(tiếp theo)
Thanh Hoài
Thư mục
tham khảo:
1.
Bernard Haring. Thần Học Luân Lý - Những Ý Tưởng Chủ Đạo. Tủ
sách chuyên đề.
2.
Charles E.Curran. Themes in Fundamental Moral Theology. University
of Notre Dame Press. 1977.
3.
Wlliam E. May. An Introduction to Moral Theology. Our
Sunday Visitor Publishing Division. 1994.
4.
Lm. Mai Văn Hùng. Khám Phá Lại
Luân Lý Kitô Giáo. UBĐKCG. Tp.HCM. 1991.
5.
Nguyễn Đức Quang. Luân Lý Cơ Bản. Trung Tâm Học Vấn Đa
Minh. 2007.
6.
Nguyễn Đức Quang (dịch). Người Ta Nói Gì Các Chuẩn Mực Luân Lý. 2003.
7.
Nguyễn Đức Thông (dịch). Một Nhãn Quan Mới Về Luân Lý. 1998.
8.
Nguyễn Đức Thông. Thần Học Luân Lý Căn Bản.(Theo nguyên
tác Free and Faithful in Christ của Benard Haring). 2005.
9.
Nguyễn Bình Tĩnh. Luân Lý Cơ Bản Kitô Giáo. Khóa Thần Học
Liên Tu Sĩ. 1995.
10. Từ Điển Thần Học Kitô Giáo, II.
I.
Những Điểm Dị Biệt Và Tương Đồng Giữa Luân Lý Tự Nhiên Và Luân Lý
Kitô Giáo
Tới đây chúng đã phơi bày một phần nào đó những
điểm đồng dị của hai nền luân lý: tự nhiên và Kitô giáo do những đặc tính khác
nhau về nền tảng, đối tượng và phương pháp. Bây giờ chúng ta, dựa vào những gì
đã tìm hiểu ở những phần trên, cùng phân tích những điểm đồng dị của hai nền
luân lý này.
1.
Về đối tượng
Đầu tiên, luân lý tự nhiên và luân lý Kitô giáo
đều nghiên cứu về con người và ý nghĩa thân phận làm người, cách sống sao cho xứng
với phận làm người ở đời. Tuy nhiên, trong khi luân lý tự nhiên chỉ nghiên cứu
con người với tư cách là một con người, thì luân lý Kitô giáo lại nghiên cứu
con người với tư cách là người con của Chúa, con người-làm-con-cái-của-Chúa.
Nghĩa là, ngoài dựa vào những gì là giá trị căn bản xây dựng phẩm giá và nhân
cách làm người như mọi người, luân lý Kitô giáo nại vào những gì Thiên Chúa đã
đang và sẽ mặc khải trong Kinh thánh để hướng dẫn con người sống sao cho trọn vẹn
thân phận đích thực của mình với tư cách là kẻ tin vào Chúa, là phần tử trong
nước Chúa. Đồng thời, luân lý Kitô giáo cũng giúp cho con người sống sao cho tốt
đời đẹp đạo[1].
Những điều này còn được tìm thấy nơi nền tảng Kinh thánh và giáo huấn của Giáo
hội về số phận loài người như sau:
Thứ nhất, “Dù
ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên
Chúa” (1Cr 10,31). Như vậy, mục tiếu tối hậu và cùng đích của đời người là
tham dự vào vinh quang bất diệt của Chúa Ba Ngôi. Đó là hoạt động đích thực và
là đích điểm mọi hoạt động của con người. Theo như thánh Irênê đã nói: “Gloria
Dei, homo vivens”, đây là một trong những cách tôn vinh Thiên Chúa tốt nhất.
Thứ hai, để khẳng định thêm về vai trò và nhiệm
vụ của con người là tôn vinh Thiên Chúa, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Thực vậy, mầu nhiệm về con người chỉ thực sự
được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Adam con người đầu tiên
đã là hình bóng của Adam sẽ đến , là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Adam mới, trong
khi mạc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, đã cho con người biết rõ về
chính con người và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ. Bởi vậy không lạ
gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc của chúng và đạt tới
tột điểm nơi Người”[2].
Thật vậy, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27) nên con
người luôn khát khao tìm Chúa, lòng chúng con vẫn khắc khoải bao lâu chưa được
nghỉ ngơi bên Chúa[3]
bằng cách mỗi ngày sống trở nên giống Chúa hơn. Sự hiện toàn này được thực hiện
trọn vẹn nơi Chúa Kitô (Dt 1,1-2). Để khẳng định thêm phẩm giá cao quý của con
người là nhận biết Thiên Chúa, Vaticanô II đã nói: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi tới
kết hiệp với Thiên Chúa. Ngay từ lúc mới sinh ra, con người đã được mời gọi đối
thoại với Thiên Chúa: thực thế, con người hiện hữu chỉ là do Thiên Chúa đã vì
yêu thương nên tạo dựng nên con người, và cũng vì yêu thương mà luôn luôn bảo tồn
con người; hơn nữa con người chỉ sống hoàn toàn theo chân lý một khi tự ý nhìn
nhận tình yêu ấy và phó thác cho Ðấng tạo dựng mình. Tuy nhiên có nhiều người
đương thời với chúng ta không nhận ra hoặc công khai gạt bỏ sự liên kết mật thiết
và sống động giữa con người với Thiên Chúa. Vì thế thuyết vô thần phải được kể
là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong thời đại này và cần phải được
nghiên cứu kỹ càng hơn”.[4]
Thứ ba, vì Chúa Kitô đã trở nên mẫu gương cho
loài người noi theo. Nghĩa là, tuy vẫn là thụ tạo, con người vẫn có thể tham dự
vào chính sự sống của Thiên Chúa, theo chân Đức Kitô. Thánh Phaolô đã diễn tả
điều này bằng ý tưởng tình nghĩa tử: “Phàm
ai được Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa… Thần Khí làm cho anh
em nên nghĩa tử, khiến chúng ta kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Rm 8,14-15; Gl
4,4; Ep 1,5). Chính hành vi của con người tin vào Chúa có tính cách siêu phàm,
nghĩa là chịu sự chi phối của ơn Chúa Thánh Thần, nên các hành vi ấy thật sự mới
hẳn so với những hành vi như thế nơi người chưa tin Chúa. Công đồng Vaticanô II
đã xác tín điều này như sau: “Bởi vì nơi
Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính
nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi
vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi
người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người,
đã hành động với ý chí con người đã yêu mến bằng quả tim con người”[5].
2.
Về phương pháp
Một điều dễ nhận biết nhất là: trong khi luân
lý tự nhiên nghiên cứu con người dựa vào những dữ kiện lý trí mà thôi, còn luân
lý Kitô giáo nại vào ba nguồn cung cấp chính: Kinh thánh, truyền thống Giáo hội
và suy lý. Cụ thể, chúng ta thấy, luân lý Kinh thánh không khởi đi từ bản tính hay suy tư thuần lý về bản tính,
nhưng từ lịch sử cứu độ và từ đức tin. Điều này là bởi vì luân lý Kitô giáo khởi
đi từ giữa giao ước Thiên Chúa và con người trong Đức Giêsu Kitô. Cho nên luân
lý Kitô giáo không thể giản lược vào việc đơn thuần chỉ khám phá và thực hành một
số ý tưởng trừu tượng. Nhưng luân lý Kitô giáo được biến đổi trong mối tương
quan liên vị, một cuộc gặp gỡ thực sự riêng tư giữa các ngôi vị.
3.
Về Chủ đích
Luân lý tự nhiên, nhiệm vụ căn bản là nhằm kiện
toàn nhân phẩm con người tự nhiên. Những động cơ thúc đẩy mọi người sống tốt
thuần túy mang tính nhân bản: bổn phận, lòng hiếu thảo, nghĩa hiếu trung, danh
lợi,… Còn luân lý Kitô giáo muốn kiện toàn con người với tư cách là con của
Chúa, tức là con người đã được gia nhập vào cuộc sống của ân sủng thánh rồi. Mục
tiêu chính của những người đi theo Chúa là những lý do siêu việt như: ơn thánh,
công trình cứu chuộc của Chúa Kitô,… Do đó, trong cuộc sống của người Kitô hữu
luôn lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm. Chẳng hạn, mọi người xem tà dâm là xấu vì
hành vi đó làm tổn thương đến phẩm giá con người. Nhưng người Kitô hữu, ngoài
xem đó là hành vi xấu, họ còn xem tà dâm là xấu vì “Thân xác anh em là đền thờ
Chúa Thánh Thần”, “là chi thể của thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô”. Cho nên, ngoài
lý do tự nhiên, người Kitô hữu còn lý do siêu nhiên mà không được phép làm điều
tà dâm. Điều này Thánh Phaolô khẳng định khá rõ ràng: “Anh em không biết sao?
Thân xác anh em là chi thể của Đức Kitô. Vậy tôi sẽ giật lấy chi thể của Đức
Kitô mà làm thành chi thể của con điếm sao? (1Cr 6, 13-20). Cũng vậy, vâng lời
chính quyền nhà nước để trật tự và có cuộc sống bình yên cho mình và cho người
khác, luân lý Kitô giáo còn khuyên phải vâng lời vì “do tự Thiên Chúa thiết định”
(Rm 13,1). Hãy vì Chúa mà phục tùng mọi thể chế trong nhân loại (1Pr 2,13-14). Chính Chúa Kitô cũng đã làm
gương khi dạy Phêrô nộp thế cho Chúa và cho ông (Mt 22,21).
Nói về thực hành nhân đức yêu người, đối với
người đời yêu người là vì “thương người như thể thương thân”, vì lẽ “tứ hải
giai huynh đệ”. Nhưng người Kitô thì còn thêm lý do nữa là: vì mọi người đều cùng là con Cha trên trời, đều được
Chúa Kitô cứu chuộc, “Hãy yêu mến nhau
như Ta đã yêu mến các ngươi” (Ga 15,12). Cũng vậy, chính khi yêu anh em
mình, làm việc tốt cho người anh em mình là làm cho Chúa, “những gì các ngươi đã làm cho một người trong các anh em hèn mọn nhất này của Ta là các ngươi đã làm cho chính
mình Ta” (Mt 25,40). Trong Cựu ước, để buộc dân Chúa phải đối xử nhân hậu với
cô nhi, quả phụ, kẻ ngoại kiều, nô lệ, sách Đệ Nhị Luật đã dạy: “anh em hãy nhớ
lại mình đã làm nô lệ bên Ai cập, và Đức Chúa Thiên Chúa của anh em đã giải
thoát anh em ra khỏi đó” (24,18). Vì thế, “đáng
nguyền rủa thay kẻ làm thiệt hại đến quyền lợi của kẻ ngoại kiều, cô nhi quả phụ”
(27,19).
Với Thánh vịnh 23, 1: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn loài muôn vật, làm chủ hoàn cầu với
toàn thể dân cư” và Lc 16,1-13, cho chúng ta thấy quan điểm của luân lý
Kitô giáo về công bằng xã hội. Ngoài mục tiêu, giữ công bằng xã hội là chống lại
cảnh bóc lột, bảo vệ quyền bình đẳng của mọi người, luân lý Kitô giáo còn cho
thấy quyền tư hữu phải đi đôi với trách vụ xã hội. Ngoài ra, Lc 16,19-31 còn mở
rộng tinh thần san sẻ giữa giàu nghèo. Từ quan điểm đó, Giáo hội nhiệt liệt ủng
hộ việc phát triển các dân tộc với điều kiện làm thăng tiến cả con người và
toàn thể con người.[6]
Nước giàu phải giúp đỡ người nghèo vì lẽ như người quản lý Chúa giao phó của cải
ở trần gian.[7]
Kế tiếp, tại sao Giáo hội lại chống kỳ thị chủng tộc? Chúng ta không kể đến những
lý lẽ nhân đạo, nhân quyền chung của mọi người, luân lý Kitô giáo còn nhấn mạnh:
“Thiên Chúa không thiên vị ai” (Rm 2,11) và “Phàm ai được thanh tẩy trong Đức
Kitô thì đã được mặc lấy Đức Kitô. Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ
hay tự do; không còn nam hay nữ: vì hết thảy anh em là một trong Đức Giêsu
Kitô” (Ga 3,28).
Về lập trường cho hòa bình thế giới, Vaticanô
II phát biểu như sau:
“Phát
sinh từ tình yêu tha nhân, hòa bình trần gian là hình ảnh và là kết quả của hòa
bình Chúa Kitô, hòa bình do Ðức Chúa Cha mà đến. Vì chính Chúa Con Nhập Thể là
thái tử hòa bình đã dùng thập giá Người để hòa giải mọi người với Thiên Chúa;
Người đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể. Người
đã hủy diệt hận thù trong chính xác thể Người, và sau khi đã khải hoàn phục
sinh, Người đã đổ tràn Thánh Thần tình yêu đầy lòng con người”[8].
Ở đây ta thấy rõ quan điểm của Kitô giáo không
chỉ vận động cho hòa bình thế giới vì quyền sống của các dân tộc, vì quyền bảo
vệ giá trị vật chất và tinh thần của nhân loại, nhưng còn đưa ra những lý do
siêu việt mà chỉ những lý do đó thực sự bảo đảm cho hòa bình tồn tại lâu dài.
Cuối cùng, nền luân lý Kitô giáo còn có những
giáo huấn thật sự độc đáo, thuần túy là tinh thần của đạo Chúa Kitô mà vượt qua
luân lý tự nhiên, đôi khi ngược lại với nền tảng luân lý căn bản. Chẳng hạn, những
gì là hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban cho con cái mình trong bài giảng trên núi
trong Mt 5,1-12 thì lại là những điều người đời chê bỏ và sợ hãi. Ngoài ra, sắc
thái của luân lý Kitô giáo là lấy Chúa Kitô làm trung tâm điểm cho đời sống của
mình. “Đối với tôi, sống là Đức Kitô”
(Pl 1,1). Và anh em hãy có nơi mình tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu (Pl
2,5). Vì thế mà Phụng vụ mời gọi người Kitô hữu: “Chính nhờ Người, với Người và
trong Người mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa…”.
Tạm Kết
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về luân lý tự
nhiên và luân lý Kitô giáo. Kế tiếp, chúng ta cũng phân tích vai trò và bản chất
của hai nền luân lý để nhằm đưa ra những đồng dị giữa hai nền luân lý này. Ngày
nay, một trong những vấn đề được tranh cãi khá nhiều là liệu luân lý tự nhiên
có bị bôi xóa hay biến dạng hay kiện toàn khi người tín hữu chịu phép rửa và đã
nhận ra Thiên Chúa, kết hợp với Chúa Kitô một cách thân ái và sống bằng động lực
của Chúa Thánh Thần?[9]
Nhìn về phương diện nội dung, chúng ta thấy sự kiện người tín hữu gia nhập Kitô
giáo không thêm gì cho nền luân lý tự nhiên. Tuy nhiên, người Kitô hữu có một đặc
tính riêng trong cuộc sống thực hành luân lý. Đặc tính riêng đó là “phàm ai ở trong Đức Kitô là thọ tạo mới”
(2Cr 5,17) mà được xem như là một yếu tố nối kết người Kitô hữu lại với Đức
Kitô và tạo ý nghĩa trong hành động luân lý. Chúng ta có thể ví đặc tính riêng
này như là một chân trời mới để cho một luật mới được hình thành nơi người Kitô
hữu. Luật mới này không phải là một thứ luật thành văn được viết ra, nhưng là một
luật hiện diện của Chúa Thánh Thần ghi vào nội tâm nơi người Kitô hữu. Chính động
lực này làm biến đổi những tương quan liên vị với tương quan hiệp thông của
Giáo hội mà trong đó Đức Kitô là trung tâm điểm của mọi hành vi mang tính luân
lý. Tóm lại, luân lý tự nhiên và luân lý Kitô giáo đều có chung một điểm là
công thiện. Công thiện đó không là cái chi khác hơn là sự giải phóng và nảy nở
trọn vẹn con người. Nhưng nét riêng biệt của luân lý Kitô giáo là nằm ở ân sủng
của Đức Kitô. Chính lời nói, cách sống của Chúa Kitô đã cho thấy sự thật về con
người và định mệnh của người Kitô hữu. Người Kitô hữu được mời gọi lấy lối sống
của Đức Giêsu làm của mình và thực hiện lối sống ấy trong cuộc đời của mình. Điều
này đã được Vaticanô II nhấn mạnh: “Ai
theo Chúa Kitô, con người hoàn hảo, thì cũng trở thành người hơn”.[10]
[1] Xc. Thư Chung của Hội Đồng
Giám Mục Việt Nam, ngày 1 tháng 5 năm 1980.
[2] GS số 22.
[3] Thánh Âu-tinh, Tự Thuật, 1.1,1.
[4] GS số 19,1.
[5] GS số 22.
[6] Xc. Thông Điệp Populorum
Progressio, số 14.
[7] Xc. Thông Điệp Rerum Novarum,
số 35.
[8] GS số 78.
[9] Xc Tự Điển Thần Học Kitô Giáo,
cuốn II, trang 281.
[10] Hiến Chế Mục Vụ, số 41.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét