Yêu ai, chúng ta thường hướng về người đó, càng yêu thì mức độ hướng về càng nhiều, đến mức độ có thể chiếm hết cả con tim. Tôi đã được kêu gọi để cùng sống chung, chia sẻ tình yêu Chúa Kitô đồng thời loan báo Tin Mừng cho người khác. Tình yêu Thiên Chúa vô biên, cao cả đã thương yêu và đã cho tôi làm con cái Chúa, là người nối gót Đức Kitô. Tôi đã đáp lại tình yêu cao cả đó bằng chính đời sống của tôi, bằng việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, tận hiến cho Chúa và tha nhân. Tôi nói tôi yên mến Chúa, thương yêu người, nhưng xét lại nhiều khi tôi thấy tôi yêu mình hơn Chúa, thương mình hơn người khác. Phải chăng đó là tôi đang tận hiến cho Chúa, cho nhân loại? như vậy Tận hiến là gì? tại sao tôi lại phải tận hiến, là tặng vật cho nhân loại?
Theo nghĩa thông thường thì tận hiến có nghĩa là cho đi, cho đi tất cả, hiến cả cuộc đời cho một lý tưởng, một tình yêu hay một sứ vụ… Còn theo Hiến Pháp Dòng số 71, tận hiến là tặng vật cho nhân loại. Qua đó, lời Khấn thể hiện toàn vẹn một tình yêu vượt khỏi:
- Những luyến ái riêng tư.
- Những của tư hữu.
- Những ước muốn cá nhân để giúp đỡ anh em gặp gỡ mọi người.
Tận hiến còn mang nhiều ý nghĩa, những khía cạnh khác nữa, nhưng ở đây, tôi chỉ xin dừng lại ở 3 điểm trên và có một vài suy nghĩ về những điểm đó như một điểm dừng để suy nghĩ về đời sống Tu của tôi.
- Vượt khỏi những luyến ái riêng tư:
Từ trẻ thơ đến tuổi thất thập cổ lai hy và ngay cả đến lúc sắp chết, thường thì ai cũng có những hoài bão, những lý tưởng, ước mơ… rất cao đẹp, trong sáng, rất hồn nhiên và tự nhiên. Mọi lý tưởng, ước mơ và hoài bão đó đều có mục đích, chẳng ai phục vụ cho một lý tưởng mà chẳng có mục đích. Ngoài đời thường người ta nhắm đến công danh lợi lộc, vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng… cũng có người chỉ cầu mong có cơm ăn áo mặc, chỉ mong cho hoà bình, chỉ mong sống yên thân, hạnh phúc…
Tôi đã, đang và sẽ tận hiến cho Chúa đồng thời coi việc tận hiến như là một tình yêu vượt khỏi những luyến ái cá nhân để phục vụ Chúa qua tha nhân, coi đó như là một lý tưởng, mục đích là để phục vụ cho Nước Trời. Cái bình thường của con người ai cũng có những luyến ái riêng tư, vậy mà tôi lại từ bỏ những luyến ái riêng tư đó, dấn thân vào con đường tận hiến, con đường tình yêu, yêu thương mọi người như chính mình chứ không phải là tình yêu chỉ dành cho hai người như bao người khác. Nếu được như thế thì thật là tôi đang đi đúng con đường mình đã chọn.
Nhưng xét cho cùng thì tôi đã thật sự sống được như thế chưa hay đó chỉ là lý tưởng của những lý tưởng? Thiết nghĩ tôi cũng như bạn chẳng ai dám khẳng định mình đã sống hết mình vì yêu Chúa, yêu thương tha nhân như chính mình, đến nỗi tình yêu vượt qua những luyến ái riêng tư. Luyến ái riêng tư hay tình cảm riêng đó, thay vì hướng về Chúa, tha nhân thì dường như tôi thích hướng về một người nào đó cụ thể hơn và có thể tiếp xúc được với họ dễ dàng. Hơn nữa tôi lại biện hộ cho rằng mình yêu thương một người nào đó là yêu thương tha nhân, còn Chúa thì sao quá cao siêu, quá xa vời. Nếu tôi không có một đời sống nội tâm, đời sống cầu nguyện cho tốt thì một ngày nào đó, những tình cảm tình cảm riêng tư thay vì dành cho Chúa, cho tha nhân thì tôi lại dành cho một bóng hồng.
- Vượt qua những của tư hữu.
Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của hội thánh về đời tu có nói như sau:
Người tu sĩ từ bỏ quyền sử dụng cũng như quyền tự do định đoạt tài sản của mình, tuỳ thuộc vào bề trên chính thức trong dòng để có những của cải vật chất mình cần, để các tặng vật và thu nhập làm tài sản chung của cả cộng đoàn, chấp nhận một nếp sống giản dị và tham dự vào nếp sống đó[1].
Chẳng ai mà không thích có tiền có của, có quyền tự do định đoạt tài sản của mình. Người tu sĩ từ bỏ quyền sử dụng cũng như quyền tự do định đoạt tài sản của mình, tuỳ thuộc vào bề trên xem ra có vẻ nghịch lý, và khó chấp nhận được. Nhưng cái chính không phải là tôi có nhiều tiền của, vật chất, vì như thế, tôi sẽ không chuyên tâm vào việc chính yếu là làm chứng cho Đức kitô, là rao giảng Nước trời. Do đó, đòi hỏi tận hiến cho tình yêu vượt qua những của tư hữu cách nào đó, giúp tôi chuyên tâm vào đời sống Tu trì, không sao nhãng công việc, bổn phận và sứ vụ được trao phó.
Nếu tôi cứ mất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm của cải, tích trữ riêng nhiều tiền của, mua sắm cho mình đầy đủ mọi tiện nghi vật chất… thì tôi đâu còn thời gian dành cho việc đọc kinh cầu nguyện, làm việc. Thay vào đó, cứ đến giờ kinh hay làm việc thì tôi lại lo lắng, không biết tiền tôi để trong tủ có sao không? Khi tôi ngủ, liệu kẻ trộm hay thậm chí người anh em tôi có lấy trộm không và từ đó bắt đầu kiếm cách giữ tiền của cho khỏi bị mất mà quên đi rằng: tôi đến đây, tôi sống ở đây không phải là để kiếm thật nhiều tiền, có thật nhiều của cải mà tôi đến đây là để làm chứng cho Đức Kitô nghèo khó; hơn thế nữa Giáo hội quan tâm đến những người nghèo, còn tôi, là Tu sĩ lại cứ mải miết đi tìm cho mình những của cải chóng qua và mau hư mất để cuối cùng thay vì đi loan báo Tin Mừng và làm chứng về Đức Kitô nghèo khó tôi lại để cho tiền bạc, của cải cuốn hút, đánh mất ý nghĩa và việc chính yếu tôi phải làm.
- Vượt khỏi những ước muốn cá nhân…
Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Chính Đức Kitô đã làm điều đó để chứng minh Tình yêu vô biên cao cả của Người. Người đã từ bỏ ý riêng, vâng lời Thiên Chúa Cha, chịu chết nhục nhằn trên thập giá để cứu chúng ta, Người đã làm như thế vì ai? Có phải vì chúng ta? Noi gương Người, tôi đã đáp lại lời Yêu thương mời gọi của Chúa, dấn thân vào đời sống Tu, theo gót Đức Kitô, từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài. Trên lý thuyết là vậy, hơn nữa tôi cũng đã Khấn Vâng phục. Tôi tự nguyện chứ không ai ép buộc cả, vì nếu ép buộc coi như lời Khấn chẳng có ý nghĩa gì. Giống như trước đây, chuyện hôn nhân đều do cha mẹ sắp đặt. Có những trường hợp: mày không lấy người đó, tao từ mày hoặc mày mà lấy người đó tao sẽ từ mày, mày phải lấy người khác. Tình duyên ngoài đời còn đòi hỏi có sự tự do, tự nguyện thì lời Khấn Vâng phục cũng không khác gì, thậm chí có thể còn cao cả hơn nữa nếu tôi giữ đúng như những gì tôi ta Khấn, vì không phải tôi Khấn với Bề Trên mà Khấn với Chúa, qua tay Bề Trên, những người có trách nhiệm, đại diện cho Thiên Chúa. Như vậy, người tôi từ bỏ mọi ý riêng để vâng phục Bề trên, những người có trách nhiệm với mình cũng là lẽ thường tình, hơn nữa, nếu chỉ dừng lại ở chỗ tại sao tôi lại phải vâng lời Bề Trên, những người có trách nhiệm, những người này cũng chỉ là con người, cũng như tôi hoặc miễn cưỡng lắm tôi phải vâng lời thì sự vâng lời của tôi chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nếu tôi vâng lời Bề Trên, những người đại diện cho Thiên Chúa mà từ bỏ ý riêng, những ước muốn cá nhân mà phục vụ Chúa qua anh em, tha nhân thì quả thật tôi đang sống đúng với những gì tôi tuyên khấn, tận hiến cho Thiên Chúa một cách đúng nghĩa của nó.
Barnabé Hoàng Thượng Vương
0 nhận xét:
Đăng nhận xét