Bruno Vinh
Dẫn nhập
Các ch.13 -17 là các diễn từ từ biệt. Trước sự chia tay giữa
Thầy và trò, các môn đệ đang rất hoang mang, sợ hãi thì Đức Giê-su nói cách rõ
ràng những gì sẽ xảy ra cho các môn đệ của mình để các môn đệ được sự chuẩn bị
tốt về đức tin của mình mà vượt qua được những khó khăn hiện tại. Chương 14 có
thể nói là một trong những đỉnh cao của những mạc khải. Đức Giê-su mặc khải cho
các môn đệ biết Người chính “là con đường và là sự thật và là sự sống”
(14,6), Người là trung gian duy nhất để con người đến với Chúa Cha “không ai đến
được với Cha mà không qua Thầy” (14,6), tương quan của Người với Chúa Cha “Thầy
trong Cha và Cha trong Thầy” (14,11), … đây là những mặc khải quan trọng. Bởi
trong lúc đang bị khủng hoảng thì đó là những khích lệ để các môn đệ có thể vượt qua những khó khăn.
Để phân tích ch.14, người viết xin trình bày trước hết là Đức
Giê-su khích lệ các môn đệ của mình hãy vững tin “vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”
qua việc “biết – tin – làm – xin”. Kế đó là việc “ở lại” của ba Đấng nơi các
môn đệ, đó như là giải pháp cho các môn đệ để các môn đệ “không bị mồ côi”. Và
sau hết là các môn đệ có được sự bình an đích thực trong những khủng hoảng mà
các môn đệ gặp phải. Vì các môn đệ có được sự ở lại của ba Đấng đặc biệt là sự
“ở lại”, “dạy” và “làm cho biết” của Đấng Pa-rác-lê.
Đọc ch.14, chúng ta có thể thấy rõ các đề tài trên. Vì trong
đoạn văn có sự lặp đi lặp lại rất nhiều lần những từ ngữ “biết – tin – làm –
xin”, rồi các động từ “ở lại”, “yêu mến”, “tuân giữ”, “xao xuyến”,…và các danh
từ “thế gian”, “Thủ lãnh thế gian”,… phải chăng người thuật chuyện muốn chuyển
tải cho độc giả một sứ điệp nào đó? Bên cạnh đó ch.14 cho chúng ta thấy được
hình như các môn đệ đang gặp phải những khó khăn, những khủng hoảng. Hiện tại
các môn đệ đang cần một giải pháp nào đó để vượt qua nhưng chưa có được. Và
cũng trong ch.14 này chúng ta thấy được
Đức Giê-su đã đưa ra cho các môn đệ những giải pháp để các môn đệ vượt qua khủng
hoảng mà có được bình an và niềm vui đích thực, một niềm vui không ai cướp mất
được.
Để tìm hiểu rõ đoạn văn Ga 14,1-31 người viết sẽ trình bày
qua các bước: giới hạn đoạn văn, bối cảnh văn chương, cấu trúc của ch.14, quan
sát các nhân vật và một vài từ ngữ chủ đạo trong ch.14, sau cùng là phân tích
ch.14 dựa vào cấu trúc đoạn văn.
Chương 14 này là một phần của đoạn văn lớn hơn: ch.13 – 17
các diễn từ từ biệt[1],
chương này có sự phân biệt rõ ràng với các đoạn văn trước và sau nó. Đức Giê-su
kết thúc ch.13 với lời tiên báo “Phê-rô chối Thầy” (13, 36-38). Qua ch.14 ta thấy
xuất hiện một đề tài mới: những lời khích lệ các môn đệ trước khi Đức Giê-su ra
đi. Ngoài ra trong ch.14 này còn xuất hiện nhiều giáo huấn khác của Đức Giê-su
cho các môn đệ cũng như cho một cử tọa rộng lớn hơn đó là các môn đệ của mọi thời
đại.
Kết ch.14 là việc Đức Giê-su lệnh cho các môn đệ đứng dậy và
ra đi “hãy đứng dậy, chúng ta đi” (c.31). Qua ch.15 là một đề tài hoàn toàn mới
“chính Thầy là cây nho đích thật, và Cha của Thầy là người trồng nho” (15, 1).
Đây là khởi đầu diễn từ thứ hai với những đề tài khác như “ở lại”, “tình yêu”
và “tình bạn” (15, 1-17). Vậy ch.14 là một đoạn văn tương đối độc lập để phân
tích.
Ch.14 nằm trong diễn từ thứ nhất của các diễn từ từ biệt. Các
ch.13 – 14 là diễn từ thứ nhất. Ch.14 này có liên hệ chặt chẽ với ch.13 vì ch.14
thì Đức Giê-su khích lệ các môn đệ “lòng anh em đừng xao xuyến”, “hãy tin vào
Thầy” (14, 1). Sở dĩ như vậy là vì các môn đệ đang hoang mang, đang sợ hãi trước
sự tiên báo của thầy mình là “có kẻ trong anh em sẽ nộp Thầy” (13, 21), còn
Phê-rô thì chối Thầy (13, 38) và các môn đệ thì không hiểu, không biết là Thầy
sẽ đi đâu (13, 36).
Cuối ch.14 (14,31) thì ta
thấy được có sự nối kết tự nhiên với 18,1. Tuy nhiên, người thuật chuyện
cho ta thấy ở ch.15 và ch.16 là cần thiết để cộng đoàn người tin có thể hiểu được
những gì mà Đức Giê-su đã nói ở ch.13 và ch.14. Ở ch.15 và ch.16 dường như là Đấng
Phục Sinh đang nói với cộng đoàn chứ không còn là diễn từ từ biệt nữa. Chính bởi
lẽ đó mà ta hiểu được tại sao mà ở cuối ch.14 Đức Giê-su đã lệnh cho các môn đệ
là “Hãy đứng dậy, chúng ta đi khỏi đây” (c.31) nhưng lại không đi.
Ch. 14 được chia làm ba phần như sau:
Phần I: Ga14, 1-14: Đức Giê-su
khích lệ các môn đệ trước khi Người ra đi
14, 1: Kích lệ “tin”: Đừng xao
xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào
Đức Giê-su.
14, 2-9: “Biết”
14, 2-4: Biết con đường Đức Giê-su sẽ
đi
14, 5-6: Biết đức Giê-su chính là
con đường, là sự thật và là sự sống
14, 7-9: Biết được tương quan giữa Đức
Giê-su với Cha
14, 10-11: “Tin” để nhìn thấy Cha và
công việc của Người
14, 12: “Làm” của Đức Giê-su và làm của các môn
đệ
14,
13-14: Hiệu quả của “tin”: “xin – làm” của các môn đệ nhân danh Đức Giê-su.
Phần II: Ga 14, 15-24: Yêu mến Đức
Giê-su, giữ các điều răn và ở lại của ba Đấng
14,
15-17: Đấng Pa-rác-lê “ở lại”
14,
18-20: Đức Giê-su “ở lại”
14,
21-24: Đức Giê-su và Chúa Cha “ở lại” nơi ai yêu mến Đức Giê-su
Phần III: Ga 14, 25-31: Lấy lại và
triển khai các đề tài
14,
25-26: Hoạt động của Đấng Pa-rác-lê
14, 27-28:
Bình an và niềm vui: “Lòng anh em đừng xao xuyến, đừng sợ hãi”
14, 29-31:
Thủ lãnh thế gian và tình yêu của Đức Giê-su
Ch.14 có thể được chia ra làm ba tiểu đoạn: 14, 1-14 với đề
tài “biết – tin – làm – xin”, 14, 15-24 với đề tài “yêu mến và sự ở lại của Đấng
Pa-rác-lê, Đức Giê-su và Chúa Cha”, 14, 25-31 với đề tài “bình an trong khủng
hoảng”. Ch.14 được chia như vậy là vì ở tiểu đoạn (I) 14, 1-14 có được sự phân
chia rõ ràng với các đoạn văn trước và sau nó. Mở đầu ch.14 là một lời khích lệ
của Đức Giê-su dành cho các môn đệ trước khi Người về cùng Cha. Bên cạnh đó còn có các đề tài “biết – tin –
làm – xin”. Nhưng qua câu 15 thì lại xuất hiện một đề tài mới “Yêu mến Đức
Giê-su và tuân giữ các điều răn của Người”. Từ 14, 15-24 tiểu đoạn (II) thì nói
về lời hứa “ở lại” của ba Đấng (Đức Giê-su, Đấng Pa-rác-lê và Cha) với điều kiện
là “yêu mến và tuân giữ các điều răn của Người”. Tiểu đoạn (III) 14, 25-31 lấy
lại và triển khai những đề tài đã nói trước đó chẳng hạn như: khích lệ tin, dạy và làm cho nhớ lại, nhưng cũng xuất
hiện vài đề tài mới như là sự bình an,
niềm vui và Thủ lãnh thế gian. Sự phân chia này cho phép tiếp cận các ý tưởng
trong trình thuật.
Trong ch.14 người thuật chuyện triển khai nhiều đề tài. Tuy vậy,
các đề tài đó có sự tác động qua lại với nhau chứ không phải là độc lập hoàn
toàn với nhau. Ba tiểu đoạn có sự riêng biệt nhưng đồng thời cũng có những liên
hệ mật thiết với nhau chẳng hạn: chủ đề trấn an ở c.1 thuộc tiểu đoạn một thì ở
cuối chương này lại trở lại đề tài này ở c.27 thuộc tiểu đoạn ba; đề tài “Thầy
đi” ở cc.2, 3, 4 ta sẽ thấy lại ở c.28; để tài “tin” ở c.1 thì ta lại thấy ở
c.29; tiểu đoạn hai thì Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại chủ đề “yêu mến Thầy sẽ giữ
lời Thầy” (cc.23, 24, 21, 15), ban Đấng Pa-rác-lê ở c.16 thuộc tiểu đoạn hai
thì ta sẽ lại thấy c.26 thuộc tiểu đoạn ba là những hoạt động của Đấng
Pa-rác-lê. Toàn ch.14 làm thành một khối thống nhất từ đầu đến cuối.
Thật vậy, mở đầu chương là một sự khích lệ “lòng anh em đừng
xao xuyến” (c.1) và kết thúc chương cũng là một lời khích lệ “lòng anh em đừng
xao xuyến, đừng sợ hãi” (c.27). Tuy nhiên hai lời khích lệ này được đặt trong
hai bối cảnh khác nhau. Sự xao xuyến của các môn đệ ở c.1 liên hệ đến niềm tin.
Niềm tin của các môn đệ bị lung lay khi Đức Giê-su ra đi về cùng Cha. Còn sự
xao xuyến của các môn đệ ở c.27 lại mang ý nghĩa khác. Sự xao xuyến và sợ hãi của
các môn đệ là vì “Thủ lãnh của thế gian đang đến” (c.30). Thế gian này không biết,
không thấy và nhất là nó không tin vào Đức Giê-su. Nếu các môn đệ không thuộc về
thế gian thì thế gian sẽ trục xuất và bách hại các môn đệ. Do đó mà các môn đệ
xao xuyến và sợ hãi. Và vì vậy mà Đức Giê-su khích lệ các môn đệ bằng cách ban
cho các ông sự bình an của chính Người. Sự bình an này không giống như là sự
bình an của thế gian. Một cách chi tiết:
Tiểu đoạn I (14, 1-14) tập trung vào việc Đức Giê-su khích lệ
các môn đệ của mình hãy vững tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su. Khích lệ
các môn đệ bằng cách nói cho các môn đệ biết sự cần thiết của việc ra đi này.
“Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em” (c.2), và “Thầy lại đến để đem anh em theo với
Thầy, để Thầy ở đâu đanh em cũng ở đó” (c.3). Đây là sự khích lệ lớn cho các
môn đệ.
Tiểu đoạn II (14, 15-24) nói về hiệu quả của việc tin và yêu
mến Đức Giê-su. Nếu yêu mến Đức Giê-su thì được Đấng Pa-rác-lê, Đức Giê-su và
Chúa Cha đến sống (ở lại) nơi người ấy. Để thể hiện tình yêu mến ầy thì các môn
đệ phải giữ các điều răn của Đức Giê-su đã dạy. Điều này Đức Giê-su không chỉ
nói với các môn đệ mà hơn thế Người nói với mọi người trong mọi thời đại bằng
chứng là “ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy là người yêu mến Thầy”
(c.21). “Ai” ở đây là tất cả mọi người. Chính sự “ở lại” của ba Đấng sẽ là điều
khích lệ cho cộng đoàn các môn đệ, để cộng đoàn vượt qua được những sự xao xuyến
và sợ hãi.
Tiểu đoạn III (14, 25-31) đây lại là sự khích lệ cho các môn
đệ vì Đức Giê-su ban cho các môn đệ sự bình an của chính Người. Mạc khải cho
các môn đệ biết là “Cha lớn hơn Thầy” (c.28) và vì vậy mà anh em hãy vui mừng
vì Thầy về cùng Cha của Thầy và cũng là Cha của anh em.
Tin: ở đây từ này có ba dạng
thức
Tin vào (pisteu,ete eivvvvvvvj) xuất hiện 3 lần ở các câu 1a.1b.12: động từ này có
nghĩa là đối tượng của niềm tin và ở đây đối tượng chính là Thiên Chúa và Đức
Giê-su.
Tin rằng (pisteu,eis o[ti): xuất hiện 2 lần ở các câu 10.11a: nội dung của niềm
tin. Ở đây chính là Đức Giê-su và Chúa Cha là một.
Tin(pisteu,w): xuất hiện 1 lần ở câu 11b: ở đây có nghĩa là tin
cách tuyệt đối (không có bổ túc từ).
Biết: ở đây có hai dạng
Biết (hiểu biết: oi=da), xuất hiện 3 lần (cc.4.5a.5b) ở đây có nghĩa là do
lí luận ta có thể biết được.
Biết (học biết: ginw,skw), xuất hiện 4 lần (cc.7a.7b.7c.9a) có nghĩa là ta biết
được qua quá trình học hỏi với những kinh nghiệm trong sự kết hợp sâu xa với Đức
Giê-su và Chúa Cha.
Làm (poie,w):
xuất hiện 9 lần (cc.10.12 (3 lần).13.14.23.26.31) gồm các việc làm của Đức
Giê-su, của Cha, của Cha và Thầy, của Đấng Pa-rác-lê.
Xin: (aivte,w) động từ này xuất hiện 2 lần
ở các câu 13 và 14. Xin trực tiếp Đức Giê-su hay xin trong danh Người thì chính
Người sẽ làm.
Yêu mến: (avgapa,w) động từ này xuất hiện 10 lần
trong các câu 15.21 (4 lần).23 (2 lần).24.28 và 31. Trong đó ta thấy 5 lần là
nói về tình yêu dành cho Đức Giê-su (cc.15a.21b.21c.23a.24a), 2 lần là tình yêu
của Chúa Cha dành cho những người yêu nến Đức Giê-su (cc.21c.23b), một lần nói
đến tình yêu của Đức Giê-su dành cho những ai yêu mến Người (c.21d), một lần
tình yêu của Đức Giê-su dành cho Chúa Cha (c.31)…
Tuân giữ (thre,w): động từ này xuất hiện 4 lần
(cc.14.21.23.24), yêu mến thì tuân giữ điều răn của Thầy còn không yêu mến thì
không tuân giữ.
Thế gian (kosmoj): xuất hiện 6 lần trong
chương này (cc.17.19.22.27.30.31). Thế gian ở đây chính là thế gian thù ghét,
là những người Do Thái, những người chống đối Đức Giê-su đã được nói đến ở
chương 1 đến chương 12 trước đó.
Trước hết ta thấy có:
Đức Giê-su ( vIhsou/j): (227lần) :1,17.29.36.37.42(2l).43.45.47.48.50;
2,1.2.3.4.7.11.13.19.22.24; 3,3.5.10.22;
4,1(2l).2.3.6.7.10.13.17.21.26.44.46.47.48.50.53.54; 5,1.6.8.13.14.15.16.19;
6,1.3.5.10.11.15.17.19.22.24(2l).26.29.35.43.53.61.624.67.70;
7,1.6.16.21.33.37.39; 8,1.6.10.11.12.14.19.25.28.31.34.39.42.49.54.58.59;
9,3.11.14.35.37.39.41; 10,6.7.23.25.32.34;
11,4.5.9.13.17.20.21.23.25.27.30.33.35.38.39.40.41.44.46.51.54.56;
12,1.2.7.9.11.14.16.22.23.30.35.36.44;
13,1.7.8.10.21.23(2l).25.26.27.29.31.36.38; 14,6.9.23; 16,19.31; 17,1.3; 18,1.2.4.5.7.8.11.12.15(2l).19.20.22.23.28.32.33.34.36.37;
19,1.5.9.11.13.18.19.20.23.25.26.28.30.33.38.40.41;
20,2.12.14.15.16.17.19.26.29.30.31; 21,1.4.5.7.10.12.13.14.15.20.21.22.23.25) chương
này Đức Giê-su mạc khải nhiều điều cho các môn đệ như: Thầy là con đường là sự
thật và là sự sống (c.6), Người tỏ cho các môn đệ biết Chúa Cha (c.4), tương
quan của Người với Cha (c.11), Cha thì lớn hơn Thầy (c.28), Đấng Pa-rác-lê (cc.16,
17, 26)…phần lớn là độc thoại, chỉ có ba lần là đối thoại với Tô-ma, Phi-líp-phê
và Giu-đa, không phải là Giu-đa Ít-ca-ri-ốt.
Tô-ma (Qwma/j): (6 lần: 11,16; 14,5; 20,26.27.28) nhờ Tô-ma mà các môn
đệ và người đọc có cơ may biết được Đức Giê-su là ai và biết được đường Đức
Giê-su đi.
Phi-líp-phê (Fi,lippoj): nhờ câu nói của Phi-líp-phê
mà các môn đệ và người đọc biết được Chúa Cha và biết được tương quan giữa Đức
Giê-su với Chúa Cha.
Cha (path,r): Cha là Thiên Chúa, lớn
hơn Đức Giê-su đã sai Đức Giê-su đến để làm những công việc của Cha.
Đấng Pa-rác-lê (para,klhtoj): chính là Thần Khí sự thật
(c.17) và Thánh Thần (c.26)mà Cha đã ban cho các môn đệ nhờ sự can thiệp của Đức
Giê-su với Cha.
Giu-đa, không phải Ít-ca-ri-ốt ( vIou,daj): qua câu hỏi của Giu-đa,
không phải Ít-ca-ri-ốt các môn đệ và người đọc biết được không phải tất cả mọi
người đều tin và yêu mến Đức Giê-su, không phải tất cả mọi người đều biết được
Đức Giê-su là Con Thiên Chúa.
Các môn đệ (maqhtai.): (các môn đệ, không có Giu-đa
Ít-ca-ri-ốt. Bản văn không nói rõ, chỉ nói là có Nhóm mười hai ở với Đức
Giê-su) là những người trực tiếp đang nghe giáo huấn từ nơi Đức Giê-su.
Thủ lãnh thế gian (tou/
ko,smou a;rcwn):
xuất hiện một lần ở câu 30. Đây chính là Xa-tan, đây là dịp thuận tiện cho nó
và điều trùng hợp thì đây cũng là thời gian của Đức Giê-su ra đi về cùng Cha.
Ch.14 xảy ra trong khung cảnh là Bữa tiệc ly – một bữa tiệc
chia tay giữa Đức Giê-su với các môn đệ của mình. Còn bữa tiệc diễn ra nơi nào
thì bản văn không cho chúng ta biết. Bữa ăn là khung cảnh để Đức Giê-su mặc khải
nhiều đề tài quan trọng cho các môn đệ cũng như cộng đoàn người tin. Quan sát bản
văn ta chỉ biết được sau bữa tiệc này thì Đức Giê-su ra lệnh đứng dậy (c.31).
Bữa tiệc ly xảy ra trong bối cảnh lúc trời tối (13, 30). Theo
Tin mừng thứ tư “trời tối” có nghĩa biểu
tượng là thời gian của Xa-tan, thời của “Thủ lãnh thế gian” (14, 30). Và đây
cũng là lúc cuối của bữa ăn vì cuối ch.14 thì Đức Giê-su cùng với các môn đệ của
mình ra đi. Tiếp theo là ch.15 – 17 đọc lại ch.13 - 14. Thời gian kéo dài qua
các diễn từ, sau ch.14 các diễn từ từ biệt được tiếp tục cho đến hết ch.17.
1.
Đức Giê-su khích lệ các môn đệ trước khi
Người ra đi (Ga 14, 1-14).
Ở phần I này người viết xin trình bày ba đề mục: (1) khích lệ
“tin”; (2) mời gọi “biết” và (3) hiệu quả của việc tin là “những việc Thầy làm người
ấy cũng sẽ làm” (c.12b) và “nếu anh em xin Thầy điều gì trong danh của Thầy,
chính Thầy sẽ làm” (c.14).
(1)Trong bối cảnh của ch.13 cho thấy một bầu khí khủng hoảng
từ bên trong lẫn bên ngoài cộng đoàn các môn đệ. Các môn đệ đang bị hoang mang
vì những gì mà Thầy mình vừa tiên báo. Chính vì thế mà mở đầu ch.14 là lời trấn
an các môn đệ “lòng anh em đừng xao xuyến” (14,1a). Và Đức Giê-su nhấn mạnh
“hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (14,1b). Lời đó như là một yêu câu
nhưng cũng có thể thấy đó như là lời mời gọi tha thiết của Đức Giê-su dành cho
các môn đệ của Người. Người cho các môn đệ biết rằng để vượt qua được khủng hoảng
này (đây là khủng hoảng niềm tin) thì các môn đệ cần phải “tin vào” Thiên Chúa
và Đức Giê-su. Tin vào Thiên Chúa vì Ngài là nguồn cội của niềm tin, mà tin vào
Thiên Chúa cũng có nghĩa là tin vào Đức
Giê-su vì “Thầy trong Cha và Cha trong Thầy” (14,11). Điều này nói lên sứ điệp
giảng dạy của Đức Giê-su nơi trần thế này không gì khác hơn đó là làm cho muôn
dân nhận biết và tin vào Người chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa làm Người.
Niềm tin này nay được chính Người mặc khải cho biết, Người giải thích cho biết,
cho hiểu được ý nghĩa của sứ điệp để mọi người nhất là các môn đệ có thể đứng vững
trước những sự bách hại của thế gian.
(2) Mời gọi “biết”. Trong bối cảnh khích lệ các môn đệ, Đức
Giê-su đã nói cho các môn đệ “biết” con đường mà Người sẽ đi và. Con đường Người
đi là “về cùng Cha”. Và mục đích chính là để “dọn chỗ cho anh em”. Người đi trước
khai mở để các môn đệ biết đường mà theo và chính Người sẽ trở lại để đem các
môn đệ theo Người “để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (c.3b). Bởi vậy cuộc chia
tay này chỉ mang tính tạm thời và cần thiết phải có cuộc chia tay này để khi trở
lại thì Người ở với các môn đệ của mình luôn mãi. Thế nên, sự ra đi của Đức
Giê-su không phải là một sự mất mát, gây nên đau buồn nhưng đó là một niềm hy vọng
và sự tin tưởng. Hy vọng sẽ được ở lại trong nhau mãi. Vì khi đó chính Đức
Giê-su là con đường. Chính cái chết của Người là con đường. Khi các môn đệ đi
theo con đường Đức Giê-su đi, đi trên con đường mà Đức Giê-su đã đi thì lúc đó
các môn đệ cũng đã được Đức Giê-su ở cùng. Chính qua sự thắc mắc của Tô-ma mà
các môn đệ biết được Đức Giê-su đi về với Cha qua cái chết của Người. Đây là một
nghịch lí khiến cho các môn đệ không thể nào hiểu được và các môn đệ đã rất
hoang mang nhưng cũng nhờ vậy mà các môn đệ được biết thêm về chính Thầy của
mình: “Chính Thầy là con đường và là sự
thật và là sự sống” (c.6a). Và thêm nữa
là Người là trung gian duy nhất để con người đến với Cha vì chính Đức Giê-su đã
khẳng định “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (c.6b). Và đích điểm của
mọi mặc khải cũng như đích điểm của con người là Thiên Chúa chứ không dừng lại ở
nơi Đức Giê-su. Người cho các môn đệ biết mọi việc của Người làm là để tôn vinh
Cha, là để mọi người nhận biết Cha và Người về cùng Cha qua cái chết đấy cũng
là để tôn vinh Cha.
Hơn nữa quan sát đoạn văn 14,7-9 người đọc có thể nhận thấy điểm
nhấn của mặc khải là “biết”. Biết Đức Giê-su về cùng Cha qua cái chết, không phải
là cái biết đơn thuần, là những lí luận đầu óc, nhưng quan trọng hơn đó là “biết”
tương quan giữa Đức Giê-su với Cha, dựa trên nền tảng tương quan giữa Đức
Giê-su với các môn đệ (c.7). Đức Giê-su cho các môn đệ biết tương quan giữa Người
với Cha mật thiết đến độ “ai thấy Thầy là thấy Cha” (c.9). Đây là sự hiệp thông
trọn hảo giữa Người với Cha đến độ nên một trong nhau.
Đoạn văn 14,10-11 khẳng định cho các môn đệ tin rằng tương
quan của Người với Cha là một tương quan rất mật thiết. Người đã mặc khải cho
các môn đệ biết về Người để các môn đệ tin vào Người. Niềm tin của các môn đệ
trong hoàn cảnh này là rất quan trọng, bởi lẽ nó sẽ giúp các môn đệ đứng vững
trước những bách hại của thế gian. Đức Giê-su đang khích lệ và mặc khải về
chính mình cũng như về Cha cho các môn đệ, để niềm tin của các môn đệ vào Người
được luôn kiên vững. Cùng một nội dung “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy” nhưng
Đức Giê-su đã nói đến hai lần: lần đầu nghe thoáng qua như có vẻ Người trách
móc các môn đệ “anh em không tin rằng: Thầy trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?”
(c.10a). Nhưng lần thứ hai liền sau đó thì Người lại khích lệ các môn đệ “anh
em hãy tin Thầy: Thầy trong Cha và Cha trong Thầy” (c.11a). Người nhắc đi nhắc
lại mối tương quan của Người với Cha. Người muốn cho các môn đệ tin vào mối
tương quan đó để các môn đệ có thể nhìn thấy Cha và các công việc của Cha. Đây
là điều an ủi các môn đệ để các môn đệ khỏi bị hoang mang khi vắng Thầy. Nhất
là các môn đệ được ở mãi trong tương quan với Đức Giê-su và với Cha nếu các ông
“tin”.
(3) Hiệu quả của việc “tin” đó là “làm được những gì Thầy
làm” và “xin gì thì Thầy sẽ ban cho anh em”. Trước hết là anh em sẽ làm được những
gì Thầy làm nếu anh em tin vào Thầy. Quả thật, Đức Giê-su đã khẳng định cách mạnh
mẽ về hiệu quả của việc tin, điều này được thể hiện qua điệp từ “A-men” được lặp
lại tới hai lần trong c.12 “A-men, a-men, Thầy nói cho anh em: Ai tin vào Thầy,
những việc Thầy làm người ấy cũng sẽ làm và sẽ làm những điều lớn hơn, vì Thầy
đi về với Cha.” Ở đây ta thấy đối tượng được kêu mời đã thay đổi, lúc này không
còn phải chỉ các môn đệ không mà là “ai”, một cử tọa rộng lớn hơn. Tất cả mọi
người đều được mời gọi tin vào Người để cũng làm được những điều Người đã làm.
Mọi người được mời gọi tiếp tục công trình của Người nơi trần gian này. Điều
quan trọng hơn đó là khi làm những việc Người làm thì người đó được ở trong
tương quan của Đức Giê-su với Cha. Chính niềm tin vào Đức Giê-su giúp cho người
tin làm được những việc của Người và còn làm được những việc lơn lao hơn nữa.
Tuy nhiên, việc làm này là do trong tương quan với Đức Giê-su và với Cha mà người
tin mới có thể làm được hay nói cách khác đó là do chính Đức Giê-su ở lại nơi
người tin làm cho họ.
Một khi đã tin vào Đức Giê-su thì người đó xin gì cũng sẽ được
chính Đức Giê-su làm cho để cho danh Cha được tôn vinh. Chúng ta thấy hiệu quả
việc làm của người tin hoàn toàn phụ thuộc
vào hành động “làm” của Đức Giê-su vì “chính Thầy làm cho anh em” chứ không phải
là chính anh em làm. Mọi công việc của người tin phải khởi đi từ việc kêu xin
nhân danh Đức Giê-su, từ đó Người làm và người tin mới có thể làm. Làm của các
môn đệ, của người tin phải được đặt trên nền tảng làm của Đức Giê-su và mục
đích chính là “để Cha được tôn vinh nơi Con” (c.13).
Chủ để “tin” là một chủ đề quan trọng hơn cả vì nó nối kết
các chủ đề khác. Thật vậy, khi đọc 14,1-14 chúng ta thấy được các môn đệ và người
tin qua mọi thời được mời gọi tin vào Đức Giê-su để biết được Người đi đâu, biết
được Người chính là đường – là sự thật – và là sự sống, và hơn thế còn biết được
tương quan giữa Đức Giê-su với Cha của Người. Nhờ được mặc khải cho biết mà các
môn đệ và người tin qua mọi thời tiếp tục làm những công việc của Đức Giê-su ở
trần gian để làm vinh danh Cha. Và nhất là trong danh Đức Giê-su họ (người tin)
xin gì thì cũng được Thiên Chúa nhậm lời.
Trong phần II (14,15-24) người viết xin trình bày sự ở lại của
ba Đấng (sự ở lại của Đức Giê-su, của Cha và của Đấng Pa-rác-lê) với điều kiện
là yêu mến và tuân giữ các điều răn của Đức Giê-su. Sự ở lại của ba Đấng nơi
các môn đệ và nơi người tin là một khích lệ lớn cho các môn đệ cũng như cho cộng
đoàn người tin qua mọi thời đại.
Sự ở lại của Đấng Pa-rác-lê
(14,15-17).
Trong Tin Mừng thứ tư, Đấng Pa-rác-lê xuất hiện ở năm đoạn
văn (14,15-17; 14,25-26; 15,26-27; 16,7-11 và 16,12-15), năm đoạn văn này thuộc
các ch.14 đến ch.16. Đề tài “ở lại” của Đấng Pa-rác-lê được nói đến trong đoạn
văn 14,15-17. Mặc dù ở câu 15 chưa xuất hiện Đấng Pa-rác-lê nhưng đó chính là
điều kiện để Đức Giê-su can thiệp với Cha để Người “ban cho anh em một Đấng
Pa-rác-lê khác”. Đấng Pa-rác-lê sẽ chỉ được ban cho những ai “yêu mến và tuân
giữ các điều răn của Đức Giê-su”. Liên từ “và” xuất hiện ở đầu câu 16 đã làm
cho câu 15 trở thành điều kiện để Đức Giê-su can thiệp với Cha, để Người ban
cho các môn đệ Đấng Pa-rác-lê khác. Và vai trò của Đấng Pa-rác-lê trước hết là
“ở với anh em mãi mãi”.
Chỉ trong Tin Mừng thứ tư mới gọi Đấng Pa-rác-lê là Thần Khí
sự thật (c.17). Nhưng ở đây có sự tương phản giữa thế gian với các môn đệ về việc
đón nhận Thần Khí sự thật (Đấng Pa-rác-lê). Thế gian đã không đón nhận Người vì
thế gian không thấy và cũng chẳng biết nhưng các môn đệ thì khác. Các môn đệ
thì biết Thần Khí sự thật, vì được Người ở lại, ở giữa và ở trong các môn đệ
(c.17b). Việc Đấng Pa-rác-lê đến ở lại với các môn đệ là một sự khích lệ lớn
cho các ông bởi Đấng ấy sẽ tiếp tục công việc mà Đức Giê-su đã thực hiện nơi trần
gian và nhất là Đấng ấy sẽ “dạy và làm cho anh em nhớ lại tất cả” (c.26).
Sự ở lại của Đức Giê-su
(14,18-20).
Ngay sau đoạn văn nói về sự “ở lại” của Đấng Pa-rác-lê
(14,15-17), thì Đức Giê-su nói với các môn đệ “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”
(c.18a). Nếu chúng ta đọc đến đó (c.18a) và dừng lại thì, chúng ta nghĩ ngay rằng
các môn đệ không bị mồ côi là vì các môn đệ đã có Đấng Pa-rác-lê đến (ở lại).
Tuy nhiên đọc hết câu văn thì ta thấy được các môn đệ không mồ côi là vì chính
Đức Giê-su lại “đến” với các môn đệ (c.18b). Đến đây ta thấy được Đấng
Pa-rác-lê không phải đến để thay thế Đức Giê-su nhưng là cả hai Đấng cùng đến ở
với các môn đệ. Đấng Pa-rác-lê đến và Đức Giê-su cũng lại đến sau biến cố Phục
Sinh. Quả thực, sau biến cố Phục Sinh, Đức Giê-su đến gặp lại các môn đệ và các
môn đệ đã rất vui mừng vì được “thấy” lại Người.
Cụm từ “mồ côi” hàm ẩn rằng Đức Giê-su sẽ “ra đi” như Người
đã nói ở trên “Thầy đi về với Cha” (c.12) nhưng Người sẽ “đến” và chính các môn
đệ sẽ “thấy” (c.19) và Người “ở trong” các môn đệ (c.20). Sự ra đi của Đức
Giê-su làm cho các môn đệ bị khủng hoảng, bị bách hại. Thế nên, để trấn an các môn
đệ Đức Giê-su hứa sẽ “lại đến” với các môn đệ. Điều này được thể hiện qua động
từ “đến”, đó là sự trở lại của Đức Giê-su sau biến cố Phục Sinh: “…ngày thứ nhất
trong tuần,…Đức Giê-su đến, Người đứng giữa các ông và nói với các ông: bình an
cho anh em” (20,19).
Câu 19 xuất hiện cụm từ “một ít nữa”, cụm từ này chỉ về một
khoảng thời gian ngắn. Quả thật Người biết thời gian của Người ở thế gian không
còn nhiều nữa vì “thủ lãnh thế gian đang đến” nên “một ít nữa” khi Người ra đi
thì thế gian (những người không tin vào Đức Giê-su) sẽ không còn thấy Người nữa.
Sở dĩ họ không thấy Người là vì họ chỉ thấy bằng con mắt thể lí nên khi Người về
cùng Cha (sự ra đi của Đức Giê-su) qua cái chết của Người thì họ không thể thấy
được Người. Nhưng lúc đó các môn đệ (những người tin) sẽ lại thấy Người vì lúc
này (sau biến cố Phục Sinh) họ cảm nhận được Người hiện diện bằng con mắt đức
tin và đây chính là sự ở lại trong nhau mãi mãi. Thế gian không thấy Người là
vì thế gian không tin vào Người, không đón nhận mặc khải của Người. Còn các môn
đệ thấy là vì các môn đệ tin. Trong câu 19 động từ “thấy” còn cho chúng ta biết
rằng chính Đức Giê-su sống và các môn đệ cũng sống bằng chứng là “một ít nữa”
các môn đệ lại được “thấy” Đức Giê-su. Đây cũng là niềm khích lệ cho cộng đoàn
các môn đệ vì niềm tin của các môn đệ đang bị đe dọa, bị lung lay và mạng sống
của các môn đệ đang bị nguy hiểm nên khi tìm được sự sống nơi Đức Giê-su, thấy
lại được Người có nghĩa là các môn đệ cũng sẽ sống. Chính Thánh Thần sẽ dạy cho
các môn đệ biết, hiểu và nhớ lại tất cả. Sự ra đi của Đức Giê-su là sống ở với
Chúa Cha và chính Người làm cho các môn đệ được sống và các môn đệ sẽ không phải
mồ côi.
Một điều nữa an ủi các môn đệ là các môn đệ được hiệp nhất với
Chúa Cha qua sự hiệp nhất với Đức Giê-su (c.20). Mở đầu câu 20 là một trạng từ
chỉ thời gian, điều này cần phải xác định lại các đối tượng đón nhận. Thật vậy
nếu là với các môn đệ thì điều đó chỉ về tương lai. Đức Giê-su hứa cho các môn
đệ có được sự hiệp thông với Người và với Cha trong tương lai tức là sau biến cố
Thương Khó – Phục Sinh. Nhưng với cộng đoàn ở thế kỷ thứ nhất thì khác, họ đã
có được sự hiệp thông ấy rồi. Họ đã được sống trong sự hiệp thông sâu xa ấy rồi.
Sự hiệp thông giữa Đức Giê-su với các môn đệ được đặt nền trên sự hiệp thông của
Người với Cha. Kiểu nói “Thầy trong Cha và Cha trong Thầy” trong Tin Mừng thứ
tư là kiểu nói đến việc “ở lại trong nhau”, sự hiệp thông trọn vẹn giữa Đức
Giê-su và Chúa Cha. Cũng vậy sự ở lại trong nhau giữa Đức Giê-su và các môn đệ
cũng được diễn tả như sự ở lại của Người với Chúa Cha. “Tính” như vậy đây là sự
ở lại trong nhau mãi. Từ nay các môn đệ và người tin qua mọi thời đại luôn có sự
hiện diện của Đức Giê-su và Chúa Cha.
Đức Giê-su và Chúa Cha “ở lại”
nơi ai yêu mến Đức Giê-su (14,21-24).
Để tìm hiểu sự “ở lại” của Đức Giê-su và Chúa Cha chúng ta
cùng quan sát các động từ “yêu mến” và “giữ” trong đoạn văn 14,21-24. Kế đó
chúng ta cùng so sánh “chỗ ở” trong nhà Chúa Cha ở 14,2-3 với việc Đức Giê-su
và Chúa Cha làm “chỗ ở” (nhà) (c.23) nơi những ai yêu mến Đức Giê-su.
(1)Trong đoạn văn 14,21-24 đề tài “ở lại” luôn đi đôi với việc
“yêu mến” và “giữ” các điều răn của Đức Giê-su. Ngay ở đầu câu 21 Đức Giê-su đã
nói “ai có các điều răn của Thầy và giữ chúng, người ấy là người yêu mến Thầy”
(c.21a), đây là điều mà Đức Giê-su đã nói trước ở câu 15 nhưng ở chiều ngược lại
tức là “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (c.15)
hay là “ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời của Thầy” (c.23). Và ở câu 24 thì Người nói
cách rõ ràng là “ai không yêu mến Thầy, thì không giữ những lời của Thầy”
(c.24a). Lối nói của Người cho phép ta hiểu: “yêu mến” thì “giữ” và “giữ” thì
cũng có nghĩa là “yêu mến”. Ở đây ta thấy hai động từ này có mối liên hệ chặt
chẽ với nhau. Hai động từ này có thể hoán đổi vị trí cho nhau có nghĩa là “yêu
mến Đức Giê-su” thì đã hàm chứa việc “giữ các điều răn của Người”. Ngược lại,
việc “giữ các điều răn của Đức Giê-su” thì cũng hàm chứa tình yêu dành cho Người
rồi. Như vậy, việc “giữ” các điều răn là do “yêu mến” chứ không phải vì sợ hay
vì bị ép buộc phải “giữ”. Đây là cách bày tỏ tình yêu của người môn đệ với Thầy
mình (Đức Giê-su) một cách tự do nhất. Bên cạnh đó cũng là điều kiện để trở
thành người được Chúa Cha yêu mến, được Đức Giê-su yêu mến (c.21) và nhất là được
Chúa Cha và Đức Giê-su “đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy” (c.23c).
(2)Đề tài “ở lại” của Chúa Cha và Đức Giê-su nơi người yêu mến
Đức Giê-su (c.23c) được nhấn mạnh bằng các động từ “đến” và “làm chỗ ở” hay
“làm nhà”. Đức Giê-su nói: “Chúng Tôi (Cha và Thầy) sẽ đến với người ấy và sẽ
làm chỗ ở (để sống với) nơi người ấy” (c.23c). Kiểu nói “làm nhà…” có nghĩa là
đến ở, đến để sống với. Như vậy, người yêu mến Đức Giê-su sẽ được Chúa Cha và Đức
Giê-su đến hiện diện và sống với người ấy. Tất cả những lời hứa trong đoạn tiểu
đoạn II (14,15-24) sẽ thành hiện thực với điều kiện là “yêu mến Đức Giê-su”.
Còn những ai không yêu mến Đức Giê-su thì có nghĩa là chối từ sự hiện diện của
Chúa Cha và của Đức Giê-su.
Khi nói đến “chỗ ở” (πολλαί εἰσιν·) ta thấy xuất hiện hai lần ở c.2 và c.23. Để hiểu được điều Đức
Giê-su nói về “chỗ ở” ở đây ta phải nối kết nó lại với nhau. Ở c.2 Đức Giê-su
nói : “trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở” và “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” và ở
c.23 “Chúng Tôi sẽ đến với người ấy và sẽ làm chỗ ở nơi người ấy” chúng ta có
thể hiểu “chỗ ở” vừa là trong nhà Chúa Cha vừa là nơi các môn đệ. Nơi các môn đệ
cũng có “chỗ ở” vì nơi các môn đệ có được Chúa Cha và Đức Giê-su đến làm “chỗ ở”.
Đây là sự hiệp thông trọn vẹn, là sự ở lại trong nhau giữa “Chúa Cha – Đức
Giê-su – các môn đệ” ngay sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh. Ngay sau biến cố
Thương Khó – Phục Sinh các môn đệ được ở trong nhà cùng với Chúa Cha và Đức
Giê-su. Nói cách khác là trở thành nhà để Chúa Cha và Đức Giê-su đến để ở.
Tóm lại, với sự “ở lại” của Ba Đấng (Chúa Cha, Đức Giê-su và
Đấng Pa-rác-lê) nơi các môn đệ thực sự là một sự khích lệ lớn cho các môn đệ
trong hoàn cảnh các môn đệ đang bị khủng hoảng vì những điều sắp xảy ra. Sự ở lại
của Ba Đấng là nguồn sức mạnh cho các ông vững tin hơn vào Đức Giê-su. Từ nay
(sau biến cố Thương Khó – Phục Sinh) các môn đệ được hiệp thông trọn vẹn, được
sống với, được sống trong Ba Đấng và được ba Đấng sống trong mình, và đó cũng
là sức mạnh để các môn đệ có thể vượt qua được mọi khó khăn mà không bị vấp
ngã.
Ở tiểu đoạn III này người viết xin trình bày hoạt động của Đấng
Pa-rác-lê và các đề tài “bình an”, “niềm vui”, “xao xuyến”, “thế gian” và “thủ
lãnh thế gian” để thấy được bình an và niềm vui của Đức Giê-su ban cho các môn
đệ như là một giải pháp cho các môn đệ để các môn đệ đón nhận thử thách cách
can đảm và vững tin hơn.
Hoạt động của Đấng Pa-rác-lê
(14, 25-26).
Câu 25 chưa nói gì về Đấng Pa-rác-lê, nó chỉ là câu chuyển tiếp,
tóm kết những gì Đức Giê-su đã nói ở trên và đồng thời cũng là chuyển ý đến câu
26. Từ “nhưng” ở đâu c.26 đã cho ta thấy được câu có hai vế rõ ràng Đức Giê-su
thì đã nói “những điều này” nhưng Đấng Pa-rác-lê sẽ dạy và làm anh em nhớ lại tất
cả. Nhiệm vụ của Đấng Pa-rác-lê ở đoạn văn này (14,25-26) là “dạy” và “làm nhớ
lại”.
(1)Trước hết Đấng Pa-rác-lê có vai trò “dạy” cho các môn đệ
hiểu những điều Đức Giê-su đã mặc khải. Thật vậy, vào cuối sứ vụ công khai, Đức
Giê-su đã khẳng định là Người đã truyền đạt hết những mặc khải cho các môn đệ bằng
chứng là “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết điều chủ
mình làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe nơi
Cha của Thầy, Thầy đã làm cho anh em biết” (15,15). Hết tất cả những gì Người
đã đón nhận được từ nơi Cha, Người đã mặc khải cho các môn đệ hết. Các môn đệ
chưa thể hiểu hết được những mặc khải của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su cũng biết
điều này khi Người nói “bây giờ anh em không thể mang nổi”(16,12). Các môn đệ
phải đợi đến lúc Đức Giê-su về với Cha, “Người can thiệp với Cha” để Cha ban Đấng
Pa-rác-lê đến với các môn đệ. Đấng Pa-rác-lê sẽ “dạy” cho các môn đệ hiểu được
tất cả và làm cho các môn đệ “nhớ lại” tất cả những mặc khải của Đức Giê-su. Nhất
là Đấng Pa-rác-lê làm cho các môn đệ “hiểu được ý nghĩa biến cố Thương Khó – Phục
Sinh”[2]. Đây chính là điểm quan trọng
vì có thể nói chính biết cố Thương Khó này mà các môn đệ đang bị hoang mang, sợ
hãi, thất vọng, niềm tin của họ dường như không còn thì Đấng Pa-rác-lê như là một
miền kích lệ lớn làm cho các môn đệ được an ủi và hiểu ra được những gì mà Đức
Giê-su đã mặc khải cho các môn đệ trước đó.
Trong bối cảnh của đoạn văn 14,25-26 thì sự giảng dạy (didach,) của Đấng Pa-rác-lê là
“làm” cho các môn đệ hiểu biết những gì mà Đức Giê-su đã mặc khải. Điều này có
nghĩa là sự giảng dạy của Đấng Pa-rác-lê không thể tách rời khỏi nội dung giảng
dạy của Đức Giê-su. Ở đây có sự đồng nhất trong nhiệm vụ của Đức Giê-su và Đấng
Pa-rác-lê đó là cả hai Đấng cùng “dạy” nhưng có sự khác nhau về điểm qui chiếu
đó là: Đức Giê-su thì giảng dạy những gì Người đã nhận được từ Cha; còn Đấng
Pa-rác-lê thì giảng dạy những gì đến từ Đức Giê-su (16,14). Dù khác nhau như vậy
nhưng tất cả cũng chỉ là một mặc khải duy nhất đến từ Thiên Chúa Cha. Nếu như Đức
Giê-su trung thành truyền đạt những gì mà Người đón nhận được từ Cha thì Đấng
Pa-rác-lê cũng trung thành truyền đạt những gì Người đón nhận được từ Đức
Giê-su. Do đó dù có sự đón nhận khác nhau từ hai nguồn khác nhau (Chúa Cha và Đức
Giê-su) nhưng cũng chỉ là một nội dung mặc khải duy nhất đến từ Chúa Cha. Nội
dung mặc khải của Đấng Pa-rác-lê cho các môn đệ là mọi lãnh vực (pa/j) chứ không phải một vài lãnh
vực, một vài khía cạnh. “Muốn biết nội dung giảng dạy của Đấng Pa-rác-lê cần
tìm hiểu nội dung giảng dạy của Đức Giê-su trong Tin Mừng”[3].
(2)Bên cạnh việc “dạy” Đấng Pa-rác-lê còn có nhiệm vụ nữa là
“làm cho nhớ lại” (upomimnh|,skw). Động từ “nhớ lại” có nghĩa là mình đã biết, đã hiểu
nhưng đã bị quên. Và Đấng Pa-rác-lê là cơ hội để cho các môn đệ nhớ lại những
gì là cần để cho niềm tin của các ông được vững mạnh. Nếu không có Đấng
Pa-rác-lê thì các môn đệ cũng không thể nhớ lại được vì các ông đang hoang
mang, đang sợ hãi, sợ bị trục xuất khỏi hội đường và có thể sẽ bị giết chết. Ở
đây các môn đệ nhớ lại đó là những gì Đức Giê-su đã giảng dạy, đã nói, đã mặc
khải khi còn ở với các môn đệ.
Tóm lại, hoạt động của Đấng Pa-rác-lê trong đoạn 14,25-26 trước
hết đó là “dạy” (dida,skw), nghĩa là làm cho các môn đệ hiểu được những gì Đức Giê-su
đã nói khi còn ở với các môn đệ, nhưng khi đó các môn đệ chưa hiểu hết được ý
nghĩa của chúng. Kế đó là Đấng Pa-rác-lê còn có nhiệm vụ “làm nhớ lại” (upomimnh|,skw), có nghĩa là làm cho các
môn đệ nhớ lại những gì mà các môn đệ đã quên về các giáo huấn của Đức Giê-su.
Đó cũng là một phần giúp cho các môn đệ có được sự bình an trong cuộc sống của
mình. Bên cạnh đó Đấng Pa-rác-lê còn có những nhiệm vụ khác nữa như là “làm chứng”
(15,26;16,8), “dẫn anh em đi trong sự thật” (16,13), chứng minh thế gian sai lầm
về ba khía cạnh: về tội, về sự công chính, và về sự xét xử (16,8-11)[4]… Nhưng điều chính yếu các
môn đệ cảm thấy được bình an không phải chỉ có thế, để hiểu rõ chúng ta cùng
tìm hiểu đề tài “bình an” ở phần dưới đây.
Các đề tài “bình an”, “niềm
vui”, “xao xuyến”, “thế gian” và “Thủ lãnh thế gian”
(1)Bình an: Danh từ “bình an” (eivrh,nh) xuất hiện 6 lần trong Tin
Mừng thứ tư (14,27a.27b; 16,33; 20,19.21.26) mà chỉ trong 14,27 thì đã xuất hiện
2 lần (14,27a.27b). Bình an Đức Giê-su ban “không như thế gian ban” (c.27b). Bởi
vì, bình an này là bình an của Đức Giê-su và chính Người ban (c.27). Sự “bình
an” này là duy nhất vì thế gian không có loại bình an này. Như vậy, thế gian
cũng có bình an và nó sẽ ban sự bình an đó cho những ai thuộc về nó. Nhưng sự
bình an của Đức Giê-su thì khác, sự bình an này sẽ giúp cho các môn đệ vượt qua
được những khủng hoảng mà các môn đệ đang gặp phải, giúp cho các môn đệ giữ vững
được niềm tin trong mọi hoàn cảnh. Bình an giúp cho các môn đệ đứng vững trong
khủng hoảng. Và để đón nhận được sự bình
an của Đức Giê-su thì các môn đệ “hãy vững tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”,
“hãy yêu mến bằng cách tuân giữ các điều răn của Thầy”, nói cách khác là hãy
đón nhận mạc khải. Sự “bình an” này như là quà của Đức Giê-su tặng cho các môn
đệ để các môn đệ có được sự bình an thực
sự ở trong lòng khi các môn đệ đang gặp phải những sự bách hại tư bề. Sự “bình
an” xuất hiện ở cuối ch.14 như là sự tóm kết cho các ch.13 – 14. Những gì mà Đức
Giê-su đã mặc khải trong hai chương này được tóm lại trong sự “bình an”. Sự
bình an ở cuối ch.14 là một sự bình an được Đức Giê-su ban tặng trong hiện tại,
trong lúc đang gặp khủng hoảng, chứ không phải là lời hứa trong tương lai.
Chính sự bình an sẽ dẫn các môn đệ đến niềm vui, một niềm vui trọn vẹn (15,11;16,24;17,13)
và một niềm vui không ai cướp mất được (16,22).
(2)Niềm vui: động từ “vui mừng” (cai,rw) ở 14,28 có chủ thể là các
môn đệ. Ở đây (c.28) chính là “niềm vui của các môn đệ”. Lí do các môn đệ vui
chính là “Đức Giê-su về với Cha, bởi vì Cha lớn hơn Thầy”. Đây là mặc khải từ
Chúa Cha và Đức Giê-su làm cho mặc khải đó được thực hiện nơi trần gian này.
Bây giờ các môn đệ đã hiểu được những mặc khải của Đức Giê-su nên các môn đệ
vui mừng. Bối cảnh này không phải là bối cảnh trước Thương Khó – Phục Sinh mà
là sau Phục Sinh. Sau Phục Sinh các môn đệ đón nhận được “niềm vui của Đức
Giê-su” và các môn đệ đã vui khi niềm vui của Đức Giê-su ở trong các môn đệ. Niềm
vui của các môn đệ giờ đây chính là nhận ra được, hiểu được ý nghĩa của mặc khải:
Đức Giê-su qua cái chết Người về với Cha; và tương quan giữa Đức Giê-su với Cha
là tương quan “Cha – Con”. Ở đây chúng ta biết được Cha lớn hơn Con vì Đức Giê-su
là Con đã được Chúa Cha sai xuống trần gian để làm những việc của Cha. Những gì
Người Con đón nhận từ Cha thì Người nói lại cho thế gian, Người không tự mình
làm điều gì mà trái lại Người chỉ làm những gì Cha truyền dạy. Theo thần học
Tin Mừng thứ tư thì Đức Giê-su được Chúa Cha sai đến trần gian là để thi hành sứ
vụ của Chúa Cha. Nên Người chỉ làm những gì mà Người “thấy” và “nghe” nơi Cha
(14,31;12,49.50;15,15;).
Lấy lại đề tài “xao xuyến” đã được nói đến ở đầu chương
(14,1) nhưng bối cảnh thì hoàn toàn khác nhau. Sự “xao xuyến” nơi các môn đệ ở
đầu và cuối chương có khác nhau. Khác nhau thế nào thì chúng ta cùng tìm hiểu.
(3) Xao xuyến: động từ “xao xuyến” (tara,ssw) xuất hiện ở đầu và cuối
ch.14 như là sự khích lệ, động viên, là giải pháp cho khủng hoảng trong toàn bộ
ch.14. Thực vậy, ở đầu ch.14 thì diễn tả các môn đệ đang gặp khủng hoảng về niềm
tin, sự hiểu biết, việc làm và về việc cầu xin. Các môn đệ chưa có đủ niềm tin
để biết, làm, xin. Và Đức Giê-su đã khuyến khích các môn đệ vững tin qua việc Đức
Giê-su mặc khải cho các môn đệ “biết” từ đó Người mời gọi các môn đệ “tin” để
các môn đệ có thể “làm” được những việc “Đức Giê-su làm và còn làm được những
việc lớn hơn” và nhất là “xin” nhân danh Đức Giê-su. Trong đoạn sau của ch.14
thì cho biết cộng đoàn các môn đệ đang bị khủng hoảng trước thế gian. Thế gian
chính là yếu tố chính gây nên sự khủng hoảng của cộng đoàn các môn đệ. Thế gian
cũng có thủ lãnh của nó. Và Thủ lãnh thế gian đang đến. Giờ nó đến lại cũng là
giờ của Đức Giê-su về với Cha. Thế nên điều đó lại càng làm cho các môn đệ
hoang mang hơn, sợ hãi hơn. Tuy nhiên, “nó không có gì trên Thầy” (c.30c). Qua
đó, người thuật chuyện cho thấy: Thủ lãnh thế gian không làm gì được Đức
Giê-su, thì nó cũng không làm gì được các môn đệ vì các ông đã có Đức Giê-su –
Chúa Cha – Đấng Pa-rác-lê ở cùng.
(4)Thế gian: Trong Tin Mừng thứ tư danh
từ “thế gian” (ko,smoj) xuất hiện 78 lần và xuất hiện 40 lần trong các ch.13 – 17.
Thế gian trong Tin Mừng thứ tư có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau: thế
gian vũ trụ (17,5.24), thế gian trái đất (1,9; 16,28; 17,11.13),thế gian nhân loại
(3,16.19;8,12;9,5;12,46), thế gian không tin (17,18) và thế gian thù ghét
(17,14)[5]. Riêng trong 14,15-31 thì
danh từ “thế gian” xuất hiện 6 lần (14,17.19.22.27.30.31), đây là thế gian chối
từ và chống đối Đức Giê-su nói cách khác đó chính là “thế gian thù ghét”, là những
người Do Thái, những người Pha-ri-sêu và các thượng tế[6]. Sở dĩ nói thế là vì người
Do Thái đã sống, đã chứng kiến và đã nghe “những lời nói và việc làm của Đức
Giê-su” nhưng họ vẫn không tin vào Người và hơn thế họ còn tìm cách loại trừ
Người. Chính vì họ đã loại trừ Đức Giê-su nên những ai theo Người, những ai thuộc
về Người họ cũng loại trừ luôn “nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng
nó đã ghét Thầy trước” (15,18). Thế gian đã không biết, không tin còn các môn đệ
thì khác. Các môn đệ thì biết và tin vào Người nên các môn đệ có sự ở lại của
ba Đấng (Chúa Cha, Đức Giê-su và Đấng Pa-rác-lê) và có được sự bình an của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự tương phản giữa thế gian và các môn đệ không phải là
sự tương phản loại trừ nhau nhưng là mở ra hy vọng cho thế gian vì Đức Giê-su về
với Cha là cơ may cho thế gian. Đức Giê-su đã nói: “Bây giờ Thầy đã nói với anh
em trước khi xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin” (c.29) rằng: “Thầy yêu mến Cha
và như Cha đã truyền cho Thầy thế nào, Thầy làm như vây” (c.31). Hiện nay thế
gian không biết Chúa Cha, không biết Thần Khí sự thật, nhưng thế gian vẫn có thể
biết Đức Giê-su và tin vào Người nhờ sự làm chứng của các môn đệ (15,27).
(5)Thủ lãnh thế gian: nhìn tổng thể ch.14 ta thấy
có sự tương phản giữa “thế gian” và “các môn đệ”, và sự tương phản giữa “Đức
Giê-su” với “Thủ lãnh thế gian”. Hai bên có sự căng thẳng: Thủ lãnh thế gian và
thế gian tìm cách giết Đức Giê-su và những ai thuộc về Người. Trước tình cảnh
đó Đức Giê-su đã trấn an các môn đệ: “đừng xao xuyến”, “đừng sợ hãi” (c.1.27),
“nó không có quyền gì trên Thầy” (c.30). Vậy “Thủ lãnh thế gian” (o tou/
ko,smou a;rcwn)
là ai? Nhờ bối cảnh của ch.13 -17, chúng ta có thể hiểu “Thủ lãnh thế gian”
tương đương với Xa-tan (13,27), quỷ (13,2) hay là ác thần (17,15). Ở đây không
còn là sự đối lập giữa con người với con người nữa mà là sự đối lập giữa Thiên
Chúa và Xa-tan, giữa Ánh Sáng và bóng tối. Vấn đề là thuộc về ai: thuộc về
Thiên Chúa hay thuộc về quỷ, thuộc về thế gian hay không thuộc về thế gian. Sự
hiện diện của Thủ lãnh thế gian cũng là một trong những yếu tố gây khủng hoảng
cho các môn đệ. Trong hoàn cảnh này các môn đệ chỉ có thể vượt qua khủng hoảng
bằng cách ở lại và hiệp thông với Đức Giê-su. Ở lại trong tình yêu của Đức
Giê-su thì các môn đệ sẽ được Người gìn giữ, sẽ không bị vấp ngã về niềm tin
hay bị ảnh hưởng của thế lực đen tối. Các môn đệ vẫn ở trong thế gian nhưng
không thuộc về thế gian vì các ông được Chúa Cha gìn giữ, được Đức Giê-su dạy dỗ
và được Đấng Pa-rác-lê hướng dẫn.
Kết luận
Sau khi đã phân tích ch.14 chúng ta có thể rút ra một vài điểm
sau:
Trong tiểu đoạn I (14,1-14) đề tài “tin” là nến tảng nối kết
các đề tài còn lại. Bởi vì các môn đệ và người tin qua mọi thời đại được mời gọi
tin để biết đường Đức Giê-su đã đi, để biết Đức Giê-su chính là “đường là sự thật
và là sự sống”, biết được tương quan mật thiết giữa Đức Giê-su với Cha. Ngược lại
nhờ những mặc khải làm cho biết mà đức tin của các môn đệ và người tin được củng
cố. Từ đó mọi người tin tiếp tục công trình của Đức Giê-su nơi trần gian này.
Như vậy, “tin vào Đức Giê-su và tin vào Thiên Chúa” là sự mời gọi của Thiên
Chúa dành cho mọi người (các môn đệ và người tin qua mọi thời) qua hành động
“xin – làm” và qua hành động “xin – làm” này mà niềm tin của các môn đệ và người
tin qua mọi thời được thêm kiên vững. Tiểu đoạn I này cho thấy “tin vào Đức
Giê-su” là giải pháp để các môn đệ vượt qua khủng hoảng. Hơn thế “tin vào Đức
Giê-su” để có được tương quan mật thiết với Người và Chúa Cha. Cuối cùng “tin
vào Đức Giê-su” để làm được những công việc mà Đức Giê-su đã làm “và sẽ làm được
những việc lớn hơn” mục đích là để Chúa Cha được tôn vinh.
Tiểu đoạn II (14,15-24) chúng ta thấy điều kiện để được ba Đấng
“ở lại” là “yêu mến” và “giữ các điều răn” của Đức Giê-su. Việc tuân giữ này là
vì “tình yêu” và “tự do” chứ không vì bất ký lí do nào khác. Không phải là do sợ,
cũng không phải do sự ép buộc mà là sự tự nguyện do tình yêu.
Tiểu đoạn III (14,25-31) đây là phần tóm kết ch.14 cũng như
là tóm kết diễn từ từ biệt thứ nhất. Những đề tài đã xuất hiện ở đầu chương thì
giờ đây lại xuất hiện như: “xao xuyến”, “Đấng Pa-rác-lê” và cũng có những đề
tài mới như: “niềm vui”, “Thủ lãnh thế gian”… nhưng điểm chính ở đây là các môn
đệ và người tin qua mọi thời có được niềm vui đích thực do “thấy”, “giữ”, và “sống”
lời của Đức Giê-su. Từ đây họ được sống trong sự hiệp thông sâu xa với Thiên
Chúa. Sau cùng bản văn còn khẳng định và mình chứng cho độc giả qua mọi thời một
điều rằng: sự “ở lại” của ba Đấng nơi người tin vào Đức Giê-su vừa là động lực
giúp cho niềm tin của họ thêm vững chắc vừa là giải pháp cho họ có thể vượt thắng
được “thế gian” và “Thủ lãnh thế gian”. Tuy là có được sự “ở lại” của ba Đấng
nhưng vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta nhận ra được điều đó để mà sống cách an
vui? Chính Đấng Pa-rác-lê làm cho chúng ta “biết” và “nhớ lại tất cả” những mặc
khải của Đức Giê-su. Đấng Pa-rác-lê sẽ giúp chúng ta nhận ra được sự “ở lại” của
ba Đấng để chúng ta có thể lướt thắng được những khó khăn trong đời sống hiện tại.
Tóm lại, Các môn đệ và mọi người tin qua mọi thời luôn
được mời gọi tin vào Thiên Chúa và tin vào Đức Giê-su để biết được Đức Giê-su
chính là đường, là sự thật và là sự sống. Đồng thời biết được Đức Giê-su là
trung gian duy nhất để con người đến với Chúa Cha. Nhờ biết được như vậy mà các
môn đệ và người tin có thể vượt qua được những hoang mang và khủng hoảng đến từ
bên trong và bên ngoài cộng đoàn. “Yêu mến” và “tuân giữ các điều răn” của Đức
Giê-su chính là điều kiện để những người tin có được sự ‘ở lại” của ba Đấng.
Khi có được sự ở lại đó thì họ sẽ có được sự “bình an” và “vui mừng” trong cuộc
sống đức tin của mình. Cũng có thể nói rằng sự “ở lại” của ba Đấng giúp cho người
tin vững tin hơn trong những lúc mình gặp khủng hoảng.
Tài liệu tham khảo
01. Lm. Giu-se
Lê Minh Thông. Người môn đệ Đức Giê-su yêu mến
trong Tin Mừng thứ tư là ai? TP Hồ Chí Minh: Phương Đông, 2010.
02. _____________________.TÌNH
YÊU và TÌNH BẠN trong Ga 15,9-17. TTHV Đa Minh, 2009.
03. _____________________.
KHỦNG HOẢNG và GIẢI PHÁP cho các môn đệ
trong Tin Mừng thứ tư.
04. _____________________.
Phân tích THUẬT CHUYỆN và phân tích CẤU TRÚC áp dụng vào Tin Mừng thứ tư. TTHV Đa Minh, 2008.
05. _____________________.
Đấng PA-RÁC-LÊ – Thần Khí sự thật – trong
Tin Mừng thứ tư.
06. _____________________.
YÊU và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần I. TTHV Đa
Minh, 2009.
07. _____________________. YÊU
và GHÉT trong Tin Mừng Gio-an, Phần II. TTHV Đa Minh, 2010.
08.
_____________________. Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy Lạp –
Việt. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.
09.
Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh. Tin Mừng Đức
Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Dẫn vào và chú giải). Mai Khôi, 2004.
10. Lm. Ph. Hoàng Minh
Tuấn. Đọc Tin mừng theo Gioan, tập V (Tâm
sự người ra đi). Hà Nội: Tôn Giáo, 2004.
[1]
Lm.
Giu-se Lê Minh Thông, Bản văn Gio-an, TIN MỪNG và BA THƯ, Hy
Lạp – Việt (Hà Nội: Tôn Giáo,
2011),
tr. 39.
[2]
Giu-se Lê Minh Thông, O.P., Đấng
Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư (Hà Nội:Tôn Giáo,
2010), tr. 286.
[3]
Giu-se Lê Minh Thông, O.P., Đấng
Pa-rác-lê – Thần Khí sự thật – trong Tin Mừng thứ tư (Hà Nội: Tôn Giáo,
2010), tr. 292.
[4]
Giu-se Lê Minh Thông, O.P., Khủng hoảng
và giải pháp cho các môn đệ trong Tin mừng thứ tư (Hà Nội: Tôn Giáo, 2010),
tr. 254 – 264.
[6]
Giu-se Lê Minh Thông, O.P., KHỦNG HOẢNG
VÀ GIẢI PHÁP cho các môn đệ trong Tin Mừng thứ tư (Hà Nội: Tôn Giáo, 2010),
tr. 118.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét