Chú Ba
Chúng ta đang ở trong những tháng đầu của Năm Đức
Tin, Học viện Thánh Gia (tại Hiệp Bình Phước) cũng mới chọn Chân phúc Giáo
hoàng Gioan-Phaolô II làm Bổn mạng, vậy không gì thích hợp hơn là ta cùng nhau
tìm hiểu xem CP.Gioan-Phaolô II đã dạy sao về Đức Tin để ứng dụng vào cuộc sống
Đức Tin của mỗi chúng ta, đặc biệt là trong Năm Đức Tin này.
Ngày 14/09/1998 ngài đã ban hành Thông điệp “FIDES et RATIO” ( Đức tin và Lý trí ),
trong đó, qua 108 số tiết, ngài đã phân tích và giải thích để giúp chúng ta thấy
rõ hơn tương quan giữa Đức tin và Lý trí, để có thể khẳng định là không hề có
mâu thuẫn hoặc đối kháng thật sự giữa hai lãnh vực này như một số người đã nghĩ
như thế .
GS. Phillip
B. Liescheski, khi nghiên cứu về Thông
điệp nói trên, đã đặt những câu hỏi: “Tại sao Ðức Thánh Cha [Gioan Phaolô II] lại viết một thông điệp về Đức
tin và Lý trí? Có phải vì Đức tin và Lý trí đối nghịch với nhau? Có phải vì
chúng ta đang sống trong thời kỳ mất đức tin không? Nhưng tại sao ngài lại gồm
cả lý trí? Ðức tin và lý trí có liên hệ gì với nhau? Ðức tin có cần lý trí
không và ngược lại lý trí có cần đức tin không? Có phải lý trí bị lâm nguy
trong thời đại khoa học kỹ thuật không?” Vâng, khi đọc kỹ Thông điệp Fides
et Ratio, chúng ta thấy rõ là Đức Thánh Cha đã nói đến những vấn đề này và
nhiều vấn đề khác mà người thời nay đang đặt câu hỏi và cũng không ít người vì
đó mà đức tin bị chao đảo. Thông điệp đã được mở đầu như sau : “Ðức
tin và Lý trí là như hai cánh, nhờ đó tâm trí con người có thể tự bay lên, hướng
về việc chiêm ngưỡng chân lý”. Câu mở đầu này, thiết tưởng đã đủ để chúng
ta khẳng định với CP.Gioan-Phaolô II là không có mâu thuẫn giữa Đức tin và Lý
trí, mà trái lại, nếu chúng ta bình tâm tìm hiểu, với lòng khiêm tốn và chân
thành, - và dĩ nhiên là với sự trợ lực của Thánh Thần Chúa - thì
cùng với Chân phúc Giáo Hoàng, chúng ta sẽ thấy rõ 2 yếu tố này thực sự là “hai cánh” giúp chúng ta bay cao để gặp
gỡ Thần Chân lý là chính Chúa, Đấng Vô cùng Khôn Ngoan và Thánh Thiện, là cứu
cánh của mỗi người chúng ta trong cuộc hành trình đầy cam go về Nước Trời. Vả
lại, Đức tin và Lý trí cùng phát xuất từ Thiên Chúa như là quà tặng của Ngài
dành riêng cho con người thì không thể tự mâu thuẫn hay tự đối kháng vì Thiên
Chúa không thể tự mâu thuẫn với chính mình.
Mặt khác,
trong bối cảnh của Năm Đức Tin mà chúng ta mới bước vào và trong bối cảnh xã
hội hiện đại chúng ta đang sống, chúng ta chứng kiến sự tiến bộ không ngừng và
còn có triển vọng tiến xa mãi của khoa học. Không ai có thể phủ nhận những
thành tựu to lớn mà khoa học mang lại cho đời sống vật chất và tinh thần của
con người. Tuy nhiên, dưới nhãn quan tư tưởng, chúng ta nhận thấy những phát
minh khoa học ở thế kỷ XVI-XVII về thiên văn của Copernic, Kepler, Galilei, về
Lực hấp dẫn của Newton và - ở thế kỷ XIX
- về sinh vật học, Darwin đã tạo ra không ít vấn nạn cho triết học và thần học
công giáo, từ đó không ít người - trong đó có thể là bạn và tôi - đã lắm lúc
phải băn khoăn về đức tin của mình! Trong bối cảnh đó, năm 1998 Đức Gioan-Phaolô
II đã ban hành Thông điệp “Đức tin và
Lý trí”. Trong Thông điệp này, ngài đề cập đến mối tương quan giữa Đức
tin và Lý trí, bằng cách khẳng định chức năng và khả năng của lý trí đi tìm
chân lý và chứng minh giá trị phổ quát của đức tin. Quan điểm này của ngài như
phương cách soi sáng cho người Kitô hữu trong cách suy nghĩ về các giá trị mới
của khoa học và cách thức làm thần học và triết học hôm nay, trong hành trình
đi tìm chân lý. Theo ngài, chân lý mặc khải của thần học sẽ cung cấp “nội dung
câu trả lời” và sự khôn ngoan của triết học sẽ cho “hình thức câu hỏi”. Triết
học và thần học có một mối quan hệ qua lại theo quy luật của vòng tròn trôn ốc,
nghĩa là một khi triết học cung cấp nội dung câu hỏi, thần học trả lời nó và
dẫn đến sự hiểu biết chân lý rõ ràng hơn, và lý trí triết học lại tiếp tục suy
tư và có những tra vấn mới cao hơn và thần học lại tiếp tục tìm câu trả lời
mới…, vòng tròn càng ngày càng đi lên và gần hơn với chân lý tối hậu (x.Fides
et Ratio, 105). Tương quan này mang tính hỗ tương, chính vì thế mà ngài đã ví
von: Đức tin và Lý trí như “đôi cánh” giúp cho trí khôn con người vươn lên chiêm ngắm chân lý.
Tóm lại: “Giáo
hội vẫn luôn thâm tín rằng Đức tin và Lý trí hỗ trợ lẫn cho nhau; chúng ảnh
hưởng lẫn nhau khi trao đổi những phê phán làm cho nhau thêm tinh tuyền, và
khuyến khích nhau trong việc theo đuổi tìm kiếm để hiểu biết sâu xa hơn”
(Fides et Ratio, 100).
Hôm nay, trong những ngày chuẩn bị mừng đại lễ Giáng Sinh 2012 sắp tới,
nhận định trên đây của CP.Gioan-Phaolô II về sự liên kết giữa Đức tin và Lý trí,
đã làm tôi liên tưởng đến một sự liên kết khác thật tuyệt vời và độc nhất vô
nhị, đó là sự liên kết lạ lùng của Mầu nhiệm Ngôi Hợp, trong đó Thiên tính và
Nhân tính đã kết nối với nhau một cách bền chặt và vĩnh viễn trong một
“Người-Chúa” duy nhất là Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, một bằng chứng
thiết thực của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Và dĩ nhiên ở đây, ta
cũng phải vận dụng Đức tin và Lý trí mới có thể tiếp cận và cảm nghiệm được ý
nghĩa của Mầu nhiệm này. Rất mong là
Đức tin và Lý trí, thông qua những suy tư và nguyện gẫm về Thiên Chúa Tình Yêu,
với những gì Người đã thực hiện cho con người và vì con người, sẽ giúp chúng ta
hiểu và yêu Chúa hơn, đặc biệt là trong Mùa Giáng Sinh sắp đến. Được vậy, chắc
chắn năm mới Quý Tỵ này sẽ cho chúng ta thêm thời gian để tìm hiểu thêm về
Chúa, để tạ ơn Chúa và nỗ lực làm vinh danh Chúa hơn.
Nguyện xin Chân phúc Gioan-Phaolô II giúp chúng con có được sự xác tín
của ngài về tình thương đầy quan phòng của Chúa khi thương ban cho chúng con có
được Đức tin và Lý trí.
Chân
Phúc GIOAN PHAOLÔ II
Bổn
mạng Học viện Dòng Thánh Gia
0 nhận xét:
Đăng nhận xét