Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

ĐỔI MỚI ĐỜI DÂNG HIẾN


Bernard

Nhìn về thực tại cuộc sống ta thấy bao giờ cũng chất chứa một sự mất còn giữa hai mặt  cái cũ và cái mới, giữa cái chết và sự sống, luôn có sự đổi thay liên tục để tìm đến một chân lý, một nguồn sống trong Thánh Thần. Khi Đức Giêsu đến và sống giữa thế gian, Ngài đã khai sinh nguồn sống mới, làm cho thế giới thay đổi cục diện, cuộc sống tràn đầy ý nghĩa. Ngài chấp nhận sự hiểu lầm, chấp nhân sự khinh bỉ, gièm pha, ghen ghét, hận thù và chấp nhận cả cái chết để thay đổi những cái cũ và làm cho cái cũ được trở nên mới, được tròn đầy trong thế giới, làm cho con người được tự do và được sống.

Đời dâng hiến hôm qua và hôm nay luôn có sự thách đố, người tu sĩ luôn phải đi tìm cho mình một chỗ đứng, một con đường để sống và hoạt động. Đổi mới không có nghĩa là đạp đổ, là phủ nhận tất cả, nhưng là để làm cho cái cũ được thay đổi trở thành cái mới, cái đẹp hơn và ý nghĩa hơn. Thánh Phaolô nói rõ: “Hãy cởi bỏ con người cũ, mặc lấy người mới là Chúa Giêsu.” Ngày hôm qua đi bằng đôi chân trần để rao giảng, nhưng hôm nay đã khác, bởi nếp sống cũ chỉ có giá trị trong thời đại cũ, trong con người cũ của ngày hôm trước. Sống hôm nay là hướng đến một cuộc sống mới đặt nền tảng trên Đức Kitô và Thánh Thần, đổi mới hóa những gì không còn phù hợp, hãy mở toang cánh cửa mang tính chủ quan, hãy dám nhìn và dám sống với cuộc sống mới mang tính khách quan, vì “trời cũ, đất cũ đã qua đi”, vì “chẳng ai lấy rượu mới đổ vào bầu da cũ”, để đời tu không là những lập trình vốn có, bất dịch và khó thích nghi trong hoàn cảnh hiện tại.
Đức Kitô đến, Ngài không muốn nhìn thấy sự già cỗi trong thế giới, trong ý thức hệ của nhân loại, nhưng khao khát và ao ước có được sự đổi mới từng ngày trong Thánh Thần sáng tạo của mọi người, nhất là trong những người sống đời dâng hiến. Sự đổi mới ấy là sức mạnh để xây dựng thế giới đang tồn tại những hình bóng của sự chết, của sự già yếu, của việc thu mình vào vỏ ốc, chấp nhận không đấu tranh vươn lên của con người hiện tại mà chỉ muốn đấu tranh cố thủ với nếp sống của con người cũ thụ động và mệt mỏi. Hàng rào kiên cố nhất, không phải là chiến lũy, không phải hàng rào điện tử, đó là hàng rào hờ hững” của con người:  Ai chết mặc ai! Ai đói khổ mặc ai, sụp đổ, thoái hóa cũng mặc! Như thế được rồi!
Ngay cả trong những kế hoạch xây dựng một hướng đi, có cái gì đó vẫn dần mòn theo lối cũ, vẫn quanh quẩn trong những nhịp điệu vốn dĩ không làm mới hơn cho phù hợp với hiện tại. Những dự phóng ấy có cái gì đó hơi nghèo nàn và đơn điệu bởi cuối cùng vẫn là bài cũ soạn lại, là đi đến những vùng ta đã đi, là sống với những gì ta đã sống. Chẳng có cái gì mới, chẳng có cái gì là mở ra với những nhu cầu cấp thiết của thế kỷ, của con người thời đại ngày hôm nay. Dường như người ta sợ đi đến những chân trời mới, những dự phóng và những công việc mới. Có cái gì đó lẩn quẩn ăn theo lối mòn, có cái gì đó vẫn theo kiểu “đường xưa, lối cũ ta về ” được tái bản.
Điều này dẫn đến việc bỏ lỡ những cơ hội để làm sống lại hội dòng, sống lại thế giới khi mà nó đang dần chết trong một vài lãnh vực. Chỉ khi thức tỉnh, con người mới nhìn ra, mới có được sự trải nghiệm linh thánh của Thần Khí trong cái nhìn của chính mình. Sự nhạy cảm trong thức tỉnh sẽ giúp con người có được nhãn quan trong sáng để nhìn và đánh giá vấn đề đúng như nó là. Thức tỉnh để không mê ngủ, để thấy ranh giới giữa cái cũ và cái mới, giữa những đòi hỏi của hôm qua và hôm nay, để nhận rõ giá trị của luật xưa và những đòi buộc của ngày hôm nay. Thức tỉnh để không đánh giá sự kiện, con người hôm nay bằng một lối nhìn của ngày hôm qua. Thức tỉnh để phân định cái phải làm trong vòng luân chuyển của cái hiện tại bằng phương tiện của thời điểm nó đang sống mà không hô hoán, vênh vang bê vào một trời những thành tích vẻ vang, bằng khen của ngày xưa làm phương án hành động cho hiện tại. Thức tỉnh để dám cắt tỉa những gì đã quá lạc hậu, lỗi thời mà không càm ràm, kêu ca, tiếc xót. Anh em hãy cởi bỏ con người cũ… anh em hãy để cho Thần Khí đổi mới tâm trí anh em” (Ep 4,22a.23).
Tuy nhiên đi tìm mật mã để giải đáp và xây dựng cái mới không đơn giản chút nào, khi mà “nếp sống cũ” là “thành trì cố thủ vững chắc” trong mỗi ngày sống, trở thành thước đo, là tiêu chuẩn để xếp loại và định lượng mọi mặt liên quan đến tha nhân, đến cuộc sống trong mỗi cá nhân, trong mỗi tập thể. Đôi khi cái cũ đã ăn sâu và trở thành máu thịt khiến người ta khó có thể phân định được cái nào là nền tảng, điều nào là tùy phụ trong đời dâng hiến. Nếu người dâng hiến không biết tiến lên trên con đường hy vọng, nhằm tới sự thánh thiện, họ sẽ không còn thuộc về thế hệ trẻ, cũng chẳng phải là thế hệ già; mà là thuộc về thế hệ chết. Lạ lùng và hấp dẫn biết chừng nào! Giữa thời đại trụy lạc, khơi dậy một thế hệ thánh! Chúa muốn vậy, ta không muốn sao?
Thế giới ngày nay đang mong muốn và chờ đợi những khuân mặt mới dám sống và tìm ra con đường của chính mình trong sức mạnh nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Hãy cùng hợp tác để tạo nên “Mùa Xuân Mới” cho Hội Thánh. Là con người dâng hiến thì phải biết chấp nhận hy sinh và mất mát, để cái cũ được đổi mới vì chính Đức Kitô đã đến và “Ngài đổi mới mọi sự”. Điều này đòi buộc ta phải sống với cơn gió mới của Thánh Thần để “canh tân bộ mặt thế giới”, để tìm ra con đường của chính mình trong từng ơn gọi với mục đích là để “sống với những gì ta phải sống” mà không ngủ trong những giấc mộng êm đềm của ngày xa xưa. Nếu không, chính ta đang tự đào thải mình trong chính ngôi nhà của mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP