Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

THOÁNG NHÌN VỀ LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM THỜI KỲ BÁCH HẠI ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU KHỐC LIỆT NHƯNG GIÁO HỘI VẪN KIÊN CƯỜNG ĐỨNG VỮNG



Bart Khánh

Chúa Giê-su sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng thì Người cũng căn dặn: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” (Mt 10,17-18). Thời Giáo hội sơ khai trong sách Công vụ tông đồ thuật lại cho chúng ta việc các tông đồ và những người Ki-tô hữu bị bách hại của các hoàng đế như Nê-rô (64-67), Domitianô (92-96), Trajanus (98-117)…Lịch sử Giáo hội trải dài 21 thế kỷ, kể từ thời Chúa Giê-su cho đến hôm nay, không khi nào mà Giáo hội lại không có những cuộc bách hại. Việt nam được các thừa sai ngoại quốc loan báo Tin Mừng kể từ năm 1533 cho đến nay được gần 500 năm người Việt sống niềm tin vào Chúa Ki-tô. Cũng như lời tiên báo trước của Chúa Giê-su, những tín hữu người Việt của chúng ta luôn phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, bị cản trở, bách hại và loại trừ của nhà cầm quyền. Đỉnh cao các cuộc bách hại là rất nhiều Ki-tô hữu đã đổ máu và chết vì đức tin. Nhưng có lẽ trong các cuộc bách hại người Ki-tô hữu của các nhà cầm quyền ở Việt nam, tàn bạo và kinh khủng nhất là từ những năm 1745-1862[1]. Trong thời gian này đất Việt dưới sự cai trị phần lớn thời gian của các vua triều Nguyễn. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu về những nguyên nhân và lý do của việc bách hại người Công giáo của các vua nhà Nguyễn. Tiếp đó sẽ nêu lên một số hệ quả để lại cho xã hội dưới những cuộc bách hại đó. Cuối cùng là ghi nhận sự lớn lên của Giáo hội Việt nam dù sống niềm tin trong thử thách và đau thương.
1.      Nguyên nhân cấm đạo của triều Nguyễn
Trong học lịch sử Giáo hội chúng ta biết rằng phần lớn các cuộc bách hại đạo của nhà cầm quyền do sự hiểu lầm các Ki-tô hữu. Giáo hội sơ khai thời các tông đồ và Ki-tô hữu bị giới bình dân tố cáo là tụ họp phụng vụ để loạn luân, uống máu trẻ em, ăn thịt người và thờ đầu lừa. Giới trí thức thì coi những Ki-tô hữu là những kẻ khốn khổ, dốt nát, mê tín theo đạo sai lầm. Giới cầm quyền coi Ki-tô hữu là những công dân xấu, vì không tôn thờ hoàng đế, không vâng lời vua quan.[2]
Những cuộc bách hại đạo của nhà Nguyễn tại Việt nam chắc hẳn cũng không tránh khỏi những lý do hiểu lầm và sự vu khống của những kẻ có một vài thành kiến với những người công giáo Việt nam thời đó. Nhưng để hiểu được ngọn nguồn thì chúng ta phải xem xét một cách tổng thể chính trị xã hội thời nhà Nguyễn. Để có được những lý do chính xác đâu là nguyên nhân dẫn đến những cảnh bách hại tàn bạo như thế.
Khởi đầu triều Nguyễn, vua Gia Long (1802-1819) được xem là người có công trong việc thống nhất đất nước, nhưng có lẽ thành quả này có được từ phong trào Tây Sơn. Vua Gia Long sau khi cai trị đất nước ông luôn mong muốn quyền lực tập trung vào tay mình. Vua họ Nguyễn này đã lấy Phú Xuân (Huế) làm kinh đô và chia địa phương thành các cấp độ quản lý (trực, cơ, kỳ) tùy thuộc vào vị trí xa hay gần kinh sư. Những địa phương gần Phú Xuân được gọi là trực doanh dưới sự quản lý trực tiếp của triều đình, tiếp theo là các cơ trấn dưới sự quản lý của các kinh sư. Ở hai đầu đất nước Gia Long đặt hai kỳ (Bắc-Nam) giao quyền hành cho hai tổng trấn một ở Bắc Thành và một ở Gia Định được thay mặt hoàng đế định đoạt mọi việc. Gia Long đặt ra lệ “tứ bất” là không đặt Tể tướng, không lấy Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu, không phong tước vương. Nhà vua trực tiếp nắm quyền điều hành các bộ và những công việc chuyên trách như Đô sát, Hàn lâm, Thị thư.[3] Dù nhà nước được tổ chức theo bộ máy chuyên chế và quyền hành tập trung vào hoàng đế, tưởng chừng nhân dân sẽ có một cuộc sống ấm êm và hạnh phúc.
Tuy nhiên, với việc xây thành, đào hào, hạn chế cách xây nhà, việc ăn mặc, loại bỏ chữ nôm, độc tôn Tống Nho, kiềm chế công thương, bế quan tỏa cảng trên thực tế đã không đem lại kết quả như nhà Nguyễn mong muốn là tăng cường sức mạnh cai trị của dòng họ, mà trái lại làm mất đi khả năng vươn lên cùng thời đại của dân tộc, làm suy kiệt đời sống của người dân, mất sức đề kháng của đất nước, với sự bạc nhược của quan lại và đại đa số người dân.[4]
Vua Gia Long lúc đầu vì nhớ ơn của Đức giám mục Pigneau (Bá Đa Lộc) đã giúp mình chiếm được ngai vàng, nên để cho Công giáo được tự do hoạt động, nhưng vẫn nghi ngờ, lạnh nhạt, vì sợ sự bành trướng ảnh hưởng của Công giáo. Lúc đầu vua Gia Long cho rằng người theo Thiên Chúa giáo cũng là công dân nếu họ không tin tưởng vào thờ cúng tổ tiên và các thần linh thì cũng không nên cấm đoán họ. Không một lệnh cấm đạo nào được ban hành dưới thời Gia Long, các giáo sĩ đều cho rằng đây là giai đoạn thuận lợi cho việc truyền giáo ở Việt nam. Tuy nhiên, Gia Long vẫn thấy nguy cơ về mất chủ quyền mỗi khi cơ hội đến với phương Tây thông qua con đường bảo vệ đạo Thiên Chúa nên ông căn dặn người kế vị (Minh Mạng) không nên đối xử phân biệt giữa các đạo Nho, Phật, Thiên Chúa giáo. Việc khủng bố tôn giáo sẽ là nguyên nhân dẫn đến các biến động xã hội và gây ra thù oán trong nhân dân; đôi khi làm sụp đổ cả ngôi vua.[5]
Minh Mạng (1820-1840) kế thừa Gia Long lên ngôi vua, là một người được ảnh hưởng nền giáo dục Nho giáo. Lúc còn là Hoàng tử Đản, đã từng than phiền vốn rất dị ứng với Công giáo, khi lên ngôi vua tỏ ra không thiện cảm với Công giáo, nhất là nhà vua nghi ngờ những thừa sai là ủng hộ hoàng tôn là Nguyễn Phúc Cảnh, con trưởng của vua Gia Long sẽ lên ngôi vua, thay vì Hoàng tử Đản là con thứ. Minh Mạng ban hành rất nhiều chỉ dụ cấm đạo với những nội dung như: tôn giáo sai trái của người Tây Dương làm hư hỏng lòng người. Đã từ lâu nhiều tàu Tây Dương đến đây buôn bán và đã để lại các đạo trưởng trong vương quốc này. Các đạo trưởng đã lôi kéo và làm hỏng nhân tâm, làm suy thoái thuần phong mỹ tục. Đó chẳng phải tai họa lớn cho đất nước. Vậy phải chống lại sự lạm dụng này để đưa dân chúng trở lại con đường chính. Phải canh phòng cẩn thận mặt hải cảng, miền núi, tất cả mọi ngả đường thủy bộ để ngăn không cho các đạo trưởng Tây Dương xâm nhập lén lút, trà trộn vào dân chúng để gieo rắc bóng đen trên vương quốc”.[6] Cái thuyết Thiên Đàng, tóm lại chỉ là chuyện hoang đường, không có bằng chứng. Hơn nữa nếu không kính thần minh, không thờ tiên tổ thì rất trái với chính đạo. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy quy là tà đạo hơn đạo nào hết.[7] Năm đó, Minh Mạng ra lệnh cho các quan tỉnh khuyến cáo bỏ đạo, ai thành thực bước qua cây Thập tự thì miễn tội, nhà thờ, nhà giảng cho hủy diệt đi, ai cố tình không tuân bị tội nặng.
Thiệu Trị (1841-1847) cấm đạo không gay gắt bằng Minh Mạng. Phần lớn những người bị bắt vì đạo đều được ông cho “trảm giam hậu” nghĩa là tội chết nhưng giam đợi xét xử và cuối cùng cũng thả cho tự do. Một lý do nữa là vì tàu hải quân Pháp bắn phá cảng Đà nẵng tháng 4 năm 1847, nhưng chỉ dụ này có lẽ không gây tác hại nhiều bởi vì sau một thời gian ngắn ông vua này đã băng hà. Tuy nhiên có thể nói rằng Thiệu Trị vẫn nhìn những thừa sai ngoại quốc là một nguy cơ mất chủ quyền và đảo lộn phong hóa dân tộc. Vua xem Thiên Chúa giáo cũng như là một thuốc phiện mê dân do Tây phương mang lại.
Những áp lực quân sự và ngoại giao khiến cho tình hình Công giáo thời Tự Đức (1848-1883) cũng gặp nhiều khó khăn. Vua ra chỉ dụ bắt tất cả những Đạo trưởng Tây Dương nộp cho quan, ai bắt được sẽ được thưởng 300 lạng bạc. Do nghi ngờ sự đảo chính của Hồng Bảo, con Thiệu Trị do liên kết với người Công giáo. Nên Tự Đức ra chỉ dụ cấm đạo bằng cách ném các Đạo trưởng xuống biển, dù có chà đạp hay không chà đạp lên Thánh giá đi nữa và nhiều hình thức khác khốc liệt hơn. Năm 1858 Tự Đức ra sắc lệnh “Phân tháp giáo dân” Chỉ dụ này được các cấp chính quyền chấp hành nghiêm chỉnh là một đòn chính trị, tâm lý đánh vào cân não và tình cảm của giáo dân và tổ chức của Giáo hội Công giáo; làm phá hủy các làng và các cơ sở Công giáo, các gia đình theo Công giáo buộc phải ly tán để tự tiêu vong, họ hàng, bà con xa lánh. Giáo dân không có cơ hội để dâng lễ, sinh hoạt hội đoàn, cách ly với các giáo sĩ và các tổ chức tôn giáo; bản thân những người theo đạo thường xuyên bị giám sát, con cái bị cách ly khỏi môi trường tôn giáo và làm con tin. Người Ki-tô hữu bị thích vào má hai chữ Tả đạo và tên địa phương nơi giam giữ rồi giao cho các làng không có người Công giáo quản thúc.[8]
2.      Hệ quả việc bách hại người Công giáo của triều Nguyễn
Kinh tế và xã hội
Với những chính sách cấm và bách hại người Công giáo của triều Nguyễn, không những không mang lại hiệu quả tích cực nào cho đất nước. Mà còn làm cho nền kinh tế suy sụp xã hội rối reng, tình hình chính trị thêm phức tạp đó là những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ của các hoàng tử họ Nguyễn. Sau đó là những cuộc nổi loan mà Trần Trọng Kim trong Việt nam Sử lược ghi: "Không đời nào lắm giặc giã bằng đời ngài làm vua (Tự Đức). Chỉ được vài ba năm đầu thì còn hơi yên trị, còn từ năm Tân hợi (1851) trở đi thì càng ngày càng nhiều giặc..." (VNSL tr. 500). Đại Nam Thực Lục chép: "Đời Minh Mạng (1820-1840) có gần 200 vụ cả lớn lẫn nhỏ, đáng kể nhất là vụ Lê Văn Khôi ở Gia Định, đời Thiệu Trị (1841-1847) ngắn ngủi có 7 năm mà cũng có hơn 50 vụ. Đến đời vua Dực Tông (1848-1884) có trên 100 cuộc nông dân khởi loạn, hơn 100 vụ cướp Thanh (Trung Hoa) tràn qua và ngót 60 vụ giặc biển ồ ạt vào cướp phá ngoài hai bọn lớn nhất là bọn Tề Ngôi và bọn Chà-và từ Nam Á tiến lên".[9]
Theo phân tích của Tsuboi nhà sử học Nhật bản thì việc cấm đạo và chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn đã làm cho 4 hạng người thúc đẩy Pháp tiến vào Việt nam là các giáo sĩ muốn tự do truyền giáo, các thương gia muốn kiếm lợi nhiều, các sĩ quan hải quân cai trị có tham vọng trở thành thống đốc toàn quyền và các nhà ngoại giao. Nhưng chỉ có các sĩ quan hải quân Pháp và nhà ngoại giao mới trở thành kẻ xâm lăng. Dù Việt nam đã có những cuộc ngoại giao bằng việc thăm viếng Pháp của các đại thần để học hỏi và trao đổi mua bán súng đạn. Trong nước có những quan đại thần và sĩ phu yêu nước kiến nghị ngăn cản việc cấm đạo và giao lưu mua bán hàng hóa với Pháp, nhưng do tự ái của các vua nhà Nguyễn cho rằng đó là ngụy biện nên không theo.
Giáo hội Việt nam vẫn lớn lên trong thử thách
Thời kỳ đầu dưới thời hoàng đế Gia Long, vì tỏ lòng biết ơn Đức cha Bá Đa Lộc trong công cuộc thống nhất đất nước. Vua Gia Long hủy bỏ các chiếu chỉ cấm đạo, cho các giám mục và các linh mục được tự do giảng đạo, nhiều thánh đường được xây dựng và các cơ sở giáo dục bác ái hình thành, vua cũng cấm lương dân hà hiếp những người Công giáo. Tuy nhiên sau thời vua Gia Long các vua tiếp theo của nhà Nguyễn liên tục ra những chỉ dụ cấm đạo và bách hại nhằm tiêu diệt người Ki-tô hữu là những vị thừa sai ngoại quốc và thần dân của mình. Mặc dù những người Công giáo là những người tuân lệnh vua và yêu nước, họ sẵn sàng hy sinh tính mạng để tòng quân bảo vệ đất nước, nhưng quyết không bỏ đạo. Người Công giáo không lật đổ vua chúa, ở đâu họ cũng muốn là những kẻ trung thành với nhà vua, Hoàng Bảo sẽ biết đến lòng trung thành của họ nếu ngày kia ông được lên ngôi trị vì.[10] 
Sự trưởng thành và lớn lên của Giáo hội Việt nam điểm đáng kể nhất là đức tin kiên định của những Ki-tô hữu dù phải sống trong bắt bớ dã man của các triều nhà Nguyễn. Nhiều khi người công giáo bị bách hại không phải do chính sách của triều đình “Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy trước hết xin giết hết giáo dân rồi sau đánh đuổi Tây cho hết, để giữ lấy cái văn hóa của ta đã hơn một ngàn năm nay”. Có những lúc các cuộc bách hại ác liệt tưởng chừng như người Công giáo không thể đứng vững, nhưng người Ki-tô hữu sẵn sàng chết vì đạo, làm cho đức tin càng được nuôi dưỡng mạnh mẽ, như dầu đổ vào lửa đến nỗi Giáo hội hoàn cầu phải thán phục và Đức Thánh Cha, vị chủ chăn Giáo hội, phải tức tốc thành lập thêm nhiều Giáo phận mới và cơ sở Công giáo tiếp tục hoạt động lại và được mở thêm chủng viện ở An Ninh và Lái Thiêu. Có nhiều sáng kiến trong việc truyền giáo như tụ tập từ 10 đến 15 hay 30 tân tòng trong một nhà để dạy giáo lý. Đàn bà dạy cho đàn bà và đàn ông cho đàn ông. Mỗi tuần thầy giảng đến hai ba lần cắt nghĩa giáo lý và biện bác những sai lầm dị đoan. Các tân tòng ăn chung và nghe sách trong các lần họp. Ngày rửa tội Giáo phận tặng cho một bộ áo trắng kỉ niệm. Đức Cha chia các thầy giảng thành ba bậc. Bậc nhất là những người có khả năng và kinh nghiệm dạy giáo lý. Bậc nhì thường theo các cha đi các họ đạo làm phúc và giúp giáo dân lãnh nhận các bí tích, mỗi cha có khoảng 4 thầy. Bậc thứ ba gồm một số trưởng gia đình, lo trật tự, sửa soạn việc rửa tội và cưới xin, săn sóc người ốm.[11]
Dù trong khó khăn nhưng các cuộc kinh lý của các Giám mục Giáo phận vẫn được tiến hành, ngoài ra còn lập hội trí thức Công giáo, một thứ hàn lâm viện có đủ sách, và khuyến khích giới trí thức nghiên cứu viết luận đề. Một hội đạo đức khác cũng được thành lập là hội Trái Tim. Nhiều giáo dân tích cực trong việc truyền giáo và nhiều người xin vào đạo, các giáo dân được khen thưởng bằng cách tặng các ảnh đeo và bằng khen. Các họ đạo mỗi khi họp nhau cầu nguyện đều đọc kinh cầu nguyện cho lương dân được ơn trở lại đạo Công giáo. Các Giám mục cũng nghiên cứu những làng nào có hy vọng khuyên bảo được thì sai các thầy giảng đến thăm viếng và khuyên nhủ.
Nhìn lại tình hình đạo Công giáo trong thời gian dài sau cuộc tiêu diệt đạo của các vua nhà Nguyễn, ta có thể nói người thất bại chính là các vua, có vua chết trong tức giận, trong khi giáo hội Công giáo Việt nam hiên ngang lớn mạnh một cách lạ lùng, vừa tăng số giáo dân, vừa tăng số thừa sai và vừa tăng số địa phận. Thật máu tử đạo đã tưới gội cánh đồng đức tin làm cho sinh sôi thêm đông số giáo dân.[12]
Kết luận
Tóm lại qua việc tìm hiểu về đời sống người Công giáo dưới thời bách hại khốc liệt của các vua nhà Nguyễn. Chúng ta nhận thấy việc này đã để lại những hệ quả tiêu cực cho đất nước Việt nam lúc bấy giờ. Cụ thể là tình hình chính trị không ổn định, kinh tế và xã hội trì trệ, không theo kịp sự phát triển của thời đại lúc bấy giờ. Mặc dù bên cạnh đó có nhiều thuận lợi để giao lưu thương mại với các nước Âu tây. Như việc mua bán hàng hóa bằng đường thủy qua các tàu buôn để phát triển kinh tế, nhưng nhà Nguyễn không tận dụng được vì tự ái, vì sợ mất nước…
Với những việc gây khó khăn cản trở và bách hại người Công giáo của triều Nguyễn là một trong những nguyên nhân làm cho Pháp sớm can thiệp vào nước ta. Một cơ hội thuận lợi để Pháp quốc chiếm Việt nam làm thuộc địa với danh nghĩa bảo hộ. Và việc bách hại đạo cũng là nguyên nhân gây nên cuộc chia rẽ trong nước giữa người Công giáo và người lương dân. Sự bách hại đạo của nhà Nguyễn cũng là nguyên nhân làm cho người Công giáo quay sang ủng hộ các thừa sai là người nước ngoài, và thuận lợi cho Pháp trong việc thực hiện chính sách thực dân của mình tại Việt nam.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng Giáo hội Việt nam vẫn kiên cường đứng vững. Có nhiều cuộc bách hại đạo làm cho nhiều Giám mục, linh mục và giáo dân phải đổ máu vì đức tin. Trong khi đó Giáo hội Việt nam không suy giảm mà vẫn gia tăng tỷ lệ thuận với các cuộc bách hại. Có thể khẳng định Giáo hội càng khó khăn, càng bị thử thách, càng bị bách hại thì số tín hữu lại ngày càng gia tăng qua từng năm tháng, đời sống đức tin thêm kiên vững và dấu chỉ đó là một số Giáo phận mới được thành lập để thuận lợi cho việc truyền giáo.




[1] Px Đào Trung Hiệu, O.P., Cuộc Lữ Hành Đức Tin, tập II, tr.199.
[2] Px Đào Trung Hiệu, O.P., Cuộc Lữ Hành Đức Tin, tập I, tr.16.
[3] Chủ biên Nguyễn Quang  Ngọc, Tiến Trình Lịch Sử Việt nam, Nxb Giáo Dục, 2000,  tr.190.
[4] Chủ biên Nguyễn Quang  Ngọc, Tiến Trình Lịch Sử Việt nam, Nxb Giáo Dục, 2000, tr.198.
[5] Đỗ Bang, Chính Sách Của Triều Nguyễn Đối Với Thiên Chúa Giáo, tr. 2 .
[6] Đỗ Bang, Chính Sách Của Triều Nguyễn Đối Với Thiên Chúa Giáo,  tr. 2.
[7] Sđd, tr. 3.
[8] Đỗ Bang, Chính Sách Của Triều Nguyễn Đối Với Thiên Chúa Giáo, tr. 6.
[10] Phan Phát Huồn, Việt nam Giáo sử I, tr. 405.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP