(Tiếp theo kỳ trước)
Bonaventure Phạm Vũ Duy
2. Bản chất của con người là yêu sách tuyệt đối
Trong cuộc sống, có những con người luôn khát vọng vươn lên, định hướng cho đời sống của mình, chọn lựa nó làm nên ý nghĩa cho cuộc đời, nhưng cũng có những người sống buông thả, không thèm nghĩ tới cuộc đời của mình sẽ như thế nào, cứ để cho thời gian trôi đi một cách vô ích, không biết mình sống để làm gì, không tìm cho mình một ý nghĩa để tô điểm cho cuộc đời, thật là lãng phí. Khi mất đi ý nghĩa, cuộc sống sẽ trở nên vô vị, trống vắng, dư thừa, không tìm thấy con người thực của mình, con người bị loại bỏ trong xã hội.
Chính vì thế mà con người phải tìm cho mình một ý hướng, một lựa chọn, một ý nghĩa cho cuộc đời. Từ đó phải tranh đấu bảo vệ nó trong mọi phương diện, bên ngoài cũng như bên trong. Việc lựa chọn, bảo vệ đó chắc hẳn ta phải chấp nhận từ bỏ rất nhiều, khó khăn rất nhiều, thậm chí hy sinh cả mạng sống để bảo vệ nó, có như vậy mới làm nên ý nghĩa cuộc đời.
Như vậy, bản chất của con người là gì? Phải chăng đó là yêu sách tuyệt đối, những gì được cho cho yêu sách tuyệt đối cho con người. Có phải chính mức độ tuyệt đối thúc bách trong con người, làm cho con người phải khát khao vươn lên, hướng tới bản chất con người, đó là tìm về CHÂN – THIỆN – MỸ.
2.1 Yêu sách tuyệt đối phải là một điều đúng (chân)
Con người sống ở mọi nơi, mọi thời đều khát khao chân lý. Nhưng để biết chắc chắn đâu là chân lý sống của đời người thì không phải dễ, không như một bài toán tìm ra giải đáp… vậy chân lý sống là gì? Thật khó mà có được một lời giải thích chắc chắn. Nhưng xin được hiểu chân lý sống nghĩa là dám lấy chính cuộc sống để chứng minh chân lý đã tìm thấy, đã hiểu được. khám phá ra chân lý mà chân lý lại không bảo vệ được nhân cách và phẩm giá con người thì ắt không phải là chân lý sống để con người theo đuổi.
Chân lý luôn là tiêu chuẩn cho người ta chọn lựa, phát triển trong mọi lãnh vực. Vì thế, nhiều học giả đã cố đưa ra quan niệm về chân lý.
Nhà giải thích học Husel và Heidegger quan niệm: chân lý như “chân trời”, nó luôn ở gần ta, mời mọc ta khám phá, nhưng lại ở ngoài tầm tay của ta. Một số học giả khác cho rằng: chân lý là cái làm cho nó là nó; cái làm cho cái ấy là cái ấy.
Quả thật, có rất nhiều quan điểm về chân lý. Nhưng dầu sao thì chân lý vẫn luôn ở trong nội tâm và bên cạnh mỗi người để làm tiêu chuẩn cho người ta sống, chứ chân lý không chỉ là đối tượng cho người tìm biết. Bởi vậy, khát vọng và tìm kiếm chân lý sống cho cuộc đời là cần, là đúng. Nhưng khi tìm được chân lý nào đó, ta cũng cần trắc nghiệm lại bằng những câu hỏi, chân lý ấy có giúp ta thoát khỏi nỗi cô đơn, bất lực của cuộc đời không? Hay chân lý ấy có giá trị gì cho cuộc sống nhân sinh? Hoặc chân lý ấy có đáng để cho con người hôm nay phải hy sinh để minh chứng và phải dấn thân tìm kiếm suốt cuộc đời? Tự đặt vấn đề như thế để trong cuộc sống ta dễ phân biệt loại chân lý vụn vặt và loại chân lý đáng để con người dấn thân kiếm tìm suốt cuộc đời.
Tóm lại, chân lý luôn là tiêu chuẩn cho người ta chọn lựa để sống cuộc đời với một ý nghĩa sâu sắc, thanh cao. Nên con người phải xác định rõ đâu là chân lý để để con người phải hy sinh làm chứng và dấn thân kiếm tìm cả cuộc đời.
2.2 Yêu sách tuyệt đối phải là một điều tốt (thiện)
Có nhiều quan niệm về sự thiện và ác, một số người bình dân xưa cho rằng: thiện ác là hai vị thần luôn giao chiến với nhau. Nếu thần thiện thắng trận thì thế giới an bình, thời tiết ôn hòa. Còn nếu thần ác tắng thì sẽ sinh ra dịch tễ, đói kém, hạn hán nhiều nơi trên thế giới. Triết gia Socrate khẳng định: “không ai tự nguyện sống bất lương”. Nhà thơ Nguyễn Du thì cho rằng: “Thiện căn ở tại lòng ta”. Còn Mạnh Tử thì quả quyết: “bản chất con người là lương thiện”. Moät soá hoïc thuyeát coøn cho raèng: “Nhaân chi sô, tính baûn thieän”(Maïnh Töû, Jean Jacques Rouseau)
Từ những điều trên cho thấy không ai cố tình chuốc lấy điều ác cho chính mình. Và ngày nay cũng không ai nói rằng thiện ác là do hai vị thần nữa , thiện luôn có đó, còn ác hệ quả xuất phát từ những lựa chọn sai lầm của con người. Vì thế, rất có lý khi các nhà hiền triết khẳng định: “con người mang sẵn bản tính lương thiện, và chắc chắn thoạt đầu mọi tạo vật hiện hữu đều là thiện, là tốt, nhưng khi con người lạm dụng tự do, làm trái với lương tâm, với luật lệ của thiên nhiên thì sẽ biến điều vốn thiện thành ác.
Qua đó ta có thể kết luận rằng, sự thiện là tốt đáng mọi người trân trọng. Sự thiện sẽ làm cho cuộc đời mang đậm những ý nghĩa sống động. Còn sự ác sẽ sinh ra những hậu quả nguy hại cho cả nhân lọai cần phải loại trừ.
2.3 Yêu sách tuyệt đối phải là một điều đẹp (mỹ)
Con người sống ở mọi nơi, mọi thời đều muốn biết chân lý, muốn làm điều thiện, nhưng như thế thì chưa đủ mà còn phải thêm điều đẹp nữa. Hầu như ai cũng muốn chiêm ngắm cảnh đẹp, người đẹp và luôn muốn cho mình đẹp nữa, đẹp mãi. Bởi chính cái đẹp có giá trị làm cho đời vui hơn, duyên dáng hơn… Nhà văn Dostoyeski cũng nhấn mạnh: “cái đẹp sẽ cứu độ thế giới”. Quả vậy, cái đẹp luôn có giá trị làm cho lòng người rung động, thanh thoát. Nhưng để khám phá ra một nét đẹp hay tạo ra một nét đẹp không phải đơn giản. Có cái đẹp tự nhiên, có cái đẹp do chính mình tạo ra như tác phẩm nghệ thuật và cũng có cái đẹp do chính thời đại quan niệm.
Do vậy, người ta vẫn chuộng cái đẹp tự bản chất hơn là cái đẹp hào nhoáng. Và hầu như mọi người thừa nhận rằng, cái đẹp tinh tuyền xuất phát từ con tim, cái đẹp được tác tạo từ suy tư đúng đắn và được thể hiện qua bàn tay chân thật, thì sẽ có giá trị cứu vãn thế giới. Còn nhan sắc, hình dáng bên ngoài thì nay còn mai hết, bởi theo quy luật tự nhiên thì nhan sắc, hình dáng của con người, của vạn vật sẽ luôn thay đổi theo thời gian. Thế nhưng cái đẹp nào cũng làm cho lòng người rung cảm và khích lệ cuộc sống. Nhan sắc, hình dáng đẹp giúp đời tự tin hơn, nhưng dễ làm cho người ta nhầm với cái đẹp nội tâm. Thực tế cho thấy, có nhiều người vì nhan sắc đã cuốn đưa cuộc đời vào ngõ cụt, hay chỉ vì muốn đẹp mà cả cuộc đời chỉ cố tạo dáng, hoặc chỉ vì nhan sắc mà cả cuộc đời đã vùi đầu chạy theo bóng hồng. Dõi theo dòng lịch sử ta thấy, có nhiều sĩ tử đã sập bẫy, đã tiêu tan sự nghiệp chỉ vì ham mê nhan sắc, vẻ hào nhoáng.
Tóm lại, cái đẹp sẽ góp phần làm cho cuộc sống uyển chuyển và sinh động. Bởi vậy, để sống vui, sống tự tin và sống hạnh phúc người ta cần khám phá được cái đẹp ở nơi mình, nơi người khác và trong vũ trụ, nhất là cần phải trân trọng, dưỡng nuôi những suy tư đẹp sẽ làm cho cuộc sống ta có ý nghĩa hơn.
(Còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét