Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Con Người Không Có Linh Hồn;

Nhưng Con Người Chỉ Là Thân Xác Của Họ Trong Mối Liên Hệ Mật Thiết Với Thiên Chúa

Từ “linh hồn” thường được hiểu với nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn như: phần tinh thần hoặc phi vật chất của con người mà người ta tin rằng sẽ tồn tại sau lúc chết (gửi gắm linh hồn cho Chúa); tâm hồn, tâm trí (nó học với hết cả linh hồn); cột trụ, một tấm gương hoàn hảo (Hồ chủ tịch là linh hồn của Đảng); vĩ nhân (những linh hồn của thời xưa); sức truyền cảm (bức tranh không có hồn); con người (không thấy một linh hồn nào ở đó)[1]… Nhận định “con người không có linh hồn,” như tựa đề của bài viết, không nhằm phủ định tất cả những nghĩa được nêu trên của từ “linh hồn,” nhưng chỉ nhằm phủ định quan niệm nhị nguyên về con người – quan niện cho rằng linh hồn như là một thực thể phi vật chất trong sự đối lập với thân xác (chẳng hạn, quan niệm cho rằng con người có hồn và xác). Vế thứ hai của nhận định: “con người chỉ là thân xác của họ và luôn trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa” nêu lên một quan niệm nhất nguyên về con người, khẳng định tính trọn vẹn và nguyên thủy của con người được thể hiện chính nơi thân xác của con người, và đồng thời nói lên nguồn gốc, bản chất và đích đến của con người.

Nhìn lại Thánh Kinh, từ Cựu Ước cho đến Tân Ước, khái niệm về con người mang tính nhất nguyên chứ không phải nhị nguyện. Từ “linh hồn” trong kho từ vựng của người Do Thái, tuy có nhiều cấp độ ý nghĩa (thực thể sống - St 2:7; sự sống - Thp 5:18; con người - St 46:18…), nhưng luôn mang tính nhất nguyên. “Đối với người Do Thái, con người là cơ thể sống, và cơ thể là tất cả con người.” [2] Trong Tân Ước, từ “linh hồn,” về cơ bản, mang ý nghĩa nhất nguyên như quan niệm của người Do Thái (sự sống: Mt 2:20; Mc 3:4; Lc 12:20).[3] Tuy rằng quan niện nhị nguyên của triết học Hy Lạp – quan niệm cho rằng con người có hồn và xác – có sự ảnh hưởng đây đó trong Thánh Kinh (Kn 9:15; 1 Pr 1:9), nhưng sự ảnh hưởng rất hạn chế và không làm nên một quan niệm đáng chú ý. Tựu chung, “Thánh Kinh không nhìn nhận linh hồn như là một phần bất tử cấu tạo nên con người. Lúc chết, linh hồn lìa khỏi thân xác nhưng không tiếp tục sự sống như một nguyên lý tồn tại. Trong khi đó, sự phục sinh không nhắm đến linh hồn bất tử; ngược lại, chính thân xác là một con người trọn vẹn sẽ phục sinh trong ngày sau hết.”[4]
Về giá trị của thân xác và sự sống của con người trên trần gian này, chúng ta phải thừa nhận rằng thân xác và sự sống có một giá trị hết sức cao quý và linh thiêng. Con người, dù theo bất cứ tôn giáo nào, hoặc thậm chí vô thần, đều quan tâm đến sự khỏe mạnh của bản thân mình và chăm lo đến sự phong phú của sức sống. Theo lịch sử của nhân loại, y học không ngừng nghỉ việc tìm kiếm và chế tạo ra những vị thuốc để chữa lành bậnh tật và kéo dài sự sống. Các quốc gia trên thế giới, dù tôn giáo hay vô thần, đều có những khoản luật bảo vệ và tôn trọng sự sống. Tiêu biểu cho niềm tin Công giáo, Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Sự sống trên địa cầu mang một giá trị thánh thiêng được trao phó cho chúng ta, để được duy trì với hết ý thức trách nhiệm và để được hoàn thiện trong tình yêu và trong đời sống tận hiến của chúng ta cho Thiên Chúa và cho những anh chị em của chúng ta” (Evangelium Vitae, 2). Nói về giá trị của thân thể con người, một cách cụ thể hơn, Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định: “Con người tồn tại giữa thế giới hữu hình như là một thân thể trong số những thân thể và khám phá ra ý nghĩa của tính hữu thể của nó.”[5] Mọi sự trên trần gian này, ngay chính tính chất vật chất của chúng, đều thật là tốt đẹp (St 1:31). Nếu cuộc sống trên trần gian này không tốt đẹp, không đáng bảo vệ, gìn giữ và trân trọng, thì tại sao chính Thiên Chúa đã nhập thể, trở nên Con Người như chúng ta và ở giữa chúng ta? Nếu cuộc sống trên trần gian này không đáng sống, thì tại sao trên thập giá Chúa Giê-su đã thốt lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Ngài bỏ rơi tôi?” (Mc 15:34; Mt 27:46).
Triết học Hy Lạp đã có một sự ảnh hưởng lớn trên cái nhìn về con người trong truyền thống của Giáo hội. Theo Pla-tô, linh hồn là một phần phi vật chất của con người và nó chính là tất cả con người thật, nó bất tử và bị kiềm hãm trong thân xác vật chất. Linh hồn bất tử vì nó là nguyên lý của sự sống và có khả năng tiếp nhận những thể thức hay khái niệm bất diệt. Thánh Âu-gút-tin đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của Pla-tô trong việc khẳng định về tính bất tử của linh hồn. Theo thánh Âu-gút-tin, linh hồn bất tử vì nó có khả năng tiếp nhận sự thật. Trong giáo huấn của Giáo hội, tuy không giải thích về tính bất tử của linh hồn, nhưng đã nói đến sự liên hệ giữa linh hồn và thân xác trong việc cấu thành nên con người (mỗi người chỉ có một linh hồn (DS 657); linh hồn được tạo dựng trực tiếp bởi Thiên Chúa (DS 3893), và từ hư không (DS 685); nguyên lý sự sống của con người (DS 2833); có giá trị cao hơn thân xác (DS 815)).[6]
Tuy quan niệm nhị nguyên về con người hấp dẫn chúng ta về một thế giới thần linh bất tử, giúp chúng ta dễ đón nhận một quan niệm về sự sống đời sau, và hướng chúng ta về một đời sống tâm linh sâu sắc; nhưng đồng thời nó gây nên những mâu thuẫn và khó khăn trong cái nhìn toàn vẹn về con người. Nó phản ánh không đầy đủ và phiến diện về nguồn gốc, bản chất và đích đến của con người. Một con người, nhưng dưới cái nhìn nhị nguyên, thì nó có nguồn gốc từ hai thế giới khác nhau: một thế giới của linh hồn phi vật thể bất tử, và một thế giới của cơ thể vật chất hư nát. Trước những khám phá của khoa học hiện đại, nhất là những khám phá về con người và mối quan hệ mật thiết giữa con người và môi trường, cái nhìn nhị nguyên về con người trở nên xa lạ và tránh né những vấn đề của khoa học; trong khi đó niềm tin cho chúng ta thấy rằng mọi sự thật đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa. Sau cùng, cái nhìn nhị nguyên không gợi lên được sự hiệp thông của cả vũ trụ, không chỉ có sự hiệp thông của con người với con người mà cả sự hiệp thông với vạn vật, trên con đường quy về Thiên Chúa.
Quan niệm nhất nguyên về con người, quan niệm cho rằng con người là thân thể của họ và luôn trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, giúp chúng ta nắm bắt được ý nghĩa của sự sáng tạo, sự sáng tạo từ hư không và sự sáng tạo đang tiếp diễn, một cách thống nhất. Từ khi con người được thành hình trong lòng mẹ - thành một thân thể hữu hình - thì con người được đặt trong mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, nghĩa là trong ân sủng của Thiên Chúa. Từ khi con người được hình thành, chỉ trong ân sủng thì con người mới lớn lên và trưởng thành. Đồng thời chúng ta cũng nhận thấy rằng, không chỉ con người mới trong mối liên hệ với Thiên Chúa, nhưng là cả vũ trụ, cả thế giới vật chất này, đang trong liên hệ, đang trong ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng là một mối tương quan sáng tạo, thân mật và sinh động chứ không phải là một vật sở hữu khô cứng và ù lỳ. Cũng vậy, sự sáng tạo của Thiên Chúa không phải là một hoạt động sản xuất như việc chúng ta sản xuất ra những sản phẩm để đóng gói thành kiện hàng, nhưng là một hành động thân mật, liên lỷ, và có sự hiện diện của tình yêu. Như vậy, chính mối liên hệ được thành hình là sự sáng tạo, sáng tạo từ hư không và sự sáng tạo đang tiếp diễn. Và tạo vật của sự sáng tạo này là nhất nguyên, đơn nhất: con người và vạn vật, với chính tính chất hữu thể của chúng, đang trong mối liên hệ với Thiên Chúa.
Vì con người mang hình ảnh của Thiên Chúa (St 1:26), nên con người được mời gọi tham gia vào mối liên hệ một cách đặc biệt. Nơi thân thể con người hội tụ những khả năng cao quý: bản năng, tư duy, tình bạn, tình yêu, sáng tạo và tâm linh. Vì thế, mọi hành động của con người, theo như bản chất của chúng, phải luôn chứa đựng những đặc tính trên. Những đặc tính trên không tách rời nhau, nhưng luôn trong sự hợp nhất với thân thể và với nhau. Sự hiện diện của những đặc tính này làm nên sự khác biệt về bản chất giữa hành động của con người và hành động của mọi sinh vật khác. Bằng chính thân thể của mình, bằng chính hành động-con người với những đặc tính trên, con người được mời gọi tham gia vào mối liên hệ mật thiết giữa người với người, giữa người với vạn vật và với Thiên Chúa một cách tư duy, sáng tạo, cởi mở, vị tha giàu tình yêu, và tâm linh. Con người phụng thờ Thiên Chúa không chỉ bằng tư duy, cũng không chỉ bằng cầu nguyện hoặc chiêm niệm mà thôi, mà phải bằng tất cả: bằng hoạt động của cả thân thể như “khi ta trần truồng các ngươi đã cho áo, khi ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm, khi ta bị cầm tù các ngươi đã đến với ta” (Mt 25:36), bằng lắng nghe và tư duy như việc tìm kiếm kho tàng nước trời là viên ngọc quý (Mt 13:45) hoặc việc xây nhà trên đá (Mt 7:24-25), bằng tình yêu quảng đại như người Sa-ma-ri-a tốt lành (Lc 10:30-37), bằng tâm linh như “hãy sám hối và tin vào tin mừng” (Mc 1:15)…
Sự khám phá ra hệ di truyền, cấu trúc nhiễm sắc thể DNA đã đặt ra cho chúng ta một câu hỏi khó trả lời về sự tự do và sự hình thành nhân phẩm của con người. Phải chăng con người đã được định hình sẵn về hình dạng cơ thể, về sức khỏe và cả cá tính bởi những thông số di truyền của trứng từ người mẹ và tinh trùng từ người cha? Một phần là như vậy, và các thông số di truyền không là tất cả. Nếu không có những thông tin và sự trao đổi liên tục với người mẹ và với môi trường bên ngoài, thì kiểu di truyền ngưng và chết. Như vậy, con người vừa có tính di truyền vừa có tính lịch sử của sự tương quan trao đổi. Điều này cũng có nghĩa rằng con người không hoàn toàn tự do, mà luôn trong sự giới hạn của những gì được truyền lại và của môi trường chung quanh. Tuy nhiên, chính sự giới hạn này lại chỉ ra cho chúng ta ba nhận thức quan trọng về thân xác con người: thứ nhất, nhân phẩm của con người chỉ được hình thành trong mối tương quan với người khác qua sự trao đổi và liên lạc của thân xác; thứ hai, thân xác con người phải được cư xử như là một chủ thể vì nó không chỉ là hiện thân của sự miêu tả mà đồng thời còn là một đòi hỏi có tính đạo đức; thứ ba, con người luôn trong sự chia sẻ về nhân phẩm vì thân xác là chủ thể và con người tương quan qua thân xác mình. Như vậy, thân xác con người không thể bị đối xử như là một đối tượng hoặc phương tiện, mà luôn phải được đối xử như là một chủ thể chủ động vì nó là hiện thân của các giá trị.[7]
Chính thế giới vật chất này và chính thân xác của chúng ta đang trong ân sủng của Thiên Chúa. Ân sủng, vì thế, không còn được hiểu như là một thứ gì đó xa lạ, vô hình và không thể cảm nhận được; ngược lại, nó rất gần gũi, sinh động và đang sôi động trong cuộc đời trần thế. Với cái nhìn ân sủng như thế, thì không còn sự phân biệt của hai thế giới giá trị khác nhau như cái nhìn nhi nguyên đã đưa ra: một bên là thế giới siêu nhiên và một bên là thế giới tự nhiên. Trong cái nhìn nhị nguyên, người đạo đức thường được quan niệm như là một người gắn bó với thế giới tâm linh siêu nhiên – thế giới của linh hồn, và xa lạ với thế giới vật chất – thế giới của thân xác. Cái nhìn như thế thật mâu thuẫn, vì con người đã trở nên xa lạ với chính mình. Sự thật, siêu nhiên và tự nhiên không thể tách rời nhau. Mỗi giây phút của sự sống không thể chỉ được xem như là tự nhiên, mà nó thật sự là một ân sủng siêu nhiên siêu việt. Thế giới vật chất này, thật vậy, nó là tự nhiên, nhưng nó không thể là tự nhiên nếu nó không là ân sủng siêu nhiên. Sự phong phú về của cải vật chất cũng như sự đa dạng về phương tiện truyền thông và mọi giá trị tinh thần trên trần gian này thật sự là những hồng ân; và chúng đáng được con người ra cộng phát triển. Tuy nhiên, chúng cần được sử dụng và phát triển trong cái nhìn của ơn cứu độ, nghĩa là chúng cần được đặt trong mối giao hòa mật thiết giữa mọi người với nhau, với vạn vật và với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.
Sau cùng, cái nhìn nhất nguyên sẽ giúp chúng ta hiểu đúng đắn hơn về sự sống đời đời. Trong khi cái nhìn nhị nguyên dễ gây nên sự hiểu lầm rằng, vì linh hồn phi vật chất và có khả năng tiếp nhận sự thật nên linh hồn bất tử, và như vậy, sự bất tử hệ tại chính nơi linh hồn; trong khi đó, cái nhìn nhất nguyên cho chúng ta thấy rằng, con người và mọi vật thụ tạo là hư nát, nhưng vì chúng được tạo thành trong mối liên hệ mật thiết với Đấng Hằng Hữu Bất Tử là Thiên Chúa nên chúng bất tử, và như vậy, hệ tại chính nơi Thiên Chúa mà con người bất tử. Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu, nên tất cả những gì trong mối tương quan với Ngài đều bất tử, vì nếu không thì Thiên Chúa mâu thuẫn nơi chính Ngài, nhưng Thiên Chúa là Đấng duy nhất, chân thật và tốt lành. Lúc được tạo thành, cũng chính là lúc con người tồn tại trong mối tương quan thân mật với Thiên Chúa, và từ đó cho đến muôn đời, con người ở trong “cung lòng” của Thiên Chúa. Đó là sự sống đời đời. Cái chết của con người không là sự kết thúc của mối tương quan thân mật với Thiên Chúa - vì Thiên Chúa là Đấng Hằng Hữu -, nhưng từ lúc đó, con người được biến đổi toàn diện trong một thân xác mới (mà chúng ta chưa biết vì chúng ta chưa chết) và vẫn trong cùng một mối liên hệ thân mật như từ khi con người được tạo thành (1 Cr 15:51-58). Trong ngày phục sinh của thân xác, mỗi người đều sẽ nhận diện ra chính mình, nhận diện ra cuộc đời sinh động mà mình đã từng sống và tham gia vào mối liên hệ thân mật với Thiên Chúa, với mọi người và với vạn vật. Vạn vật được sinh ra trong hồng ân, nên cũng sẽ được quy về một mối là trời mới đất mới trong Đức Ki-tô (Cl 1:15-20; Ep 1:3-10; 2 Pr 3:13).
Áp dụng vào đời sống thực tại, việc xây dựng một cuộc sống công bình, bác ái yêu thương và phong phú là trách nhiệm của chúng ta. Trong cộng đoàn tu, thật là vô lý nếu nó không là nơi yêu thương và ấm áp tình huynh đễ đỡ nâng. Phải sống giữa cộng đoàn như là một địa ngục, tuy tâm linh có siêu việt bao nhiêu, thì việc sống trong đó cũng là một sự đáng buồn. Việc khuyên nhủ về đạo đức hoặc tâm linh là rất tốt, nhưng nó không giải quyết được tất cả. Điều cốt yếu là chính cuộc sống, sống ra, làm hiện thực ra những giá trị tốt đẹp bằng cuộc sống của chính mình, của người khác và của van vật. Vì sự sống của con người chứa đựng nhiều sắc thái: bản năng, tâm sinh lý, trí tuệ, xã hội tính, sáng tạo và tâm linh, nên để sống ra một cuộc sống sinh động và tham gia vào mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa, với mọi người và vạn vật thì những sắc thái trên cần được hội đủ và hòa hợp trong cuộc sống của con người. Chỉ với một cuộc sống trong tương quan và sinh động như thế thì con người mới thật sự đáp lại lời mời gọi của Đức Ki-tô: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thày!” (Ga 15:9).

Âu Phủ


[1] Phần dịch nghĩa từ “soul” của Lạc Việt từ điển, td2002 version 4.0, LACVIET Computing Corp. 1994-2002.
[2]Achtemeier, Paul J. ; Harper & Row, Publishers ; Society of Biblical Literature: Harper's Bible Dictionary. 1st ed. San Francisco : Harper & Row, 1985, S. 982. -  “Hebrews were living bodies, they did not have bodies.”
[3] Như trên.
[4] Antoine Vergote, “The Body as Understood in Contemporary Thought and Biblical Categories”, in Philosophy Today 35, 1991, 96-97.
[5] John Paul II, The Theology of the Body: Human Love in the Divine Plan (Boston: Pauline, 1997), 39. - “Man is in the visible world as a body among bodies and discovers the meaning of his own corporality.”
[6] Catholic Encyclopedia and Catholic Dictionary, version 2.0, copyright 1994, Our Sunday Visitor, Soul;
và phần trích dẫn các DS lấy từ: Karl Rahner, ed., Encyclopedia of Theology: A Concise Sacramentum Mundi, 1617-1618.
(DS: H. Danzinger and A. Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, Definitionum et Declarationum de Rebus Fidei et Morum, 33rd ed., 1965.)
[7] James F. Keenan, “Genetic research and the elusive body”, in Embodiment, Morality, and Medicine, ed. by Lisa Cahil and Margaret Farley, (Netherlands: Kluwer Academic Publishers, 1995), 61-70.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP