Tiêu đề trên đây xem có vẻ “lãng mạn” quá, phải không các Bạn ?!
Nhưng đấy lại là một đòi hỏi thiết yếu của một tình yêu chân thật mà có lẽ Bạn và tôi, bằng cách này hay cách khác, chúng ta đã có lần cảm nghiệm. Sở dĩ ta cảm thấy “lãng mạn” là vì không nhiều thì ít, ta chịu ảnh hưởng của những chuyện tình kiểu “Roméo và Juliette” thường gặp trên phim ảnh hoặc sách báo.
Thật ra đây không phải là cái gì xa lạ lắm, cứ nhìn vào cuộc sống đời thường chúng ta cũng thấy không hiếm những bằng chứng sống động và đáng trân trọng của những hy sinh vì tình thương của những người thực sự yêu nhau, của những cha mẹ hy sinh cho con cái, của những chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc, của những con người thầm lặng hy sinh phục vụ trong các bệnh viện, các nhà dưỡng lão, các trại phong, trại nuôi người nhiễm HIV, v.v...
Tuy nhiên, đối với những người Công giáo, thì “ Yêu là Chấp nhận Hy Sinh !” lại là một chân lý mà chính Đức Giêsu đã xác định khi Ngài nói : ”Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”(Gn.15, 13) và Ngài đã minh chứng bằng cái chết ghê gớm của Ngài trên thập giá. Sự hy sinh đó của Đức Giêsu là một chứng minh khả giác của Tình Yêu tuyệt đối phát xuất từ “Thiên Chúa là Tình Yêu”(1 Gn.4,8) . Cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu còn là đỉnh điểm của hai mầu nhiệm lớn trong tín lý Công giáo là mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc là những “sáng kiến” tuyệt vời và độc đáo của Tình Yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Hai mùa phụng vụ quan trọng vừa qua trong năm phụng vụ này (Mùa Giáng Sinh và Muà Chay) đã nhắc nhở chúng ta điều đó.
Để dễ hiểu hơn những “hy sinh trong tình yêu” có lẽ, sau hình ảnh Chúa Giêsu chết thê thảm trên thập giá, chúng ta không có hình ảnh nào gợi cảm hơn là ảnh “Mater Dolorosa” hay Mẹ sầu bi dưới chân thập giá. Vâng, có người mẹ nào lại không thương con, lại không ngất xỉu khi chứng kiến cuộc hành hình người con yêu của mình ? Có vậy chúng ta mới thấy được bản lĩnh của Mẹ Maria, một người mẹ, nhờ một tình yêu mãnh liệt hơn tình mẫu tử, đã có đủ can đảm, đủ dũng cảm đứng vững dưới chân thập giá để chia sẻ và chứng kiến sự đau khổ và cái chết thảm khốc của con mình, để có thể chấp nhận được sự hy sinh người con yêu cho một tình yêu cao hơn, đó là tình yêu Chúa. Một so sánh sẽ giúp chúng ta dễ hiểu hơn : đó là sự dũng cảm hy sinh của các bà mẹ liệt sĩ : các bà đã dám hy sinh dâng con mình cho tổ quốc. Nếu vì tổ quốc trần thế mà có những bà mẹ dám hy sinh con mình, thì tại sao Mẹ Maria lại không thể hy sinh Con yêu của mình vì Nước Trời ? Chính tiếng “Xin Vâng” đầy trách nhiệm của Mẹ khi được Truyền Tin đã là khởi điểm cho suốt cuộc hành trình hy sinh theo Đức Kitô trên con đường khổ giá để có thể hy sinh trọn vẹn cho Tình Yêu.
Nhận định như thế xong, chúng ta thử có một cái nhìn trung thực về chính cuộc sống của mình, là những người đang quyết tâm “nối gót Đức Kitô”, đang đồng hành với Mẹ Sầu bi, xem chúng ta đã có những hy sinh gì cho tình yêu của mình đối với Chúa và đối với tha nhân, để đáng được gọi là những người đang thực sự theo Chúa, theo Mẹ ? Có lẽ, với một chút thành khẩn và khiêm tốn, chúng ta sẽ không hài lòng lắm về chính mình ? Tuy nhiên, nếu thiếu thiện chí, thì chúng ta cũng vẫn có thể tìm ra đủ thứ lý lẽ để biện minh cho những hành động còn nặng tính ích kỷ, kiểu “Mackeno”, những suy nghĩ còn kém quảng đại của mình !
Để khắc phục , nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của một tình yêu xả kỷ như Đức Kitô, như Mẹ Maria, như các vị Thánh, thì cách hay nhất, tôi thiết nghĩ, là ta hãy nhìn lên Đức Kitô chết treo trên thập giá, và cạnh đó có Mẹ Maria (“Stabat Mater Dolorosa”) không phải chỉ với đôi mắt mà còn với tất cả khối óc và con tim, để có thể hiểu và yêu. Thập giá được nhìn ngắm như vậy chắc chắn sẽ là một sự nhắc nhở, một nguồn động viên và là luồng ánh sáng giúp chúng ta đi đúng con đường Đức Giêsu đã chọn để tôn vinh Chúa Cha và cứu rỗi các linh hồn. Để xác tín, chúng ta hãy lắng nghe lời Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong bài giải thích về ý nghĩa Tam Nhật Thánh vừa qua :
“Thập Giá thực sự trở thành suối nguồn hạnh phúc bất tận: Nó đã giải thoát chúng ta khỏi lầm lạc, đã đánh tan bóng tối của chúng ta, đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa, từ chỗ thù nghịch Thiên Chúa nó đã khiến cho chúng ta trở thành người nhà của Người, từ chỗ là người xa lạ nó đã khiến cho chúng ta trở thành gần gũi, thập giá này phá tan sự thù nghịch, là suối nguồn bình an, là hòm chứa kho tàng của chúng ta” (De cruce et latrone I,1,4). Để sống trở lại một cách sâu đậm cuộc Khổ Nạn của Chúa Cứu Thế, truyền thống Kitô đã khai sinh ra nhiều thói quen diễn tả lòng đạo đức bình dân, trong đó có các buổi rước kiệu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh với các lễ nghi rất ý nghĩa lập lại hằng năm. Nhưng có một thói quen đạo đức là thói quen “đi đàng Thánh Giá”, quanh năm cho phép ngày càng in sâu vào trong tâm lòng chúng ta mầu nhiệm Thập Giá, cùng với Chúa Kitô bước đi trên con đường đó và khiến cho chúng ta đồng hình dạng với Người trong nội tâm.... Và đây chính là sự khôn ngoan đích thật của Kitô hữu, mà chúng ta muốn học hỏi khi đi đàng Thánh Giá “ (Trích từ Internet ).
Mặc dù chúng ta đang trong mùa Phục Sinh, nhưng chúng ta vẫn không quên con đường dẫn tới Phục Sinh là Thập giá Chúa Kitô, là cuộc hành trình bên Mẹ Đau khổ. Do đó, để đón nhận được ân sủng của Phục Sinh, nhất định chúng ta phải vác thập gíá mà theo Chúa và cùng với Mẹ đứng vững dưới chân thập giá. Được như thế, chúng ta sẽ bằng chính cuộc sống hy sinh xả kỷ thiết thực cùa mình, chứng minh cách hùng hồn nhất, cách thuyết phục nhất cho tiêu đề nêu trên: “Yêu là Chấp nhận Hy Sinh !”
Chú Ba
0 nhận xét:
Đăng nhận xét