Là người công giáo ai trong chúng ta mà chẳng biết luật buộc giữ chay. Ít ra là một cách chung chung : một năm hai lần, thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh; ăn một bữa no và hai bữa đói! Thế nhưng khi hỏi đâu là ý nghĩa của việc giữ chay, và tại sao Giáo Hội lại dạy con cái mình giữ chay thì ít người có thể tìm thấy câu trả lời một cách dễ dàng và thỏa đáng. Giữ chay đơn giãn đã trở thành một nghiã vụ phải chu toàn thế thôi. Bài viết này chỉ có ý tìm hiểu một vài ý nghĩa của việc giữ chay kitô giáo, nhằm giúp chúng ta giữ chay cách tích cực và hữu ích hơn.
Về mặt sinh học
Các nhà khoa học chỉ ra rằng, khi cơ thể không được cung cấp thức ăn trong một thời gia nhất định, năng lượng cung cấp cho các cơ quan hoạt động bị thiếu hụt. Lúc đó cơ thể sẽ tìm và sử dụng năng lượng ở những kho dự trữ, đó là những lớp mỡ dư thừa. Như vậy ăn chay về mặt sinh học, là một cơ chế vệ sinh : nó giúp thải hồi những năng lượng thừa thãi, giúp cơ thể quân bình trở lại. Dựa vào cơ chế này mà phương pháp chữa bệnh bằng tuyệt thực ra đời. Nói chung ăn chay tạo ra một sự kích thích, một sự thay đổi, cơ thể tìm được sức sống mới.
Một sự chế ngự
Ý nghĩa đầu tiên và cụ thể nhất của ăn chay là chế ngự : không ăn hoặc ăn ít hơn bình thường. Đó là chấp nhận bị tước đoạt một điều gì đó, bị tước đoạt quyền thỏa mãn một nhu cầu mà bình thường ta có thể được hưởng. Như vậy ăn chay thể hiện ý chí tự do từ khước một nhu cầu bản năng. Nếu không có sự hy sinh, không có sự bị hạn chế, không có sự bị tước đoạt, bị mất mát một cái gì đó thì chắc hẳn không còn ý nghĩa của ăn chay. Ăn chay không chỉ là một sự chế ngự có tính cách bên ngoài, nhưng đó phải xuất phát tự trong lòng. Nó phải được kèm theo một sự thay đổi lớn lao trong đời sống. Tiên tri Gioen đã từng mạnh mẽ khuyến cáo rằng "Hãy xé lòng chú đừng xé áo" (Ge2,13). Như vậy ăn chay không phải chỉ giới hạn trong việc nhịn ăn mà thôi. Đức thánh cha Gioan Phaolô II trong sứ điệp mùa chay 1979 đã kêu gọi một sự giữ chay "không chỉ về thức ăn, thức uống mà thôi, nhưng tất cả những phương tiện hưởng thụ và thỏa mãn khác". Cũng chính ngài năm 1996 đã đề nghị một sự "giữ chay tivi". Tiên tri Isaia cũng mạnh mẽ lên án thái độ giữ chay một cách hình thức, ngài cũng cho biết rằng cách thức giữ chay mà Thiên Chúa muốn đó là nỗ lực thực thi công bình, bác ái đối những người nghèo khổ (x. Is 58,6-8)
Thể hiện sự tự do và bác ái
Thế nhưng sự chế ngự này không phải là một tình trạng nô lệ, cam chịu, mà là sự thể hiện tự do. Bằng sự giữ chay, con người thể hiện sự tự do của mình. Con người được giải phóng khỏi sự nô lệ của bản năng sinh học : cơ chế thoả mãn nhu cầu. Cơ chế này ngày càng chiếm ưu thế trong xã hội tiêu thụ hiện đại, và con người có nguy cơ trở thành nô lệ của nó. Đời sống con người ngày nay vô tình bị giới hạn vào việc thỏa mãn những nhu cầu mà không cần đặt câu hỏi liệu điều đó có cần thiết hay không. Chính trong chiều hướng này mà Đức thánh cha Gioan Phaolô II trong sứ điệp mùa chay năm 1979 đã kêu gọi, bằng sự giữ chay, "giải phóng mình khỏi sự nô lệ của nền văn hóa tiện nghi và hưởng thụ". Giữ chay đưa con người ra khỏi lôgic "nhu cầu - thỏa mãn nhu cầu", nó tạo ra một khoảng cách giữa hai mốc điểm. Con người trở thành một hữu thể hoàn toàn tự do. Chính nhờ khoảng cách này mà đời sống trở nên phong phú và có ý nghĩa. Khoảng cách này được lấp đầy bởi một cái "khác" với ta. Cái khác này là Thiên Chúa, là tha nhân. Ngày nay người ta nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh bác ái của việc giữ chay. Trước tiên là sống sự liên đới với những người nghèo khổ thiếu thốn, để hiểu thế nào là đói, là thiếu thốn. Kế đó, sự hy sinh một số nhu cầu tiêu dùng nào đó nếu dành vào công tác từ thiện sẽ góp phần làm dịu bớt đi những nỗi khổ của của những người nghèo khó.
Thiên Chúa lấp đầy khoảng trống
Ăn chay tạo nên một sự thiếu thốn, trống vắng nào đó trong con người, và làm cho con người khao khát cầu nguyện, khao khát Thiên Chúa. Chỉ có mình Thiên Chúa mới lấp đầy những trống vắng này. Chính vì vậy mà ăn chay và cầu nguyện không thể tách rời. Người ta không ăn chay để trở thành những nhà vô địch giữ chay. Ăn chay chỉ là phương tiện giúp ta thanh tẩy đời sống, giúp ta sống mật thiết hơn quan hệ với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình.
Đồng hành với Đức Kitô
Một cách nào đó, giữ chay là thể hiện ước muốn đồng hành với Đức Kitô trong nhiệm cục cứu độ, đặc biệt trong sự thương khó và tử nạn của Ngài. Bốn mươi ngày mùa chay nhắc nhớ 40 năm Dân Chúa trong sa mạc, 40 ngày chay tịnh của Chúa Giêsu cũng trong sa mạc. Giữ chay là thể hiện lòng mến của người môn đệ cùng đi trên con đường của thầy mình. Một giáo sư phụng vụ nọ cổ võ giữ chay không chỉ thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh mà luôn cả ngày thứ Bảy Tuần Thánh nữa. Thứ Tư lễ Tro giữ chay vì "không được ăn", vì phải theo gót Đức Giêsu vào sa mạc; Thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh thì giữ chay vì "ăn không được", vì Thầy Giêsu đã chịu tử nạn.
Cho dù bây giờ người ta không mấy chú trọng đến việc giữ chay, tôi vẫn giữ chay!
Lão Phu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét