Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Triết Kinh Viện – Sự Hình Thành và Phát Triển

(Từ thề kỷ VII đến thế kỷ XIII)
(tiếp theo kỳ trước)

Bertrand Nguyễn Thanh Hoài

Trong hai phần trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khái quát về lịch sử, địa dư,… của Tây Âu vào thời Trung cổ, cũng như ý nghĩa tầm nguyên của từ Kinh viện, và các đặc điểm, phương pháp của phái Kinh viện dùng để biện hộ cho lập trường của mình. Trong phần này chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm về các giai đoạn hình thành của trường phái này theo dòng lịch sử.

Sự hình thành của Kinh viện
Như chúng ta đã tìm hiểu, về mặt lịch sử, một trong các yếu tố tạo nên trường phái Kinh viện là vào khoảng thế kỷ V hay VI, quân man di đã phá đổ đế quốc Rôma và làm gián đoạn những sinh hoạt tri thức của vùng Tây Âu qua nhiều thế kỷ. Cho nên, người ta đã bắt đầu có suy nghĩ là cần lập lại những hệ thống tư tưởng, lập lại việc suy tư triết học. Nhưng như thế, đó không chỉ là những công việc của những người Kitô giáo, mà trong nhiều hoàn cảnh khác nhau khiến các triết gia ngoài Kitô giáo cũng đã góp phần vào công trình vĩ đại này.
Trước tiên là phần đóng góp của người Ả rập khi người Syria đã dịch các nhiều tác phẩm xưa, đặc biệt là của Aristote từ Hy ngữ sang Syri ngữ. Sau đó, người Hồi giáo lại nhờ người Syria dịch sang tiếng Ả rập, đồng thời người Ả rập lại truyền những bản dịch này cho người Do thái và Kitô giáo vào thế kỷ XII[1]. Nhưng trong quá trình dịch thuật này họ đã vô tình làm sai đi các tư tưởng của Aristote bằng việc thêm vào các tư tưởng của tân thuyết Platon. Điều này là vì họ muốn dung hòa các tư tưởng của thuyết Aristote với sách thánh Coran của Mahomet.
Cũng vậy, khi thấy người Ả rập dùng các tư tưởng của Aristote để cắt nghĩa cho các điều trong kinh Coran; người Do thái, với trường phái Caraitesn Sao-dja (892-942), đã dùng phương pháp biện chứng bằng lý trí của Aristote để để chú giải Kinh thánh Cựu ước. Tuy nhiên “đôi khi có những ý tưởng tân thuyết Platon xâm nhập, nhưng thường đó lại là thuyết Platon do thánh Augustino “rửa tội” rồi”[2].
Ngoài những đóng góp của những người ngoài Kitô giáo, thì cũng vẫn có những nhà tư tưởng Kitô giáo như: Thánh Isidoro Sevilla (560 – 636), Thánh Beda (673 – 735), Thánh Gregorio Cả (540 – 604), thánh Boethio (470 – 525), Thánh Alselmo (1033 – 1109),… Cuối cùng, triều đại Charlemagne (742 – 814) là phần đóp góp có tổ chức và chính thức cho sự hình thành của Kinh viện. Dưới triều đại này, triết học được xem như là một trong các môn bắt buộc trong chương trình giáo dục.
Các giai đoạn hình thành của Kinh viện
Lịch sử thường phân chia kinh viện thành ba thời kỳ khác nhau:[3]
-         Giai đoạn sơ khai (thế kỷ IX- XII)
-         Giai đoạn cực thịnh (thế kỷ XIII)
-         Gia đoạn suy tàn (thế kỷ XIV – XV)

Giai đoạn sơ khai – Thời kỳ chịu ảnh hưởng của Platon
Trong giai đoạn sơ khai này có lẽ người có công nhất là vua Charlemage nước Pháp. Chính ông đã có chủ trương rằng đưa triết học kinh viện vào dạy học và thiết lập các trường ấy ở nước Pháp. Để làm được việc này, ông đã cho mời tu viện trưởng Cantorbery, tên là Alcuin qua Pháp vào năm 781. Tuy nhiên, hai nhật vật đại diện cho sự hình thành phôi phai của Kinh viện này là Scot Érigène và St.Anselme.
Scot là người gốc Ái Nhĩ Lan, thông minh, lanh trí vui tính, can đảm. Ông là người rất đam mê hiểu biết, khát vọng mãnh liệt muốn chia sẻ với người khác những điều mình biết. Chính điều này mà đã làm cho Scot có những suy tư độc đáo, tư ưởng của ông vượt xa thời đại[4]. Tuy nhiên, nói chung học thuyết của Scot Érigène là một nỗ lực giải thích Kitô giáo dựa vào thuyết tân Platon, đặc biệt là Denys l’Aréopagite. Do đó, với học thuyết này, ông không phân biệt các yếu tố triết học với các yếu tố thần học, mà là trong hệ thống của ông những yếu tố này đều hòa lẫn và có quan hệ mật thiết với nhau[5]. Một vài nét tiêu biểu của ông trong học thuyết này là: Đức tin và Lý trí; vấn đề Tiền định, và Bảng chia thiên nhiên.
Với Đức tin và Lý trí, ông cho rằng “Thiên Chúa đã đặt trong bản tính con người một khuynh hướng bẩm sinh muốn đi tìm chân lý, bằng cách đặt trong con người một lý trí”[6]. Nhưng lý trí của con người, do bị ảnh hưởng của nguyên tội, nên chỉ có thể hiểu biết và nghi nhận về sự hiện hữu của Thiên Chúa mà thôi. Kế đó, nhờ Chúa Kitô đến, chân lý được mặc khải nhưng mặc khải này không phải là một sự áp đặt ngoại mà là một phương tiện trợ giúp cho con người đi tìm chân lý. Nhưng mặc khải này lại được tỏ bày trong Kinh thánh. Cho nên mọi sưu tầm trong chân lý phải bắt đầu từ Kinh thánh. Từ đó, chúng ta thấy vai trò của lý trí chẳng những không bị tiêu diệt mà còn rất quan trọng. Nó quan trọng trong việc hoạt động để thấu hiểu Đức tin. Dưới sự soi sáng của Thiên Chúa, một lý trí ngay thẳng sẽ tạo nên những tiền đề căn bản cho việc hiểu biết Kinh thánh.. Do đó, “Đức tin vào mặc khải và lý trí ngay thẳng là hai điều kiện không phủ nhận nhau. Triết lý và tôn giáo là hai nguồn mặc tương tác nhau”[7].
Như vậy, ở một khía cạnh nào đó, Scot đã có ý định rằng lý thuyết Kitô giáo để có thể được trình bày như một hệ thống tư tưởng có liên hệ với nhau theo luận lý, thì mỗi thành phần phải được chứng minh một cách hợp lý theo lý trí. Như vậy, điều đó dễ cho chúng ta thấy: trong việc duyệt thế giá của Kinh thánh, lý trí đã đóng một vai trò chính; cũng như những khẳng định thuộc tín lý hoàn toàn do mặc khải siêu nhiên.
(còn tiếp)


[1] Cf Con Người Biết Suy Tư. (Dự Thần Học Cuốn 1) 220.
[2] Sđd, trang 221
[3] Đinh Ngọc Thạch. Đại Cương Lịch Sử Triết Học Tây Phương. Trang 44.
[4] Cf Nguyễn Trọng Viễn. Lịch Sử Triết Học Tây Phương. (tập II, Thời Trung Cổ. Trang 107.
[5] Tuy nhiên, sau này các nhà Kinh viện đã phân chia hệ thống tư tưởng của Scot thành triết học và thần học thành hai phần riêng biệt.
[6] Nguyễn Trọng Viễn. Lịch Sử Triết Học Tây Phương (thời Trung Cổ, tập II). Trang 109.
[7] Sđd, trang 109.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP