Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

LUÂN LÝ TỰ NHIÊN VÀ LUÂN LÝ KITÔ GIÁO


Nguyễn Thanh Hoài


Thư mục tham khảo:
1.      Bernard Haring. Thần Học Luân Lý - Những Ý Tưởng Chủ Đạo. Tủ sách chuyên đề.
2.      Charles E.Curran. Themes in Fundamental Moral Theology. University of Notre Dame Press. 1977.
3.      Wlliam E. May. An Introduction to Moral Theology. Our Sunday Visitor Publishing Division. 1994.
4.      Lm. Mai Văn Hùng. Khám Phá Lại Luân Lý Kitô Giáo. UBĐKCG. Tp.HCM. 1991.
5.      Nguyễn Đức Quang. Luân Lý Cơ Bản. Trung Tâm Học Vấn Đa Minh. 2007.
6.      Nguyễn Đức Quang (dịch). Người Ta Nói Gì Các Chuẩn Mực Luân Lý. 2003.
7.      Nguyễn Đức Thông (dịch). Một Nhãn Quan Mới Về Luân Lý. 1998.
8.      Nguyễn Đức Thông. Thần Học Luân Lý Căn Bản.(Theo nguyên tác Free and Faithful in Christ của Benard Haring).2005.
9.      Nguyễn Bình Tĩnh. Luân Lý Cơ Bản Kitô Giáo. Khóa Thần Học Liên Tu Sĩ. 1995.
10. Từ Điển Thần Học Kitô Giáo, II.
Chúng ta vừa tìm hiểu sơ lược về luân lý tự nhiên và luân lý tự nhiên dưới nhãn quan của Kitô giáo. Dưới cái nhìn của Kitô giáo, luân lý tự nhiên có phần cũng giống luân lý Kitô giáo nhưng cũng có những sắc thái khác biệt mà khiến người ta khó có thể đồng hóa luân lý tự nhiên là luân lý Kitô giáo hay luân lý Kitô giáo là luân lý tự nhiên. Luân lý Kitô giáo là một nỗ lực có suy tư có phương pháp và lối trình bày có hệ thống về những dự kiện mạc khải của Thiên Chúa có liên quan đến đời sống luân lý của con người. Trong cuộc sống luân lý, người Kitô hữu luôn lấy Đức Giêsu Kitô làm trung tâm điểm cho mọi hoạt động của mình. Để hiểu rõ đối tượng, phương pháp, bản chất và vai trò của luân lý Kitô giáo, lần lượt chúng ta sẽ tìm hiểu:
I.       Luân lý Kitô giáo   
Ngày nay xem ra người ta không thích cho lắm khi nghe tới từ luân lý. Hai chữ luân lý gợi cho con người hình ảnh của sự cưỡng bức từ bên ngoài phải làm điều này và không được phép làm điều kia, nó cản trở con người thực hiện chính mình và thỏa mãn khát vọng tự do của con người. Nhưng xã hội ngày nay, luôn luôn trên con đường tìm kiếm những tiến bộ trong nhiều lãnh vực. Bởi đó, từ mọi phía, con người cũng cần phải có một suy tư về luân lý để nhằm thỏa mãn và tìm ra giải pháp cho những vấn đề liên quan đến cuộc sống hằng ngày của mình. Đó là lý do tại sao yêu cầu người Kitô cũng buộc phải can thiệp vào những vấn đề trong cuộc sống xã hội. Điều này là bởi vì đức tin Kitô giáo không phải là một đức tin chết hay đơn thuần là một ý thức hệ thuần túy. Nhưng, đó là một đức tin cần phải đi vào cuộc sống, cần là linh hồn sống động cho cuộc sống tín hữu và chỉ cho họ cách ứng xử thế nào có thể trở thành lời chứng cho mọi người. Vì là một lời kêu gọi thay đổi cuộc sống, kêu gọi con người yêu mến Thiên Chúa bằng cách thực thi ý của Người, nên sứ điệp Tin mừng cần phải có một chiều kích một nền luân lý riêng biệt. Chiều kích này sẽ giúp cho con người có những hành vi phù hợp với những giá trị góp phần vào việc làm cho con người được triển nở, dưới ánh sáng Mạc khải. Khi nói về con người, Vat II phát biểu như sau:
Con người đã được tạo dựng "theo hình ảnh của Thiên Chúa" có khả năng nhận biết và yêu mến Ðấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và sử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa. Vì "thế nhân là chi để Ngài nhớ đến? Hay con người là gì để Ngài phải bận tâm? So với thiên thần Ngài có để cho thua mấy tí. Vinh dự huy hoàng là triều thiên Ngài ban tặng. Ngài cho thống trị các kiệt tác tay Ngài làm, muôn sự Ngài đã đặt dưới chân" (Tv 8,5-7) (GS 12).
Như thế, con người được sinh ra ở đời, sống ở đời, chết đi đều có quan hệ chặt chẽ với Thiên Chúa, vì là thụ tạo của Thiên Chúa, là đối tượng được Chúa Kitô cứu chuộc. Vì vậy, con người luôn luôn nhìn mọi việc của mình trong mối tương quan đó. Cho nên đời sống các Kitô hữu sẽ không trọn vẹn nếu như cuộc sống của họ không quy chiếu với Thiên Chúa. Vào thời xưa, người Do thái cũng hoàn toàn sống trong mối tương quan như vậy. Cả hai đời sống cá nhân và tập thể của dân Israel hoàn toàn ý thức về Giao ước trên núi Sinai xưa. Lời cam kết Chúa ban “Các ngươi sẽ là dân Ta và Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi” (Xh 30,23 và 31,31) đã trở thành công thức giáo ước minh nhiên cho lối sống của Israel với Thiên Chúa và Thiên Chúa đáp trả Israel. Công thức giao ước này là tiền đề cho mọi giới lệnh luân lý mà Thiên Chúa đòi Israel phải giữ. Giao ước này được thực hiện qua hai nhịp của lịch sử cứu rỗi: giao ước với Thiên Chúa (thành một dân riêng); giao ước với Chúa Kitô qua Hội Thánh. Như vậy, chúng ta thấy: “động lực của tương quan luân lý như thế đã được đặt về phía con người, ở nơi lòng con người theo nghĩa các ngôn sứ, và sau này Chúa Kitô nói rõ là từ đó mà mới xuất phát ra tư tưởng và hành động của con người”.[1] Với quan niệm như thế, chúng ta sẽ thấy luật luân lý là một lời mời gọi con người để sống cao hơn, đầy hơn, xứng với địa vị tự do và làm con của Chúa.
1.      Thần học luân lý Kitô giáo là gì?
Từ ý niệm trên, ta có thể định nghĩa thần học luân lý Kitô giáo:
Là một phần của bộ môn thần học (a), nghiên cứu những hành vi nhân linh (b), để hướng những hành vi đó đến việc hưởng kiến yêu mến Thiên Chúa (c) như hạnh phúc đích thực, trọn vẹn (d) và đến mục tiêu tối hậu (e), nhờ ân sủng, nhân đức, ân huệ Chúa ban (f); và điều đó được thực hiện dưới ánh sáng Mạc khải và lý trí (f)..[2]
(a)  một phần của bộ môn thần học: Như ta đã nói ở trên, luân lý nhắm hướng dẫn con người hướng về Chúa, điều cân thiết là phải học cả những môn Tín lý, Kinh thánh và Linh đạo mà bàn về Thiên Chúa mạc khải trong tương quan với con người.
(b)  nghiên cứu những hành vi nhân linh: Khi nói đến những hành vi nhân linh ở đây là nhấn mạnh tới hành vi hữu ý, mang tính cá nhân và tự do. Hành vi tự do này được hiểu đến khía cạnh hữu trách của hành vi đó trước mặt Thiên Chúa và gia nhân.
(c)  để hướng những hành vi đó đến việc hưởng kiến yêu mến Thiên Chúa: việc hưởng kiến Thiên Chúa được xem như là kiến tạo nên lòng yêu mến và nhờ vào lòng yêu mến này lại cố gắng để biết và thấy hơn nữa. Việc hưởng kiến yêu mến bao hàm cả khía cạnh lý trí và ý chí, tính yêu mà nó dựa vào nền tảng “Ta là mục tử nhân lành, Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta” (Ga 10, 14).
(d)  như hạnh phúc đích thực và trọn vẹn: cho thấy tất cả những gì đề cập đến luân lý đều khởi đi từ vấn đề hạnh phúc. Nghĩa là, theo sát Tin mừng, đặt luân lý trong mối tương quan với những mối phúc mà Đức Giêsu đa đề xướng.
(e)  và đến mục tiêu tối hậu: mục tiêu tối hậu được xem như là điểm mà con người nhắm tới xuyên qua những chọn lựa kế tiếp nhau trong cuộc sống. Nó là mục tiêu tối thượng mà con người hướng cả bản thân, cuộc sống và hành vi của mình tới đó.
(f)   nhờ ân sủng, nhân đức, các ân huệ Chúa ban: Như Thánh Phaolô đã khẳng định: “chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Ep 2, 8). Trước một mục tiêu và hạnh phúc siêu việt như vậy, con người chỉ có thể đạt được nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Có thể nói đây chính là một công việc đặc thù của Chúa Thánh Thần trong ta.
(g)  theo ánh sáng Mạc khải và lý trí: điều này nhấn mạnh đến vai trò của mạc khải như nguồn mạch chính yếu và trực tiếp cho luân lý Kitô giáo. Hai nguồn mạch chính yếu này là Kinh thánh và đức tin.
2.      Bản chất và vai trò của luân lý Kitô giáo
Một cách đơn giản, luân lý Kitô giáo là trình bày Luật Chúa Kitô, trình bày Chúa Kitô là luật sống cho mọi tín hữu. Chính Chúa Kitô là khởi nguyên, trung tâm và cùng đích. Vì thế, luật sống của mọi tín hữu là chính Chúa Kitô: Nhờ Ngài mà được sống thì cũng Ngài là luật sống.[3] Chính Chúa Kitô đã mời gọi mọi người sống đời sống cho Thiên Chúa để được hạnh phúc. Một tiếng mời gọi phổ quát thúc đẩy mọi người sống hạnh phúc và tìm hạnh phúc, vượt qua những ảo tưởng, chướng ngại vật trên đường. Nhưng hành trình nào, bước đi nào cũng có những đòi hỏi của lề luật, một con đường phải theo. Lề luật đó, con đường đó, như Thánh Phaolô đã khẳng định “luật của Đức Kitô Kitô” (1Cr 9, 21; Gl 6, 2). Do đó, nếu chúng ta bỏ khía cạnh xem luật luân lý như là một điều gì đó ràng buộc, thì sẽ thấy được luân lý Kitô giáo có những vai trò và chức năng cao hơn.
2.1.                        Luân lý Kitô giáo là nên luân lý về tình yêu
Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Trước tiên, Thiên Chúa lan tỏa tình yêu đó cho con người qua việc tạo dựng. Ngài là Đấng yêu thương thông ban sự giàu có, biểu lộ tình yêu, phân phát sự toàn hảo của mình cho các tạo vật. Nếu việc tạo dựng được xem như hình thức Mạc khải đầu tiên, thì trong đó Ngài bộc lộ tình yêu của mình qua việc tạo dựng. Cũng thế, cuộc sống người Kitô hữu là đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa để thông dự vào cuộc sống yêu thương, tham dự vào tình yêu thương của Ngài. Với tư cách cách là một thụ tạo và là hình hảnh của Thiên Chúa tình yêu (St 1,26), con người có ơn gọi yêu thương và được yêu thương. Tình yêu đó được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Và khi Đức Kitô xuống thế làm người, Ngài cũng rao giảng điều răn quan trọng nhất là “anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 12,15). Chính Thiên Chúa đã có sáng kiến và bước trước để bộc lộ tình yêu vô hạn bằng nhiều cách khác nhau. “Đó là một sự trao đổi trong thâm tâm con người, một sự trao đổi trong đó chính Thiên Chúa là người đề xướng và làm cho sự đáp trả chúng ta được đậm đà và hiệu năng, mà tự chúng ta không thể làm gì được”[4]. Cho nên, ta có thể nói rằng: “Ơn gọi của con người là đáp lại tình yêu vô biên đó trong nội tâm sâu thẳm của mình”[5]. Lời đáp lại tình yêu này một mặt con người tìm kiếm tình yêu trong sự gặp gỡ và khám phá người khác để nhờ đó kiện toàn bản thân mình; mặt khác, biểu lộ tình yêu đó cách hữu hình trong cuộc sống thường nhật. Cho nên, việc yêu mến Thiên Chúa phải được tỏ bày qua lòng yêu mến anh em mình, như Thánh Phaolô đã khẳng định: “Vì tất cả lề luật được nên trọn trong giới răn duy nhất này là: yêu phải yêu mến người lân cận như chính mình” (Gl 5,14). Và thánh Gioan cũng khẳng định: “…Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Như vậy, chính đòi hỏi việc yêu thương tha nhân làm cho lòng yêu thương Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống thường nhật của con người. Chính nhờ vậy, sẽ có một sự biến đổi sâu xa trong phạm vi ý chí, kéo con người ra khỏi tính ích kỷ, những giới hạn và sự nô lệ do hậu quả của tội lỗi. Như vậy, Thiên Chúa được yêu vì chính Người và mọi người được yêu như anh em trong Đức Kitô, nên luật này cũng được xem như là “luật tình yêu” (Rm 13,10).
2.2.                        Luân lý Kitô giáo là nền luân lý giải phóng con người
Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhấn mạnh con người lệ thuộc lẫn nhau và sống liên đới với nhau (thông điệp Mater et Magistra số 58). Cũng vậy, ngày nay với sự phát triển của khoa học, đặc biệt trong lãnh vực thông tin, đã chuyển dịch hoạt động của con người từ bình diện cá nhân sang bình diện xã hội. Khi đặt tự do của con người vào trung tâm của hành vi luân lý, thì luân lý Kitô giáo thực sự giải thoát con người khỏi nhiều thứ nô lệ bắt nguồn từ tội lỗi. Chức năng giải thoát này tương ứng với những điều Đức Giêsu đã nói trong hội đường Nazareth (Lc 4,16-22). Như thế, chúng ta đã đi vào trọng tâm của sự biến đổi mà luân lý Kitô giáo đem lại những giá trị tự nhiên cho con người, đó là tự do. Khi nói về mối liên hệ giữa tự đo và tình yêu, Công đồng Vat II xác định: Tự do là tình trạng của Dân Thiên Chúa, tình yêu bác ái là luật của dân Người[6]. Cho nên, trong khi tình yêu Kitô giáo mang lại một ý nghĩa mới, một chiều kích sâu xa hơn cho sự phát triển của con người tiến đến sự viên mãn, thì tình yêu này cũng mặc nhiên phải đi qua tự do. Với tư cách như một chủ thể, con người tự khẳng định bản thân mình bằng những hành vi riêng, với những quyết định xuất phát từ chính mình qua việc sử dụng tự do đích thực ta chiến thắng được những lôi cuốn của tội lỗi[7]. Nghĩa là, chính vì qua tự do, qua những hành vi tự do, con người tự thể hiện, khẳng định bản thân mình. Cũng vậy, tình yêu cũng có sức giải phóng con người khỏi nhiều thứ nô lệ của tội lỗi. Do đó, khi những gì buộc phải thực hiện với tình yêu thì sẽ không còn cảm thấy như bị nặng nề áp đặt nữa. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy tạo nên sự biến đổi nơi những hành vi của nhân đức tự nhiên đem lại cho các tín hữu một sức mạnh siêu nhiên. Lúc đó, chính nhờ vào luân lý Kitô giáo giải thoát cho con người, chúng ta có thể thốt lên như lời Thánh Phaolô nói: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
2.3.                        Luân lý Kitô giáo là nền luân lý về hạnh phúc
Với tư cách là một con người có lý trí và trái tim, tất cả chúng ta đều phải công nhận, trong mọi việc, còn người bắt tay vào việc, dù thất bại hay thành công, con người luôn luôn muốn được hạnh phúc. Nếu có hỏi một người nào đó thì ta sẽ thấy hạnh phúc chính là mục tiêu căn bản và mục đích tối hậu của mọi ơn gọi, mọi lựa chọn, cho dù ngay cả những lựa chọn trong cả tuyệt vọng. Mặc dù con người tự đáy lòng mình vẫn mơ tới một hạnh phúc xứng đáng với hoàn cảnh của họ, nhưng trên thực tế con người khó mà đạt được như mình mong ước. Tiếng gọi sống hạnh phúc rất đa dạng nơi con người. Cũng vậy, nỗ lực để đạt được hạnh phúc luôn ở trong tình trạng của một hy vọng. Thật vậy, con người sẽ cố gắng thật nhiều để vượt qua bao khó khăn thử thách cũng chỉ là mong một ngày nào đó sẽ tìm được chút hạnh phúc. Tới đây, đâu là nguồn gốc của tiếng gọi sống hạnh phúc?
Con người là một hữu thể có nhiều nhu cầu[8]. Nói chung, con người có hai nhu cầu căn bản là: nhu cầu sinh vật học và nhu cầu mang chiều kích tâm linh. Chính vì hai nhu cầu này khiến con người trở thành một hữu thể có khát vọng. Nghĩa là khi một nhu cầu hiện tại vừa thỏa mãn, thì lại phát sinh chiếu hướng đến một nhu cầu mới. Kinh nghiệm hiện sinh này cho thấy nơi con người có một sự thiếu thốn căn bản được biểu lột bằng sự khát vọng. Tóm lại, chúng ta có thể kết luận như sau: “Con người muốn hạnh phúc và muốn được hạnh phúc bằng mọi giá. Cũng nên lưu ý là hạnh phúc ấy có đặc điểm là vô hạn nơi con người”[9]. Chính vì lý do như vậy mà con người trên thực tế con người lại bất hạnh. Sự bất hạnh này là do con người cho rằng mình ra để được hạnh phúc. Con người lầm tưởng mình thỏa mãn một vào ước vọng nhất thời nào đó thì sẽ hạnh phúc. Nhưng chính trong những lúc như vậy, giới hạn như vậy, con người mới nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc đích thực cho đời mình. Điều này được khẳng định như sau: “Với tâm hồn cởi mở đón nhận sự thật và vẻ đẹp, với lương tri tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng tới vô tận và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa”[10]. Cho nên việc tham dự vào sự sống của Thiên Chúa chính là hạnh phúc đích thực của con người. Nhưng con người không thể tự mình đạt tới cứu cánh đó được, mà phải nhờ đến ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Thật vậy, “Hạnh phúc thay những tâm hồn tìm kiếm Thiên Chúa” (TV 105,3). Nhưng để đạt được hạnh phúc đó con người cần phải dùng lý trí để phân biệt và ý chí để làm lành những điều theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Nghĩa là:
Cho dù con người có thể quên lãng hay chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn không ngừng kêu gọi mỗi người tìm kiếm Người để được sống và được hạnh phúc. Nhưng sự tìm kiếm này đòi hỏi con người vận dụng tất cả trí tuệ, ý thức chính trực, một lòng ngay thẳng, và phải có chứng từ của người khác hướng dẫn họ kiếm tìm Thiên Chúa[11].
Điều này dẫn con người đến mối liên hệ giữa tinh thần từ bỏ và việc theo đuổi một lý tưởng. Con người cần phải biện phân minh bạch cho chọn lựa này để đạt được hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc đích thực mà con người đang theo đuổi có hai mức độ. Với bài giảng trên núi, Mt chương 5, ta thấy hạnh phúc gắn liền với những sự việc khó khăn và bất hạnh, đòi hỏi sự hy sinh mới có thể đạt được. Trong giai đoạn này, chúng ta xác tín là có Thiên Chúa rồi, nhưng vẫn còn đó những nỗi thăng trầm của cuộc sống hiện tại. Quả thật, giai đoạn này được xem như là giai đoạn của luân lý Kitô giáo, một nền luân lý đi tìm Thiên Chúa, một cuộc sống lữ hành trong việc thực hiện thánh ý của Người qua bao nỗi thăng trầm. Chính dụ ngôn các trinh nữ khôn ngoan và các trinh nữ khờ dại (Mt 25,1-12) cho chúng ta thấy được ý nghĩa này là sự chờ đợi phải được thể hiện qua việc chuẩn bị nội tâm, kiên nhẫn và tỉnh thức trong lời cầu nguyện (Lc, 31-40). Nhưng chúng ta thật may mắn vì trong suốt hành trình dò dẫm đó, chúng ta có một người hướng dẫn bảo đảm: đấy chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Như thế luân lý Kitô giáo, nếu được thực hiện mỗi ngày, sẽ đạt được cứu cánh tối hậu của nó. Có như vậy luân lý Kitô giáo trở nên rất gần gũi với con người. Như thánh Phaolô đã diễn tả: “Bây giờ ta thấy lờ mờ một tấm gương, mai sau sẽ được giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr, 13,12).
(Còn tiếp)



[1]Luân Lý Học Khai Hoa,NXB 1996, trang 5.
[2] Lm. Giuse Nguyễn Đức Quang,Luân Lý Cơ Bản, TT Học Vấn Đa Minh, Năm 2007, trang 9.
[3] Xc. Luân Lý Học Khai Hoa,Năm 1996, trang 10.
[4]Luân Lý Công Giáo – Luân Lý Căn Bản, Tủ Sách Toát Yếu, trang 142.
[5] Lm Giuse. Nguyễn Đức Quang,Luân Lý Căn Bản, TT Học Vấn Đa Minh, trang 20.
[6] Xc LG 9; Tuyên Ngôn về Tự Do Tôn Giáo số 11.
[7] Xc. Lm Giuse Nguyễn Đức Quang,Luân Lý Cơ Bản, TT Học Vấn Đa Minh, trang 24.
[8] Xc Luân Lý Kitô Giáo – Luân Lý Căn Bản, Tủ Sách Toát Yếu, trang 34
[9]Luân Lý Kitô Giáo – Luân Lý Căn Bản, Tủ Sách Toát Yếu, trang 36.
[10]GLHTCG số 33.
[11] GLHTCG số 30.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP