Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Tìm hiểu tri thức nhân loại của Đức Kitô

Khi tìm hiểu về trí thức nhân loại của Đức Kitô, chúng ta cùng tìm hiểu về sự tồn tại của ba loại tri thức: tri thức thủ đắc, tri thức thiên bẩm và tri thức phúc kiến nơi Đức Kitô. Công đồng Vatican II dạy rằng Con Thiên Chúa “đã lao tác với đôi tay nhân loại, đã suy tư bằng khối óc nhân loại, đã hành động bằng ý muốn nhân loại, và yêu thương bằn con tim nhân loại[1]. Tuy nhiên có các nhóm Arien, Nestorien và nhất là nhóm Agnoètes, cho Đức Kitô không tránh khỏi những dốt nát[2]. Theo Kinh Thánh chúng ta thấy rõ Đức Kitô cũng liên đới ở hiểu biết vào văn hoá của thời đại mình, Người cũng đặt câu hỏi với người khác, cũng lớn lên trong khôn ngoan, cũng không biết ngày tận thế, cũng bị cám dỗ, cũng cầu nguyện để khỏi uống chén đắng Chúa Cha trao phó… làm nẩy sinh nghi ngờ về tri thức của Đức Kitô thật.

1/. Tri thức thủ đắc
Chúng ta định nghĩa tri thức thủ đắc là tất cả những kiến thức mà con người thâu lươm được bằng năng lực riêng của mình, khởi từ sự nhận thức bằng giác quan.[3] Kiến thức thủ đắc, cần phải có thời gian và được phát triển một cách tiệm tiến. Đều này cũng nhằm nói đến nhân tính của Đức Kitô. Ngài cũng chịu sự ảnh hưởng, hấp thụ như bao con người khác: “còn Đức Giêsu, thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến”.(Lc 2,52) và chính Ngài đã được học bài học vâng phục theo thánh ý của Chúa Cha: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục”.(Dt 5,8). Thật vậy, chúng ta thấy Đức Kitô cũng chịu ảnh hưởng của văn hoá của thời đại mình, cũng lớn lên. Đức Kitô cũng được cha mẹ dạy dỗ, đã hấp thụ văn hoá của dân tộc Người. Vai trò tiên tri của Người không là lý do để Người khỏi phải học về các tục lệ tôn giáo Israel. Còn việc Người đã đổi hướng một cách bất ngờ làm cho tôn giáo Người trở nên phong phú thì đó không chỉ nhờ ở sự thông minh và kinh nghiệm của Người, nhưng còn nhờ ở ơn soi sáng đặc biệt của Thiên Chúa nữa.
2/. Tri thức thiên bẩm.
Tri thức thiên bẩm là thứ kiến thức có được không trực tiếp do hoạt động của lý trí, mà là do Thiên Chúa phú ban cho trí tuệ nhân loại. Ở đây ta liên tưởng đến kiến thức của các ngôn sứ chẳng hạn: đây không phải là một tài tiên đoán, nhưng là một tri thức chân thực và chắc chắn về những chuyện tương lai[4].
Để làm trọn nhiệm vụ là mặc khải của Thiên Chúa, Đức Kitô cần phải có tri thức thiên bẩm trong hoàn cảnh người tôi tớ. Đức Kitô là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Và vì thế Người là mặc khải duy nhất của Thiên Chúa với loài người. Nhưng Ngài cũng là người và như mọi người. Ân huệ của Thiên Chúa để con người Giêsu có thể thi hành chức vụ tiên tri của mình đòi phải có tri thức thiên bẩm. Theo thánh Thomas, kiến thức phú bẩm của Đức Kitô bao gồm một mặt tất cả những gì có thể là đối tượng nhận thức của loài người, mặt khác tất cả những gì Thiên Chúa muốn trao ban cho loài người nhờ mặc khải siêu nhiên[5]. Qua trình bày của Kinh Thánh: Chẳng hạn, cuộc trao đổi qua lại với Nathanael, Đức Giê su đã nói về ông mà không cần  đến sự giới thiệu của người khác (Ga1,47-49); như việc tranh luận chức quyền của các tông đồ (Mc 9,33); hoặc tiên báo về cái chết của Ngài, sự trốn chạy của các tông đồ và việc chối Thầy của Phêrô (Mc 14,18-21; 27-31…). Cũng như sự thấu suốt nội tâm của con người và được dư luận dân chúng coi Ngài  như một vị tiên tri (x. Mc 6,15)
3/. Tri thức trực kiến
Ngoài tri thức thủ đắc và tri thức thiên bẩm, phần đông các nhà thần học đều chủ trương Đức Kitô, ngay từ lúc thụ thai, đã có tri thức của các tri thức phúc nhân, hoặc tri thức trực kiến, tức là một sự hưởng kiến bản tính Thiên Chúa một cách trực tiếp, mà theo cách diễn tả của thánh Phaolô, đó là việc nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện (x 1Cr 13,12), hoặc như thánh Gioan, chúng ta sẽ biết Thiên Chúa đúng như Người là (x 1Ga 3,2)[6].
Với mầu nhiệm ngôi hiệp, Đức Kitô đến trần gian để mặc khải về Thiên Chúa. Vì thế, vai trò mặc khải về Thiên Chúa, Đức Kitô cần phải có sự thông hiệp và diện kiến cách trực tiếp. Chính Ngài đã mạc khải cho con người biết về Thiên Chúa trong Tin Mừng Gioan: “ Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng con một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết (Ga 1,18; x. Ga 3,11). Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. (Ga 6,46; x. Ga 3,32; 8,55). Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chung tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy (Ga 3,11). Và trong Tin Mừng thánh Matthêu cũng có những lối nói tương tự: Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho (Mt 11,27).
Tri thức trực kiến mà các thánh nhân có thể có được cách tuyệt đối khi ra trước mặt Thiên Chúa ở đời sau. Như thế, theo nghĩa thông thường, Đức Kitô thấy Thiên Chúa có nghĩa là Người kết hiệp và giao hảo cách mật thiết với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Kitô nơi trần thế vẫn chưa thể hiện tỏ tường vinh quang của ngôi Con mà Người có quyền thừa hưởng. Vì Ngài đã chấp nhận thân phận phận của người tôi tớ để cứu chuộc nhân loại (x. 1 Ga 2, 1-2). Chính Đức Kitô vẫn ý thức sứ mạng và sự vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa loan báo cho mọi người biết “Nước Thiên Chúa” đã đến gần (x. Mc 1,14-15). Ngài đã xuất hiện nơi trần gian này như một vị thầy với sứ mạng giảng dạy chân lý và giải thích ý của Thiên Chúa cách đích thực. Đức Kitô là một thầy dạy và là Đấng có quyền năng thực hiện trước mặt dân chúng: như chữa lành các bệnh nhân cả phần xác và phần hồn như là một bác sĩ thiêng liêng (Mc 2,17). Hoá bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng đi theo nghe lời Người giảng dạy (x. Mc 6 36-44).
Tuy nhiên có nhóm Agnoètes, một giáo phái nhất Tính thuyết do thầy Thémistios thành Alexdria[7] cho rằng Đức Kitô không có ơn phúc kiến. Vì Ngài không biết đến ngày giờ của cuộc phán xét, khi họ dựa vào câu Tin Mừng của thánh Máccô(Mc 13,32): “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên thần hay Người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi”. Dựa vào lời này chúng ta thấy rằng: chính Đức Kitô không biết thật sự, hay là Ngài  không muốn trả lời vì không thuộc về mạc khải của Thiên Chúa, mà chính các thần học còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, thánh Augustinô cũng đã có nhận định: “đây không phải là trách nhiệm giảng dạy của Người để chúng ta nhờ Người mà biết ngày giờ phán xét”(Enarr. in Phục sinh. 36, sermo 1,1)[8]. Theo quan điểm trên Đức Kitô không nói đến ngày quang lâm không có nghĩa là Ngài không biết, vì Ngài đưa ra những dấu chỉ đi trước ngày quang lâm như: các biến đổi của vũ trụ, những người được tuyển chọn từ mọi nơi quy tụ lại trong ngày phán xét. “Người sẽ sai các thiên thần của Người thổi loa vang dậy, tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương, từ chân trời này, tới chân trời kia”. (Mt 24,31)
Đức Giáo Hoàng Piô XII giải thích trong thông điệp “Mystici Corporis”: “Người có cả sự kiến thức gọi là “kiến thức thị kiến”, trong một sự viên mãn rất xa về mặt bao quát và rõ ràng, hơn tất cả mọi thị kiến của chư thánh có được trên thiên đàng… Chính nhờ thị kiến diễm phúc mà Người được hưởng ngay từ khi thụ thai trong lòng mẹ, tất cả mọi chi thể của Nhiệm Thể luôn luôn và trong mọi giây phút đều hiện diện cho Người.” (D 2289)[9]
Mối tương quan giữa ba tri thức: Tri thức trực kiến con người có thể đạt tới khi hưởng hạnh phúc trên nước trời. Khi đó con người ý thức được mình chính là con Thiên Chúa. Vì vậy trong tư cách là bậc thầy và là Đấng mạc khải. Đức Kitô không thể chuyển tải được hết cho con người. Chính nhờ tri thức thiên bẩm làm trung gian để chuyển tải mầu nhiệm trở thành những quan niệm. Và cần phải có sự chứng nghiệm tích luỹ (nguyên tắc) trong kinh nghiệm đời thường nơi Ngài (tri thức thủ đắc thực hiện).
Đây chỉ là bài tìm hiểu, nghiêm cứu. Nên không tránh những thiếu xót, do chủ quan và những giới hạn. Mời quý đọc giả góp ý, để niềm tin vào Đức Kitô càng thêm vững chắc.

Nguyễn Thanh Hải


[1] Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, dịch giả Lm. Lâm Văn Sỹ.OP, Mầu Nhiệm Đức Kitô, Rôma 2006. tr132
[2] Xc. Ludwig Ott, dịch giả Lm.Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Tính Lý I, Đại chủng viện Thánh Giuse, 2003,Tr 330
[3] Sđd, Fernando Ocaùriz…, Roâma 2006. tr132
[4] Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, dịch giả Lm. Lâm Văn Sỹ.OP, Mầu Nhiệm Đức Kitô, Rôma 2006, Tr.134
[5] Xc. Ludwig Ott, dịch giả Lm.Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Tính Lý I, Đại chủng viện Thánh Giuse, 2003, Tr.334
[6] Sđd, Fernando Ocáriz…, Rôma 2006, Tr. 135
[7] Xc. Ludwig Ott, dịch giả Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Tính Lý I, Đại chủng viện Thánh Giuse, 2003, Tr.330
[8]Sđd, Tr.332
[9] Sđd, tr.325

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP