Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Tản Mạn Mùa Chay: Mùa Chay, Trở Về hay Đi Ra ?

Tản  

Vào Mùa Chay, chủ đề chúng ta thường được nghe nói nhiều là "Trở về". Tức là từ bỏ tình trạng tội lỗi, để quay về với Thiên Chúa, với tình thương của Ngài. Hình ảnh rõ nét nhất trong Tin Mừng là hình ảnh người con hoang đàng (Lc15,11-32) (tôi tạm dùng từ "hoang đàng" vì nó quen thuộc với chúng ta, vả lại, ai trong chúng ta lại không có một chút "hoang đàng" ! Tuy nhiên nó không hợp lắm với tình thần của dụ ngôn.)
Cũng từ dụ ngôn này, nhưng tôi muốn nhìn nó từ một góc độ khác, không từ góc độ "Trở về" mà "Đi ra". Thật vậy, điều chính yếu giúp người con thứ gặp được Cha trong tương quan thật sự  Cha-Con , là khi anh thực hiện trọn vẹn cuộc "đi ra" : Đi ra khỏi vỏ bọc phù phiếm, đi ra khỏi sự mặc cảm tội lỗi và đi ra khỏi chính con người mình.

Đi ra khỏi vỏ bọc phù phiếm

Khi anh chàng lâm cảnh khốn cùng, phải đi chăn heo để kiếm sống, anh mới ý thức được con người thật của mình, chỉ là một tên bất tài vô dụng (c.17). Trước đây với cái vỏ bọc con ông chủ, cậu ấm, ... anh nghĩ rằng mình có quyền có điều này điều kia, ngay cả quyền yêu cầu Cha chia gia tài cho mình. Đúng là anh có quyền được hưởng những điều đó, nhưng với điều kiện anh phải là người con. Quyền lợi này không tự anh có, nhưng nằm trong quan hệ Cha-Con mà anh có trách nhiệm phải sống và duy trì. Vì thật ra mọi quyền lợi đều đến từ Cha, từ tình thương của Ngài. Chúng ta vẫn thường nghe nói nhiều rằng, điều quan trọng không phải cái ta có (avoir) : tước vị, ông nọ bà kia, linh mục, tu sĩ,... cho bằng cái ta là (être) : ta là người thế nào trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân,... Đây không phải điều ai cũng dễ nhận ra. Mà nếu không ra khỏi được cái vỏ bọc phù phiếm này, thì khó có thể tìm được một quyết định, một hướng đi, một cách sống đúng đắn. Người con hoang đàng đã đi ra được khỏi cái vỏ bọc đó, anh thấy được con người thật của anh và bây giờ, anh biết điều anh cần phải làm.

Đi ra khỏi mặc cảm tội lỗi, khỏi tình trạng tội lỗi

Tôi phải đến với Cha tôi (c.18). Bây giờ anh không còn sợ mắc cở với Cha, sợ Cha phạt vì đã rời bỏ Cha, đã phung phí hết tài sản của Cha; anh không sợ xấu hổ trước mặt các đầy tớ trong nhà cha mình vì tình trạng khố rách áo ôm của anh, vì tai tiếng anh đã gây ra. Anh đã giũ bỏ tất cả lại sau lưng để đến với Cha bằng chính con người thật của anh. Anh đã không để cho những mặc cảm tội lỗi bám lấy anh, dìm chết anh ở trong đó. Đây là bài học thật quan trọng mà chúng ta cần quan tâm. Vì nhiều khi chúng ta bị quật ngã, bị dày nát, không phải vì những lỗi lầm chúng ta phạm, mà là những mặc cảm tội lỗi. Chính những mặc cảm này bao quấn lấy chúng ta và làm chúng ta chết nghẹt trong đó, trong khi Chúa cũng như anh em (tại sao không ?) vẫn luôn chờ đón chúng ta với tất cả tình thương. Ngài chẳng còn nhớ đến những lỗi lầm chúng ta đã phạm (cc.20.22-23). Chúng ta đừng bao giờ để mình bị đóng kín, dù tình trạng của chúng ta thế nào chăng nữa. Sự mở ra với Thiên Chúa và với tha nhân luôn là một con đường đúng đắn trong tiến trình thiêng liêng của người ki-tô hữu. Giờ này anh có thể mạnh dạn đến với Cha mà không sợ hãi gì.

Đi ra khỏi chính con người mình

Và anh đã đến với cha. Không phải với tư cách một người mang danh nghĩa con, có quyền đòi cha điều này điều nọ, cũng không phải như một tội đồ (dù anh có nhiều lầm lỗi). Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là anh đến với Cha, anh tin vào tình thương của cha. Điều anh quan tâm bây giờ không phải là anh mà là Cha. Anh đặt tất cả con người anh, tương lai, ý muốn của anh, ... vào Cha để tùy Cha định liệu. Anh đã ra khỏi sự tự hào giả tạo với danh nghĩa của một người con, ra khỏi nỗi nhục, khỏi mặc cảm tội lỗi của một tội đồ. Giờ đây, anh trở thành một người với một tâm hồn rộng mở, sẵn sàng đón nhận Cha và phó thác hoàn toàn cho ý muốn, cho tình yêu của Cha.
Như thế "đi ra" chính là để "trở về". Nhưng không phải đi trở lại con đường mình đã đi qua, trở lại tình trạng trước, mà là trở về với Cha bằng một con người mới, con người đã cảm nếm được cùng lúc, thân phận yếu đuối của mình và tình thương vô cùng của Cha. Vì vậy, dù "đi ra" hay "trở về", tâm tình mùa chay lúc nào cũng mang chiều kích mở, mở ra với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP