Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Sao Thánh Giuse Lại Già Thế?!

Từ trước đến nay thánh Giuse thường được trình bày dưới hình dáng của một ông già. Một ông cụ Giuse như thế bên cạnh vị hôn thê của mình ở tuổi 16 xem ra chẳng đẹp đôi tí nào! Gần đây hình ảnh thánh Giuse trẻ trung yêu đời đã xuất hiện ngày càng nhiều và không còn lạ lẫm gì trong nghệ thuật thánh. Tại sao người ta lại trình bày thánh Giuse như một ông già? Thánh Kinh và truyền thống nói gì về ngài?

Có lẽ nhiều người nghĩ rằng, một thiếu nữ đang độ xuân thì tuổi 16, thì khó có thể giữ mình đồng trinh khi sống chung trong cùng một mái nhà với một thanh niên trai tráng, nên đành bắt Giuse đóng vai trò một ông già cho chắc ăn? Đúng là về mặt tâm lí có thể an tâm hơn một chút. Tuy nhiên, chẳng ai có thể bảo đảm được điều đó. Báo chí vẫn cho thấy rằng những yêu râu xanh tuổi thất tuần không hề khan hiếm đó sao! Đó chỉ là suy diễn chủ quan. Chúng ta thử tìm hiểu những tài liệu nói về thánh Giuse xem thế nào.
Thánh Kinh  (Tân Ước) nhắc đến thánh Giuse thật ít ỏi. Ta chỉ biết ngài con ông Giacóp, thuộc dòng dõi vua Đavít (Mt 1,16; Lc 1,27; 2,4), là chồng của Đức Maria và là người công chính (Mt 1,19). Ngoài ra thánh Mátthêu còn cho biết ngài là một người thợ mộc (Mt 13,55). Nhưng không có chỗ nào cho phép chúng ta xác định được vóc dáng hay tuổi tác của ngài cả. Có chăng qua những biến cố liên quan đến cuộc đời ngài ta có thể suy đoán ngài là một người rất năng động và trẻ trung.
Không trẻ sao lại hay mơ mộng! Có ai từng trải, từng có nhiều năm kinh nghiệm trong cuộc sống mà lại tin vào các giấc mộng dễ dàng như thế? (x. Mt 1,20-24; 2,13-14.19-21) Không do dự, tính toán, ngài thức dậy, ngài đón hôn thê đang mang thai (không phải của mình) về nhà mình (chỉ có người trẻ đang bị "choáng" vì yêu mới tin và làm được điều đó!); rồi tức tốc đưa Đức Maria và trẻ Giêsu vượt biên giới sang Ai Cập; rồi trở về lại quê hương,… Rời bỏ quê hương đi định cư ở một nơi xa xôi lạ lẫm là một điều hết sức khó khăn và mạo hiểm. Càng khó khăn hơn đối với những người tuổi đã về chiều. Người già thường thích an cư. Nếu hoàn cảnh bắt buộc phải di cư thì họ thường phải so đo tính toán rất lâu, rất cặn kẽ chứ không quyết định cách "rốt rẻng" như thế. Ở người trẻ chuyện này có lẽ dễ dàng hơn bởi tính bốc đồng và thích mạo hiểm của họ. Dễ hoà nhập, không sợ nguy hiểm, gian khó cũng là những phẩm tính đặc trưng của người trẻ. Do vậy mà khi phải làm điều gì thì người trẻ quyết định và làm rất chóng vánh vì nếu không sợ rằng sẽ không còn "lửa"! Chỉ có người trẻ mới cả tin, nhanh nhẹn và nhiệt tình đến như thế!
Thế sao người ta lại tạc tượng, vẽ hình thánh Giuse già đến thế? Chắc chắn là do truyền thống bắt nguồn từ nguỵ thư. Một trong những nguỵ thư đó có tên là "Câu chuyện về Giuse người thợ mộc". Chuyện kể rằng, có một người tên là Giuse, ở thành Bêlem, thành của Đavít. Ông là một người khôn ngoan và là một thợ mộc lành nghề. Ông lập gia đình và có 6 người con : bốn trai (Giuđa, Giosêtos, Giacôbê, Simon) và hai gái (Lysia và Lyđia). Vợ ông chết khi Giacôbê còn rất nhỏ. Kể từ đó ông sống cảnh goá bụa "gà trống nuôi con". Ông và hai người con lớn thường đi làm việc ở xa nhà. Chính ông Giuse này sau sẽ là chồng của Đức Maria và là cha nuôi Đức Giêsu.
Chuyện kể rằng, Đức Maria từ khi 3 tuổi đã được gởi vào sống và phục vụ trong đền thờ. Khi được 12 tuổi, các tư tế thấy rằng Maria rất đạo đức, kính sợ Chúa và thích sống khổ hạnh, nên bàn nhau tìm kiếm cho Maria một người xứng đáng để đính hôn trong khi chờ đợi tới lúc kết hôn. Họ đã rút thăm trong số 12 chi tộc Israel, và chi tộc Giuđa đã trúng thăm. Từ chi tộc Giuđa, họ lại chọn ra những người được coi là công chính, và lá thăm lần này trúng vào ông già tốt bụng Giuse goá bụa. Các tư tế nói với Maria rằng : "Hãy đến ở với Giuse, phục tùng ông, cho tới thời gian chúng tôi sẽ làm lễ kết hôn cho con". Và như thế Giuse đã đón Maria, vị hôn phu về nhà mình. Maria gặp cậu nhóc mồ côi đáng thương Giacôbê, và chăm sóc cậu như là con mình vậy. Chính vì vậy mà người ta gọi Maria là mẹ của Giacôbê.
Cũng theo nguỵ thư này, thì Giuse lập gia đình năm 40 tuổi, sống đời sống gia đình trong 49 năm và sinh được 6 người con, sau một năm goá bụa, ngài đính hôn với Đức Maria và ngài từ giã cõi đời vào ngày 26 tháng Êpiphi (theo lịch của văn hoá Copte, nằm khoảng từ 25/6 đến 24/7) ở vào tuổi 111.
Như vậy, khi đính hôn với Đức Maria, thánh Giuse đã 90 tuổi! (Hôn phu 90 tuổi, hôn thê 12 tuổi, một cặp quá lệch và chẳng đẹp chút nào về phương diện người đời). Do vậy mà thánh Giuse được giới thiệu qua ảnh tượng dưới dáng vẻ của một ông lão!
Sự thật về con người thế lí và tuổi tác của thánh Giuse thế nào thì chẳng ai biết. Không ai có thể đưa ra một xác quyết thuyết phục mang tính khoa học. Qua những phân tích ở trên chúng ta có thể nói rằng:
  • Nếu cho rằng thánh Giuse cao tuổi đi chăng nữa thì cũng phải nhìn nhận rằng ngài vẫn mang trong mình một tinh thần rất trẻ trung, năng động và ngài sở hữu một sức khoẻ rất dồi dào của một người trẻ.
  • Nếu cho rằng thánh Giuse còn trẻ, thì ngược lại phải nhìn nhận rằng, ngài là một người rất bản lĩnh và kinh nghiệm sống của ngài thuộc vào "giới cao thủ", qua việc ngài hướng dẫn và bảo vệ gia đình Thánh Gia vượt qua những khó khăn và thử thách lớn lao một cách thật tuyệt vời.
Như vậy ta có thể nói rằng hình ảnh thể lí và tuổi tác (già hay trẻ) mà chúng ta gán cho thánh Giuse có lẽ mang nặng tính văn hoá và tâm lí thời đại hơn là yếu tố khoa học và lịch sử. Nhưng điều đó ít quan trọng cho bằng phẩm tính của ngài được Tin Mừng mô tả thật vắn gọn qua danh hiệu mang nặng tính thánh kinh và thần học: "Người công chính" (Mt 1,19). Và dù thế nào đi chăng nữa thì thánh Giuse đã hoàn thành rất tốt đẹp vai trò dưỡng tử của Đức Giêsu và chủ gia đình Thánh Gia Nazareth mà Thiên chúa đã trao phó cho ngài trong lịch sử cứu độ.
 
Mangga

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP