Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Sứ điệp của ĐTC Biển Đức XVI nhân ngày quốc tế truyền thông xã hội lần thứ 41 "TRẺ EM VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG, MỘT THÁCH THỨC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC"

Ngày 29/01/2007 Uỷ Ban Truyền Thông Xã Hội của HĐGM/VN do ĐGM PM Nguyễn Văn Đệ đặc trách đã tổ chức buổi họp mặt đầu tiên mang tầm mức quốc gia (Giấy mời được gởi tới tất cả các vị trách nhiệm truyền thông trong các giáo phận và các Dòng tu, tuy nhiên số người tham dự chỉ đạt khoảng 50%) tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam. Cuộc gặp mặt nhằm thành lập Ban Điều Hành, soạn thảo quy chế hoạt động và lên kế hoạch cho công tác truyền thông xã hội tại Giáo Hội Việt Nam. Truyền thông xã hội là một hoạt động rất quan trọng của Giáo Hội, tuy nhiên còn bỏ ngỏ tại Việt Nam. Hoà vào dòng sống của Giáo Hội, nội san Dựng lều xin giới thiệu thông điệp của ĐTC nhân ngày thế giới truyền thông 04/02/2007 diễn ra tại Pháp
Anh chị em thân mến,
1. Chủ đề của ngày quốc tế truyền thông xã hội lần thứ 41 "Trẻ em và các phương tiện truyền thông : một thách thức đối với công tác giáo dục", mời gọi chúng ta suy nghĩ hai điểm hết sức quan trọng có liên quan mật thiết với nhau : đầu tiên là sự đào tạo các trẻ em; kế đến, có lẽ ít quan trọng hơn, là sự đào tạo các phương tiện truyền thông.
Những thách thức đầy phức tạp mà công tác giáo dục phải đối diện hôm nay thường có liên quan tầm ảnh hưởng mang tính lấn át của các phương tiện truyền thông trong thế giới của chúng ta. Là một yếu tố của hiện tượng toàn cầu hoá, cộng với sự phát triển chóng mặt của kĩ thuật, các phương tiện truyền thông ảnh hưởng cách sâu đậm lên môi trường văn hoá (x. tông thư Le développement rapide của ĐTC Jean-Paul II, n°3). Thật ra, không ai quả quyết rằng ảnh hưởng mang tính giáo dục của các phương tiện truyền thông trong việc đào tạo lại cạnh tranh so kè đối với ảnh hưởng của trường học, của Giáo Hội, và của Gia đình. "Nhiều người cho rằng, thực tại là những gì mà các phương tiện truyền thông cho là thật; còn những gì các phương tiện ấy không lưu tâm thì cũng chẳng quan trọng." (Huấn thị Thời đại mới số 4).
2. Mối liên hệ giữa trẻ em, phương tiện truyền thông và giáo dục có thể được xem xét dưới hai phương diện : Đào tạo trẻ em bởi các phương tiện truyền thông; và đào tạo trẻ em để có thái độ phù hợp trước các phương tiện truyền thông. Ở đây có một sự tương tác nói lên trách nhiệm của các phương tiện truyền thông với tư cách là nền công nghiệp và sự cần thiết của sự tham dự tích cực và mang tính phê bình của đọc giả và khán thính giả. Trong khuân khổ này, sự đào tạo nhằm đến một sự sử dụng cách thích hợp các phương tiện truyền thông là điều cốt thiết cho sự phát triển luân lí, thiêng liêng và văn hoá của trẻ em.
Làm thế nào để bảo vệ và cổ võ công ích? Giáo dục trẻ em hướng đến một sự phán đoán lành mạnh mang tính phê bình trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông thuộc về trách nhiệm của các bậc cha mẹ, của Giáo Hội và của nhà trường. Vai trò trước tiên thuộc về các bậc làm cha làm mẹ. Họ có quyền và nhiệm vụ đảm bảo cho con cái mình một cách sử dụng cẩn trọng các phương tiện truyền thông, bằng cách huấn luyện lương tâm chúng biết phán đoán lành mạnh và khách quan trong việc lựa chọn hoặc từ chối những chương trình trong tầm tay của mình (x. Tông huấn Gia đình của ĐTC Jean-Paul II, n° 76). Để đạt được điều này, các bậc cha mẹ cần phải được động viên và nâng đỡ từ phía trường học và xứ đạo, để họ an tâm rằng, nhiệm vụ của cha mẹ, tuy thật khó khăn, nhưng rất hấp dẫn, luôn có sự đồng hành của tất cả cộng đồng.
Sự giáo dục đối với các phương tiện truyền thông cũng rất tích cực. Trẻ em được đặt trước những điều thật tuyệt vời về phương diện thẩm mỹ và luân lí, nhận được sự giúp đỡ để phát triển sự phán đoán, sự thận trọng, và sự phân định của mình. Việc nhìn nhận rằng những tấm gương của các bậc cha mẹ có một giá trị nền tảng, và việc giới thiệu nhiều hơn những tác phẩm văn chương cổ điển dành cho trẻ em, mỹ thuật và âm nhạc đến những người trẻ cũng là một việc hết sức quan trọng. Trong khi văn chương dân gian sẽ vẫn luôn có được chỗ đứng trong nền văn hóa, sự cám dỗ của chủ nghĩa duy cảm nhằm thay thế cho việc giảng dạy không nên được chấp nhận một cách thụ động. Cái đẹp như là chiếc gương phản chiếu của thần linh khơi dậy và nuôi sống con tim và trí óc những người trẻ, trong khi cái xấu và sự khiếm nhã có một tác động xấu trên thái độ và cách hành xử của họ.
Cũng giống như giáo dục phổ thông, giáo dục về phương tiện truyền thông cũng đòi hỏi một sự đào tạo việc sử dụng tự do. Đó là một nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều. Tự do thường vẫn được trình bày như là sự tìm kiếm không ngừng thú vui và những kinh nghiệm mới mẻ. Đó là một sự kết án hơn là một sự tự do! Tự do thật sự không bao giờ bó buộc một cá nhân - đặc biệt là một trẻ em – tìm kiếm không ngừng sự mới mẻ. Dưới ánh sáng chân lí, sự tự do đích thực chứng tỏ là câu trả lời dứt khoát "có" của Thiên Chúa đối với nhân loại, nó mời gọi chúng ta chọn lựa, không phải một cách mù quáng mà là được cân nhắc kĩ càng, tất cả những gì là chân, thiện, mĩ. Như thế, chính cha mẹ, với vai trò người canh giữ sự tự do này, trong khi trao ban cho con cái mình từ từ sự tự do lớn nhất, hướng dẫn chúng đến niềm vui sâu thẳm của đời sống (x. Thư gởi cuộc gặp gỡ quốc tế về gia đình ở Valence ngày 8/7/2006)
3. Mong ước chân thành của cha mẹ và các nhà giáo dục dẫn dắt trẻ em trên những con đường chân, thiện, mĩ chỉ có thể được ủng hộ bởi nền công nghệ truyền thông trong chừng mực nó tạo điều kiện để đạt đến phẩm giá căn bản của con người, giá trị thật của hôn nhân và của đời sống gia đình, sự viên mãn và cứu cánh của nhân loại. Như vậy, sự cần thiết của các phương tiện truyền thông tham dự vào sự đào tạo hữu hiệu và vào những chuẩn mực luân lí được được quan tâm cách đặc biệt và thậm chí được coi như một sự cấp bách không chỉ bởi những bậc cha mẹ và những nhà giáo dục mà bởi tất cả những người ý thức trách nhiệm công dân của mình.
Dù chắc chắn rằng nhiều người dấn thân trong lãnh vực truyền thông xã hội muốn hành xử một cách ngay thẳng (x. văn kiện "Đạo đức truyền thông" của Hội đồng Toà thánh về truyền thông xã hội số 4), chúng tôi cũng phải nhận rằng những người làm việc trong lãnh vực này phải đối chất với những "áp lực tâm lí đặc biệt" và những dằng co luân lí (dilemmes moraux) (x. Thờiđại mới số 19), cùng với lí do cạnh tranh thương mại, đôi khi những chuyên gia trong lãnh vực truyền thông phải chấp nhận một mức độ thấp hơn. Mọi xu hướng thực hiện những chương trình và những sản phẩm – bao gồm phim ảnh và các trò chơi điện tử - nhân danh sự giải trí, mang tính ca tụng bạo lực hoặc giới thiệu  một cách xử sự phản xã hội hoặc tầm thường hoá vấn đề tính dục đều cấu tạo nên một thứ đồi bại. Sự đồi bại lại càng ghê tởm nếu nó nhắm vào trẻ em và thiếu niên. Làm thế nào biện minh cho "sự giải trí" này trước biết bao người trẻ vô tội là nạn nhân thật sự của bạo lực, bóc lột và lạm dụng? Về điều này, rất nên suy nghĩ về sự tương phản giữa sự việc Đức Kitô "ôm những trẻ nhỏ và đặt tay chúc lành cho chúng" (Mc 10,16) và người gây cớ vấp phạm cho những kẻ bé nhỏ này, thà cột cối đá vào cổ nó còn hơn (x. Lc 17,2). Tôi muốn một lần nữa kêu gọi những người hữu trách của công nghệ truyền thông đào tạo và khuyến khích những nhà sản xuất hãy cứu lấy công ích, bảo vệ chân lí, bảo vệ phẩm giá con người và cổ xuý sự tôn trọng những lợi ích của gia đình.
4. Chính Giáo hội, nơi ánh sáng cứu độ được kí thác, cũng là một nhà giáo dục của nhân loại, không thể không đóng góp phần của mình với các bậc cha mẹ, các nhà giáo, các chuyên viên  truyền thông và với những người trẻ. Những chương trình riêng của Giáo hội, trong các giáo xứ và trường học phải ưu tiên cho việc giáo dục đối với các phương tiện truyền thông ngày nay. Hơn hết, Giáo hội muốn chia sẻ quan điểm về phẩm giá con người chính là trung tâm của tất cả mọi truyền thông lành mạnh. "Tôi nhìn với con mắt của Đức Kitô và có thể trao ban cho tha nhân nhiều hơn là những vật cần thiết bên ngoài : đó là cái nhìn của tình yêu mà họ cần" (Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu của ĐTC Biển Đức XVI số 18)
Vatican ngày 24 tháng 01 năm 2007, lễ thánh Phanxicô Đờ Xan
ĐTC Biển Đức XVI

(Dom. Ninh Phán dịch từ bản pháp ngữ trên báo điện tử Zenit)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP