Epiphane
Cái nghèo luôn là nỗi ám ảnh bao
nhiêu con người ở mọi thời đại. Cuộc sống nghèo luôn mang lại những nỗi đau
cùng cực. Thế nên, con người tìm cách để trốn tránh cái nghèo; hay nếu bị rơi
vào cảnh nghèo, họ tìm mọi cách, thậm chí là thủ đoạn, hay chà đạp lên kẻ
khác,… chỉ để thoát kiếp nghèo. Trái lại, có những vĩ nhân như phật Thích Ca,
các vị ẩn sĩ,… họ đã tự đi tìm cho mình cách sống nghèo, như một cách để loại
trừ những nỗi đau khổ. Như thế cũng đã là một cách thế tuyệt vời, và cho đến
nay, nhiều người đã theo cách thức như
thế để diệt trừ những đau khổ. Nhưng với một cách thế khác hoàn toàn với
họ, Đức Giê-su, một Thiên Chúa, đã xuống thế làm người trong cảnh cơ bần. Ngài
cho ta thấy một cách thế mới, tốt đẹp, thiện hảo mà Thiên Chúa muốn các môn đệ
Người trước tiên, sống theo tấm gương Con Thiên Chúa làm người đã sống. Chính
cuộc sống của Đức Giê-su như một lời mời gọi những Ki-tô hữu theo Ngài sống dấn
thân giữa đời theo tinh thần khó nghèo của Ngài.
Qua bốn quyển Tin Mừng, cái nghèo gắn
liền với trọn vẹn cuộc đời của Đức Giê-su. Từ việc nhập thế trong cung lòng một
cô thôn nữ Maria, cho đến khi trút hơi thở trần truồng cô đơn trên thập giá: Đức
Giê-su đã sống một cuộc đời hoàn toàn khó nghèo. Và trong diễn từ của bài giảng
trên núi về tám mối phúc, Đức Giê-su đã hứa ban Nước Trời, là chính phần thưởng
cho những người sống tinh thần khó nghèo. Theo lời của Đức Giê-su “Phúc cho các
con là những người có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của các con” (Lc
6:20). Trên hết mọi nhân đức khác trong bài giảng của Ngài là chính lời kêu gọi
sống nhân đức khó nghèo. Lời mời gọi này không buộc mọi người phải trốn tránh,
hay tìm cách thoát ly khỏi cái nghèo; Nhưng là sống đón nhận cái nghèo khó như
một ân huệ vì đã được chính Thiên Chúa, qua Đức Giê-su chúc phúc; Sống nghèo
như chính Đức Giê-su đã sống.
Thánh Công Đồng đã tái khám phá đức
nghèo như một nét đặc biệt trong Giáo Hội, chứng minh tước hiệu “Giáo Hội là
Giáo hội của người nghèo.”[1] Giáo
Hội xem Đức nghèo luôn có một vị trí đặc biệt trong giao ước của Thiên Chúa, và
người nghèo được Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái đặc biệt. Các Ki-tô hữu được mời gọi
một cách đặc biệt sống thoát ly khỏi những quyến rũ của những yếu tố vật chất,
trong đó tiền bạc là điển hình. Tiếp bước Chúa Ki-tô thực thi đức nghèo một
cách hoàn hảo(x.PC13). Vấn đề này cũng được nhắc đến trong tự sắc Ecclesiae sanctae (số 23). Hay trong lời
giáo huấn của Đức Phao-lô VI[2] và Đức
Gioan Phao-lô II. Tông huấn Chứng tá Tin
Mừng (số 17-23) cụ thể hóa nhu cầu khẩn thiết của đức nghèo và đưa ra các
nguyên tắc chỉ dẫn cho công cuộc canh tân đời sống nghèo bậc tu trì.
Sắc lệnh canh tân thích nghi đời tu (số 13) đã phối hợp với các nội dung
giáo lý, thiêng liêng, mục vụ, tông đồ muốn thể hiện cái đẹp của đức nghèo
trong lòng Giáo Hội cũng như trong đời sông tu trì. Hay trong Giáo luật điều
600: “Huấn điều Phúc Am khó nghèo để bắt
chước Chúa Ki-tô, Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì chúng ta, đòi buộc
tu sĩ phải sống nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không
dính bén tới tài sản thế tục, lệ thuộc và bị hạn chế trong việc sử dụng và định
đoạt tài sản theo quy luật riêng của từng hội dòng.” Đời sống tu trì với lời
khấn khó nghèo giúp các tu sĩ thể hiện mong muốn nên giống Chúa Ki-tô hơn. Để
làm được điều này nếu không có một mục đích rõ ràng hẳn là không phải dễ dàng.
Đức Giê-su biết điều này và đã đưa ra một lý do rất thực là vì “Nước Trời” – một
khát vọng của con người.
Chúng ta, những người Ki-tô hữu, là
những người môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô. Với danh xưng Ki-tô hữu, chúng ta phải
tự ý thức được làm thế nào để sống theo lời dạy của Ngài: “Anh em không thể làm
tôi Thiên Chúa lẫn tiền của” (Lc16,13). Hay như lời mời gọi của Thánh Công Đồng
mời gọi tránh: “Những vẻ xa hoa, dư thừa, tích lũy”[3]. Cái khó là biết sống sao
cho phù hợp với cuộc sống hiện đại; biết tránh những thứ xa sỉ trong khi vẫn phải
chi tiêu cho những gì cần thiết. Biết sử dụng của cải đúng mục đích đó là một
cái lợi lớn; nếu không chính tiền của lại quay lại làm hại chính mình.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét