Đây là bài thuyết trình dịp mùa Chay của cha Joseph Moingt, linh mục dòng Tên, tại nhà thờ Notre Dame de Pentecôte, Paris, ngày 22 tháng 2 năm 2007.
Tôi không được mời để nói về quyền bính và sự phục vụ như nó đang được hành sự trong xã hội chính trị, dân sự hoặc Giáo hội hiện nay, và dưới cái nhìn của những vấn đề thời sự của chúng ta, nhưng chỉ dưới cái nhìn của những giáo huấn của Đức Giêsu và của thánh Phaolô. Thật ra, Đức Giêsu chỉ nói đến quyền bính một cách hoạ hiếm trong viễn tượng Nước Thiên Chúa và nhằm mục đích chỉ cho các môn đệ của Người tinh thần phải có đối với quyền bính.
Vì vậy, rất là tế nhị nếu muốn tìm ở giáo huấn của Người những điểm chính xác liên quan đến việc cai trị xã hội hoặc thậm chí Giáo hội đi nữa. Thánh Phaolô, thỉnh thoảng đi vào trong lãnh vực xã hội, chính trị, dân sự hoặc gia đình, nhưng ngài không tìm cách lật đổ những mối liên hệ đã được thiết lập do truyền thống và thói tục, ngoại trừ việc biến đổi con tim của họ. Trái lại, ngài nói rất nhiều về những mối liên hệ của các tín hữu trong lòng cộng đoàn, và nói đến những chức năng, những tác vụ được thực thi ở đó, nhưng dưới nhãn quan phục vụ lẫn nhau hơn là việc cai quản cộng đoàn. Cũng như Đức Giêsu, Phaolô dừng lại trên bình diện hoán cải nội tâm.
Tôi sẽ trình bày, trước tiên là giáo huấn của Đức Giêsu về quyền bính, rồi sau đó giáo huấn của Phaolô về đời sống trong Giáo hội và sự phục vụ lẫn nhau. Đó chính là những điểm đặc thù của những giáo huấn trên. Từ những điểm tương hợp giữa hai giáo huấn, tôi sẽ rút ra vài áp dụng cụ thể cho đời sống kitô hữu của chúng ta.
1. Giáo huấn của Đức Giêsu
Đức Giêsu chỉ nói đến quyền bính hai lần, một cách rõ ràng, ba lần có liên quan đến việc tranh giành danh dự hơn là quyền bính. Trong cả ba trường hợp, Người không tự đề cập vấn đề, nhưng là trả lời việc tranh cãi của các môn đệ xem ai là người ngồi chỗ nhất, hay là người lớn nhất trong Nước Trời. Trước khi vào phân tích bản văn, thiết nghĩ rất quan trọng phải lưu ý rằng, Đức Giêsu không bao giờ gọi chung các môn đệ lại để chỉ cho các ông các thức cai quản Giáo hội khi Người không còn nữa. Điều này không có trong suy nghĩ của Người, bởi vì tâm trí của Người hoàn toàn bị chiếm lĩnh bởi sự đến gần của Nước Thiên Chúa. Quan trọng hoá vấn đề cai trị và nghĩ rằng toàn thể đời sống Giáo hội phụ thuộc vào đó là điều không phù hợp. Đức Giêsu biết rằng những vấn đề đó sẽ được đặt ra khi Người không còn ở thế gian, nhưng điều Người coi là quan trọng chính là tinh thần phải có của người nắm giữ quyền bính. Chính trong chiều hướng này mà Người trả lời các tông đồ, và cảnh giác các ông tránh những ham muốn về quyền lực và danh vọng.
Cuộc tranh luận đầu tiên xảy ra trên đường đi ở Capharnaum, sau khi Người loan báo về cái chết và sự phục sinh của Người. Lần thứ hai diễn ra ngay trước ngày vào Giêsusalem, khi bà mẹ của hai anh em con ông Dêbêđê, xin Đức Giêsu một ân huệ cho hai ông. Cả hai câu truyện đều được Mátthêu và Máccô kể lại. Tôi dựa theo trình thuật của Mátthêu. Lần tranh luận thứ ba, chỉ một mình Luca ghi lại, diễn ra trong bữa tiệc sau cùng của Đức Giêsu, khi Người vừa mới lập bí tích Thánh Thể và nói về Nước Thiên Chúa đang đến gần.
Sau khi lướt qua câu truyện đầu tiên nhắm trực tiếp đến danh dự hơn là quyền bính, tôi sẽ bình giải chung hai đoạn trình thuật tiếp sau, bởi vì câu trả lời của Đức Giêsu đều giống nhau. Tôi thêm một trình thuật thứ tư rút ra từ tin mừng Gioan, cảnh rửa chân cho các môn đệ. Bởi vì nó được đặt trong cùng một bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, và những lời của Đức Giêsu có cùng một sức nặng như nhau.
Đây là trình thuật đầu tiên trong Mt 18,1-5
"Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy".
Đức Giêsu đã cho các môn đệ, đang quá nghiêng về tranh giành một chỗ danh dự, một bài học về sự khiêm hạ. Đức Giêsu không nói trực tiếp đến quyền bính, nhưng cách thức của Người đã cho thấy có liên quan đến nó. Người đã lật ngược vấn đề : Ai muốn làm người lớn nhất phải làm kẻ rốt hết. Người nhân cách hoá vấn đề bằng đưa một trẻ em vào câu truyện : Việc tìm kiếm quyền bính hay danh dự, được đưa về mối liên hệ giữa người với người. Tiếp nhận hay xua đuổi một ai đó. Nâng đỡ hay đè bẹp họ. Sự khiêm nhường không đơn giản chỉ là một trạng thái nội tâm, nó là tương quan với tha nhân. Sự hoán cải mà Đức Giêsu muốn mời gọi các môn đệ Người hệ tại ở việc thiết lập mối liên hệ đúng mực với tha nhân, trong một thái độ đón nhận nhau. Người nhấn mạnh điều đó bằng hai cách. Trước tiên bằng sự đe doạ : Nếu anh em không trở nên như trẻ nhỏ, anh em sẽ không được vào Nước Trời; tiếp đến, Người lấy chính mình làm đối tượng của việc tranh luận : Tiếp đón một trẻ nhỏ chính là tiếp đón Đức Giêsu, người đã tự hạ làm người như ta, tới chỗ thấp nhất của nhân loại. Chúng ta đã được báo trước rằng, vấn đề cai trị trong Giáo hội hoặc bên ngoài tìm thấy giải pháp nơi thập giá của Đức Kitô.
Bây giờ chúng ta đề cập đến hai cuộc tranh luận được thuật lại, một do Mátthêu 20,20-28, một do Luca 22,24-27. Trong cả hai trình thuật này, sự can thiệp của Đức Giêsu đều giống nhau, được thể hiện qua hai câu nói. Một câu là phủ định, câu kia là hai lần phủ định.
Đây là phần đầu của câu trả lời của Đức Giêsu :
"Anh em biết: thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân : Giữa anh em thì không được như vậy" (cc 25-26); và trong Luca : "Vua của các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân : Anh em thì không như thế" (cc. 25-26)
Câu nói đầu tiên của Đức Giêsu làm chúng ta chưng hửng : Rõ ràng có quyền bính là để sử dụng, vậy làm thế nào sử dụng nó mà không thống trị người khác? Nhưng ta thấy rõ rằng, Đức Giêsu không nhắm vào chính quyền bính, trong chức năng cụ thể của nó, trong kĩ thuật cai trị, mà Ngài nhìn quyền bính nơi người nắm giữ nó, trong tinh thần mà nó làm nên người có quyền bính, trong tương quan mà quyền bính thiết lập giữa người thống trị và người dưới quyền. Người nắm quyền ao ước thống trị và vinh quang. Họ muốn những kẻ dưới quyền phải phục tùng không điều kiện, bằng việc phục vụ và luồn cúi. Đức Giêsu không kết án quyền bính, Người không cổ võ một xã hội không tưởng ở đó không còn quyền bính; Người cảnh giác những người hành xử quyền bính tránh những lệch lạc có nguy cơ dẫn họ đến sự ham muốn quyền lực, thích thú và kiêu căng thống trị người khác.
Vậy phải thực hành quyền bính thế nào theo tinh thần của Đức Giêsu?
Câu trả lời ở tin mừng Mátthêu là : "Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (cc. 26-28).
Và ở tin mừng Luca : "Ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ" (cc. 26-27).
Câu thứ hai, như tôi đã nói, phủ định gấp 2 lần câu thứ nhất. Câu thứ nhất nói rằng : Giả như bạn ở vị trí kẻ điều khiển, đừng có làm như bạn thấy khắp nơi trong lãnh vực chính trị, xã hội. Câu thứ hai còn thêm : Đừng điều khiển như thể bạn là thượng cấp đối với hạ cấp của mình, nhưng hãy làm như thể bạn là hạ cấp, là người phục vụ họ vậy.
Lời khuyên này còn làm ngỡ ngàng hơn cả lời khuyên trước nữa; nó không chỉ nói rằng : hãy tránh những khuyết điểm mà bạn thấy nơi những người nắm quyền; nó còn khuyên : Đừng điều khiển như là người chủ, người bề trên, nhưng như người tôi tớ, người bề dưới. Theo nghĩa đen, dường như lời khuyên này làm cho việc điều khiển không thể thực hiện được. Vì vậy người ta thường chú giải lời khuyên này theo nghĩa thuần tuý luân lí : Hãy xem chức vụ của bạn như là việc phục vụ cộng đoàn, hãy làm tròn với tất cả sự tận tâm, và với một tinh thần khiêm nhượng trong tâm hồn, đừng kiêu căng coi mình hơn người khác. Dĩ nhiên nghĩa này không hẳn sai, nhưng khó mà nói chuyển tải chính xác lời Đức Giêsu nói. Điều bắt buộc ta phải hiểu theo nghĩa đen, là vì chính Đức Giêsu đã đặt mình trong câu truyện : Nếu anh em phải điều khiển, hãy làm như Thầy đã làm, Thầy là thầy của anh em. Mà chúng ta đã biết Đức Giêsu đã thực hành quyền bính như thế nào. Quyền bính, và sứ mạng Người đã nhận từ Chúa Cha.
Bởi vì Đức Giêsu đã cho ta một mẫu gương ở đây. Chúng ta được đưa tới cảnh rửa chân trong tin mừng Gioan (13,13-17). Khung cảnh của những cuộc trò chuyện giữa Đức Giêsu và các môn đệ sau Bữa Tiệc Ly cũng giống như ở tin mừng Luca. Sau khi Đức Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ, Người mặc áo vào, và giải thích cử chỉ Người vừa làm như sau :
"Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? (13) Anh em gọi Thầy là 'Thầy', là 'Chúa', điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. (14) Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!"
Chúng ta hãy chú ý đến câu cuối cùng : "Phúc cho anh em thực hành như thế" . Đó là một mối "Phúc", một sự chúc phúc, mối phúc duy nhất nơi Gioan, người đã không ghi lại Bài giảng trên Núi. Trong hoàn cảnh long trọng như thế, mẫu gương mà Đức Giêsu để lại như là một di chúc. Mối phúc được nói ở đây làm nên một sự đảo lộn những giá trị, giữa một bên là tinh thần của Đức Giêsu và một bên là tinh thần thế gian, cũng giống như ở Bài giảng trên Núi. Như thế nó đặt vấn đề quyền bính vào khuân khổ của sự hoán cải của người nắm quyền, chứ không trong khuân khổ thể thức vận hành. Tuy nhiên người ta có thể tránh né những điều khoản của di chúc, những ý muốn sau cùng của người làm di chúc, nếu chỉ dừng lại ở việc thay đổi lối nghĩ; sự hoán cải mà Đức Giêsu kêu gọi các môn đệ thực hiện nằm trên bình diện thực hành : "Anh em hãy làm như Thầy đã làm".
Những mối phúc, cũng như tất cả những lời khuyên phúc âm, xem ra đều nghịch lí. "Nghịch lí" được định nghĩa như là một cái gì đi ngược lại dư luận chung, trái ngược với những mong đợi của nhiều người : "Anh em đừng làm như anh em thấy người ta thường làm". Điều này không nói phải làm thế nào, nhưng không nên làm thế nào.
Lời khuyên của Đức Giêsu không có nghĩa là không điều khiển nữa, hoặc trao quyền điều khiển cho người khác : Điều đó chẳng có nghĩa gì. Ta có thể hiểu những lời của Đức Giêsu như thế này : Khi anh em hành sự quyền bính, hãy làm như anh anh em muốn mình là người bị điều khiển, không nhục nhã, không bị bó buộc, không bạo lực, cũng không đe doạ. Hoặc là : Hãy hành sự quyền bính trong khi nghĩ rằng người dưới quyền mình cũng bình đẳng với mình về nhân phẩm, họ cũng có những quyền căn bản không thể giản lược, mà anh em phải tôn trọng. Hoặc là : Hãy hành sự uy tín cá nhân, hơn là quyền cai trị, bằng cách nâng những người cấp dưới lên bằng anh em, để họ thăng tiến trong tự do và phẩm giá.
Thật đáng chú ý là Đức Giêsu chỉ nói đến tương quan quyền bính theo có một chiều, theo chiều đi xuống : Sự hạ mình của bề trên phải có đối với bề dưới, chứ không theo chiều ngược lại. Nói cách khác, Người không nói đến nhiệm vụ vâng phục của bề dưới đối với bề trên. Không nói đến sự phục tùng mà bề dưới được coi là phải có đối với bề trên. Điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh của Bữa Tiệc Ly, khi mà Đức Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận sự ra đi của Người. Người lo lắng cho thời gian tiếp theo trước khi Người trở lại đón các ông vào Vương quốc của Người vào ngày sau hết.
Vào những giây phút cuối cùng khi Người còn ở thế gian, Người sai các môn đệ vào thế giới với quyền bính như Người đã nhận được nơi Chúa Cha, nhưng để rao giảng Tin Mừng và sự vâng phục Tin Mừng, chứ Người không đề cập gì tới sự phục tùng của những tân tòng phải có đối với những hình thức hữu hình của việc cai trị. Sự im lặng của Đức Giêsu về tương lai của Giáo hội thật khó giải thích. Rõ ràng sự rửa chân cho các môn đệ xác định rõ mối tương quan hỗ tương giữa phục vụ và khiêm hạ trong lòng cộng đoàn tông đồ dựa trên tình huynh đệ, và không yêu cầu chấp nhận một mối liên hệ mang tính thứ bậc.
Có thể kết luận rằng, bề dưới phải vâng phục bề trên với một thái độ tôn trọng, khiêm tốn, phục vụ, phục tùng cũng cùng một cách được đòi hỏi nơi bề trên đối với bề dưới của mình. Cũng cần nhắc lại là, Đức Giêsu thường nói lên sự vâng phục của Người đối với Chúa Cha; Người cũng đòi hỏi các môn đệ tuân giữ các lệnh truyền của Ngưòi; nhiều dụ ngôn nêu gương vâng phục của tôi tớ đối với chủ, con đối với cha, như là mẫu gương cho tương quan của người môn đệ với Thiên Chúa. Người không chính thức dự phóng nhiệm vụ vâng phục Người hoặc Chúa Cha trong quyền bính cai quản hữu hình, nhưng bỏ ngỏ cho các kitô hữu tương lai tự do phát minh các hình thức tổ chức đời sống về mặt xã hội. Điều này tránh được sự thần thánh và tuyệt đối hoá sự cai trị của Giáo hội trong dòng lịch sử. Nó cũng giúp tránh được sự đồng hoá giữa sự vâng phục các đấng bề trên và sự vâng phục Tin Mừng. Nó giúp mọi người cảm thấy đồng trách nhiệm trong đời sống Giáo hội. Tất cả được kêu gọi cộng tác vào đời sống Giáo hội trong tinh thần hoà hợp giữa tự do và phục tùng. Bởi vì đó chính là "nghịch lí" của giáo huấn của Đức Giêsu về vấn đề quyền bính.
Thông Phán chuyển ngữ.
(còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét