Để cung cấp thêm tư liệu cho những suy tư về căn tính và đoàn sủng của Dòng, Dựng Lều xin giới thiệu một số tài liệu liên quan đến lịch sử và các Đấng tổ phụ của Dòng. Những tài liệu này trích dịch từ những báo cáo thường niên của các vị thừa sai (MEP) ở Campuchia và từ Bản tin của Hội Thừa Sai Paris (MEP) vào những năm đầu thế kỉ 20, tức thời kì khai sinh của Dòng Thánh Gia
Cha Pianet
(tiếp theo kì trước)
Nhà thờ Đức Bà thành Chartres vừa mới hoàn thành ở Banam, thì có một làn sóng trở lại đạo ở hạt này. Cha Pianet viết cho một người bạn ở Pháp như sau: "Anh còn nhớ không, lúc bắt đầu, tôi đã cầu nguyện "Đức Nữ Trinh sẽ sinh con", sinh cho Trưởng Tử của người những anh em đông đúc ở đây? Trong báo cáo vừa qua, đã có 189 người lương dân được rửa tội… Sự can thiệp của Đức Bà thành Chartres thật nhãn tiền". Vài năm sau, để giảm bớt sự quá tải ở Banam,ngài đã tổ chức thêm hai điểm ở ven bờ sông lớn; và năm 1900 ngài đã đặt nền móng thêm một điển thứ ba tại chân núi Baphnôm.
Mặc dù nhiều lần bị bác sĩ kết án về vấn đề sức khoẻ, cha Pianet vẫn làm việc hết sức cật lực và bền bỉ. Khi cơn bệnh ngưng hành hạ ngài, dù chỉ một vài tháng, ngài đã lặn lội, khi bằng tàu, khi đi bộ, đến tỉnh Prey Veng và đã vẽ một bản đồ khá chi tiết tỉnh này.
Một vị thừa sai trẻ tháp tùng ngài trong chuyến khám phá vùng thượng nguồn Sông Bé kể rằng: "Chúng tôi phải khởi hành lúc 6 giờ sáng bằng tàu, nhưng Cha đã trải qua một đêm thật tệ hại, tôi nghĩ chuyến đi sẽ bị hoãn lại vô thời hạn. Tôi hết sức ngạc nhiên khi Cha ra lệnh khởi hành lúc 10 giờ. Quá trưa, khi chúng tôi vừa đi qua khu chợ Bamé, Cha lên bờ, tay cầm viết và giấy bắt đầu ghi chép một cách chính xác những chi tiết về địa dư nhưng nơi chúng tôi vừa đi qua. Những ngày tiếp theo cũng thế, ngài chỉ lên tàu để làm việc đạo đức chung với một chủng sinh, dùng bữa và ngủ đêm. Trong gần một tuần lễ, ngài đã đi bộ khoảng 150 km và thăm viếng tất cả các giáo điểm Kitô giáo mà ngài gặp trên đường từ Banam tới Peam-Phka-Merech.."
Mười sáu vị thừa sai trẻ, được gởi tới học tiếng bản địa tại Banam, cũng thừa nhận nghị lực phi tường của vị thừa sai này. Luôn bị bệnh tật hành hạ nhưng luôn luôn chăm lo đến phần rỗi các linh hồn. Vì thế chỉ mình Thiên Chúa biết ngài có ảnh hưởng như thế nào trên những đồng nghiệp đến từ khắp nước Pháp. Những mẫu gương và nhân đức của vị "cựu chiến binh" tông đồ này đã được một vị cựu chiến binh khác gọi một cách chính xác rằng: "Vị thừa sai của thử thách và đau khổ". Về sau, biết bao lần, khi gặp khó khăn, thử thách, các vị thừa sai được đào tạo tại Banam, tìm đến bên cạnh người bạn già đáng kính, để có được sự nghỉ ngơi, sự động viên, những lời khuyên mà họ cần.
Cuối năm 1904, cha Pianet được Đức cha Bouchut chọn để thành lập trường giảng viên giáo lí truyền giáo. Sự lựa chọn thật là tốt đẹp bởi vì cha Pianet rất quan tâm đến vấn đề giáo dục giới trẻ và việc xây cất. chỉ một thời gian ngắn, cha Pianet đã xây dựng lên một khu nhà khá vững chắc và trang nhã mà ta có thể trông thấy từ phía con sông. Chính nơi ngôi nhà này đã cưu mang lúc ban đầu khoảng 15 học viên, và năm sau con số đã lên khoảng 30. Con số này làm vui lòng những người thầy tận tụy yêu mến công việc. Tất cả phải bắt đầu, rồi tổ chức sắp xếp lại. Cha Pianet đã chứng tỏ sự thông minh, lòng tốt và một ý chí sắt đá của mình trong tổ chức công việc. Sau khi đã cầu nguyện và bàn hỏi, ngài phác thảo nội quy của trường. Về sau, sau khi đã qua giai đoạn thử nghiệm, nội quy này đã được bổ sung bởi cuốn "Chỉ nam giảng viên giáo lí", được in năm 1914. Đọc qua thủ bản này, ta thấy được sự quan tâm chi li của cha Pianet đối với việc đào tại các học trò quí mến của ngài. Ngài cảm thấy thật hạnh phúc được là thầy giáo. Ngài viết cho một đồng nghiệp như sau: "Anh nghĩ coi, vào lúc hoàng hôn cuộc đời, ở một nơi cách xa quê hương 16 ngàn cây số, tôi đảm nhận công việc của một nhà sư phạm. Ô! Nếu anh biết rằng tôi phải biết ơn như thế nào đối với Đức cha đã trao cho tôi công việc này, tôi cũng phải cám ơn biết bao những học trò đã chấp nhận những bài dạy của tôi…! Là một người thầy, ngài thật có tài liên kết với các học trò, và hơn nữa, biết làm cho các em biết "cảm nếm" những bài học của ngài đôi khi rất khô khan. Ngài đã thành công trong việc đem lại văn minh cho các học trò và đạt được những kết quả thật hài lòng. Bởi vì ngay từ năm 1908, Đức cha Bouchut đã viết: "Cha Pianet tiếp tục hài lòng về công việc của trường. Vài tuần nữa, có khoảng 12 em sẽ rời Banam để đi dạy ở các họ đạo. Đây là những hoa quả đầu mùa của Trường giảng viên giáo lí. Họ có thành công không? Cha Pianet rất lo lắng trong cương vị của người cha; nhưng đối với tôi, tôi tiên đoán mọi điều tốt đẹp, dựa trên sự huấn luyện mà họ nhận được".
Cho tới năm 1912, dù bệnh tật, tuổi tác, đi đứng khó khăn, ngài vẫn luôn chịu trách nhiệm hạt trưởng một hạt rộng lớn, đồng thời điều hành Trường giảng viên giáo lí. Nhiệt huyết của ngài với công việc, đã bắt cơ thể, vốn yếu đuối vì bệnh tật, phải phục vụ tinh thần không hề suy giảm. Sáng sớm ngày vọng lễ Hiện xuống, người ta thấy ngài nằm bất tỉnh gần cửa sổ đang mở. Ngài đã được chịu phép xức dầu khẩn cấp, nhưng ít giờ sau, ngài tỉnh lại và nói lại được. Nhưng từ thời điểm này, sức khoẻ ngài xuống rõ rệt. Ngài được phép cử hành thánh lễ ngay bên cạnh phòng ngài ở. Những vị thừa sai đến thăm ngài, hết sức ngạc nhiên khi thấy ngài ngồi trên ghế xếp kế bên giường và dạy học như bình thường. Khi nào quá mệt thì ngài nhờ một người dạy thế, nhưng lắng nghe và chỉ dẫn khi cần thiết.
Sự ồn ào của học trò trong những giờ giải trí không làm ngài khó chịu chút nào, trong khi sự im ắng và cô tịch làm ngài sợ và lo lắng. Sự đau đớn về thể lí và tinh thần của ngài có lúc dường như không thể chịu nổi, nếu ta đọc những thơ ngài viết cho một người bạn thân của ngài. "Tôi nghĩ rằng mình bị hành hạ ngày đêm; Tôi đã nhiều lần kêu lên Chúa, kể cả một vài lần lớn tiếng, khi tôi chắc chắn ràng chỉ một mình ngài nghe tiếng tôi. Ngài không ngừng theo tôi và không để tôi yên. Ít nhất với anh, là bạn thân của tôi, hãy cầu nguyện cho tôi. Có thể nếu những tâm hồn được nghĩa với Chúa quan tâm đến tôi, thì Người sẽ bớt hình khổ cho tôi". Đó là tâm tình của người mà Chúa đã cho qua lò lửa đau khổ để tinh luyện để xứng đáng xuất hiện trước Nhan Người. Như thường thấy, thậm chí sau thời gian bệnh lâu dài, cái chết đến sớm hơn người ta mong đợi.
Ngài thứ sáu 15 tháng giêng năm 1915, sau cuộc tĩnh tâm cho các giảng viên giáo lí. Sáng sớm, cha Pianet rước lễ và xin được chịu phép xức dầu trong ngày. Lúc 8 giờ rưỡi, cha Bernard và cha Mennetrier tới thăm ngài. Cha ngồi trên chõng, nói ít và rất khó khăn, đầu gục xuống ngực. Cả hai vị ra về lúc 9 giờ khi các giảng viên giáo lí đến nhận bài sai. Cha Pianet viết một số thơ giới thiệu rất ngắn, cho những cha mà các giảng viên giáo lí sẽ được gởi tới. Đến trưa, ngài không ăn. Một điều được coi là triệu chứng bất thường; nhưng không có gì dự báo một kết cục bất ngờ. Ngài nằm trên giường và không bao giờ ngồi dậy nữa. Không thay đổi tư thế và giữ nguyên như vậy ở trạng thái lả hoàn toàn.
Lúc bắt đầu tối, ngài được lãnh những bí tích sau cùng với tất cả sự tỉnh táo, với sự hiện diện của các học trò và các giảng viên giáo lí xúc động đến rơi lệ. Lúc 9 giờ tối, ngài trút hơi thở cuối cùng trong tay cha Bernard va cha Mennetrier. Thi thể ngài được mặc phẩm phục linh mục và chuyển đến một phòng học, ở đó các tín hữu đến đọc kinh không ngừng suốt đêm đó và hai ngày tiếp theo.
Lễ an táng được cử hành ngày thứ hai, do cha Herrgott, quyền Đại Diện Tông Toà, chủ sự, vì Đức cha Bouchut vắng mặt, với sự đồng tế của khoảng 10 linh mục thừa sai và bản xứ. Chính quyền địa phương và đông đảo tín hữu từ khắp nơi trong hạt, và các hạt bên cạnh đổ về dự lễ. Ông Công sứ nước Pháp ở Prey Veng đọc điếu văn, trong đó ông gọi cha Pianet là "người Pháp vĩ đại": cảm phục người đã làm việc rất lâu cho Giáo Hội và cho Tổ quốc ở Campuchia. Thi hài ngài được an táng trong nhà thờ Notre-Dame de sous-Terre, Virgini parituroe. Đó thật là nơi an nghỉ lí tưởng cho một linh mục vốn đã là thành viên của Notre-Dame de Chartres mà ngài rất yêu mến và đã tận hiến cả cuộc đời mình.
Thông Phán trích dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét