Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

TẠI SAO CON NGƯỜI PHẢI “MỞ RA”?


Cyprien Chí

Một cách hàm ẩn hoặc ý thức, con người luôn băn khoăn và đặt ra cho mình những câu hỏi mỗi lúc trong cuộc đời: Tôi là ai? Bạn là ai? Chúng ta là ai? Con người là ai? … Đó cũng là điều tự nhiên, bởi vì, để hoàn thiện mình hết sức có thể- cái đích cuối cùng của mỗi con người, điều đầu tiên ta phải biết là chính mình. Chính vì vậy, Socrates- một triết gia thời cổ đại đã từng khẳng định điều quan trọng là “hãy tự biết mình”. Và, dưới nhãn quan triết học về con người, thiết nghĩ một trong những điểm nhấn trong sự tìm hiểu về bản thân, về con người, đó là sự  “mở ra”.

Vấn đề đặt ra ở đây là con người phải “mở ra” với ai, và “mở ra” tới đâu? Theo G. Marcel, sự hiện diện trước tiên nhất mà người ta đụng phải ở bất kỳ lúc nào trong cuộc sống, đó là sự hiện diện của chính tôi đối với tôi. Sự hiện diện này không phải là một ý niệm, cũng không phải là một kiểu nội quan; nếu như thế, sự hiện diện này chỉ là một sự nhất thống lô-gích. Nó là một mối tương quan thân mật với chính tôi mà trong đó linh hồn- ý thức trở thành cái-  anh cho tôi- “…giống như một cách thế nào đó được hoà quyện với chính cái- tôi hoặc luôn luôn giống như một thành đô nội tại nào đó”[1]. “Mối tương quan tình yêu chân thực và cá vị này, [...] làm cho tôi sẵn sàng đón lấy và tăng cường hiện hữu trong tôi, hiện thực hoá tôi cách bản thể và kéo tôi ra khỏi sự chìm ngập trong cái vị kỷ”[2]. Và như thế, cái-  anh của tôi có thể trả lời cho câu hỏi “tôi là ai” được không? . Theo G. Marcel, không chỉ không có giá trị một câu trả lời tự cho mình; trái lại, trong một nghĩa nào đó, còn là sự tự huỷ. Marcel viết: “Con người, từ lúc mà nó quyết định đặt mình thành tuyệt đối, nó không là gì khác hơn ngoài sự tự huỷ, trở thành một sự vật, tự căn bản, đi đến chỗ thờ ngẫu tượng […], nghĩa là thành một cái gì tầm thường đến mức không thể so sánh đựơc so với cái nó định vươn lên”[3]. Vì vậy, không thể đặt chính tôi giống như sự hiện thực hóa tròn đầy và tự lập về chính tôi. Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta phải đi ra khỏi chính mình và mở ra với tha nhân.
Sự thiếu khả năng của tôi trong việc trả lời cho chính mình dẫn tôi đến với người khác: chúng ta biết rằng nếu câu trả lời có thể được cho, nó không đến từ chúng ta mà chỉ có thể đến từ người khác.  G. Marcel cho rằng: “hữu thể tôi là cái gì nhiều hơn hữu thể tôi”. Ở đây chúng ta nhận thấy “cái nhiều hơn” này chính là “sự mở ra với người khác”: nếu người khác hiện diện với tôi, trả lời tôi, thì với tôi người ta trao ban… tôi hiểu mình và tôi là cái nhiều hơn cái tôi là khi tôi thu hẹp mình vào chính tôi; chính lúc này tôi thực sự là tôi. Tuy nhiên, gặp gỡ với người khác chưa phải là tất cả, bởi vì người khác có thể mang tôi đến một điểm nhất định nào đó, mà điểm đó không thể lớn hơn cái anh ta là. Ngay cả người khác cũng bị giới hạn trong mức độ anh ta là cái- tôi của anh ta. Hơn nữa, chính tôi là người chủ động đi tìm đến một người bạn để biết chính mình là ai, chính tôi là người đặt để anh ta trong tiêu chuẩn để làm cho tôi hiểu về tôi, chính tôi là người đã khoác cho người đó trách nhiệm nói với tôi về cái tôi thực sự là.
Mà ngay cả trong trường hợp tôi chọn sự giúp đỡ từ một người bất kỳ để nói cho tôi về tôi, ngay cả nếu người đó phán xét tôi một cách khách quan nhất; và trong trường hợp này, vẫn chính tôi “là người tin vào một ai đó, chính tôi trao đến một thẩm phán, cho dù anh ta công thẳng, quyền để phán đoán không thể chống đỡ được về tôi”[4]. Như thế, cho đến cùng tôi vẫn chưa thoát khỏi tôi. Và, nếu chúng ta không chỉ hướng đến một cá nhân mà là cả một xã hội hoặc hướng đến một nhóm người để tìm giải đáp. Ngay cả trong trường hợp này, dường như chúng ta cũng không tìm ra câu trả lời, bởi vì tôi vẫn chưa ra khỏi tôi.
Những suy tư trên đây mang lại cho chúng ta một điều hết sức quan trọng rằng: câu trả lời cho câu hỏi “tôi là ai?” không thể được giải đáp trọn vẹn bởi con người cho con người. G. Marcel viết: “Người ta bàn về một vấn nạn rất người của con người mà không có câu trả lời, một câu hỏi mà đã không có được lời đáp chắc chắn”[5], bởi vì con người không thể trả lời cách trọn vẹn được cho con người.
 Như vậy, để tìm câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi “tôi là ai?” tôi phải ‘mở ra” đến đâu? G. Marcel cho rằng, để tìm ra câu trả lời trọn vẹn, đòi hỏi hiện hữu của tôi phải mở ra tới cái- Anh của sự thông tri tuyệt đối: một cái- Anh là điểm qui chiếu tuyệt đối. Cái- Anh Tuyệt đối không thể được nghĩ tới nếu không phải là vượt trên tất cả những vấn nạn mà điều kiện cái- anh thụ tạo đặt ra trong chúng ta: đó là ai? Muốn gì? Nghĩ gì? Bởi vì chúng ta đang bàn về
“… một cái- Anh mà chúng ta không thể coi như một ai đó mà không làm biến dạng bản chất của cái- Anh này, không giản trừ cái- Anh đó đến chỗ nghèo nàn khốn khổ của con người chúng ta. Khi chúng ta nói về Thiên Chúa thì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa mà chúng ta đang nói về”[6].
Cái- Anh tuyệt đối chính là Thiên Chúa. Cái- Anh này là tình yêu nối kết tôi với tôi, tôi với tha nhân; cái- Anh này không thể bị đối tượng hoá và tôi không thể tìm thấy ở bên ngoài nhưng được nhận thức chính trong tận sâu thẳm tôi. Và, chỉ trong mức độ của sự nội tâm hóa và sự chiêm hiệp thực thụ thì Thiên Chúa xuất hiện ra. Thiên Chúa hiện diện và hoạt động bên trong tôi, bên trong chúng ta.
Như vậy, chúng ta nhận thấy, hiện hữu của con người không thể hiện hữu theo cách tự qui, vì như G. Marcel khẳng định: “chủ nghĩa tự qui làm cho ra mù lòa”. Ngược lại, chỉ trong sự “mở ra”, sự mở ra với tha nhân và vươn tới sự mở ra đến Thiên Chúa, con người mới tìm ra câu trả lời trọn vẹn cho câu hỏi “tôi là ai?”, mới thực sự nhận biết được về chính mình.


[1] NGUYỄN NGỌC HẢI, Con người một huyền nhiêm, lưu hành nội bộ, tr. 201.
[2] Ibid, 201.
[3] Ibid, 202.
[4] Ibid, 204.
[5] Ibid, 205.
[6] Ibid, 206.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP