Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

CHẤP NHẬN THEO CHÚA

Có một thầy ở dòng nọ tâm sự với tôi về những vướng mắc mà thầy đang gặp phải. Thầy đang yêu say đắm một cô gái, Thầy nói: Ngay lần gặp đầu tiên, thầy đã ấn tượng với cô ấy rồi. Thời gian dần trôi qua cộng thêm việc thường xuyên gặp gỡ, thầy đã yêu cô ấy tự lúc nào. Cho đến bây giờ thì thầy không sao quên được cô ấy nữa, hình bóng lúc nào cũng hiện lên trong tâm trí thầy; trong những lúc đọc kinh, cầu nguyện, học tập,… đều nhớ đến người ấy. Chính vì vậy mà thầy đang khổ tâm chưa thể quyết định một cách chín chắn là chọn con đường nào giữa một cô gái mà thầy đang yêu say đắm, một người bằng xương bằng thịt, và một anh Giêsu mà thầy chưa bao giờ gặp mặt, chưa nói chuyện với nhau mà chỉ có trong niềm tin. Chính vì thế mà tình cảm thầy đã dành cho người bằng xương bằng thịt nhiều hơn. Trong trái tim của thầy đã dành cho cô gái ấy một ngăn mà ngăn đó đủ lớn để lấn át ngăn của anh Giêsu. Thầy nói: Nếu tôi không gặp người ấy thì bây giờ tôi đâu phải khổ tâm như bây giờ. Cuộc đời không êm trôi như ta tưởng; đây là một thử thách quá lớn cho tôi.

Khi thầy chia sẻ xong tôi mới hỏi: Vậy thì  từ trước đến bây giờ thầy sống trong cộng đoàn  thế nào?
Tôi hỏi điều đó vì tôi nghĩ chắc có thể do đời sống trong cộng đoàn có những rắc rối chăng.
Thầy chia sẻ: Thật tình mình không thấy niềm vui mấy khi ở trong cộng đoàn nơi mình đang sống, nhưng chỉ vài năm đây thôi, tức là từ khi học triết. Bầu không khí cộng đoàn ngột ngạt lắm. Mỗi lần mình được đi ra ngoài mình thích lắm, giống như mình được tự do vậy, đi rồi không muốn trở về nhà nữa. Ơ, mà hình như không phải nhà mình! Mình sống phải giữ kẽ lắm. Mình sống không thật với con người của mình. Bổn phận thì mình chu toàn rất tốt nhưng không phải thế đâu.
Tôi hỏi: Vậy là sao? À, thì dạng làm chấm điểm ấy mà.
Còn với anh em thì sao, tôi hỏi tiếp? Ừ, thì mình quan hệ vẫn tốt đẹp.
Từ trước đến giờ thầy có hay tâm sự, chia sẻ với anh em trong dòng  không?
À, thì cũng có đôi ba lần.
Còn về chuyện thầy chia sẻ với tôi thì sao?
Thầy giật mình đáp: Điên à. Ngu hay sao mà nói. Nói có mà bị ra rìa sớm.Vậy hả? Tôi nói.
Hay đó chỉ là nhận định của thầy thôi chứ anh em ai lại làm như vậy. Đi tu đã từ bỏ gia đình, vợ con, của cải,… bây giờ còn mỗi anh em thân thiết với mình nhất không lẽ bỏ luôn sao thầy.
Tôi nói như vậy là tôi đã phần nào trách thầy sao không tin tưởng anh em mà mình coi như là gia đình. Chắc  là anh em sẽ không bỏ rơi đâu, không vì thấy mình như vậy mà gạt bỏ mình ra, không chấp nhận mình nữa. Là con người ai không yếu đuối, lỗi lầm và nhất trong trong chuyện tình cảm nữa. Khi trong cộng đoàn bị dồn nén thì tới mức nào đó nó cũng sẽ phải bung ra. Phải chăng thầy ấy đã bị bung ra khi gặp người có thể nói là hợp với thầy, sẵn sàng nghe thầy chia sẻ, tâm sự.
Vậy là bao nhiêu ngày tháng qua, thầy cứ kéo lê cuộc đời của mình, sống một cách dúm dó, sợ sệt, không dám tâm sự với bất cứ ai trong dòng. Đúng ra, những anh em đó sẽ là người giúp đỡ thầy ấy rất nhiều, vì đó là anh em của mình mà mình sống trọn đời như mình đã khấn hứa; những anh em mà khi ta gặp những rắc rối, khó khăn, là nơi ta chạy đến, ta tin tưởng. Cuối cùng không phải như vậy mà khi có những bất trắc thầy càng xa lánh vì sợ anh em biết chuyện. Ôi! Sống như vậy có xứng đáng là tu sĩ không? Có xứng đáng với những điều mà thầy đã khấn hứa không? Có xứng đáng với những gì mà mình ước muốn, hy sinh không? Chắc chắn là không rồi. Thầy đang trong thời gian khấn tạm hay còn gọi là đào tạo sơ khởi nên có lẽ thầy rất sợ bị những cái phốt làm mọi người để ý, nhất là những người có trách nhiệm. Nếu vì như vậy càng không thể chấp nhận được; “tu là sửa, là từ bỏ” thì ta càng phải nỗ lực tự đào tạo mình, sửa mình để càng ngày càng hoàn thiện hơn mới đúng chứ.
Thầy có vị linh hướng không? Tôi hỏi.
Không. Thầy đáp.
Đúng ra thầy nên kiếm một vị linh hướng sớm để giúp thầy, có lẽ chiều hướng sẽ tốt hơn bây giờ? Tôi nói.
Chắc là thế. Thầy trả lời.
Tâm trạng lúc này thầy ấy buồn lắm, cuộc sống mà cứ kéo dài như vậy thì càng ngày càng khổ hơn, nhất là khi đã khấn trọn. Trong thời gian này mà sống không cho ra sống thì sau này không biết sẽ ra sao; tu cũng không ổn, mà xuất tu càng không ổn hơn. Thời gian đào tạo sơ khởi là thời gian phải thống nhất cuộc đời của mình, mục đích của đời mình là gì. Thầy nên xác định rõ đâu là con đường mình chọn; không thể cùng lúc đi trên hai con đường được. Khi xác quyết được điều đó thì dù có gặp những khó khăn trở ngại chắc chắn cũng sẽ vượt qua. Cuộc đời sẽ không phải sống lây lất như thầy đang sống nữa.
Cuộc sống của thầy ấy là như vậy. Câu chuyện của thầy làm tôi cần phải suy nghĩ, tự xét lại mình. Mình  đã sống như thế nào về con đường mình đã chọn, đã thực sự thống nhất cuộc đời của mình chưa hay là cứ để thời gian trôi đi tới đâu thì tới; không dám từ bỏ cái này cái kia vì vẫn còn luyến tiếc; không dám hy sinh, không dám ép mình trong khuôn khổ để trở nên tốt hơn; hay là chỉ muốn an nhàn cho mình. Sống trong cộng đoàn là điều không thể thiếu trong đời sống tu trì. Phải chăng vì thầy ấy chưa có được tình yêu mến của anh em, thầy chưa thực sự coi anh em như ruột thịt của mình, chưa coi nơi mình đang sống là nhà của mình, chưa tìm được niềm vui trong tình yêu dâng hiến; vì vậy mà thầy sẽ dễ dàng hướng ngoại, dễ dàng hướng đến tình yêu mới, tình yêu nếm được vị ngọt ngay hiện tại, chứ không phải là vị đắng mà thầy đang nếm nữa. Trong cộng đoàn không chia sẻ được với ai thì tìm một người khác hợp với mình, sẵn sàng chia sẻ với mình cũng hợp lẽ thôi. Và tôi, coi chừng từ từ cũng  rơi vào tình cảnh như thầy ấy nếu tôi không cảnh giác, không điều chỉnh lại cách sống, không tự đào tạo cho mình; đừng bao giờ trông chờ người khác đào tạo, huấn luyện mình mà quan trọng hơn hết vẫn là mình thôi.
Trong niềm vui “Chúa Phục Sinh”, nguyện xin Thiên Chúa thêm sức cho thầy ấy, giúp thầy ấy biết kết hợp chặt chẽ lòng yêu mến Chúa với lòng yêu mến anh em của mình, thống nhất cuộc đời của mình, để thầy nhận ra đâu mục đích của đời mình, đâu là con đường mà thầy bước đi, bước đi trong suốt cuộc đời với niềm hân hoan, bình an trong Chúa. Và con, “tinh thần thì yếu đuối, xác thịt nặng nề”, xin Chúa giúp sức để con vượt thắng được mọi cơn cám dỗ do yếu đuối và nặng nề của con, để con dám thưa với Chúa: Lạy Chúa con đây! Chúa muốn con làm chi, Chúa muốn con làm gì.

Dế Mèn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP