Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

CHỨC TƯ TẾ TRONG BÍ TÍCH THANH TẨY VÀ BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC


(tiếp theo)
Bart Khánh
Dẫn nhập      
I. Đức Kitô là tư tế đích thực và duy nhất
1. Mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô      
1.1. Đức Kitô được Chúa Cha thánh hiến trên sông Giođan
1.2. Đức Kitô tư tế trong hoạt động rao giảng Tin Mừng
2. Khởi đầu và hoàn thành chức tư tế của Đức Kitô      
2.1. Hy tế của Đức Kitô trên thập giá       
2.2. Sự Phục Sinh của Đức Kitô    
II. Chức tư tế trong Bí tích Thánh Tẩy      
1. Tham dự vào nhiệm thể Chúa Kitô      
1.1. Nghĩa tử của Thiên Chúa        
1.2. Tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô 
2. Sứ vụ tư tế của người Kitô hữu 
2.1. Đức Kitô tư tế là khởi nguồn…,        
2.2. Chức tư tế của người Kitô hữu qua cử hành phụng vụ
III. Chức tư tế trong Bí tích Truyền Chức
1. Chức tư tế thừa tác được thánh hiến cho Chúa Kitô  
2. Chức tư tế thừa tác trong cộng đoàn phụng vụ           
IV. Chức tư tế trong cộng đoàn phụng vụ
1. Tương đồng của chức tư tế cộng đồng và thừa tác     
2. Dị biệt giữa chức tư tế cộng đồng và thừa tác 
Kết luận

III. Chức tư tế trong Bí tích Truyền Chức
Hình ảnh này chúng ta sẽ thấy được qua việc Đức Kitô trao ban chức tư tế của Người cho các môn đệ và được truyền lại cho những người kế vị các ông. Thánh Phaolô khẳng định điều này như sau: “Cho đến ngày Chúa đến, mỗi lần ăn bánh và uống chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,26). Muốn điều này được thực hiện thì chức tư tế của Người phải tồn tại qua việc truyền lại cho những người kế vị các tông đồ.
Chính Đức Giêsu đã chọn các Tông đồ trao cho họ sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa. Hơn nữa trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giê-su đã truyền lệnh cho các tông đồ: “các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). Đó là nhân tố quan trọng sau này trở thành một cộng đồng mà chúng ta gọi là Giáo hội. Người đã gán cho họ những của ăn mà Người chia sẻ với các môn đệ một ý nghĩa đặc biệt, như thế Người đã cung cấp cho họ một nghi lễ cộng đồng, sau này được gọi là hy tế và những người cử hành gọi là tư tế.[1]
Công đồng Triđentinô tuyên bố trong Hội thánh Công giáo có một chức tư tế hữu hình và khả giác, một phẩm trật do ý muốn của Thiên Chúa thiết lập, có nghĩa là một chức tư tế đặc biệt vì một cấp bậc tư tế đặc biệt khác hẳn với cấp bậc giáo dân theo bản chất. Chỉ nhờ qua một Bí tích đặc biệt, đó là Bí tích Truyền Chức Thánh nhưng chỉ gồm chức Giám mục và linh mục mà người tín hữu được đón nhận vào cấp bậc tư tế. Trong sách Công vụ tông đồ trình bày việc đặt các thầy phó tế như sau: “Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đặt tay trên các ông” (Cv 6,6).
1. Chức tư tế thừa tác được thánh hiến cho Đức Kitô
Đức Kitô được Chúa Cha phái xuống trần gian (Ga 10,26), Người đã kêu gọi các tông đồ để tiếp tục công trình của Người. Công trình của Người đó là trở thành hy lễ hiến tế dâng lên Chúa Cha để cứu chuộc nhân loại. Chính “Đức Kitô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta” (Xc. 1Cr 5,7).
Không phải chỉ có chức tư tế thừa tác mới được thánh hiến cho Đức Kitô. Mà tất cả những ai đã lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy đều được thánh hiến và thuộc về Chúa Kitô. Tuy nhiên những người được thánh hiến trong Bí tích Truyền Chức được thánh hiến cho Chúa Kitô cách đặc biệt hơn, họ được mời gọi để bước theo sát Chúa Kitô hơn. Trong nghi thức của Bí tích Truyền Chức họ được xức dầu thánh hiến biểu hiện cho việc tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô. Chức tư tế, thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Giáo hội, được thi hành bởi những người có chức vụ khác nhau, mà từ xưa được gọi là Giám mục, Linh mục. Linh mục dù không có quyền tư tế tối cao và tùy thuộc vào Giám mục, khi thi hành quyền bính hiệp nhất với Giám mục. Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh linh mục được cung hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, thầy cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9,11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa với tư cách tư tế đích thực của Tân Ước.[2]
Như vậy, nhờ việc truyền chức thánh người Kitô hữu được tham dự vào thừa tác vụ thánh, thừa tác vụ này nhằm phục vụ Giáo hội như thân thể Chúa Kitô và phục vụ thân thể Đức Kitô trong tư cách là đầu. Có hai cấp bậc khác nhau trong thừa tác vụ thánh: Giám mục, linh mục. Trong thời gian đầu các tài liệu của Giáo hội không đưa ra giải đáp cho vấn đề. Tuy nhiên bản chất chức tư tế mới là quan trọng, còn cơ cấu và tổ chức chỉ là vấn đề phụ thuộc. Quyền hành Giám mục và linh mục có thể thay đổi theo thời gian, trong khi đó bản chất chức Giám mục và linh mục không thay đổi.
Đối với Công đồng Trentô, nội dung chức tư tế thừa tác là “quyền tư tế” là “quyền thánh chức”, quyền trên Bí tích Thánh Thể, Bí tích Hòa Giải, Thêm Sức, Xức Dầu. Linh mục là người tế lễ. Tuy nhiên Công đồng còn cho thấy ngoài việc cử hành Bí tích, chức tư tế còn bao gồm cả sứ vụ cử hành Lời Chúa. Chức tư tế này chỉ được nhìn theo quan điểm Thánh Thể và các Bí tích khác.
Đối với Công đồng Vaticanô II, nội dung chức tư tế thừa tác rộng hơn: tất cả công tác “Phúc Âm hóa” hướng về hy tế Thánh Thể. Linh mục là thừa tác viên rao giảng Tin Mừng cho lương dân, thừa tác viên xây dựng Giáo hội, thừa tác viên cử hành Thánh Thể. Chức tư tế thừa tác bao trùm mọi sinh hoạt của Giáo hội, nhưng một cách đặc biệt hơn gắn liền với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng. Thực vậy, truyền thống được diễn tả qua các nghi thức phụng vụ và qua thói quen của Giáo hội cho thấy: qua sự việc đặt tay và qua lời nguyện thánh hiến, xin ơn Thánh Thần thông ban và tích ấn được in trên các Giám mục và linh mục nên các ngài thi hành nhiệm vụ của chính Đức Kitô là Thầy, Chủ Chăn và Tư Tế.
2. Chức tư tế thừa tác trong cộng đoàn phụng vụ
Chức tư tế thừa tác bao gồm chức Giám mục, linh mục. Khi lãnh nhận Bí tích Truyền Chức thừa tác viên chức thánh lãnh nhận ấn tín không thể xóa nhòa được, họ được thánh hiến và cắt cử để tùy theo cấp bậc, thay mặt Đức Kitô dẫn dắt dân Chúa. Trong phụng vụ thông thường họ là những người khởi sự và chủ trì vì là đại diện của Chúa Kitô.
Những người có chức tư tế thừa tác quy tụ, điều khiển các buổi cử hành phụng vụ, công bố Tin Mừng cứu độ, liên kết cộng đoàn với ngài và dâng hy lễ lên Chúa Cha nhờ công nghiệp của Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần. Vai trò này diễn tả mầu nhiệm Thân Thể Chúa Kitô như là những chi thể được liên kết với đầu là Đức Kitô và Hội Thánh là thân thể. Chức tư tế thừa tác là trung gian nghĩa là chẳng những tùy thuộc vào Đức Kitô mà làm cho hoạt động cứu độ của Người hiện hữu. Trong Hội thánh, sự kết hợp giữa loài người với Thiên Chúa trong Đức Kitô được thể hiện, sự kết hợp này là tận điểm hoạt động trung gian của Đức Kitô. Để cứu chuộc loài người, được Đức Kitô đã hiến dâng mình cho mọi người.
Chức tư tế thừa tác chủ yếu hệ tại việc một người được ban cho các năng quyền là được thánh hiến và quyền dâng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô trong thánh lễ, quyền được tha các tội đã phạm sau khi rửa tội qua Bí tích Thánh Tẩy và Xức Dầu. Nói cách khác chức tư tế thừa tác là đại diện trong các Bí tích. Hội thánh có quyền đại diện Chúa Kitô trong Bí tích, khi tư tế thừa tác cử hành các công việc phụng vụ của Hội thánh. Nghĩa là con người tư tế thừa tác là dụng cụ có lý trí, nhưng vẫn là dụng cụ, được gắn liền với những hoạt động đó là do Chúa Kitô mà thôi. Người lãnh nhận chức tư tế thừa tác là đại diện hữu hình của Chúa Kitô là một phẩm tước có tính cá nhân mặc cho một người. Nhưng chỉ là cách diễn tả theo kiểu Bí tích, chứ không phải ám chỉ người thụ lãnh có giá trị cá nhân. Trái lại chức tư tế thừa tác là một sự phong phú của Hội thánh và đối với mọi người là một giá trị có tính cách ân ban cho con người của Đức Kitô. Chức tư tế thừa tác cũng có liên hệ mật thiết và tùy thuộc chặt chẽ vào chức tư tế của Đức Giêsu. Mà chức tư tế thừa tác chỉ có ý nghĩa khi đưa Hội thánh bước theo con đường hiến tế của Chúa Kitô. Bây giờ có thể nói rằng các lễ tế thiêng liêng của con người được dâng trên bàn thờ kết hợp với hiến tế của Đức Kitô để dâng lên Chúa Cha.
IV. Chức tư tế trong cộng đoàn phụng vụ
Theo giáo lý của Giáo hội Công giáo thì khi chịu phép rửa tội người được rửa tội cũng được xức dầu thánh để  lãnh nhận ơn riêng của Chúa Thánh Thần, nhờ đó  “ trở thành một Kitô hữu”, nghĩa là được xức dầu, gia nhập vào Thân Thể Chúa Kitô là Đấng đã được xức dầu để làm tư tế, ngôn sứ và vương đế.” (x. SGLGHCG, số 1241).
Nói khác đi, qua Bí tích Rửa Tội, người tín hữu được tái sinh trong sự sống mới và được “ mặc lấy Chúa Kitô” như Thánh Phaolô dạy ( x.Gl 3,27). Cũng qua Phép Rửa, người tín hữu được tham dự vào chức tư tế, ngôn sứ và địa vị vương đế của Chúa Kitô như Giáo hội dạy trên đây. Chính vì vinh phúc lớn lao này mà xưa kia các Thánh Giáo phụ đã gọi các tín hữu Chúa Kitô, tức những người đã được tái sinh nhờ Phép Rửa  là những “Đức Kitô thứ hai = Alter Christus”. Từ ngữ này về sau cũng được dùng để chỉ các tư tế có chức thánh như Giám mục và Linh mục.
Khi nói đến người tín hữu giáo dân là nói đến một thành phần Dân Chúa đông đảo nhất trong Giáo hội không thuộc về hàng giáo sĩ hay tu sĩ như Thánh Công Đồng Vaticanô II đã định nghĩa trong Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium. (  LG. số 31). Sự phân  chia ra ba thành phần này không nhằm nói lên phẩm giá của ai cao hơn ai, hay vai trò nào quan trọng hơn vai trò nào mà chỉ muốn nói lên đặc tính hay chức năng của mỗi ơn gọi mà thôi. Thánh Phaolô đã cắt nghĩa sự khác biệt trong ơn gọi và vai trò  của các thành phần Dân Chúa như sau: “cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy : tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Chúa Kitô, mỗi người liên đới với người khác như những bộ phận của một thân thể.” ( Rm 12: 4-5).
Chức tư tế là để hiệp thông với Chúa qua cử hành phụng vụ để thờ phượng Chúa, nhưng người thờ phượng Chúa đích thực là thờ phượng trong chân lý và sự thật. Cho nên, nói đến chức tư tế chúng ta phải hiểu là dâng hiến “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em: anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” (Cr 11,24). Phụng vụ chính là việc cử hành lại hay tưởng niệm lại các mầu nhiệm của Chúa Kitô. Vì vậy, đích điểm của phụng vụ chúng ta nhắm đến chính là hiến tế chính mình như Đức Giêsu để dâng lễ vật lên Chúa Cha. Anh em là những người đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa. Tội lỗi sẽ không còn quyền chi đối với anh em nữa, vì anh em không còn phải lệ thuộc vào luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng (Rm 6,13-14).
Chức tư tế trong cử hành phụng vụ còn có những bổn phận khác theo thánh Phaolô là loan báo Tin Mừng. Phaolô nói: “Tôi viết thế là dựa vào ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi làm người Phụng vụ Đức Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để dân ngoại được Thánh Thần thánh hóa mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 15,16). Như vậy loan báo Tin Mừng cũng là một hình thức thực hiện nhiệm vụ tư tế của người Kitô hữu.
1. Tương đồng của chức tư tế cộng đồng và thừa tác
Nghĩa là giáo sĩ, tu sĩ  hay giáo dân chỉ là những bộ phận khác nhau của cùng một Nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo hội mà thôi. Khác nhau về chức năng nhưng đều quan trọng và cần thiết cho sự hoạt động và sống còn của Nhiệm thể.
Khi nói đến chức tư tế là nói đến Chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế theo  phẩm  trật Menkixêđê (Dt 5: 10). Nghĩa là chỉ có Chúa Kitô là Thầy Cả hay Linh Mục Thượng Phẩm duy nhất đã dâng Hy Tế đền tội thay cho nhân loại một lần xưa trên thập giá. Khi đó, Người vừa là Bàn Thờ, vừa là Của Lễ và là Linh Mục.
Chúa Kitô vẫn tiếp tục dâng Hy Tế này cách bí nhiệm qua tác vụ của Giáo hội, cụ thể qua thừa tác vụ của các giáo sĩ có chức thánh như  giám mục và linh mục, là những người nhờ Bí tích Truyền Chức thánh mà  được phép nhân danh Chúa Kitô để “làm vịệc này mà nhớ đến Thầy” tức cử hành  Thánh lễ Tạ Ơn hàng ngày ở  khắp mọi nơi trong Giáo hội.
Đây là chức tư tế của hàng giáo sĩ phẩm trật hay thừa tác xuất phát từ bí tích truyền chức thánh. Ngược lại, chức tư tế chung của mọi  Kitô hữu hay giáo dân là chức phát sinh từ Bí tích Rửa Tội và Thêm Sức, chứ không từ Bí tích Truyền Chức thánh. Vì thế, giáo dân không được phép cử hành các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Chỉ trừ trường hợp nguy tử, khi không tìm được các thừa tác viên có chức thánh (Giám mục, Linh mục, Phó tế) giáo dân mới được phép cử hành Bí tích Rửa Tội mà thôi.
Cho dù là chức tư tế cộng đồng hay thừa tác tất cả đều xuất phát từ chính Đức Kitô. Cho nên, phải dõi bước theo Đức Kitô trên con đường vác thánh giá theo Người là hợp lý. Có thể nói là phải đi trên con đường Người đã đi, hay là sống như là một Kitô khác. Nét nổi bật của chức tư tế nơi Đức Giêsu chính là tinh thần Phục vụ. Phục vụ của Đức Kitô là phục vụ tha nhân. Theo thánh Phaolô đó chính là những công việc như lao động, quyên góp, cầu nguyện, chịu đau khổ trong cuộc đời, người tư tế của Chúa Kitô phải biết sửa sai và phải là người rao giảng Tin Mừng.
Khi lao động giúp ta tiếp xúc được nhiều người, mọi người cùng nương tựa vào nhau để sống. Qua lao động chúng ta sẽ khám phá ra điều lớn lao hơn “điều tôi tìm kiếm không phải là của cải của anh em mà là chính anh em” (2Cr 12,14). Quyên góp là một hình thức cộng tác với việc giúp đỡ những người nghèo khổ, khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Qua việc này dạy cho mọi người tâm tình biết hy sinh và chia sẻ với người khác. Với việc cầu nguyện, đây là việc rất quan trọng của những người cùng tham dự vào chức tư tế với Chúa Kitô. Khi chúng ta cầu nguyện là thay cho mọi người ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả mọi hồng ân Người ban cho chúng ta cách này cách khác. Người lãnh nhận chức tư tế của Đức Kitô còn phải là những người mang trong mình cuộc khổ nạn của Đức Giêsu “chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10). Người mang chức tư tế không mong muốn thoát khỏi cuộc sống đời này đầy những áp lực, thử thách bên ngoài là sự bách hại và các bệnh tật. Đây chính là những điều làm chứng cho chức tư tế của Chúa Kitô chính Người cũng vì nhân loại mà phải chịu những đau khổ như thế. Một điều không thể thiếu nơi người mang chức tư tế của Chúa Kitô là người phải biết sửa dạy. Sửa dạy không chỉ cho cá nhân mình mà phải biết giúp người khác điều chỉnh thái độ sống sao cho xứng đáng là con cái Chúa hơn. Bởi vì khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy người Kitô hữu trở thành con người mới trong Chúa. Con người mới được hiểu theo nghĩa biết thay đổi từ sửa chữa những thói hư tật xấu như: sống chia rẽ, sai lạc về đức tin, sống thiếu bác ái, thiếu cung kính với Bí tích Thánh Thể…công việc sửa dạy bản thân là một phần trong công việc phục vụ Đức Kitô. Sửa sai huynh đệ cũng được Giáo hội mời gọi khẩn thiết cùng làm cho một xã hội sống công bằng và bác ái hơn với nhau.
Rao giảng Tin Mừng là một công việc trung tâm hơn cả của người Kitô hữu đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Một số người Kitô hữu ngày nay thật sự chưa hiểu biết nên cho rằng những công việc rao giảng Lời Chúa là việc của những người lãnh chức tư tế thừa tác là các Giám mục, linh mục và là công việc của các tu sĩ. Bởi vì họ chỉ nghĩ việc rao giảng lời Chúa là việc giảng dạy giáo lý và giảng Kinh Thánh. Phaolô người tông đồ được ơn trở lại đã nói: “khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16). Theo Phaolô đây là một công việc thiết yếu và cấp bách vì “làm sao họ tin được Đấng họ không nghe? Làm sao họ nghe được nếu không có người rao giảng? Làm sao mà rao giảng được nếu không được sai đi?” (Rm 10,14-15). Khi lãnh nhận chức tư tế của Chúa Kitô là chúng ta cùng đồng thời lãnh nhận chức ngôn sứ của Chúa. Cho nên rao giảng Tin Mừng vừa là nhiệm vụ vừa là quyền lợi để cho người khác biết và tin vào Chúa và đón nhận ơn cứu độ của Người.
Tóm lại, người lãnh nhận chức tư tế cộng đồng cũng như chức tư tế thừa tác đều có nhiệm vụ sống mỗi ngày một trở nên giống Đức Giêsu Kitô là tư tế đích thực và duy nhất. Điều đó phải được thể hiện trong đời sống của mình đó có thể là những việc hết sức bình thường nhưng nếu biết quy hướng về Chúa Kitô thì lại có một giá trị vô cùng to lớn.
2. Dị biệt giữa chức tư tế cộng đồng và thừa tác
Sự khác biệt  giữa hai chức tư tế  thừa tác và cộng đồng  được Giáo hội nói  rõ như sau: “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn cả về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình. Tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh đào tạo và cai quản dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành Hy tế tạ ơn và dâng của lễ ấy lên Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân chúng. Phần tín hữu, nhờ chức tư tế vương giả, cộng tác dâng thánh lễ và thi hành chức vụ đó trong việc lãnh nhận các Bí tích, khi cầu nguyện và tạ ơn, bằng đời sống chứng tá thánh thiện, bằng sự từ bỏ và bác ái tích cực.” ( x. LG, số 10).
Nói rõ hơn, các tư tế thừa tác hay phẩm trật, cụ thể là các giám mục và linh mục, thay mặt Chúa Kitô là Đầu để giảng dạy và cử hành các Bí tích nhất là bí tích Thánh Thể để diễn lại Hy Tế thập giá trên bàn thờ ngày nay, nhờ đó “ Chúa Kitô, chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế ( x. 1Cr 10,17) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.”. Nghĩa là, công cuộc cứu chuộc nhân loại của Chúa Kitô đã hoàn tất một lần xưa qua Hy Tế của Người trên thập giá, được lập lại ngày nay mỗi khi Thánh lễ Tạ Ơn  được cử hành. Và chỉ có giám mục hay linh mục được làm việc này nhờ quyền thánh đã lãnh nhận qua Bí tích Truyền Chức mà thôi.
Chức tư tế chung của người tín hữu chỉ cho phép mọi giáo hữu được hiệp thông với các tư tế thừa tác trong việc dâng đời sống của mình với mọi vui buồn, sướng khổ để kết hợp với Hy tế của Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa để xin ơn cứu chuộc cho mình và cho người khác trong Thánh lễ.
Ngoài ra, chức tư tế và ngôn sứ của người tín hữu cũng đòi hỏi mọi giáo hữu sống nhân chứng cho Chúa Kitô trước mặt người đời để góp phần mở mang Nước của Chúa Kitô là “ Nước của của chân lý và sự sống, của ân sủng và thánh thiện, của công lý, tình yêu và hòa bình. Đây chính là địa vị vương giả mà người tín hữu được chia sẻ với Chúa Kitô nhờ Phép Rửa.
Tóm lại, chức tư tế của người tín hữu hay giáo dân hoàn toàn khác với chức tư tế của hàng giáo sĩ thừa tác (Giám mục, Linh mục) như đã nói ở trên. Tuy nhiên sự khác biệt này không có nghĩa là ai cao trọng hơn ai, mà chỉ nói lên sự khác nhau về chức năng để chu toàn các nhiệm vụ theo ơn gọi riêng của mỗi bậc sống mà thôi.
Điều quan trọng là mọi thành phần dân Chúa trong Giáo hội, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân -  tất cả đều được mời gọi để nên thánh và có trách nhiệm loan báo Tin Mừng Cứu  Độ của Chúa Kitô cho mọi người, mọi dân tộc trên toàn thế giới . Vai trò khác nhau chỉ nói lên bổn phận khác nhau phải chu toàn mà thôi. “ Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân  mà tự hào, vì tất cả đều thuộc về anh em mà anh  em thuộc về Chúa Kitô và Chúa Kitô thuộc về Thiên Chúa.” (1Cr 3: 21,23).
Kết luận
Tóm lại, chúng ta đã tìm hiểu về ý nghĩa của chức tư tế trong hai Bí tích Thanh Tẩy và Truyền Chức. Qua đây, chúng ta biết là chức tư tế đã được hình thành trong Cựu Ước với những ý nghĩa như: thay mặt dân chúng để dâng lời nguyện xin lên Thiên Chúa, vai trò thứ hai là dạy dỗ và cai trị dân, chức năng thứ ba là tế lễ lên Thiên Chúa. Chức tư tế không kết thúc ở Cựu Ước nhưng được Đức Giêsu tiếp nối và hoàn thiện trong Tân Ước. Với Đức Giêsu chức tư tế mang một ý nghĩa mới và có giá trị vĩnh cửu. Vì chính Đức Giêsu là tư tế được Thánh hiến bởi Thiên Chúa, và chức tư tế của Người là hy lễ qua sự chết và Phục Sinh để làm lễ tế dâng lên Chúa Cha. Đức Kitô đổ máu vì nhân loại, và máu đó có giá trị vĩnh cửu để cứu độ con người. Cho nên Đức Kitô là tư tế duy nhất, đích thực và vĩnh cửu của Thiên Chúa. Con người sẽ không cần một hiến tế nào khác để dâng lên Chúa Cha, để đền tội của mình ngoài hiến lễ của Chúa Kitô.
Chức tư tế của Đức Kitô ngày nay vẫn còn tồn tại, với những ai lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, thì được tháp nhập vào thân thể của Chúa Kitô. Người lãnh nhận Bí tích này cũng trở nên những tư tế của Người, vì được tham dự vào sự sống thần linh như Đức Kitô. Trong đó một số người Kitô hữu ưu tuyển được chọn vào chức tư tế thừa tác như chức Giám mục, linh mục để nhân danh Đức Kitô và thay mặt Đức Kitô để thi hành những mầu nhiệm mà Chúa Kitô đã thiết lập, qua đó mọi người Kitô hữu được hiệp nhất nên một với Người và lãnh nhận ân sủng cho đời sống của mình nói chung và đặc biệt là đời sống đức tin. Đồng thời qua đó người Kitô hữu có thể can đảm sống và loan truyền đức tin của Hội thánh Chúa cho mọi người chưa biết Chúa. Chức tư tế cộng đồng trong Bí tích Thanh Tẩy và chức tư tế thừa tác trong Bí tích truyền Chức đều quý trọng, có giá trị trước mặt Chúa như nhau. Nhưng một số người được tuyển chọn cách riêng để làm những công việc khác, không mục đích gì khác hơn là để phục vụ cộng đoàn, cho nên cần phải lãnh nhận thêm Bí tích Truyền Chức để Thiên Chúa ban thêm những ơn sủng đặc biệt và cần thiết cho những hoạt động riêng mà chức tư tế thừa tác đòi hỏi.
Chức tư tế của người Kitô hữu không chỉ là tế tự bên ngoài như đi lễ, đọc kinh, lần hạt, viếng Thánh Thể, mà còn là hiến cả đời mình làm khí cụ cho Thiên Chúa hoạt động qua sinh hoạt đời thường của mình. Đây cũng là cách thực thi ý Chúa một cách tuyệt hảo. Kết quả tất nhiên là ta hưởng niềm vui và hoan lạc trong Thánh Thần. Từ niềm vui đó, chúng ta muốn chia sẻ cho người khác như vậy Tin Mừng đang nở hoa trong lòng mình. Đây cũng là cách tế tự sống động nhất. Chúng ta nhìn lại chức tư tế của mọi Kitô hữu để chúng ta cùng nhau có thể thi hành một cách mau mắn như gương của Đức Giêsu là tư tế đích thực và duy nhất của Thiên Chúa.


[1] Gm Phaolô Bùi Văn Đọc, Linh Mục là ai?, Nxb Tôn giáo 2009, tr.17
[2] Xc, Bản dịch Giáo hoàng Học viện Piô X, Hiến Chế Tín Lý Giáo Hội, Chương 2, số 28, 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP