Cuộc Đời Giu-se Là Một Điển Hình
Là một thanh niên hiền lành và chất phác, chàng yêu nàng chân thành. Những ngày chuẩn bị cho ngày cưới thật xốn xang, bồn chồn, bối rối mà cũng thật là hạnh phúc. Đột nhiên, tiếng sét xé ngang tai. Nàng có thai, và cái thai đó lại là tác phẩm của một người khác. Ôi, mộng vàng tan biến! Đất trời điên đảo, giông tố tơi bời và bóng đêm bao trùm tất cả! Giu-se ơi, tôi cảm nhận được nỗi đau của anh, nỗi đau mà nhiều người không thể chịu đựng nổi.
Cuộc đời là như thế. “Cuộc đời là bể dâu.” Đó là ngang trái đã xảy đến với biết bao gia đình và những đôi lứa yêu nhau. Hôm qua và hôm nay, nó vẫn đang xảy ra, ngay bên cạnh và trước mắt chúng ta. Nhiều điều tang thương đã xảy ra, vì nhiều người đã không thể đón nhận được điều ngang trái tương tự như thế. Chồng giết vợ, vợ giết chồng, và người yêu sát hại lẫn nhau vì người này không thể chấp nhận được sự phụ bạc của người kia. Nhưng, Giu-se, anh đã âm thầm đón nhận sự thật phũ phàng này.
“Họa vô đơn chí; phước bất trùng lai.” Thật vậy, điều tốt lành thì chưa thấy, mà tai họa lại dồn dập đến với Giu-se. Những tưởng rằng âm thầm bỏ qua là đã dứt được oan khiên. Nhưng không, nỗi sầu nhân lên và liên lỷ kéo dài suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, khi gánh nặng bảo vệ và nuôi dưỡng đứa con hoang và mẹ của nó lại đặt lên vai gầy của Giu-se. Ôi, nỗi cay đắng Giu-se đã chịu, không chỉ một lúc một buổi mà là cả cuộc đời của anh. Thảo nào, Giu-se đã chết sớm. Ừ, mà chết sớm thì khỏe cho anh.
Mẹ ghẻ con chồng hay cha ghẻ con vợ là vấn đề không dễ giải quyết nơi gia đình. Đối với nhiều người, phải nuôi dưỡng con ghẻ là một gánh nặng không dễ mang. Nhiều người thậm chí đã đang tâm giết chết con ghẻ, hoặc hành hạ chúng cách này hay các khác. Đối với Giu-se, anh đã không chỉ đơn thuần nuôi dưỡng đứa con ghẻ, mà còn phải chịu đựng biết bao gian khổ và nguy hiểm vì nó: nào là những dặm đường xa với việc đưa Ma-ri-a về nguyên quán đăng ký tên tuổi, việc sinh nở éo le, việc trốn chạy qua Ai Cập...
Ai gây nên điều này? Chính là Thiên Chúa. Là một con người, Giu-se có quyền được hưởng tất cả những quyền cơ bản mà mọi người được hưởng. Anh có quyền có một Ma-ri-a còn “con gái” làm vợ như mọi người đàn ông có vợ còn là “con gái” trước đêm động phòng. Anh có quyền có đứa con mà nó là giọt máu của chính mình, là giòng giống của mình. Đối với Giu-se, Thiên Chúa đã không công bằng, vì Ngài đã “hớt tay trên” , đã lấy đi những gì mà Giu-se sắp lấy và có quyền được lấy như mọi người đàn ông bình thường khác.
Ngay trong cuộc đời của mỗi chúng ta, chúng ta cũng thấy rằng Thiên Chúa không công bằng. Trong chúng ta, người thì được sinh ra nơi phú quý giàu sang, người thì phải sinh ra trong cảnh cơ hàn. Có người được sinh ra mạnh khỏe, và có người thì được sinh ra trong bệnh tật hoặc đui mù què quặt. Người thì được sinh ra tươi đẹp như tiên giáng trần, người thì ôi thôi xấu xí đến ma chê quỷ hờn. Người thì được an bình thanh thản, người thì tai ương viếng thăm triền miên.
Sao Thiên Chúa không công bằng?
Thiên Chúa không công bằng không có nghĩa là Thiên Chúa bất công. Thật vậy, nếu Thiên Chúa công bằng thì không ai có thể tồn tại. Ngài không công bằng vì Ngài vượt trên công bằng, vì tình yêu của Ngài mênh mông và ân sủng Ngài ban cho mỗi người đều nhưng không. Dụ ngôn những người làm vườn nho trong Phúc Âm của Mát-thêu 20:1-16 đã nói lên điều này. Thiên Chúa không đối xử bất công đối với những người làm vườn từ giờ thứ nhất, và lòng rộng lượng của Ngài thì được thể hiện rõ trên những người làm giờ thứ ba, thứ sáu hoặc thứ mười một. Dụ ngôn nói lên rằng, Thiên Chúa đã ban tặng cho con người nhưng không tất cả những gì mà con người có thể đón nhận được.
Những quyền mà chúng ta luôn tranh đấu cho là những quyền như: tự do, công bằng, tôn trọng nhân phẩm, phát triển tài năng, lao động sáng tạo, và nhiều quyền cơ bản khác nữa. Điều này thật đúng và phải lẽ. Đấu tranh cho những quyền lợi cơ bản là trách nhiệm của mỗi người. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta quên rằng chúng ta đã lấy những tiêu chuẩn của con người mà đo lường và đặt ra những quyền cho chính mình; trong khi đó thì sự thật là, tất cả mọi quyền mà con người nghĩ rằng mình đáng được hưởng đều là những điều được cho không từ Thiên Chúa. Nói một cách chính xác, chúng ta không có quyền gì hết ngoài việc khiêm tốn đón nhận tất cả. Ngay cả sự sống của chúng ta cũng là một món quà được cho không từ Thiên Chúa, thì không có tiêu chuẩn nào để mà đòi quyền này nọ.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phải thụ động trước cuộc đời, không có nghĩa là chúng ta phải cam chịu tất cả, không có nghĩa là chúng ta phải cam chịu chế độ “nô lệ” cho hoàn cảnh. Một mặt chúng ta phải xây dựng những quyền của con người – và đó là trách nhiệm không thể bỏ qua; mặt khác chúng ta phải vươn xa hơn những điều ấy, phải đi đến đích thật sự, đích đến chân thật mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho chúng ta tự muôn thủa, đó là sự sống đời đời trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa.
Sự sống đời đời trong sự hiệp nhất với Thiên Chúa đã bắt đầu khi chúng ta được sinh ra, ngay trên trần gian này chứ không phải chờ đợi nơi thế giới bên kia. Để hiểu được giá trị của sự hiệp nhất với Thiên Chúa, chúng ta nên nhìn vào hình ảnh Chúa Giê-su. “Lương thực nuôi sống Thầy là thi hành thánh ý của Cha Thầy” (Ga 4:34). Cuộc khổ nạn và cái chết ô nhục trên thập giá đã nói lên sự hiệp nhất trọn vẹn giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha. Như vậy, sự hiệp nhất với Thiên Chúa là đích đến và là giá trị tuyệt đối của cuộc sống. Con người được mời gọi và trao ban sự hiệp nhất này, ngay trên trần gian này, và đây chính là nén bạc mà Thiên Chúa trả công cho những thợ làm vườn nho, những người làm từ giờ thứ nhất cũng như những người làm giờ thứ chín hay thứ mười một.
Thánh Giu-se đã giữ nén bạc ấy, và đã được tôn kính là người công chính. Thiên Chúa đã không công bằng với người, vì Thiên Chúa đã ban cho người ân sủng lớn lao, đó là được trở nên dưỡng phụ của Chúa Giê-su, Con Một Thiên Chúa. Người trở nên công chính, vì người đã khiêm tốn đón nhận tất cả và ra công làm việc như một tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Xin kính mừng thánh cả Giu-se!
Trong cuộc đời con người, sự được thua hơn thiệt không thật sự là cùng đích. Danh vọng quyền chức bao nhiêu, thì cũng không là bản chất của con người. Không gì có thể thay thế được một tâm hồn trong trắng trong mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp. Phúc thay ai sầu khổ… Phúc thay…” (Mat 5:3-12).
Âu Phủ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét