Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2012

Sống Cuộc Đời Như Một Nghệ Thuật


Bonaventure Phạm Vũ Duy

DẪN NHẬP

Làm người ai cũng có cuộc đời. Sống tròn ý nghĩa cuộc đời mình là cả một nỗ lực, một nghệ thuật. Là một nỗ lực, nên đòi hỏi phải hy sinh phấn đấu. Là một nghệ thuật nên cần học hỏi tập tành.
            Với sự phát triển của nền kinh tế như hiện nay, cuộc sống con người luôn gặp phải những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Con người phải chen lấn vào xã hội đầy những cạm bẫy, những lừa lọc. Con người luôn phải lo toan cho cuộc sống của mình, tương lai của mình có một chỗ đứng trong xã hội. Có như vậy mới dám ngẩng đầu lên nhìn mọi người. Xã hội càng phát triển, con người càng phải đương đầu với những thách đố, những lôi cuốn mà làm cho con người khó có thể chống chọi lại được, nó đòi hỏi mỗi người phải hy sinh, phấn đấu, học tập… có như vậy mới vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Để sống cuộc đời như một nghệ thuật chắc hẳn mỗi người phải vạch ra cho mình một hướng để sống. Ở đây tôi xin đề cập vài điểm, trước tiên là xem thách đố của xã hội hôm nay là gì, kế tiếp là cần tìm hiểu bản chất của con người, sau đó là những thái độ mà mỗi người cần phải có.
Vậy, tôi xin đi vào cụ thể để thấy rõ vấn đề hơn, vấn đề mà mỗi người cũng thực sự quan tâm.

1.      Thách đố của xã hội hôm nay

Với một xã hội lạc hậu, con người chắc sẽ ít gặp những thách đố, những khó khăn. Con người sẽ dễ dàng sống cuộc đời bình lặng, êm trôi, không bị những sức ép đè nén con người lại. Nhưng với một xã hội hiện đại, đòi hỏi con người cao hơn, phải đương đầu với những thách đố từ mọi phía, con người sẽ rơi vào tình trạng thất vọng do không thể chịu nổi những thách đố của thời đại. Ở đây tôi xin nêu ra một vài thách đố tượng trưng trong cuộc sống mà ta hay gặp phải, để từ đó ta rút kinh nghiệm tìm cho mình một giải pháp tốt nhất để sống, làm tô điểm thêm cho cuộc đời.

1.1  Chào hỏi

Xã hội càng phát triển, con người dường như bỏ qua phép lịch sự mà thời xưa cha ông ta đã dạy. Sự giàu sang hình như làm cho con người coi nhẹ, khinh thường người khác, xem tiền bạc mới là quan trọng, có tiền thì có tất cả. Còn những lễ nghĩa không được mấy người tiếp thu, nhất là trẻ em, thanh thiếu niên ngày nay, dường như đã mất hẳn nề nếp đó. Nên việc chào hỏi cần phải đặt nặng cho xã hội ngày nay, đó là một thách đố lớn con người phải vượt qua. Phải quay lại thời trước để lấy lại nề nếp cao quí áp dụng vào xã hội này.

1.2  Con người lịch lãm

Trong giao tiếp giữa người với người cũng là vấn đề quan trọng được đặt ra. Một trong những yếu tố giúp ta trở thành một người lịch lãm chính là sử dụng ngôn ngữ và sự hiểu biết. Một người lịch lãm phải biết tìm kiếm nhiều nguồn thông tin, tích lũy chúng rồi sử dụng vào những trường hợp cần thiết. Ta cần tích cực tiếp thu những tri thức mới, tư tưởng mới. Chúng sẽ là những chất kích thích giúp ta suy nghĩ, tìm ra được những quan điểm tích cực, sắc bén và riêng biệt cho ta. Để trở thành con người lịch lãm cần lưu ý những điểm sau:
v  Chăm chú nghe người khác nói:
Đây là điều cũng hết sức quan trọng trong giao tiếp. Khi giao tiếp không phải cứ nói nhiều là đạt hiệu quả, mà đòi hỏi phải biết lắng nghe. Chính sự lắng nghe này làm cho người đối thoại có hưng phấn trình bày tiếp, khi chú ý lắng nghe tức là ta đã quan tâm tới người khác và họ sẽ đến với ta, và chịu lắng nghe lời ta.

v  Nói những điều mà người khác muốn nghe

Chăm chú nghe người khác nói đã là khó, nói những điều mà người khác muốn nghe lại càng khó hơn. Vì mỗi người đều có quan điểm riêng, sở thích riêng, lối sống riêng… để người khác nghe ta phải biết khai thác điểm nóng của họ, dựa vào đó mà gợi chuyện thì người đối thoại rất hứng khởi trò chuyện với ta.
Một nhà tâm lý nói rằng: “nghệ thuật nói chuyện không nhằm vào chỗ phô trương kiến thức của mình, mà nên khêu gợi đề tài cho người đối thoại phô trương kiến thức của họ”. Nếu ta biết khích lệ họ nói về những đề tài sở trường của họ, cuộc đối thoại sẽ tránh những giây phút im lặng nặng nề, đó cũng là cách giúp ta học hỏi thêm nhiều điều thú vị, bổ ích mà ta chưa từng biết.

v  Quan điểm trái ngược

Quan điểm trái ngược cũng là điểm làm cho ta dễ thất bại trong giao tiếp. Sự bất đồng quan điểm sẽ chặn ngay cuộc nói chuyện, dù rằng quan điểm của mình là đúng. Điều quan trọng là cách trình bày quan điểm đó dễ dàng được họ chấp nhận đó mới là khó. Trong giao tiếp tránh tình trạng tranh luận gắt gao dễ sinh ra cãi vã, hãy nói những lời lịch sự, nhẹ nhàng góp ý xây dựng nhau để tạo tình thân hữu.
v  Và còn rất nhiều lý do nữa như: đừng cướp lời, lời nói cần chính xác, đừng lặp lại nhiều lần một số từ trong câu chuyện… để trở thành con người lịch lãm. Thật là khó phải không? Để được như vậy thì đòi hỏi mỗi người phải cố gắng học, cố gắng tập, có như vậy mới sống nhòa nhập vào trong xã hội hôm nay.

1.3  Yếu kém của bản thân

Cuộc sống của con người được ví như một con thuyền trong dòng sông không ngừng chảy nên con thuyền của ta sẽ trôi ngược lại nếu ta ngưng chèo. Chính vì thế con người phải cố gắng chèo sao cho thuyền mình tiến hoài tiến mãi. Nhưng mỗi thời mỗi khác, sự biến đổi nhanh chóng của xã hội làm cho con người rất khó khăn để theo kịp thời đại, hòa nhập vào xã hội. Thật là khó khi phải đối đầu với những thử thách của xã hội hôm nay, vì con người luôn cảm thấy mình yếu kém, không thể vượt qua những thách đố đó. Chính những biến động đó có thể làm cho con người sống buông thả, sống hời hợt, không thể định hướng cho tương lai của mình, không còn khả năng để chèo vượt qua giông bão của cuộc đời. Do những thay đổi quá mau của xã hội hiện nay mà người ta phải thay đổi những suy nghĩ và lập trường của mình để chạy theo những đòi hỏi trước mắt. Lập trường bị thay đổi sẽ dễ làm cho con người sống không còn là chính mình nữa, mà là sống theo người khác, dựa vào người khác. Phải chăng đó là cuộc sống của một con người dúm dó, xum xoe, không còn là mình nữa. Lúc đó con người hình như không còn khả năng tư duy, như Jaspers nhận định: không còn hàm chứa được một tư  tưởng tượng trưng siêu việt nào cả1.
Như vậy, chính sự thay đổi của xã hội làm cho con người cũng phải chạy theo, sống như người ta đang sống như bất cứ ai khác. Đó là cuộc sống của con người yếu kém, không định hướng được cho mình, không dám nhìn nhận được sự yếu kém của mình để cố gắng khắc phục, cố gắng vượt qua thách đố mà xã hội hôm nay đòi hỏi.

(Còn tiếp)




1 Nguyễn Trọng Viễn, Trăm năm trong cõi người ta, trang 64

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP