Ngay từ nhỏ, khi đi học giáo lý, chúng ta đã được dạy về ba nhân đức đối thần : Tin, Cậy và Mến mà trong thực tế sống đạo, chắc chắn chúng ta cũng đã nghe nói nhiều về Tin và Mến hơn là Cậy. Vả lại, nếu tiếp xúc với người ngoài Kitô giáo mà chúng ta nói về “đức cậy” , chắc họ cũng chỉ trố mắt nhìn mà chẳng hiểu gì , vì đây là một từ “nhà đạo” mà họ rất ít khi được nghe. Tuy nhiên , nếu chúng ta nói về niềm “hy vọng” thì chắc chắn sẽ dễ hiểu cho họ hơn.
Vậy, trong những ngày đầu của mùa Vọng mới này, để chúng ta sống tích cực hơn 4 tuần lễ đặc biệt này theo đúng ý Giáo Hội, ta hãy thử cùng tìm hiểu xem tại sao mùa đầu của năm phụng vụ lại mang tên là “Mùa Vọng” và chữ “Vọng” này có dính dáng gì đến chữ “Cậy” không.
Cách nay mấy mươi năm về trước, nếu có nói “mùa Vọng” chắc chẳng ai biết là mùa nào, vì thời xưa mùa này được gọi là “Mùa At-ven-tồ “ hoặc gọn hơn là “Mùa Át” (cũng có người gọi là “Mùa Áp”)! Chữ này là phiên âm tiếng latinh “Adventus” (Pháp gọi là “Avent” và Anh cũng nói là “Advent”), dịch từ "parousia" tiếng Hy lạp được dùng trong Giáo Hội sơ khai để nói về việc “Chúa đến” giữa dân Người lần thứ nhất trong đêm Giáng Sinh đầu tiên, cũng như việc Người sẽ lại đến trong vinh quang vào ngày cánh chung. Dần dần, vào khoảng giữa thế kỷ thứ VI, từ ngữ này được dùng để chỉ mùa đầu của năm Phụng vụ, dành chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh. Vì là đợi chờ trong “Hy Vọng” – Dân Chúa thời Cựu ước hy vọng Chúa đến để làm trọn lời hứa với tổ tiên (x. Gr 29,10) và dân Chúa hôm nay cũng mong chờ với lòng cậy trông (hy vọng) Chúa lại đến trong ngày chung thẩm để đưa tất cả chúng ta về cõi phúc vĩnh hằng – nên thời gian đợi chờ này cũng là thời gian của hy vọng trong tin yêu, và được gọi rất hợp lý là “Mùa Vọng” . Có ba nhân vật chủ chốt trong thời gian chờ đợi “Chúa đến” này là ngôn sứ Isaia, Gioan Tẩy giả và Mẹ Maria :
· Ngôn sứ Isaia bày tỏ lòng cậy trông vào Đấng Thiên sai sẽ đến với dân của Chúa, ông loan báo Đấng Emmanuel sẽ giáng lâm và nhấn mạnh việc Chúa chuẩn bị ngày xuất hiện của Đấng Thiên sai cũng như sự khát khao, mong đợi của toàn nhân loại.
· Gioan Taåy Giả thì chỉ cho thấy Đấng Thiên sai đang đến và kêu gọi mọi người hãy đón nhận “Chiên Thiên Chúa” với lòng sám hối, tượng trưng bằng phép rửa của ông ở sông Gióc-Đăng.
· Đức Maria thì “Xin Vâng” theo lời Chúa đề nghị để “Chúa ở cùng chúng tôi” và lời hứa của Chúa với các tổ tông xưa được thực hiện.
Nhân đây, có lẽ ta cũng nên tìm hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự “Hy vọng” để niềm “cậy trông” của chúng ta thêm vững vàng. Theo bài giáo lý của Cha Yip Hing Wah cho Ngày Giới Trẻ Á Châu (Hong Kong , 30/07 – 05/08/2006), thì “Hy vọng có lẽ là một hành vi mang tính huyền nhiệm, khó định nghĩa”. Sự khó khăn này đến từ bản chất của chính niềm hy vọng. Hy vọng luôn là hy vọng vào những sự việc tương lai chưa nhìn thấy được. Như thánh Phaolô nói trong thư gởi tín hữu Rôma: “Không ai hy vọng vào những gì mà họ đã nhìn thấy rồi” (Rm 8,24). Tuy nhiên, cũng theo Cha Y.H.Wah, thật khó khăn để nói về những gì chưa thấy được ở hiện tại. Người Kitô hữu nói về niềm hy vọng hưởng ơn cứu độ, dựa trên lời hứa của Thiên Chúa và giao ước tình yêu của Ngài. Nhưng không phải chỉ có người Kitô hữu mới nói về niềm hy vọng. Những người ngoài Kitô giáo sống chung quanh chúng ta cũng nói về niềm hy vọng và mong ước có niềm hy vọng. Chính Thánh Kinh mời gọi chúng ta phải luôn sẵn sàng trả lời cho những ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta (1 Pr 3,15).
Do đó, để có thể sống niềm hy vọng Kitô giáo cách sâu sắc hơn và tự do hơn, cũng như để có thể giải thích cho người khác về niềm hy vọng của mình, chúng ta cần phải hiểu biết sâu sắc hơn về niềm hy vọng này. Trước hết, chúng ta phải khẳng định là cơ sở hay điểm tựa của niềm hy vọng của chúng ta là lòng Tin Yêu mà chúng ta đặt trọn vẹn nơi Đức Kitô như thánh Phaolô đã quả quyết : “Chúng tôi…đặt niềm hy vọng vào Đức Kitô” (Ep 1,12), vì Người “là Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt tới vinh quang” (Cl 1,27). Sở dĩ phải nói rõ như vậy để cho thấy cái tính “siêu việt” của niềm hy vọng Kitô giáo, nó không như niềm hy vọng thuần tuý “phàm tục” của một con người thực dụng hoặc yếu kém đức tin, chỉ biết cậy trông vào bạc tiền (mua vé số), địa vị, danh vọng (chạy chọt, mánh mung, đút lót) hoặc tài năng của riêng mình (học lực, văn bằng).
Chính vì thế mà sống tinh thần Mùa Vọng là chúng ta đặt tất cả lòng tin yêu của chúng ta vào Đấng đã đến và sẽ đến để giải thoát chúng ta, che chở và dẫn dắt chúng ta đi đúng hướng và vững chắc trên đường đi đón Chúa đến riêng với từng người chúng ta trong ngày cuối đời của mình cũng như trong ngày cánh chung. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên là Chúa đang đến với chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống – trong thánh lễ, trong kinh nguyện, trong mọi biến cố và nơi tha nhân – mà chúng ta cũng phải sẵn sàng tiếp đón với những điều kiện tâm linh tốt đẹp nhất. Điều quan trọng là chúng ta phải luôn tỉnh thức và nhạy bén mà nhận ra Chúa ngay bất cứ lúc nào và cách nào Chúa đến với mỗi người chúng ta.
Vậy chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta thấm nhuần tinh thần mùa Vọng, để niềm tín thác của chúng ta nơi Chúa Tình yêu càng thêm vững chắc. Vả lại, khi chúng ta cầu nguyện trong hy vọng, thì tất cả những yêu cầu cụ thể của chúng ta chính là những phương cách diễn tả niềm tín thác vô bờ của chúng ta nơi Thiên Chúa. Có thể niềm hy vọng không chắc sẽ giải quyết được ổn thoả mọi sự, nhưng tin rằng mọi sự nằm trong tay của Thiên Chúa và không điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là niềm hy vọng Kitô giáo.
“Lạy Chúa Giêsu, xin mau đến chứ đừng trì hoãn nữa ! Xin ngự đến nâng đỡ ủi an những ai đặt hết tin tưởng vào tình thương của Chúa”. (Lời nguyện nhập lễ ngày 24/12)
Chú Ba
0 nhận xét:
Đăng nhận xét