Không ai nghi ngờ về tình mẫu tử của Mẹ Maria đối với con cái mình đang còn trên đường lữ thứ trần gian. Trong những thời điểm và hoàn cảnh khó khăn, Mẹ thường hiện đến yên ủi, chăm sóc giúp đỡ và nhắc nhở con cái mình. Những nơi này đã trở thành những nơi hành hương nổi tiếng khắp thế giới như : Lộ đức (Pháp), Fatima (Bồ đào nha), Banneux (Bỉ), Mễ du (Nam tư), … Hay là La vang, ngay tại quê hương của chúng ta đây thôi. Chính nhờ sự hiện diện cách đặc biệt của Mẹ như thế, mà con cái Mẹ ở trong những hoàn cảnh khó nhất định, đã có được hy vọng và can đảm giữ vững đức tin của mình, vững bước theo Đức Giêsu con yêu dấu của Mẹ. Vì thế mà khẩu hiệu Ad Jesum per Mariam đã được nhiều người coi như linh đạo kitô giáo và được nhiều dòng tu lấy làm phương châm cho mình.
Sự can thiệp của Mẹ trước những khó khăn đau khổ của con cái là điều đã được biết đến khi Mẹ vẫn còn đang sống kiếp con người tại thế. Sự việc này đã được Tin Mừng nhắc đến trong câu chuyện Tiệc cưới Cana , khi gia đình hôn lễ gặp sự cố thiếu rượu (Ga 2,1-11).
Trong chuyến hành hương Thánh địa cuối tháng tư vừa qua, người viết có dịp chứng nghiệm một sự may mắn lạ thường, mà những người đi chung không ngần ngại coi đó là sự can thiệp đầy tình mẫu tử của Mẹ. Là phép lạ Cana 2007!
Số là khi khi đoàn hành hương đến thăm một cộng đoàn dòng tu Bethlehem tại Hararit (cách Nazareth độ chừng 40 cây số). Cộng đoàn có 8 tu sĩ với những căn nhà đơn sơ toạ lạc trên một ngọn núi khá cao, trong một cụm dân cư tên là Hararit. Tại đây, được biết là có Khirbet Qana cách đó khoảng 15 cây số đường rừng núi. Đi bộ mất chừng 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Đây chính là Cana thật (Xin nói thêm rằng Cana mà người ta vẫn hành hương bây giờ là Kafr Cana, một làng cách Nazareth độ 8km về phía Đông Bắc. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu thì đây không phải là Cana thật được nhắc tới trong Tin Mừng!), nơi Chúa Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu được nói tới trong Tin Mừng Ga 2,1-11 (Về vấn đề tranh cãi đâu là Cana thật nơi Chúa đã làm phép lạ biến nước thành rượu, xin xem mục “Cana” trong Louis Hurault, Guide de Terre Sainte, Routes Bibliques. Les chemins de la parole, Paris, Jubilé, 1998. Dịch giả Nguyễn Chí Thiết, Lời và Đất hứa)
Thế là “ba người can đảm” trong nhóm lên đường đến Khirbet Qana. Bây giờ đã 13 giờ. Cứ theo triền núi mà băng xuống thung lũng Netofa, rồi nhắm hướng Qana (với bản đồ trong tay) mà đi. Đường núi, vắng bóng người, thỉnh thoảng mới gặp một vài người chăn cừu với đoàn gia súc. Hoặc hoạ hiếm một vài nông dân thu hoạch hoa màu ở những mảnh đất dưới chân núi. Họ chỉ nói được tiếng ả rập mà thôi, nên việc hỏi đường thật khó khăn. Cứ giơ bản đồ chỉ chỗ mình muốn đến. Đôi khi thấy họ cầm bản đồ quay dọc quay ngang mà thấy nản (vì họ không đọc được bản đồ bằng tiếng do thái!).
Đi được khoảng hơn hai giờ đồng hồ thì cả ba người đều bắt đầu lo lắng. Một mặt không biết mình đi có đúng đường không, mặt khác lại nghĩ không biết nên làm gì bây giờ. Tiến thoái lưỡng nan! Phía trước thì chỉ thấy núi đồi, phía sau thì cũng đã quá xa nơi ở mà cũng chỉ là đồi núi. Mọi người nhất trí rằng đi khoảng hai tiếng nữa (khoảng 5 giờ chiều) mà không đến được Qana thì sẽ tìm cách đến một chỗ nào đó gần nhất có dân cư để tìm chỗ qua đêm rồi ngày hôm sau sẽ tính (chứ quay lại nhà theo đường vừa đi thì không thể vì phải leo núi trong đêm tối!).
Sau 3 tiếng 45 phút đi bộ, thì cũng đến được chỗ mình muốn đến đó là Qana. Thật ra nếu không may mắn gặp được một nhóm Do thái từ Haifa đến đây cắm trại thì chắc cũng chẳng biết đây là Qana! Khi hỏi thăm và đưa bản đồ hỏi họ thì họ chỉ quả đồi kế bên. Họ cho nước uống và chỉ đường để ra lộ chính để có thể trở về nhà.
Qana hiện nay là một quả đồi trọc, có một cái giếng cạn. Là một phế tích từ nhiều thế kỉ. Sau một lúc di dạo xung quanh “đồi Cana”, lại phải tìm đường trở về thôi vì đã gần 5 giờ chiều rồi. Không thể về theo đường tắt đã đi được, vì trời tối không thể băng rừng núi được. Phải vòng ra đường lộ (theo sự chỉ dẫn của những người Do thái cắm trại), may ra có thể đón xe quá giang về nhà. Thế nhưng để đi được ra tới lộ cũng phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ, một quãng đường mòn và băng qua một ngọn núi cao.
Đón một lúc chẳng ma nào cho quá giang! Cuối cùng cũng có một ông lão dừng xe cho quá giang. May quá. Khi nói chuyện lại biết ông lão ở ngay gần nhà dòng nơi anh em ở! Thế là ông chở về tới tận cổng sau để vào nhà (nhà Dòng sát với khu Do thái được rào xung quanh cẩn thận. Muốn vào khu vực này phải qua một cổng có mã số. Giữa khu vực này và nhà Dòng có một cổng có thể qua lại vào ban ngày. Ban đêm họ khoá lại).
Khi nối lại các sự kiện, thì thấy rõ ràng có một sự may mắn quá sức. Đầu tiên là gặp nhóm người Do thái cắm trại; Họ chỉ cho biết chỗ mình muốn tìm, và chỉ đường để ra lộ chính; Quyết định băng qua ngọn núi (đỡ phải đi đường vòng một đoạn khoảng 3km, và như thế khó có thể gặp được ông già tốt bụng!); Cuối cùng là gặp được một ông không những tốt bụng mà còn ở gần ngay chỗ mình đang ở! Một sự tình cờ không dễ xảy ra cách tự nhiên!
Một cha trong nhóm, từng là linh hướng chủng viện, hiện là cha giáo về môn tu đức kết luận rằng : Ngày xưa nhà đám chưa yêu cầu mà Mẹ đã can thiệp rồi, huống chi bây giờ mình cầu xin muốn chết thì Mẹ làm sao mà từ chối cho cam! Đúng vậy, Mẹ không bao giờ an lòng khi thấy con cái mình lâm cảnh khốn khó. Đâu đó trong tôi nghe văng vẳng lời bài hát của nhạc sĩ Phanxicô, “… khốn khó dắt con đi, gian nguy đưa con về Mẹ vẫn chở che…”
Đảm Ninh Phán
0 nhận xét:
Đăng nhận xét