Cảnh Vương, lược ghi
1. Dẫn
nhập
Chúng ta sẽ rảo qua những chủ đề đức
tin nền tảng của Ki-tô giáo và cho thấy chúng chiếm vị trí quan
trọng như thế nào trong thần học sáng tạo. Đó là những đóng góp
nhỏ bé cho lời mời mời gọi hoán cải vì môi sinh mà con người ngày
nay đang đối diện. Để làm sáng tỏ
các vấn đề trên, ta cùng lần lượt tìm hiểu các chủ đề chính sau
đây: Con người trong cộng đoàn sự sống, Thần Khí sáng tạo, Đức Giê su
– Con người môi sinh, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, cuộc biến hình chung
kết của vạn vật, phụng tự và dấn thân và hoán cải vì môi sinh. Bây
giờ ta cùng đi vào phần thứ nhất đó là con người trong công đoàn sự
sống.
2. Con người giữa thế giới tạo thành:
“Được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa”.
Con người trong cộng đoàn sự sống có hai
đặc điểm cần lưu ý đó là con người được sáng tạo từ hư vô và theo
hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng, sự sáng tạo không phải là
đối tượng của khoa học nhưng là lời mời gọi chọn lựa của niềm tin.
Quan điểm sáng tạo từ hư vô có nghĩa là Thiên Chúa hoàn toàn tự do
tạo dựng bằng quyền năng vô biên của Ngài. Sự sáng tạo là hành vi
làm phát sinh hiện hữu từ hư vô chứ không phải dựa trên chất liệu có
sẵn. Tiếp đến, con người được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa là
con người mang lấy hình ảnh Thiên Chúa, nghĩa là họ được sáng tạo
sao cho có thể đón nhận tha nhân trong tình yêu liên vị. Con người là
đồng loại với các thụ tạo khác, cho nên phải tôn trọng sự toàn vẹn
của sinh thể, bình đẳng với thiên nhiên, thân thuộc với thiên nhiên,
khai thác và chăm sóc thiên nhiên. Thứ hai, ta tìm hiểu chủ đề Thần
Khí sáng tạo trong tiến trình lịch sử và sự tiến hoá của vũ trụ.
3. Thánh Thần Sáng Tạo: “Đấng ban sự
sống”.
Thần Khí sáng tạo trong tiến trình lịch
sử, Chúa Thánh Thần là Hơi Thở Sự Sống, Đấng ban Sự Sống trong vai
trò sáng tạo cũng như đời sống mới trong Chúa Kitô. Thần Khí sáng
tạo là năng lực trường tồn khiến vũ trụ hiện hữu, tiến hoá và
hoàn thiện. Hơn nữa, Thần Khí sáng tạo cũng chính là Đấng cưu mang
ân sủng. Ân sủng này hiện diện khi con người có mặt trên địa cầu.
Thần Khí mang lại mầu nhiệm nhập thể, sự thánh hiến và biến hình
cho nhân tính của Đức Giêsu Kitô. Ngoài ra, Thần Khí cũng đã thiết
lập và hướng dẫn Giáo Hội trên bước đường của mình. Tóm lại, câu
chuyện về Thần Khí về sáng tao, ân sủng, nhập thể và Giáo Hội chỉ
hoàn tất khi nào mọi sự được đảm nhận bởi Chúa Kitô phục sinh. Thần
Khí lôi kéo chúng ta vào sự khai mở của tương lai vì thế Ngài là
Thiên Chúa đi trước chúng ta. Đồng thời, Ngài cũng mời gọi chúng ta
hiệp nhất với vũ hoàn.
Thần Khí khiến cho thụ tạo tiến hoá
bằng cách đưa chúng vào mối tương quan thần linh và lối kéo chúng
đến chung cuộc. Ngài tôn trọng sự độc lập của quá trình tiến hoá.
Thần Khí hiện hữu với thế giới tạo thành trong tính cách bất toàn
và khả tử của chúng, đồng thời đón nhận đau khổ của thụ tạo trong
tình yêu cứu độ và lôi kéo chúng về với đời sống thần linh tương
lai. Cuối cùng, Thần Khí là sự thân cận khôn tả của Thiên Chúa trong
tạo thành.
4. Dấn thân môi sinh và đi theo Đức Giê-su.
Bây giờ chúng ta đến chủ đề thứ ba: Đức
Giêsu – Con người môi sinh. Có thể nói Đức Giêsu là mầu nhiệm nhập
thể giữa thế giới tạo thành. Ngài là Lời của Big Bang, hydro trong
trạng thái sơ khai, sự sinh thành của các vì sao, thiên hà, trái đất,
hoa đồng, chim trời. Ngôi Lời sáng tạo không ngừng nghỉ này lại trở
thành xác thể nơi Đức Giêsu. Như vậy, toàn thể thế giới tạo thành
hướng về sự kiện Giêsu Kitô. Thiên Chúa đặt vào giữa lòng tạo thành
mầu nhiệm nhập thể như là trung tâm của công trình sáng thế. Như vậy,
trong chủ đề này có những điểm cần chú ý: Đức Giêsu như là vị thầy
khôn ngoan, tìm Thiên Chúa qua vạn vật, Đức khôn ngoan mà Thiên Chúa
dùng để sáng tạo. Ngôi Lời làm người để Thiên Chúa có thể đảm
nhiệm sự sống. Ngài là sự siêu thăng và sự thông giao của Thiên Chúa
cho thế giới tự nhiên.
5. Tính chất phong phú của sự sống và
mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Bây giờ ta đi đến chủ đề thứ tư, mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi Thiên Chúa là những tương quan hoàn
toàn thần linh, đồng bản thể và tuyệt đối. Nên cuộc sống nội tại
của Thiên Chúa Ba Ngôi hoàn toàn thông giao trong kiến thức và tình
yêu. Tất cả thụ tạo được mời gọi chia sẻ sự hiệp nhất này ngang qua
tình yêu tha nhân và Thiên Chúa. Mặt khác, tính đa dạng sinh học chính
là cách diễn tả mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi với mối tương quan
nhân vị. Thuật ngữ perichoresis nói đến hiệp nhất trong khác biệt. Đó
là tương quan mà sự hiệp nhất và tính khác biệt không đối chọi nhau
nhưng giúp nhau hiện hữu. Hơn nữa, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi làm
nền tảng cho vạn vật. Vì nếu bản chất sự hiện hữu Ba Ngôi là tương
quan, thụ tạo cũng được cưu mang tính chất đó bởi vì chúng là sản
phẩm của đấng sáng tạo.
6. Sự biến hình của vạn vật trong Chúa
Ki-tô .
Chủ đề thứ năm, cuộc biến hình chung
kết của vạn vật. Chúng ta xem xét hai khía cạnh chính: Chúa Kitô là
điểm hội tụ của vũ trụ và ân sủng phục sinh trong sự tiến hoá vạn
vật. Trước tiên, Đức Kitô là điểm hội tụ của vũ trụ vì Ngài khiến
cho năng lực vũ trụ hoạt động và lôi kéo vũ trụ lao về tương lai nơi Thiên
Chúa và kích hoạt quá trình tiến hoá ngay từ lòng vạn vật. Kế
đến, phục sinh là khởi điểm cho sự siêu thăng của vũ trụ. Biến cố
phục sinh là sự kiện của toàn thể tạo thành. Vinh quang phục sinh là
sự khai mở cho mối liên kết giữa cuộc sống mai hậu với thế giới.
7. Phụng tự và dấn thân
Chủ đề tiếp theo, phụng tự và dấn thân.
Trước tiên, môi sinh là bí tích về sự thiện hảo và quyền năng sáng
tạo của Thiên Chúa khi Ngài tạo dựng tất cả từ tình yêu nhưng không
của Ngài. Nếu chúng ta kính trọng vạn vật trong vai trò bí tích,
chúng ta sẽ hiểu được tương quan hữu hão giữa con người với vạn vật.
Điểm cuối cùng, cử hành Thánh Thể trên bàn thờ tạo thành. Vì bí
tích Thánh Thể mời gọi con người hoán cải để có được tình yêu nhân
sinh cho toàn thể tạo thành. Hơn nữa, kinh nguyện Thánh Thể, giúp
chúng ta tưởng nhớ đến lịch sử vũ trụ trong 14 tỉ năm hình thành và
phát triển, việc ra đời của trái đất và sự sống trong tất cả tính
phong phú sinh học. Kinh nguyện Thánh Thể là lời cầu nguyện hiệu
nghiệm cho việc biến đổi thế giới trong chúa Kitô. Tính thông hiệp
Thánh Thể trong Chúa Kitô giúp chúng ta chia sẻ và nếm cảm tương quan
Ba Ngôi mà nhờ đó muôn vật tìm được ý nghĩa của nó trong sự biến
đổi. Ngoài ra, Thánh Thể là ký ức sống động về những ai đau khổ nên
nó kêu mời cộng đoàn Kitô hữu tương trợ tất cả các nạn nhân cũng như
muôn vật đang bị đe doạ. Cho nên, mỗi khi cử hành bí tích Thánh Thể
chúng ta được kêu mời hoán cải và hành động vì môi sinh.
8. Hoán cải vì môi sinh
Cuối cùng, việc cử hành phụng vụ cũng
như đời sống luân lý phải được bắt đầu bằng hành động hoán cải.
Hành vi này không phải là lời xin lỗi trên môi miệng nhưng nó đòi hỏi
những cam kết dấn thân cụ thể. Bằng việc thực hành lối sống mới,
con người sẽ thay đổi và chữa lành những vết thương trên trái đất mà
họ đã gây ra. Có thể kể ra đây một vài cam kết để sống đời hoán
cải:
-
Chia sẻ
tài nguyên cách công bằng: Sự chênh lệch quá cách biệt giữa người
giàu và người nghèo đã gây hại cho thiên nhiên. Nếu sự phân bổ tài
nguyên hợp lý thì thiên nhiên không còn phải chịu đựng việc khai thác
vô tội vạ đến từ hai phía.
-
Giảm
thiểu tiêu dùng: Thế giới đang rơi vào thói quen hưởng thụ mà không
nghĩ đến hậu quả thảm khốc cho thế hệ tương lai. Bảo vệ môi sinh sẽ
không bao giờ đạt được cùng đích của mình nếu như người cứ nuông
chiều não trạng tiêu dùng xa hoa và phung phí.
-
Canh tân
lối sống: Con người phải tìm kiếm lối sống mới. Đây là lối sống bao
gồm sự phát triển bền vững, bảo vệ môi sinh và tôn trọng sự bình
đẳng của mọi thụ tạo. Nếu cứ tiếp tục lối sống cũ, con người sẽ
không còn ở xa sự diệt vong nữa!
9. Linh đạo hoán cải
Chúng ta là những Ki-tô hữu, vì thế
chúng ta không thể vô tâm với thế giới thụ tạo đang vây bọc chúng ta.
Thế giới là cảnh vực thần thiêng mà chúng ta sống ơn gọi làm con
Thiên Chúa. Quan tâm chăm sóc trái đất là cách thế thi hành bổn phận
Ki-tô hữu. Chúng ta không thể là những thụ tạo bị xung lực tiêu dùng
thúc ép nhưng là ngôi vị tự do yêu thương và dâng hiến. Chúng ta cam
kết sống khó nghèo vì đây không phải là lời kết án nhưng là bản chất
của chúng ta, xét như là những thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên cách
nhưng không. Như thế, chúng ta phải trao hiến không chỉ là ngững gì
mình có nhưng tất cả sự hiện hữu của mình cho tha nhân. Nếu làm
được như vậy, thế giới thụ tạo sẽ trở nên trời mới đất mới trong
vòng tay yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi.
[1] Phan-xi-cô
Xa-vi-ê Phó Đức Giang, OFM, Cảnh vực
môi sinh giữa lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, Học Viện Phanxicô, 2012.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét