Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

TRƯỞNG THÀNH TRONG ĐỜI TU


Bertrand Nguyễn Thanh Hoài

Tài liệu tham khảo
1.      Theo Chúa Kitô.
2.      Charles Serrao, OCD. Biện Phân Ơn Gọi Tu Trì – Đào Tạo Hướng Đến Sự Thay Đổi. Bản dịch Lm. Dom. Nguyễn Đức Thông. CssR.
3.      Paolo Provera, C.M . Thánh Hiến Cuộc Đời. Bản dịch của Phạm Duy Lễ
4.      Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế. Sống Đời Thánh Hiến.
5.      Yves Rauin Sj. Độc Thân Ngày Nay. Chuyển Ngữ Lm. Đặng Xuân Thành.
Trưởng thành nói chung
Có một khái niệm về sự trưởng thành như sau:
Đó là khi tôi lớn lên,
Tâm hồn tôi trở nên mạnh mẽ
Để tôi can đảm đối diện cuộc đời.

Đôi mắt tôi đủ sáng,
Để tôi thấy đường mình đi.
Đôi chân tôi đủ khoẻ,
Cho tôi có thể tự bước.

Tôi có thể chạy thật xa,
Khi tôi gặp phải rắc rối.
Nhưng đó đâu phải cách,
Tôi có thể làm hoài
Rồi tôi phải đối mặt
"Phải"chứ không là "sẽ"
Dù chuyện gì có xảy ra
Trong lòng tôi sẽ được giải phóng,
Khỏi những ưu phiền bấy lâu nay...
Trưởng thành là vậy sao?[1]
Cách chung, trưởng thành không có nghĩa là khi chúng ta lớn lên về mặt thể xác thì đương nhiên chúng ta trưởng thành. Nhưng trưởng thành đòi hỏi cần phải có nhiều yếu tố,  ở nhiều cấp độ và trên nhiều phương diện khác nhau. Có người trưởng thành về phương diện này nhưng lại chưa trưởng thành về phương diện khác. Chẳng hạn, một người dù đã 40 tuổi nhưng không có khả năng suy luận và phán đoán, thì không thể nào nói được là người đó trưởng thành. Nhưng, nếu một người cũng 40 tuổi và có khả năng phán đoán và suy luận, mà lại có một lối sống bê bối, áp dụng sai lệch những phán đoán và suy luận, thì có thể nói người đó mới trưởng thành về mặt thể lý và trí năng, song chưa thực sự trưởng thành về mặt luân lý và tinh thần. Như vậy, người trưởng thành thật sự cần phải trưởng thành cả về lý trí và ý chí.
Trưởng thành trong đời tu
Trước tiên, Giáo luật hiện hành đòi hỏi sự trưởng thành ở một mức độ nào đó nơi các ứng sinh trước khi bước vào nhà tập (x. Can. 642). Sự trưởng thành này sẽ giúp cho các ứng sinh đảm nhận nếp sống riêng của tu hội sau này. Tuy nhiên, sau khi khấn, người tu sĩ có trưởng thành hơn và trưởng thành tới mức độ nào là chuyện khác. Cũng vậy, xét về khía cạnh giáo luật, chỉ những người khấn trọn mới được xem là những người trưởng thành, là thành viên chính thức của nhà dòng và có quyền để đảm nhận các chức vụ trong dòng (x. Can.623;651,1). Nhưng trên thực tế, các tu sĩ đã khấn trọn và thực sự trưởng thành trong đời tu về mặt tâm linh, tình cảm và đời sống cộng đoàn là chuyện khác. Do đó, trong đời sống tu trì, một tu sĩ không thể được gọi là trưởng thành nếu như họ chưa hiểu được tính chất năng động, phong phú và những mục đích thiết yếu của đời tu là gì. Cũng vậy, giống như trưởng thành ở ngoài đời, một tu sĩ dù đã biết được đâu là đặc tính và bản chất của đời sống tu trì, nhưng lại xao lãng, thiếu thiện chí để đạt tới những mục đích của đời tu, thì tu sĩ đó chưa thực sự trưởng thành trong đời tu. Do đó, một tu sĩ có thể rất trưởng thành về khía cạnh nhân loại (ngoài đời), nhưng không ắt hẳn trưởng thành về khía cạnh tu trì (trong nhà tu)[2].
Một vài dấu chỉ cho thấy một tu sĩ trưởng thành trong đời tu
Khi một người nào đó quyết định chọn bậc sống tu trì, thì cũng từ lúc này người đó phải học cách biết từ bỏ. Từ bỏ những điều – cả những điều tốt, mà không còn phù hợp với đời sống tu trì. Do đó, cần phải biện phân đâu là những điều tùy phụ và thiết yếu trong đời tu.
Phân biệt đâu là tùy phụ và thiết yếu trong đời tu
Đời sống tu sĩ là một hành trình theo Chúa Kitô qua việc tự nguyện tuyên giữ ba Lời khuyên Phúc âm. Cho nên, sự trưởng thành tu trì cũng là một quá trình tiệm tiến. Vì thế, có thể mới đầu người tu sĩ  rất khó phân biệt đâu là những điều tùy phụ và thiết yếu trong đời tu. Nghĩa là, thoạt đầu ta cho những điều thiết yếu là tùy phụ và ngược lại. Rồi trong thực hành, khi không đạt được những điều tùy phụ, người tu sĩ  cảm thấy xáo trộn và đau buồn nặng nề. Nhưng dần dà, qua Chúa soi sáng, thoát khỏi não trạng tu trì trẻ con, họ có một sự trưởng thành tu trì trong việc phân biệt đâu là là điều thiết yếu và tù phụ trong đời tu.
Vậy đâu là những điều thiết yếu và tùy phụ trong đời tu?
Đó là: “Thiết yếu là phải sống sự tận hiến cho Chúa sao cho thực hiện được mục đích của việc tận hiến ấy. Còn lợi ích và thỏa mãn cá nhân ở đời này chỉ là tùy phụ”[3].
Điều này là bởi vì, khi Chúa ban ơn gọi cho người tu sĩ và khi người tu sĩ đáp trả lại ơn gọi đó, Chúa mời gọi người tu sĩ tận hiến cho Ngài. Trong Kinh Thánh, danh từ consecratio (Latinh) có thể hiểu về hai phía: Thiên Chúa và con người. Từ phía Thiên Chúa: Ngài yêu ai đó, nên đã chọn lựa họ, dành riêng họ cho mình (xc. Gr 1,5). Từ phía con người: ý thức được tiếng gọi của Chúa, đương sự dâng hiến trót đời cho Chúa. Cho nên, trong tiếng Việt, “thánh hiến” muốn nói đến sáng khởi về phía Thiên Chúa; “tận hiến” nói đến sự đáp trả về phía con người. Do đó, không có gì cần thiết và thiết yếu hơn – đối với người đã tận hiến cho Chúa, là đạt tới mục đích của việc tận hiến. Nó vừa là ý muốn của Thiên Chúa (thánh hiến) đáp trả lại của con người qua một bậc sống dành riêng cho Chúa (tận hiến). Kinh nghiệm cho thấy sự bình thản của người tu sĩ trong đời sống tu trì tùy thuộc rất nhiều vào việc họ có thiện chí đạt tới mục đích thiết yếu này không.
Một khi người tu sĩ ý thức và có thiện chí cố gắng đạt tới mục đích thiết yếu của việc tận hiến cho Chúa, thì lúc đó những lợi ích và thỏa mãn riêng tư chỉ là thứ tùy phụ. Và vì nó chỉ là tùy phụ nên sẽ nó có vai trò thứ yếu trong đời sống tu trì. Có hay không thì không quan trọng. Chúng ta lấy ví dụ về một người tu sĩ trưởng thành về phương diện tâm linh – đây là  nét nổi bật của đời sống tu trì. Trưởng thành về tâm linh là hành vi cuốn hút con người lao mình về Thiên Chúa, cố gắng hướng tầm mắt và cõi lòng về Thiên Chúa, đó chính là hành vi cao cả và sung mãn nhất của tinh thần – hành vi này chỉ đạo toàn bộ mọi sinh hoạt rộng lớn của người tu sĩ[4]. Một khi người tu sĩ trưởng thành trong chiều sâu tâm linh, thì trong mỗi thái độ hay cử chỉ của họ khi đối diện với những biến cố quan trọng cũng như trong những hoàn cảnh bình thường trong cuộc sống, họ biết sống hết mình với bổn phận của người tu sĩ, còn sự thành công, thất bại tuỳ thuộc vào Thiên Chúa trong niềm vui và hạnh phúc[5]. Cho nên, đối với một tu sĩ trong một dòng với căn tính là giáo dân, thì việc tiến chức linh mục không phải là điều thiết yếu nhưng cốt yếu là sống tận hiện cho Chúa qua việc chu toàn những hoạt động phù hợp với đoàn sủng và truyền thống lành mạnh của hội dòng. Vì thế sẽ là một băng hoại không nhỏ, cho chính đương sự và nhà dòng, nếu một người tu sĩ trong một dòng giáo phận, quyết tâm dùng mọi phương cách để được tiến chức linh mục. Họ xem đó như một điều thiết yếu, một đích điểm của đời tu. Đó là một hướng đi thật đáng buồn! Tuy nhiên, tu sĩ vẫn là con người với những yếu đuối và tham vọng mang tính con người, cho nên trên hành trình dâng hiến vẫn còn có lảng vảng đâu đó những danh vọng trần thế và toan tính con người để đạt những danh vọng. Đây là một cản trở không nhỏ khiến người tu sĩ khó trưởng thành thực sự trong đời tu.
Nhận ra yêu sách chính yếu của đời tu
Như chúng ta biết một trong những đặc điểm nổi bật của người tu sĩ dòng đó là việc tuyên khấn, tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm. Đó là: “Lời khấn tu trì khác hẳn với các lời khấn khác vì nó làm nên một đời sống đặc biệt, thực hành các lời khuyên của Phúc âm và mô phỏng hoàn hảo nhất đời sống trần gian của Chúa Giêsu và tinh thần đã phấn khích Ngài[6].
Như vậy, tuyên khấn, đây là một hành vi chứng tỏ lòng quảng đại triệt để, bởi vì trong từng giây phút của cuộc đời dâng hiến, người tu sĩ sẽ sống khoảnh khắc ấy liên tục qua dòng thời gian. Thật ra, người tu sĩ vẫn có thể hy sinh làm điều thiện và lợi ích cho tha nhân vì lòng yêu mến Chúa. Nhưng nếu chỉ dựa trên yếu tố con người thì chưa đủ. Vào những lúc khó khăn, đau buồn, chán nản trong đời tu, người tu sĩ  sẽ dễ đánh mất những lòng quảng đại và thiện chí. Cho nên, yêu sách chính yếu của sự trưởng thành trong đời tu là: “ta phải sống tân hiến cho Chúa một cách trung thành có suy luận, được ước muốn, bền vững, bình thản, được đặt trên những lý do siêu nhiên”[7].  Và chỉ có những yêu sách này mới không bao giờ khuyết diện. Cho dầu mọi trở ngại, nhưng những yêu sách đó vẫn hướng dẫn và nâng đỡ người tu sĩ trong hết mọi hoàn cảnh.
Chúng ta vừa nói về sự trưởng thành trong đời tu được thể hiện qua việc phân định đâu là những điều thiết yếu và tùy phụ trong đời tu. Còn một dấu chỉ khác, cũng khá quan trọng, để chỉ cho thấy người tu sĩ trưởng thành trong đời tu: sống ba lời khuyên Phúc âm.
Dấu chỉ nổi bật và minh thị nhất là bình thản và bền vững trong việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc âm. Dĩ nhiên, đứng trên phương diện con người, sẽ vẫn có những thiếu sót và yếu đuối trong việc sống ba lời khấn. Nhưng với một tu sĩ trưởng thành, cho dù có gặp những khó khăn, thậm chí hy sinh trong việc tuân giữ ba lời khấn, song họ vẫn sống đời dâng hiến cách vui vẻ, bình thản và trung thành. Một cách cụ thể, với đức khó nghèo, người tu sĩ không chỉ nghiêm chỉnh sống siêu thoát, mà còn thể hiện đức khó nghèo bằng cách đi tìm những tài sản siêu nhiên ngay khi còn sống ở trên đời này. Còn về lời khấn khiết tịnh, sự trưởng thành trong đời tu thường biểu hiện qua sự trưởng thành về mặt tình cảm. Nghĩa là, người tu sĩ trưởng thành về mặt tình cảm luôn có khả năng của sự độc lập về mặt tình cảm, không lệ thuộc vào tình cảm, tức là không để tình cảm bị chi phối điều khiển bởi cảm giác, nhưng bởi lý trí và ý chí[8]. Cũng vậy, một người tu sĩ trưởng thành thực sự trong đời tu, đặc biệt về mặt tình cảm, họ sẽ biết đặt sự quân bình, hài hòa giữa cảm xúc và lý trí về những biến cố xảy ra trong đời sống tu trì. Do đó, nếu có những biến cố như: chưa được khấn trọn, chưa được thụ phong linh mục, thi rớt,..., người tu sĩ trưởng thành trong đời tu sẽ biết chấp nhận đó là những thất bại, nhận trách nhiệm là của chính mình. Ngược lại, những người thiếu trưởng thành đời tu, sẽ có những phản ứng tiêu cực như nóng nảy, trách móc, than thân trách phận,... Kế tiếp là về lời khấn tuân phục, người trưởng thành trong đời tu luôn thâm tín rằng vâng phục là thực thi ý Chúa, dù có phải hy sinh nhưng vẫn bình thản. Như chúng ta biết, lời khấn vâng phục luôn mang hai khía cạnh[9]: một khía cạnh tiêu cực và là một khía cạnh tích cực. Khía cạnh tiêu cực hệ tại ở: lời ta đoan hứa với Chúa sẽ tuân phục bề trên chính thức của Hội dòng trong tất cả những điều các vị đó truyền phù hợp với giáo luật và hiến pháp. Còn khía cạnh tích cực là: việc người tu sĩ tận hiến, thánh hiến cho Chúa ý chí của mình như một tài năng tác động mà có khả năng hành động lệ thuộc. Do đó, cả khả năng hành động cùng với các hành vi của nó đều được thánh hiến cho Thiên Chúa. Cho nên, người tu sĩ trưởng thành trong đời tu sẽ hướng tới khía cạnh tích cực của việc tuân phục. Có như vậy, họ sẽ giữ lời khấn cách bình thản và vui vẻ, và sẽ vững vàng hơn trên con đường dâng hiến. Điều này được nói rõ sau: “Bằng việc tuyên hứa lời khấn vâng phục, các tu sĩ hiến tế Thiên Chúa ý muốn riêng mình làm hy sinh, nhờ đó họ được kết hợp mật thiết với ý chí cứu độ của Chúa một cách vững vàng”[10].
Như chúng ta biết, từ sau Công đồng Vaticanô II, các văn kiện của Tòa thánh về đời tu sĩ đều với tựa đề “De Religiosis” (religieux, religiosus). Thật ra, từ này đã xuất hiện từ thời Trung cổ, từ “religiosus” là một tính từ mà nó gắn liền với “religio” (nhân đức thờ phượng), nhằm nhấn mạnh rằng tu sĩ là hiến dâng cho Chúa qua việc phụng thờ Thiên Chúa[11]. Việc phụng thờ Thiên Chúa chỉ được thể hiện khi người tu sĩ biết sống tuân giữ kỷ luật hội dòng và bản thân cách nghiêm ngặt. Hơn thế nữa, đi theo Chúa là một hành trình, cho nên việc tuân giữ kỷ luật hội dòng và bản thân cũng phải được tuân giữ một cách đều đặn và quân bình. Do đó, một dấu chỉ khác cho thấy người tu sĩ trưởng thành trong đời tu là sống tiết độ.
Sống tiết độ
Tiết độ – moderation. Tự điển Oford Advanced Leaner’s Dictionary, Oford University Press,  đã định nghĩa như sau: “The quality of being reasonable and not being extreme”.  Còn thế nào là một hành động “moderate”, thì cũng theo tự điển này định nghĩa: “to become or make something become lessmextreme, severe, etc).  Như vậy, tiết độ là một việc làm dung hòa cho có chừng mực, và tránh thái quá hoặc bất cập. Để được như vậy, ta phải kìm hãm, xa tránh những xúc cảm và thu hút, tức những kích thích từ nội tại và ngoại tại trong cuộc sống. Và như vậy, tiết độ không phải là nhân đức hay đức tính dễ làm và dễ thực hiện, bởi vì nó trực tiếp liên quan đến cả thể lý, tâm lý và tâm linh con người.
Ngoài ra, “tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú và sử dụng chừng mực những của cải trần thế. Tiết độ giúp ý chí làm chủ các bản năng và kếm chế các ham muốn trong tiến hành chính đáng”[12]. Trong Cựu ước khen ngợi đức tiết độ như sau: “Con đừng buôn theo tham vọng của con, nhưng hãy kiềm chế các dục vọng” (Cn 18,30). Còn Tân ước gọi tiết độ là  “chừng mực” hay “điều độ”, nghĩa là chúng ta phải sống “chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này” (Tt 2,12).
Dĩ nhiên, chúng ta không bàn tới ý nghĩa tiết độ trong Cựu ước. Vì đi tu là từ bỏ rồi, từ bỏ những danh vọng lạc thú ở đời này để tìm hạnh phúc đời sau. Ý muốn nhấn mạnh về sự tiết độ ở đây là người tu sĩ cần sống có “chừng mực”, “điều độ” trong đời tu. Sự chừng mực và điều độ này được biểu hiện qua rất nhiều như: kỷ luật, kinh nguyện, học hành, ăn uống, ngủ nghỉ,... Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy không thiếu những tu sĩ sống không điều độ trong đời tu. Có những người học nhiều quá đến nỗi không nhớ ngày nào thi! Kết quả, cho dù học nhiều nhưng vẫn rớt. Cũng vậy, trong kinh nguyện cần có sự đều đặn hằng ngày. Cho dù, có những lúc, người tu sĩ cảm thấy chán nản không muốn bước vào nhà nguyện. Không cảm thấy hứng thú gì hết khi nguyện gẫm hay cầu nguyện với Chúa. Nhưng đối với một người tu sĩ trưởng thành, cho dù chán nản, không hứng thú với Chúa trong cầu nguyện, họ vẫn vào nhà nguyện. Họ vẫn nguyện gẫm bởi vì có thể lúc này chán Chúa, nhưng ít ra họ vẫn tuân giữ các giờ đạo đức cách đều đặn. Vì thế, có thể nói rằng, nếu một người tu sĩ thực sự trưởng thành khi họ sống có quân bình trong kỷ luật, giờ đạo đức, ăn uống, học hành và ngủ nghỉ. Ngược lại, người tu sĩ nào mà có những lúc thì quá đạo đức, đọc kinh rất sốt sắng, nhưng lại bữa có bữa không, thì có thể nói người tu sĩ đó chưa trưởng thành trong đời tu. Bởi vì người tu sĩ trưởng thành không tuân giữ kỷ luật, các giờ đạo đức theo ngẫu hứng: vui thì tuân giữ, buồn thì không. Nhưng người tu sĩ trưởng thành sẽ cố gắng tuân giữ kỷ luật ngay cả trong những lúc chán nản nhất, đau buồn nhất và một cách đều đặn.
Tạm kết
Trưởng thành không đơn giản là sự lớn lên về mặt thể chất mà là sự chín chắn từ trong nhận thức và tư tưởng. Nếu một ngày nào đó một người nào đó chợt nhận ra cuộc đời không chỉ là một màu hồng mà còn đi kèm theo nhiều gam màu khác nữa, nhưng người đó vẫn mỉm cười bước tiếp và biến những khó khăn thành cơ hội để tự hoàn thiện mình, thì lúc đó người đó đã thật sự trưởng thành rồi đấy. Đó một sự trưởng thành ngoài đời, trưởng thành về khía cạnh nhân loại.
Đời tu là một hành trình tiệm tiến đi theo Chúa trên con đường ở trần gian. Trên hành trình này ắt sẽ có những cuộc va chạm, đố kỵ mang tính con người. Do đó, trên hành trình đi theo Chúa, ngoài những những con đường chan chứa niềm vui và hạnh phúc, thì cũng có những con đường đầy bao đau khổ, cô đơn và nước mắt. Bên cạnh con đường mùa xuân với muôn màu hoa nở tươi thắm, vẫn có con đường tàn héo khô cằn của mùa hè nắng cháy. Sẽ có những lúc người tu sĩ cảm nghiệm không khí ấm áp, dễ chịu của mùa thu nhưng cũng đã phải nếm chịu cái rét giá lạnh, cô đơn khi mùa đông về trên con đường đi theo Chúa. Một cách nào đó, khi người tu sĩ nhận ra tất cả những đặc tính khác nhau trên con đường đi theo Chúa, nhưng họ vẫn bình thản vui vẻ đón nhận và chấp nhận, thì người tu sĩ đó có thể được gọi là đã trưởng thành trong đời tu. Nhưng điều quan trọng hơn cả, người tu sĩ trưởng thành thật sự trong đời tu là khi họ biết phân biệt đâu là những điều tùy phụ và thiết yếu trong đời tu. Một khi có sự nhận thức như vậy, họ luôn luôn cố gắng đạt tới những điều thiết yếu, còn những những điều tùy phụ có hay không không quan trọng. Điều thiết yếu là tận hiến cho Chúa cách bền vững và trung thành.
Ngoài ra, người tu sĩ trưởng thành trong đời tu sẽ biểu hiện ra việc bình thản và vui vẻ trong việc tuân giữa ba lời khuyên Phúc âm. Đó biểu hiện minh thị và căn bản nhất của một người tu sĩ trưởng thành. Rồi người tu sĩ trưởng thành cũng cần sống tuân giữ kỷ luật cách đều đặn, ăn uống và nghỉ ngơi có điều độ và chừng mực. Kế tiếp, người tu sĩ trưởng thành trong đời tu còn thể hiện qua mối liên hệ với bề trên, sống đức ái, đời cộng đoàn, và yêu mến tinh thần, đoàn sủng và truyền thống lành mạnh của hội dòng.
Ngày nay chúng ta đang sống trong một xã hội mà đang cần những người làm chứng cho sự hiện diện của Thiên Chúa. Với thực trạng và nhu cầu như vậy, Giáo hội mời gọi những ai theo đuổi ơn gọi tu trì cần phải nhận ra vai trò ngôn sứ của mình để dấn thân làm chứng cho tình yêu dâng hiến và loan báo Tin Mừng cách hiệu quả. Để chu toàn sứ mạng này, đòi hỏi người tu sĩ phải trưởng thành trong ơn gọi của mình, nghĩa là phải được huấn luyện về mọi khía cạnh và phương diện. Người tu sĩ cần phải được huấn luyện về khía cạnh: tri thức, tâm lý và tâm linh để họ trở thành những con người quân bình giữa ý chí và cảm xúc, vững vàng trong ơn gọi của mình, và sẵn sàng đảm nhận những trách nhiệm mục vụ cần thiết cho Giáo hội và xã hội. “Họ cần được giáo dục để biết yêu mến sự thật, để biết trung thành, biết kính trọng mọi người, để có ý thức công bằng, để trung thực trong lời nói, để chân thành cảm thông, để trở thành những con người nhất quán, và đặc biệt là để có sự quân bình trong phán đoán và trong thái độ ứng xử.”[13]
Thật vậy, sự trưởng thành luôn mang tính năng động thúc giục những ai theo đuổi ơn gọi tu trì hướng tới chân trời hoàn thiện. Nó không nhất thiết phát triển theo tuổi tác, mà nó biểu lộ qua sự quân bình của từng cá nhân được huấn luyện theo từng cấp độ, để có những khả năng hiểu biết và cảm ứng được sự phát triển trọn vẹn trên bình diện cảm quan, cũng như trên bình diện tri thức. Do đó, việc huấn luyện người tu sĩ trưởng thành trong đời tu là một quá trình liên tục và cả đời. Bất cứ một tu sĩ nào cũng được mời gọi tự huấn luyện mình để trở thành người tu sĩ trưởng thành trong đời tu trong mọi thời điểm.
Hiệp Bình Phước, ngày 10 tháng 11 năm 2012.


[2] Xc Paolo Provera, C.M., Thánh Hiến Cuộc Đời, Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, trang 259.
[3] Paolo Provera, C.M., Thánh Hiến Cuộc Đời, Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, trang 262.
[4] Chiều Kích Chiêm Niệm của Đời Tu, Số 1.
[5] Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, Số 5.
[6] Paolo Provera, C.M., Thánh Hiến Cuộc Đời, Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, trang 11.
[7] Paolo Provera, C.M., Thánh Hiến Cuộc Đời, Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, trang 263.
[8] Xc. Charles Serrao, OCD., Biện Phân Ơn Gọi Tu Trì – Đào Tạo Hướng Đến Sự Thay Đổi, Bản dịch Lm. Dom. Nguyễn Đức Thông, CssR., trang 105.
[9] Xc. Paolo Provera, C.M., Thánh Hiến Cuộc Đời, Bản dịch của Nguyễn Duy Lễ, trang173.

[10] PC số 14
[11] Xc. Phan Tấn Thành, Giải Thích Giáo luật tập 2, trang 390.
[12] GLCG số 1809.
[13] PDV số 43

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP