Thưa quí vị độc giả, đến hẹn lại lên, tháng 11 lại về với chúng ta. Nếu không lầm thì tháng 11 năm 2007, Tất Bật tôi đã giới thiệu bài “Mầu Nhiệm Sự Chết”. Ắt hẳn quí vị sẽ đặt vấn đề rằng: “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…!”, thế mà ông thần này lại thích bàn về sự chết! Coi bộ ông chán sống hay sao? Vâng, thưa quí vị, chết là điều hiển nhiên của một kiếp người! Nhưng chết thế nào mới là điều đáng nói.
1. Cái Chết Tự Nhiên
Có một động lực luôn thúc đẩy chúng ta, những người đầy đủ lý trí, ý chí và tự do, là làm thế nào để sống tốt và chết được bình an. Chết là một hình thức của đau khổ, là một điều hiển nhiên sẽ đến với con người, như người ta thường nói: “vị khách không mời mà đến”, “tử thần không ưa mà phải gặp”. Tuy nhiên, với cuộc sống bình thường, con người có thể làm một điều gì đó để chuẩn bị cho cái chết, hay nói đúng hơn là mỗi người có thể tìm một phương thế để làm cho cái chết trở nên “bình thường” và “dễ thương” hơn. Một trong những cách thức chính yếu sẽ giúp con người giữ được bình tĩnh, sự cân bằng tâm lý, ổn định nội tâm và không hoảng hốt khi phải đối diện với tử thần, là cách thức sống của chúng ta khi chúng ta còn diễm phúc hiện diện trên cõi đời này. Qui luật này không trừ bề trên hay bề dưới, không trừ người giàu sang hay kẻ bần cùng khố rách áo ôm.
Mọi người đều cần sự bình an như cần thức ăn, nước uống, nhà ở… Có được sự bình an trong cuộc sống thì chúng ta có thể hóa giải được những khúc mắc trong sinh hoạt thường ngày cách dễ dàng. Đứng trước những lo âu, phiền toái, buồn bực, chúng ta dễ cảm thấy mình đang bị một áp lực vô hình đè nặng lên thân xác chúng ta. Thế nhưng, hỡi ôi! Sự bình an đâu phải dễ tìm. Có những người đi tìm suốt một quãng đời với biết bao cố gắng và đã thất bại. Khổ tâm, uể oải, thất vọng là kết quả của một cuộc kiếm tìm và có nguy cơ trở thành những con vi rút đang xâm nhập khắp mọi nơi, ngay cả những nước phát triển nhất trên thế giới và nó cũng không trừ những môi trường được coi là đạo đức thánh thiện nhất trần gian.
Sự bình an là một năng lượng sinh ra từ bên trong nội tâm chúng ta. Chúng ta thường cố công đuổi bắt cái bóng của chúng ta, nhưng thực tế cái bóng ấy luôn luôn gắn liền với từng bước chân của chúng ta. Cha ông ta thường nói: sống sao chết vậy. Đúng thế, nếu chúng ta nỗ lực làm nên cuộc sống này với tất cả ý nghĩa của nó bằng chính sự bình an nội tâm của chúng ta thì chúng ta sẽ bớt ân hận với lương tâm khi phải trả lại sự sống cho thế gian này. Khi để mất sự bình an nội tâm, chúng ta cũng không thể cư xử bình tĩnh và dịu dàng với người khác. Nếu không có mưa, người và súc vật đều bị khát. Khi đã không có bình an và tình thương ở nội tâm thì cả tâm trí và trái tim đều bị khô cạn, Dadi Janki đã nói như vậy.
Vâng, chúng ta không hề mong một kết cục bi thảm. Ai mà chẳng muốn sống an chết lành! Điệp khúc: “xin cho con được ăn mày chết đàng” là một điều hoàn toàn ngoài ý muốn của chúng ta. Nếu cuộc sống thường ngày của chúng ta là một chuỗi ngày đầy ý nghĩa và hoàn toàn tích cực, chúng ta sẽ chấp nhận cái chết cách an bình và có thể nói “hoàn toàn hạnh phúc”. Trái lại, cuộc sống của chúng ta không nhằm đem lại bình an cho con người, xã hội mà chỉ là những đau khổ, bất công và bất nhân thì chúng ta phải trả giá cho sự phán xét của lương tâm khi về “đoàn tụ ông bà”. Thành ngữ Việt nam có câu: “Sống khôn thác thiêng”. Thiêng: được linh hiển. Người xưa tin rằng con người mà lúc sống khôn ngoan thì sau khi chết được linh hiển như các bậc thần thánh. Đây cũng là lời nguyện cầu của người sống đối với người chết, mong cho họ được linh hiển để chóng siêu thoát[1]. Từ diễn nghĩa trên, ta thấy từ ngàn xưa cha ông ta vẫn tin đang còn cái gì đó thật sự linh thiêng sau cái chết. Cụ Nguyễn Du cũng đã từng nói: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Theo quan niệm của Duy Vật thì hoàn toàn khác. Họ cho rằng chết là hết. Niềm hy vọng vào một thế giới hoàn toàn tích cực hơn sau cái chết đối với họ là một điều không tưởng. Thế nhưng, trong thực tế, theo tôi, chẳng có “tay duy vật” nào mà không tin còn một chút gì linh thiêng sau cái chết. Lý do là khi họ còn biết cầm một cây nhang vái trời, xá đất tức là họ đang mong một điều gì đó tốt đẹp hơn cho chính mình, người thân và xã hội. Nếu họ không tin điều đó thì hành vi của họ đang làm là hoàn toàn vô nghĩa hay sao? Hay là có ai có đầy đủ lý trí, ý chí và tự do lại không hiểu, không xác tín một việc mình đang làm. Nếu không lầm thì hình như Cụ Hồ, ông tổ của Duy Vật Việt nam, cũng từng nói: “sau khi chết tôi sẽ đi thăm Karl Marx, Lênin”. Để hóa giải cho quan niệm của Duy Vật, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đưa ra quan điểm và lập trường rất vững chắc cho “NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO” trong SPE SALVI từ số 16 đến số 23.
Con người chúng ta là một con vật có xã hội tính. Chính vì thế niềm vui và niềm hạnh phúc của chúng ta phải tùy thuộc vào những yếu tính của xã hội. Chúng ta sống cùng và sống với xã hội. Hạnh phúc của chúng ta không thể tách rời khỏi sự liên đới với con người và xã hội. Nếu chúng ta biết sống hòa hợp với thực tế, hợp lực với con người, hợp ý Thiên lý thì chúng ta đang tạo cho mình một cuộc sống hoàn toàn có ý nghĩa.
Đúng vậy, không ai muốn sống một mình giữa ốc đảo. Cũng không ai muốn tự cô lập mình trong vỏ ốc của cuộc đời. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi ngày của sự giao tiếp. Chúng ta cần có cơm ăn, áo mặc, nước uống… Những nhu cầu thiết thực này chúng ta không tự mình tạo ra được. Chúng ta cần có sự tích cực đóng góp của nhiều người. Niềm hạnh phúc cơ bản của chúng ta là biết nương tựa vào người khác, đương nhiên phải tránh kiểu sống theo, sống bám. Sống hòa hợp với mọi người và với hoàn cảnh là một phương thế đầy đủ ý nghĩa để trải qua cuộc sống của mình. Triết gia Jean Paul Sartre coi: “Tha nhân là hỏa ngục”. Nhưng trong thực tế, nếu không có “hỏa ngục” này thì không có hạnh phúc. Đối tượng của hạnh phúc là tha nhân. Chỉ có những người không “bình thường” mới “tự hạnh phúc một mình”. Ngay cả những người có quyền bính họ cũng thực sự hạnh phúc trong lúc “hành”, “xử” quyền bính của mình. Nếu họ độc tài, độc đoán, ngông cuồng, bất nhân… thì họ cũng cảm thấy hạnh phúc trong chính những đặc tính của họ. Điển hình như Nêrô, Hitler, Binlađen… Vâng, không ít người tự cho mình đã đạt được mọi sự, thông biết hết mọi loài trên đời này, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay không có gì là của mình cả, kể cả sự an ủi của người thân.
2. Giáo Pháp Của Đức Phật
Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma: “Thông thường, khi tôi mô tả về tinh hoa của Phật Giáo, tôi nói rằng chúng ta sẽ cố gắng giúp đỡ mọi người với khả năng tốt nhất của mình, và nếu chúng ta không thể giúp đỡ họ, ít nhất chúng ta đừng gây họa cho họ. Tôi cho rằng, điều này thật rõ ràng ngay cả một quan điểm đã có từ muôn thuở. Nếu một cá nhân thông cảm đến những người khác với lòng bi mẫn, cuối cùng người này chắc chắn sẽ là một người hạnh phúc. Những hành động tiêu cực có dẫn đến việc đạt được lợi lộc tạm thời, nhưng tận trong đáy lòng chư vị sẽ luôn luôn cảm thấy không được yên ổn. Một thái độ bi mẫn không có nghĩa chỉ là một cảm giác xót thương thụ động. Trong một xã hội tân tiến tranh đua ngày nay đôi lúc chúng ta cần có một quan điểm cứng rắn. Nhưng chúng ta có thể cứng rắn đồng thời với tấm lòng xót thương. Khi một ai đó sống bằng tính cách này cho đến cuối đời mình, tôi chắc chắn họ sẽ ra đi trong niềm hạnh phúc và không chút tiếc nuối”.
3. Cái Chết Trong Niềm Tin
Chết: Trạng thái khi cơ thể sống ngưng hoạt động. Nhiều tôn giáo cho rằng đó chỉ là chết về thể xác, còn linh hồn hoặc tinh thần thì sẽ lên thiên đàng hoặc xuống địa ngục, tùy thuộc vào cách sống của người đó trên thế gian này[2]. Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết đón nhận cái chết trong tâm thế sẵn sàng và hết sức bình an với niềm tin và hy vọng mãnh liệt vào Đấng đã chết vì yêu chúng ta. “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người. Đó là niềm tin của chúng ta” (x. Rm 6, 8; Tm 2, 11-13).
Tin tưởng là điều kiện thiết yếu của người Kitô hữu. Chúng ta sợ hãi, lo âu, bồn chồn, bối rối đều bắt nguồn từ thiếu niềm tin. Biết trước những xao xuyến của các môn đệ, Đức Giêsu đã trấn an các ông: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14, 1).
Nhưng, như đã trình bày ở trên, dù sao thì sự chết vẫn là một sự mất mát, một sự đau thương cho chính đương sự và cả người thân. Trước cái chết, không ai nói hay và cũng không ai có khả năng để từ chối nó. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng thổ lộ những nỗi sợ hãi ghê gớm này. Người nói: “Ab-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin Cha cho con khỏi uống chén này” (Mc 14, 36a). Nhưng Người đã không chùn bước trước sự sợ hãi này. Người đã bước vào mầu nhiệm tử nạn bằng niềm tin mãnh liệt và hoàn toàn phó thác vào Thánh ý Thiên Chúa: “Xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36b).
Là người tin, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng vào Đấng đã chết và đã phục sinh cho chúng ta. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi chúng ta tin cuộc sống trần gian này chỉ là tạm bợ, là bến đỗ để chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống mai hậu. Chết không phải là đi vào một thế giới “u u minh minh”, một khoảng không vô tận, một thế giới huyền ảo, hay chết là hết, mà là chúng ta đi về Nhà Cha; chúng ta quẳng mình vào thế giới tràn đầy yêu thương, nơi đó không hề đau khổ, không còn lo âu phiền muộn, không còn những trăn trở của kiếp người. Đây là niềm hy vọng hoàn toàn có thực mà Đức Giêsu đã mạc khải cho chúng ta: “…Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được” (Ga 14, 22). Và đó cũng là nơi mà Đức Giêsu đã đi trước để khai thông mở lối dọn chỗ cho chúng ta:
“…Thầy đã nói với anh em rồi. Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. …Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 2-3).
Tin tưởng vào Đấng Phục Sinh, chúng ta sẽ đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng, bình an và hoàn toàn có ý nghĩa. Bởi vì, chúng ta xác tín rằng cái chết thể xác này chỉ như một sự biến đổi để đi vào sự phục sinh vinh hiển của Con Thiên Chúa, Đấng đang chờ chúng ta cùng vào đồng bàn với Người trên Thiên Quốc.
Lạy Cha, con đang mang trong mình sự sống của Con Cha, một sự sống thần linh muôn đời bất diệt. Xin cho con biết quí trọng sự sống cao quí này bằng cách mỗi ngày con dám từ bỏ bớt những gì là đê hèn trong con để sự sống của Con Cha ngày càng triển nở hơn.
Lạy Cha, con biết rằng ai cũng mong cho mình có cái chết bình an, hoan lạc, nhưng để được như vậy đòi hỏi con phải chết đi cho chính mình mỗi ngày. Cái chết của sự đố kỵ, ghen tuông, lười biếng, ích kỷ, bất cẩn trong tư tưởng và lời nói, thói thích quan liêu trong lãnh đạo, thích khoác loác khoe khoang tỏ vẻ anh hùng, thích huênh hoang trong bộ “áo chùng thâm” của nhóm biệt phái Pharisêu… còn nhiều và rất nhiều những tật xấu trong con nữa Cha ạ!
Lạy Cha chí ái, vì yêu thương chúng con là những người đã đánh mất địa vị làm con vì tội lỗi, mà Cha đã cho Con Một yêu dấu của Cha đến để “hiến mạng sống làm giá chuộc chúng con” (x. Mc 10, 45). Ôi tình yêu thật tuyệt vời và sâu thẳm biết chừng nào khi Con Cha đã cứu chuộc, Rédemption, có nghĩa là đã mua lại, Rachat, những con người “mất giá” chúng con! Nhờ một cái “giá” có giá trị “vô giá” này, xin Cha rộng lượng với các linh hồn trong chốn luyện tội, nhất là những lình hồn các anh em phần tử Hội Dòng con và các linh hồn mồ côi không được ai nhớ đến cho một lời kinh. Vì công nghiệp của Con Cha, xin cho các linh hồn ấy sớm vào đồng bàn với Cha trong Nước của Cha muôn đời. A-men!
Tất Bật
0 nhận xét:
Đăng nhận xét