuộc thế hệ 8X. Với sỉ số, độ tuổi và xuất xứ từ những cộng đoàn khác nhau như vậy vừa là một niềm vui, vừa là nỗi lo cho Dòng Thánh Gia. Niềm vui vì có thêm nhiều anh em trẻ quả cảm dấn thân hơn vì nước trời. Lo lắng là vì sẽ khó đào tạo và hướng dẫn với một lớp có sự phong phú về trình độ, tuổi, và quan điểm sống mà đã được hình thành từ những cộng đoàn trước kia họ đã sống tập tu.
Cũng với con số 8 chú nhóc này mà có người gọi là “tám mối phúc thật”, nhưng cũng có kẻ xấu mồm kêu là “tám mối họa” mới ác ghê! Có kẻ ác hơn nói lớp B là bỏ, vứt bỏ mới tức anh ách không chứ! Nhưng dù sao đi nữa mọi sự cũng đã rồi theo thời gian, nếu có “phúc”, phúc cho nhà Dòng, còn “họa” thì cũng họa cho nhà Dòng. Đường nào cũng về La Mã! Sở dĩ em nhà cháu dám bạo mồm bạo miệng quát tháo như vậy là vì, ngày 5 tháng 10 năm 2008 này là kỷ niệm 5 năm 8 chàng khờ khạo này, “trong lúc tang gia bối rối” hay “lúc Chúa ngủ gật” gì đó, đã khoác lên mình một vai trò và nhiêm vụ mới bằng một chiếc áo dòng đen thủi thùi thui. Mấy tay ở ngoài đời chúng nó bảo nhìn giống như đàn quạ vậy. Rất may, hiện giờ vẫn còn 7 chú nguyên vẹn. Có lung lay, rung rinh thì không biết, còn chú kia cũng tu nhưng chuyển địa chỉ rồi. Cũng vậy, từ giờ trở đi khi ra ngoài đường tới các xứ đạo, người ta không gọi 8 chú nhóc này là “thằng” nữa, nhưng gọi là thầy. Từ “thằng” chuyển sang thầy. Trong dịp này, em nhà cháu xin quá phép “mổ” sẻ, cách riêng với 7 tay “khờ khạo” lớp chữ B, một chút cảm nhận hoàn toàn riêng tư và chủ quan về đời tu.
Thành thật xin lỗi các bác vì từ nãy đến giờ em nhà cháu cứ cài số 1 rồi lòng vòng hoài mà không đi tới đâu cả. Nói tới đây em nhà cháu trước tiên thành thật xin các vị chư huynh ngàn năm đáng kính lượng thứ cho vì ý tưởng liều mạng này khi dám “mổ” sẻ đời tu trong khi chính nó mới đi được vài bước của đoạn đường cam go và dài luồng thuồng. Nói như ngôn ngữ ngoài đời, xin các bác “bỏ quá” cho em, nếu có chi không phải thì xem như thằng em này “đá bổng đá bỏ nhé”! Lạy Chúa, em nhà cháu lại cài số ze nữa rồi. Thôi em xin vào đề luôn kẻo đắc tội bây giờ. Trong bài này, em xin làm thịt ba nhời thôi: LỜI NÓI, LỜI HỨA, VÀ LỜI KHẤN.
LỜI NÓI
Thiệt tình mà nói tán gẫu về đời tu là một chuyện cũ rích, xưa như trái đất, “xưa rồi diễm ơi”. Nếu có dịp chúng ta lướt “wét” sẽ thấy có một số bài viết đáng kể về đời tu dưới khía cạnh thần học, dâng hiến, cảm nhận…. Mục đích của những bài này thường là để chia sẻ về căn tính đời tu, những kinh nghiệm vui buồn, những ý nghĩa đích thực của đời tu. Tựu chung lại là nó na ná giống nhau về mục đích và nội dung. Tuy nhiên, theo em nhà cháu, không biết có nói láo quá không, lý do để dẫn mỗi người chúng ta đến với đời tu thì hoàn toàn khác nhau.
Trong những “lý do lý trấu” này có thể là rất ư thánh thiện, đạo đức, nhưng cũng có lý do thật đời thường, tầm thường, phi thường, vô thường và thậm chí vô lý. Thiệt đó em nhà cháu không nói ngoa đâu. Các nguyên do của việc tu trì này, đôi lúc cũng khá chủ quan khi những người trong cuộc muốn thổi phồng lên, muốn cho người ta thấy một vài tình tiết, sự kiện, hoàn cảnh rất ư là éo le của mình trước ngày lê bước vào nhà dòng, chủng viện. Ngoài ra, có những kẻ ngoài cuộc lại phùng mang thổi lên việc đi tu là “trốn việc quan đi ở nhà chùa”. Em nhà cháu có nghe một giai thoại khá dzui về lý do đi tu như sau: khi còn nhỏ đi học, hắn đánh nhau với các bạn cùng lớp. Sau khi bị đánh, bọn trẻ mới nói chuyện và bàn để trả thù, nghe thấy vậy hắn ta quá hoảng sợ vì hành động “yêng hùng” của mình và không dám đi học nữa. Với một đêm vắt chân lên trán nằm suy nghĩ, cuối cùng hắn thưa với U: “U à! U xem có chỗ nào khác cho con ở để đi học chứ ở trường làng mình con không dám đi học nữa vì sợ chúng đánh”. Sau biến cố này hắn ta đã vào ở trọ trong một nhà dòng để đi học. Thời gian dần trôi, hắn ta đã trở thành một tu sĩ. Từ chỗ ở tạm trú chuyển sang ở thường trú. Từ “lý trấu” đi học thành lý do đi tu. Đấy lý do thật đơn giản. Nhưng, số ít thôi cũng có những ông thầy đi tu vì: “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, yêu nhau rồi mệt thở (nham nhở) lém em ơi”! Hay“tình như củ khoai mình bẻ làm hai ai ngờ khoai sùng”. Và còn hơn thế nữa:“đường vào tình yêu có trăm lần thua có một lần huề”
Sau sự thật quá phũ phàng như tát nước vào mặt, chàng ta mới giác ngộ ra chân lý: “tu là cõi phúc, tình là dây oan (dây thung)”, và quyết định khăn gói quả mướp lên đường đạt được chân lý này bằng việc vào một nhà dòng và tu ở đó. Cũng vậy, đôi khi chỉ vì tự ái một lời nói của một người nào đó mà lại là nguyên nhân dẫn tới hình thành ơn gọi tu trì. Chuyện là thế này, có hai tu sĩ ngồi vừa bắn điếu thuốc vừa tâm sự với nhau về “một thời trai trẻ, oanh liệt” của mình trước khi đi tu. Một trong hai chàng nói: “ê mày trước khi đi tu có cô nào theo và yêu mày không nhóc?” Hắn còn lại, sau khi nhả hết đám khói thành từng chữ O bay lên tới tận mái nhà khiến mấy con thặt thùng muốn say, liền nói: “Buồn lắm mày ơi, có mấy cô đòi tự tử vì tao”. Sao kỳ vậy, bộ mày đào hoa lắm hả? Hắn kia hỏi liền. Đâu phải vậy mày ơi! Mấy cô nói là: “Chẳng thà em chết còn sướng hơn lấy anh!”. Tao buồn và tự ái quá vào Nam đi tu luôn! Nói như vậy, không có nghĩa em nhà cháu hoàn toàn phủ nhận những động cơ cao đẹp của căn nguyên đời tu. Trong thực tế thấy rằng, có những bà Xơ đi tu vì nghe tiếng nói từ trong sâu thẳm lòng mình một lời mời gọi dấn thân cho Chúa. Vì Xơ muốn mình là Hiền Thê, thuộc trọn vẹn về Chúa Kitô, và muốn Chúa Kitô là Đức Lang Quân của mình. Khi em nhà cháu đang cặm cụi với cái “láp-tép” để đánh vài chữ cho bài này, có nhận được một tin nhắn di động của một cô Xơ Mít với đại ý (còn trung ý và tiểu ý không dám đưa ra ở đây) như sau: “Thầy ơi em đi tu vì em cảm thấy thực sự hạnh phúc khi ở gần Chúa Giêsu. Em thấy mình có bình an nội tâm khi chầu Thánh Thể….và em muốn hiến thân cho Chúa hơn qua con đường dâng hiến….”. Quá tốt! Rất thánh thiện và cao thượng.
Đó là một vài nguyên do dẫn tới đời tu. Tựu trung lại ngoài những nguyên do thánh thiện và chân thật, thoạt đầu chỉ vì một lời nói, một lý do rất ư đời thường, ngớ ngẩn là tiền đề cho việc nảy sinh ơn gọi và đâm hoa kết trái cho sự dâng hiến. Nhưng may thay, những lí do “láo cá” này đã được mài đẽo theo thời gian và dần dần trở thành một lý tưởng phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, đó mói chỉ là lý tưởng thô sơ chưa thực sự chắc chắn khi gặp những biến cố, sự kiện, khó khăn trong cuộc đời. Những lý tưởng này sẽ tốt hơn, sẽ cao thượng hơn và bớt “lôm côm” khi chúng được chuyển thành một lời hứa
LỜI HỨA
Lời hứa ở đây có thể có trước khi vào nhà tu hay sau một thời gian “ăn cơm nhà Đức Chúa Dzời” mới phát sinh. Nó cũng có thể là biến cố to tát nào đó khiến ta tín thác hơn vào Thiên Chúa và muốn phục vụ Chúa hơn. Do đó, với thiển nghĩ này, em nhà cháu không đổ đồng ý nghĩa của lời khấn là một lời hứa như trong sách Thánh Hiến Cuộc Đời, bản dịch của Phạm Duy Lễ, trang 11 đã viết. Lời hứa ở đây nghĩa là nhận sẽ làm một việc gì đó, cho dù có khó khăn. Chẳng hạn, trước khi phải đứt ruột chia tay với người yêu, chàng liền ngậm ngùi hỏi nàng: “em sẽ giữ lời hứa yêu anh, mà chúng ta đã trao nhau trong đêm trăng sáng mờ mờ và dưới cột điện thứ 13, mãi cho đến cùng dù chúng ta có xa nhau?” Em nhà cháu xin quay lại chuyện lời hứa trong nhà tu. Cũng vậy, việc hứa này nhắm lúc xuất phát từ một động cơ tốt, lành mạnh nhưng cũng có vài trường hợp tuôn ra từ sự tức giận về một câu nói hay khiêu khích của người nào đó. Tới đây em nhà cháu xin chưng ví dụ luôn kẻo các bác lại bảo thằng này chỉ được “ăn to, nói dóc”. Với trường hiệp thứ nhất, em nhà cháu có quen với một cha nọ. Trước kia ngài là lính chế độ cũ, sau giải phóng ngài vượt biên. Nhưng trên hành trình vượt ngàn trùng khơi bị bao sóng gió, bão táp, ngài và đám người cùng tàu phải vật vã chống trả với thiên nhiên mãnh liệt hơn ông già chiến đấu với đàn cá mập trong truyện Ông Già và Biển Cả của nhà văn người Mỹ Ernest Hemingway. Chính trong khoảnh khắc mạng sống ngàn cân treo sợi tóc, ngài đã hứa âm thầm nếu mình thoát chết thì sẽ đi tu. Và ngài đã trở thành một linh mục dòng Tên với lời hứa đó. Còn trường hiệp thứ hai, sau mấy năm học triết học và thần học gì đó, vào dịp hè, một tu huynh về nhà chính và gặp một em dự tu liền phùng mang trợn mắt lên hỏi: “Ủa, mày vẫn còn ở đây, tao tưởng mày ra ngoài ở lâu rồi?!?!?” Với câu nói nửa chơi nửa thiệt đầy tự ái dân tộc, chú dự tu đáng tội nghiệp nọ quyết chí tu cho bằng được để chứng minh câu nói của ông thầy này là sai bét. Đúng là “Chúa vẽ nét thẳng trên những đường cong”; Chú dự tu này cũng đã thành một tu sĩ.
Cuộc sống là một hành trình với những khó khăn và thử thách. Đi tu là chọn sống đời dâng hiến bằng một con đường khác trong hành trình bể khố ấy. Do đó, ít nhiều ắt sẽ gặp khó khăn. Khi giọt nắng cuối ngày vội vã qua đi nhường chỗ cho bóng chiều đổ xuống với làn gió hiu hiu, một mình ngồi đối diện với mình trong bóng đêm, ta mới thấy mình cô đơn và buồn ơi là buồn. Nhưng ngặt nỗi ta buồn mà không hiểu tại sao ta buồn! Chúa đâu? Xin thưa Chúa vô hình không thấy được! Chu choe mèng đéc ơi, nhà cháu lại dài dòng lê thê nữa rồi. Nhưng đang nói nửa chừng mà nghỉ thì không chịu được, nó ngứa mồm ngứa miệng làm sao đó. Lỡ mang tiếng nói dai dài dở rồi, dân chơi không sợ mưa rơi. Nói tiếp, khi phải đối diện với những thực tế cô đơn, buồn, tủi thân hay những điều nhiêu khê của đời thường, cạm bẫy tình trường, ta không khỏi những phen lao đao, chày da chóc vẩy, trần ai khoai củ mới vượt qua được. Nghĩa là nếu chỉ vì một lời nói, một lời hứa có lẽ chưa thực sự đủ là những động cơ, nghị lực để vượt qua những thực tại này. Sẽ cao hơn, đẹp hơn, mang tính hướng thượng và đầy đủ hơn khi những lời nói và lời hứa đúc kết thành một lời khấn.
LỜI KHẤN
Bàn về lời khấn em nhà cháu không dám nói tầm bậy tầm bạ hay ăn cắp của ai, kẻo lại bị đưa trước tòa chung thẩm xét xử vì tội đạo văn người ta thì vãi tội ra. Em nhà cháu xin được trích nguyên văn: “lời khấn là một lời hứa ta đã suy xét và tự do đoan thệ với Chúa, tự buộc mình theo đức thờ phượng làm một việc lành có thể làm, mọi việc lành tốt hơn”[2]. Tuy nhiên, lời khấn tu trì có phần khác với các lời khấn khác: “lời khấn tu trì khác hẳn với các lời khấn khác vì nó làm nên một đời sống đặc biệt, thực hành các lời khuyên của Phúc âm và mô phỏng hoàn hảo nhất đời sống trần gian của Chúa Giêsu và tinh thần đã phấn khích Ngài”[3].
Từ những khái niệm trên, em nhà cháu nhận thấy rằng lời khấn cao hẳn, đẹp hơn và bao hàm về mặt pháp lý, luấn lý hơn nhiều so với lời nói và lời hứa. Lời khấn bao gồm hai bên rõ ràng: chủ thể là ta; và đối tượng là Chúa. Điều khá quan trọng nữa là nó hoàn toàn tự do, chứ không phải tự ái hay giận người nào đó, để giao kết với Chúa một trách vụ mới, để làm một việc lành trong khả năng có thể, hay việc làm đó phải tốt hơn chứ không được xấu đi. Cụ thể là, chịu chơi thì phải bung be sườn, những ai khi tuyên khấn lời khấn khiết tịnh và đã bầm dầm để trung thành với lời khấn này dĩ nhiên và ngang nhiên cũng có công to trong việc giữ điều răn thứ sáu và thứ chín và lời khấn khiết tịnh. Ngược lại, sẽ mang cả hai tội vừa lỗi lời khấn khiết tịnh và lỗi luôn điều răn thứ 6 và chín. Thật công bằng và hợp lý.
Thế thì lời khấn là một hành vi khá quan trọng cả về mặt pháp lý, luân lý, nội tâm và thiêng liêng. Với tầm quan trọng và cao đẹp như vậy, nó ắt không thể được tuyên thệ một cách ngẫu hứng qua cầu hoặc vào một đêm thơ mộng đầy trăng sao. Nó cũng không cho phép chúng ta đoan hứa vì một người nào đó, một lời nói và lời hứa của ai. Nó cũng không thể là một hành động nhất thời vì không có thời gian suy nghĩ để hiểu biết bản chất của lời khấn. Tất cả những điều này có nguy cơ sẽ làm băng hoại cho chính đương sự và hội dòng. Nói tới đây em nhà cháu cũng sợ toát cả mồ hôi đây. Sợ vì thấy quả là rất khó khăn trong việc đoan hứa và tuân giữ lời khấn một cách liên tục theo thời gian. Cha Timothy đã trích lời của Thomas Aquinas: "Tuyên khấn, đây là một hành vi chứng tỏ lòng quảng đại triệt để, bởi vì trong khoảnh khắc chúng ta dâng hiến cuộc đời, chúng ta sẽ sống khoảnh khắc ấy liên tục qua dòng thời gian”. Thật vậy, với sức con người mỏng manh yếu đuối làm sao chống lại với những khó khăn khôn lường phía trước. Tuy nhiên, cuộc đời đôi khi có những điểm phải “liều”, liều chứ không phải liều mạng. Ngoài ra, trước mắt thế gian, hành vi đoan hứa là điên dại, là việc làm đánh mất quyền tự do định đoạt và chiếm hữu. Nó làm hạn chế việc diễn tả và nhu cầu đón nhận tình yêu. Thật là liều lĩnh vì dám làm điều chẳng bảo đảm hay mang lại một cái gì là hy vọng. Thật là hết sức điên rồ và hão huyền như Thánh Phaolô tông đồ đã một lần nói: "Vì chưng trong khi Do thái đòi có dấu lạ, và Hy lạp tìm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Vị Kitô đã bị đóng đinh Thập Giá, cớ vấp phạm cho Do thái, sự điên rồ đối với dân ngoại, nhưng đối với những ai được kêu gọi dù là Do thái hay Hy lạp, thì lại là chính Đức Kitô, quyền năng Thiên Chúa, và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Bởi vì sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn loài người". (1 Cor. 1,22-25). Dựa vào lời chứng hùng hồn của thánh nhân, có lẽ chúng ta sẽ xác tín hơn trong việc dâng hiến.
Do đó, mỗi lần ta khấn lại, không phải là “lại khấn”, mà là một lần giúp ta xác tín hơn lời ký kết của mình với Thiên Chúa. Khi ý thực được như vậy, ta mới tìm thấy ý nghĩa đích thực trong đời tu. Một khi ý nghĩa của lời khấn không còn thì việc trung thành cho đến chết còn là chi nữa!?! Như vậy, đi tu có thể sẽ chuyển sang hình thức “đi tù”, đi tù không có ngày ra và ân xá. Đã là con người chẳng ai ham hố việc “đi tù”, nhưng thích đi tu hơn.
Đi tu là một hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực, viên mãn không phải ở đời này nhưng cho đời sau. Nhưng chúng ta là con người sống với mọi người, do đó trên hành trình tìm kiếm này sẽ phải đụng độ với những khó khăn thử thách thuộc con người. Cũng vậy, những căn nguyên khởi điểm cho một đời tu đôi lúc khởi đi từ những toan tính con người. Chúng có thể là một lời nói, thách đố, một lời hứa bình thường hay trịnh trọng. Nhưng chúng không thể bền vững và đâm hoa kết trái nếu chỉ dừng lại những toan tính mục đích như vậy, đặc biệt trong những lúc tối tăm nhất của niềm tin vào Đấng mình tuyên hứa. Chúng chỉ và chỉ là sức mạnh siêu nhiên khi ta biết mã hóa, nâng cao thành lời khấn với Chúa. Có như vậy, chúng ta mới tìm thấy ý nghĩa đích thực của lời khấn. Như vậy, từ một lời nói và lời hứa, theo năm tháng, gọt dũa, mài đẽo, phát triển và trưởng thành lời khấn tự buộc mình với Chúa qua một trách nhiệm mới. Đây là một hành trình tốt. Nhưng ngược lại nếu chỉ vì một lời nói hay một lời hứa mà ta bỏ lời khấn thì có nên không? Hay chỉ vì nghe một lời nói của người khác mà ta kết luận người đó không thi hành trọn vẹn lời khấn? Hoặc vì một lời nói nào đó mà ta quyết định hành động để ảnh hưởng tới ơn bền đỗ của người khác?
Long xuyên ngày 4 tháng 10 năm 2008
Bertrand Nguyễn Thanh Hoài
0 nhận xét:
Đăng nhận xét