Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

CON NGƯỜI TRỌN HẢO KHỞI ĐI TỪ NHẬN THỨC ĐẾN THỰC TIỄN


Raymond Trần Thái Sơn

Nhận biết mình là điều rất quan trọng trong cuộc sống làm người của con người. Khi được sinh ra, con người đã được phú bẩm với những khả năng nhận thức nhất định, nhưng khả năng nhận thức của mỗi người không giống nhau. Khi nói đến một vấn đề gì đó, có người có khả năng nhận thức về nó tốt; có người có khả năng nhận thức khá; có người nhận thức trung bình, và cũng có những người có khả năng nhận thức về nó khác nữa. Cũng vậy, khi nói đến việc nhận biết chính con người của họ, khả năng nhận ra con người của họ cũng khác nhau: Có người biết mình nhiều, có người biết ít, thậm chí cũng có thể có người không hiểu gì. Tuy nhiên có lẽ, ít hoặc nhiều họ cũng nhận biết về con người của họ. Con người cần nhận biết mình có xúc cảm, có lý trí, có tự do, có đời sống xã hội, và có đời sống tâm linh, và có mối quan hệ với thế giới tự nhiên. Muốn trở nên người hạnh phúc, nhờ nhận thức về bản thân, con người cần sống tốt mối tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, với người khác, và với thế giới tự nhiên. Đây là nội dung chính trong bài viết này. Vì bài viết này không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học, nên trong giới hạn của của nó, một số điểm không được phân tích sâu.

1.      Một số khái niệm và nhận định về nhận thức của con người
Một số khái niệm chung về nhận thức của con người được đưa ra để cho thấy nhận thức đóng vai trò thiết yếu của con người và nhờ đó con người hiểu được bản thân mình trước khi đi đến với những mối quan hệ khác bên ngoài. Ví dụ, tôi cần biết chắc rằng trong cuộc sống tôi, tôi luôn tôn trọng bản thân, tôn thờ Thiên Chúa, đối xử tốt với tha nhân và thế giới vật chất. Nếu một trong những mối quan hệ này bị tổn thương, bị gãy, hạnh phúc cuộc sống tôi sẽ ra sao? Có lẽ nó sẽ bị thiếu hụt, không trọn hảo.
Trước hết, biết mình có nghĩa là biết bản thân mình một cách trọn vẹn, biết phần ý thức và vô thức của mình. Đồng thời khi biết mình cũng tạo sức mạnh, thành công và tự điều chỉnh chính mình. Một người mà biết mình thực sự sẽ thành công vì anh ta biết rõ khả năng của mình và lãnh vực nào để áp dụng chúng; trái lại, một người mà không biết mình sẽ lỗi phạm liên tục và thậm chí đi đến chỗ huỷ hoại cuộc sống mình (Sahakian và Sahakian, 1966). Điều này cho thấy rằng sự nhận thức đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người. Nếu tôi không biết phải làm gì, cần gì, đi về đâu, sống với ai và cho ai … , chắc chắn tôi sẽ sống hoàn toàn khác với những gì tôi biết về những điều này.
Bên cạnh đó, nhận thức luôn khởi đi từ sự ý thức. Để làm rõ vấn đề này, một số vấn đề liên quan đến nhận thức phát xuất từ ý thức sẽ được đề cập sơ lược. Khanh (2005) định nghĩa “Ý thức là một trạng thái tỉnh thức với chức năng quan sát, ghi nhận, cảm nhận, nhận định, phẩm định, phân định đối với các sự vật bên ngoài tôi và đối với các suy tư, cảm xúc và hình ảnh bên trong tôi” (tr. 24). Định nghĩa này cho thấy sự ý thức giúp con người nhận thấy được những gì là bên trong và bên ngoài họ; nói cách khác, con người biết được con người của mình nhờ ý thức. Hơn nữa, nhờ có ý thức về ý thức, con người có thể bắt đầu tự khám phá, tự giải thích và tự trình bày con người của họ (Kavanaugh, ?).
Khanh (2005) đã nhận định về ý thức khá sâu sắc. Ông cho rằng là con người đích thực khi họ có ý thức. Một người có ý thức là họ: Hiểu biết nhiều và sâu rộng; biết việc họ làm và đồng thời chịu trách nhiệm trên những gì họ làm; một cách đơn giản nhưng sâu xa là ý thức họ đang hiện hữu và đang sống sự hiện hữu của họ trong liên đới với người khác và thiên nhiên. Sống có ý thức rất đơn giản và sâu xa là biết mình đang làm gì và đang là gì.
Morin (2005) phân chia ý thức thành hai nhánh: ý thức nhận thức và ý thức về bản thân. Hai nhánh này tuy hai mà là một vì ý thức về mình nằm trong ý thức tri thức và vì chúng nhắm đến đối tượng nhưng đồng thời cũng nhắm đến chính mình. Ông cũng cho rằng sự tự tính toán và tự suy nghĩ là nguyên lý căn bản cho ý thức về bản thân; sự ý thức về bản thân của mình giúp cho chủ thể sắp xếp lại tri thức của mình và thậm chí còn có thể đặt lại những vấn đề và những quan điểm của mình. Mặt khác, ông nhận định ý thức của con người luôn có hai mặt: Chủ quan và khách quan, xa cách và bên trong, lạ lùng và thân thiết, ngoại vi và trung tâm, hiện tượng phụ và cốt yếu; cho nên có ít người là tự biết mình vì cái họ biết khá đúng cũng khá sai. Mỗi người có hiểu biết về mình nhưng họ cũng lầm lẫn và lừa dối chính họ. Ví dụ, một người vừa cho mình là chẳng là gì vừa cho mình là trung tâm của vũ trụ. Như vậy, con người cần phát triển ý thức bản thân bằng cách trau dồi năng lực phân tích và nhờ sự giúp đỡ nhận xét của người khác.
Hơn nữa, qua giao tiếp với người khác và với xã hội, ý thức cá nhân được hình thành. Khi giao tiếp, thông tin được truyền tải và tiếp nhận, và như vậy, cá nhân có thể hiểu biết người khác và đối chiếu với bản thân, với chuẩn mực xã hội. Đồng thời họ có được sự tự nhận thức, tự đánh giá và điều khiển hành vi của mình (Uẩn, Lũy và Lang, 2008). Nhờ có cuộc sống xã hội, mối liên hệ với những người chung quanh, sự tự nhận thức và ý thức của con người được hình thành.
Từ các khái niệm trên cho thấy sự tự nhận thức (tự ý thức) của con người đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống con người; nó giúp cho con người nhận được cái gì là bên trong và bên ngoài của mình, những gì liên quan và có mối quan hệ đến cuộc sống của con người. Khi con người nhận biết mình là “một đơn vị hợp nhất toàn vẹn” (integrated unity) (Kavanaugh, ?, tr.6), có nghĩa là con người bao gồm xúc cảm, yêu thương, tâm linh, thân xác, lý trí, tự do, tính xã hội, các giác quan nhận thức, và những yếu tố khác của con người, và phát triển và áp dụng chúng một cách tốt nhất có thể trong cuộc sống và đặc biệt là trong bốn mối tương quan được đề cập sau đây, chắc chắn con người có hạnh phúc trọn vẹn.
2.      Mối tương quan của con người hướng tới sự trọn hảo
Con người cần hiểu biết con người của mình có những gì: Những gì cần phát triển nó, những gì cần giới hạn nó, những gì cần theo đuổi đến mức tốt nhất có thể, những gì cần làm một cách tương đối. Hiểu biết mình là điều quan trọng nhất của con người, nhưng những điều sau đây cũng không kém phần quan trọng. Đó là, con người cần nhận ra và phát triển tốt các mối quan hệ trong cuộc sống làm người: Giữa tôi với tôi, tôi với Chúa, tôi với người khác, và tôi với thiên nhiên.
Tại sao cần có mối quan hệ tôi với tôi? Tại sao tôi phải đối xử tốt đối với tôi? Khi tôi ý thức và nhận thấy con người của mình có những mặt tốt và xấu, tôi cần trân trọng bản thân mình cách tốt nhất. Nói cách khác, tôi không thể làm những gì mang đến sự nguy hiểm và tổn hại cho cuộc sống tôi. Nếu tôi ăn uống quá độ, chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của tôi; và nếu điều này cứ kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên, sức khoẻ của tôi chắc sẽ dần dần trở nên tệ hại hơn nhiều. Khi tôi biết tôn trọng phẩm giá, danh dự, nhân cách, sức khoẻ, tri thức, tâm linh, con người của tôi tốt, chắc sẽ phần nào tôi biết tôn trọng người khác tốt được. Bernstein (1990) nói về việc làm chủ chính mình, ông cho rằng con người không phải là làm chủ người khác, thế giới bên ngoài nhưng là làm chủ chính mình. Đây là vấn đề cần chú ý khi đánh giá bản thân. Hơn nữa, Moga (2004) nhận định rằng “con người hiện hữu là sống trong một số thế giới, và để hiểu tôi là ai tôi phải vượt ra khỏi những chi tiết mà tôi biết về cuộc sống tôi và đánh giá cao về con người của mình, một cảm nhận trong tất cả mọi khía cạnh hoặc mọi mặt” (tr.88). Như vậy khi tôi biết tôi, tôi sẽ trân trọng bản thân mình, hài lòng với những gì tôi đang có, và sống cuộc sống hiện tại đáng trân trọng.
Không chỉ mối tương quan với chính tôi mà còn mối tương quan với người khác giúp cho tôi lớn lên về mọi mặt: tâm linh, yêu thương, nhân cách, tư tưởng, tri thức, và những thứ tương tự. Tôi có những liên hệ với cá nhân cũng như tập thể trong xã hội. Bên cạnh đó. vì con người vốn có xã hội tính nên tự bản thân con người luôn hướng về người khác nên họ cần có người khác để cuộc sống thêm ý nghĩa và hạnh phúc hơn. Cũng vậy, tôn trọng người khác: quyền sống, tự do, tài sản, đời sống cá nhân, và các quyền khác của họ là điều thiết yếu của mỗi con người. Babor (2007) cho rằng con người là người luôn luôn hiện hữu với người khác trên thế gian. Điều đó cho thấy, khi sống trên trái đất, mỗi con người luôn sống với người khác.
Cho dù là ai, tự bản thân con người dù có cố gắng hết sức để đạt được hạnh phúc tuyệt đối nhưng cũng không thể được. Con người vốn là một tạo vật hữu hạn nên tự thân và thậm chí cùng với sự trợ giúp của người khác họ cũng không thể có mọi thứ toàn hảo. Cho nên thánh Âu Tinh (De Beata Vita, IV, 35, trích trong Gilson, 1960) đã cho rằng, hạnh phúc đích thực thì không nằm ở thế gian này. Con người phải tìm kiếm hạnh phúc bằng cách đi vượt ra khỏi thế giới tự nhiên của mình, vì con người là bất toàn trong thế giới tự nhiên. Trên thế gian này chắc chẳng có gì tồn tại muôn thuở ngoài Thiên Chúa. Cũng trong tác phẩm này của thánh Âu Tinh (II, 11), ngài đã khẳng định: Vì Thiên Chúa là vĩnh cửu và vì thế Ngài là Đấng không thay đổi và độc lập hoàn toàn, nên chỉ có ai chiếm hữu được Ngài người đó sẽ có được hạnh phúc. Những trải nghiệm này và những kiến thức và cảm nghiệm về Thiên Chúa chắc đã thôi thúc ngài phải thốt lên rằng “… tâm hồn chúng con áy náy không ngừng, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (Augustine, 2009, tr.15). Cho nên, theo thánh nhân, hạnh phúc đích thực của đời sống con người là biết Chúa và yêu mến Ngài. Sự xác quyết này cho thấy con người trước hết cần nhận biết là bản thân mình cần yếu tố thánh thiêng.
Hơn nữa, con người không thể hiện hữu nếu không có thế giới vật chất. Họ cần nhà cửa để cư trú, các phương tiện để đi lại, không khí để thở, nước và thực phẩm để nuôi sống, và những thứ khác nữa.  Thế giới vật chất là điều kiện cần để con người sống trọn vẹn hơn. Nếu tôi thiếu thốn nhiều điều kiện căn bản trong cuộc sống như quần áo, nhà cửa, thực phẩm ăn uống hằng ngày và cho dù tôi có ý thức và nhận thức về mình một cách tương đối tốt, cuộc sống tôi sẽ ra sao? Có lẽ câu trả lời sẽ nghiêng nhiều về khía cạnh tiêu cực. Thêm vào đó, nếu tôi không tôn trọng thế giới thiên nhiên, căn nhà tôi đang ở, phương tiện đi lại tôi đang sử dụng, và tất cả các thứ khác nữa, tôi sẽ không có để sử dụng và cuộc sống tôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cũng vậy, việc tôn trọng thiên nhiên không chỉ giúp cho cuộc sống cá nhân và cho cả tập thể trong hiện tại và cả trong tương lai. Khí hậu trái đất ngày càng tăng là do việc phá rừng, hiệu ứng nhà kính, chất thải, và vân vân. “Mỗi ngày … người Mỹ thải ra 1,5 triệu tấn chất thải nguy hiểm” (theo tin CBS ngày 17-02-1986, trích trong Clinebell, 1995, tr.179). Bên cạnh đó, Clinebell (1995) cho rằng con người hướng tới con người trọn hảo của mình bằng cách giúp chữa lành một hành tinh đã bị thương tích. Tóm lại, Thiên Chúa đã dựng nên con người và tạo ra mọi loài và giao cho con người sử dụng và làm chủ chúng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà con người có quyền muốn làm gì và cách nào đối với chúng cũng được. Một chân lý căn bản là con người được quyền sử dụng mọi vật trong tự nhiên với sự tôn trọng và quản lý chúng một cách đúng đắn.
Kết luận
Từ những lập luận trên, qua ý thức và nhận thức, con người nhận ra con người mình và những mối tương quan mang bốn chiều kích khác nhau của mỗi cá nhân. Đây là một chặng đường dài đi từ nhận thức chính mình đến áp dụng chúng trong cuộc sống. Khi đã nhận biết mình tốt và thực hiện tốt, con người mỗi ngày trở nên người hơn, nên thánh hơn, sống tốt với mọi người, và yêu thương thiên nhiên hơn.

PS: Bài này tác giả sử dụng phương pháp trích dẫn APA, độc giả có thể tìm hiểu thêm về phương pháp này tại: http://goo.gl/ZJHNe  (BBT)
=================
Tài Liệu Tham Khảo
Augustine. (2009).  Tự thuật. Dịch bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Long Xuyên: Toà Giám Mục Long Xuyên.
Babor, E. (2007). The human person not real, but existing. (tái bản lần 2). Quezon: C & E Publishing.
Bernstein, H. E. (1990). Being human the art of feeling alive. New York: Gardner Press.
Clinebell, H. (1995). Well being. Quezon: Kadena Books.      
Gilson, E. (1960). The Christian philosophy of saint Augustine. New York: Random House.       
Kavanaugh, J. (?). Readings on human identity and the mind-body problem. Textbook for the Philosophy of Human Nature course at saint Louis University.
Khanh, H. L. (2005). Tâm lý học chuyên sâu. Tp HCM: Nhà Xuấn Bản Trẻ.
Morin, E. (2005). Tri thức về tri thức. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Đại Học Quốc Gia Hà Nội.
Sahakian, W. S., & Sahakian, M. L. (1966). Ideas of the great philosophers. New York: Barnes & Noble, Inc.
Uẩn, Q. N., Luỹ, V. N., & Lang, V. Đ. (2008). Giáo trình tâm lý học đại cương. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thế Giới.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP