Tôma Đệ
Chúng
ta đang sống trong một xã hội mà ý thức dân chủ, tự do được đề cao. Và từ đó nẩy
sinh rất nhiều thách đố mà chúng ta phải đối mặt: tình trạng phân biệt đối xử
ngày càng tăng, phân chia giai cấp ngày càng rõ rệt, nhân phẩm, nhân vị con người
ngày càng bị hạ thấp, thước đo của nhân loại lúc này là: tiền tài, danh vọng, lạc
thú và chức quyền. Chính vì vậy mà sự vâng lời được người ta xem như một thứ gì
xa xỉ, không thể với tới. Trong đời sống dâng hiến cũng vậy, vâng lời cũng đang
là một thách đố lớn đối với mỗi người Tu sĩ ngày nay. Họ chỉ biết vâng lời một
cách qua loa, với hình thức bề ngoài, vâng lời bằng mặt chứ không bằng lòng và
chưa đi vào chiều sâu của sự vâng lời. Vậy thì những thách đố đó đến từ đâu? Và
có những phương thế nào để dẹp bỏ những thách đố đó? Và đây cũng là nội dung em
xin trình bày.
I.
Định nghĩa vâng lời là gì?
Theo
nghĩa tiếng việt: vâng lời có nghĩa là nghe theo lời của người nào đó, nghe
không phải để cho lời lọt vào tai này và chui ra tai kia, nhưng là chấp nhận
đáp lại “dạ vâng”. Như vậy, vâng lời là bỏ ý riêng mình, vâng theo ý Chúa qua sự
vâng lời ý của bề trên. Vâng lời đòi hỏi sự khiêm nhu đích thực.
Theo
nghĩa Latinh: vâng lời bắt nguồn từ chữ Latinh ob-audire có nghĩa là nghe một
cách thận trọng sâu xa. Như thế người vâng lời là người biết lắng nghe một cách
chín chắn. Đây cũng bao hàm ý nghĩa bổn phận đối đáp. Nghĩa là người nghe cho
chắc sứ mệnh để rồi đem ra thực hành.
Theo
nghĩa tôn giáo: vâng lời là thái độ chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa cho dù
thánh ý của Người được diễn tả dưới bất cứ hình thức nào. Như vậy, vâng lời là
chăm chú lắng nghe và đem ra thực hành, còn đức vâng lời và lời khấn vâng lời
ta phải hiểu như thế nào?
II.
Phân biệt đức vâng lời và lời khấn vâng lời.
1.
Đức vâng lời
Đức Vâng Phục là một đức tính căn bản và trụ cột
trong tổ chức Giáo hội và trong đời sống tâm linh Kitô giáo. Vì thế, chúng ta cần
tìm hiểu để thực hành nhân đức này một cách đúng đắn. Nhiều Kitô hữu chỉ hiểu Đức
Vâng Phục theo nghĩa hẹp là bề trên bảo sao thì làm đúng như vậy, mà không nhìn
ra mục đích của Đức Vâng Phục là thực hiện Thánh Ý của Thiên Chúa. Do đó, khi
vâng lời chỉ vì luật buộc, chỉ vì muốn lấy lòng bề trên, vì muốn được tiếng
khen, chứ không nhằm thực hiện thánh ý Thiên Chúa, nhất là khi biết lệnh của bề
trên không phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa mà vẫn cứ vâng lời, thì sự vâng lời
đó không phải là nhân đức.
Chính
vì thế, tất cả những ai muốn tận hiến cho lý tưởng sống trọn lành, cần phải
tuyên khấn hay tự nguyện thực hành Đức Vâng Phục như một nhân đức căn bản của đấng
bậc mình.
Nhờ
Đức Vâng Phục của hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, Giáo hội mới có thể đứng vững
và luôn luôn phát triển bất chấp những hoàn cảnh lịch sử hết sức khó khăn. Công
Đồng Vatican II xác nhận: «Đức Vâng Phục là sức mạnh đặc biệt của các thừa
tác viên Chúa Kitô, Đấng đã dùng sự vâng phục để cứu nhân loại» (TG
24,2). Nếu người ta nói: «Kỷ luật là sức mạnh của quân đội», thì
ta có thể nói: «Đức Vâng Phục chính là sức mạnh của Giáo hội».
2. Lời khấn vâng lời
Trước hết, lời khấn là lời hứa cách ý thức và thong
dong đối với Thiên Chúa, về một điều thiện tốt hơn và có thể thi hành được. Xét
vì thuộc về đức thờ phượng, lời khấn buộc phải được chu toàn. (Gl 1191 triệt 1)
Như vậy, với lời khấn vâng lời, anh em bắt buộc
theo lương tâm phải vâng phục các Bề trên hợp pháp trong bất cứ huấn lệnh nào của
các ngài khi các ngài không đi ngược lại lời khấn và hiến pháp Dòng.
Tuy nhiên, cả khi không có lệnh rõ ràng, thì sự
vâng lời của anh em vẫn đặt trên nền tảng lời khấn và do đó mà công nghiệp được
gia tăng. Chính vì thế mà đời sống tu sĩ được đánh dấu bằng đức vâng phục mà
anh em đã tuyên khấn. (HP Dòng
Thánh Gia số 52)
III.
Vâng lời có ý nghĩa như thế nào?
1.
vâng lời là trở nên giống Chúa Kitô hơn
Nhờ khấn
giữ đức vâng lời, người Tu sĩ tận hiến ý muốn của mình như của lễ bản thân dâng
lên Thiên Chúa, nhờ đó được kết hiệp mật thiết với Ngài cách kiên trì và chắc
chắn hơn. Vậy, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã đến để làm theo thánh ý Chúa Cha
“tự nhận mình là thân phận tôi tớ” (Pl 2,7), và đã học tập đức vâng lời với những
điều phải chịu đựng (Dt 5,8). Các Tu sĩ được Chúa Thánh Thần thúc đẩy lấy đức
tin vâng lời các bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài hướng dẫn, họ phục
vụ mọi người trong Chúa Kitô. Như chính Chúa Kitô vì vâng lời Chúa Cha đã phục
vụ chúng ta và hiến mạng sống để cứu chuộc chúng ta. Như thế, họ sẽ liên kết chặt
chẽ với sứ mạng phục vụ của Giáo hội, và nỗ lực đạt tới mức tuổi sung mãn của
Chúa Kitô. (sắc lệnh perfectae Caritatis 14).
Trong xã
hội, mọi người vâng lời theo công thức: cấp dưới phải thực hành lệnh cấp trên,
người chủ có quyền ra lệnh cho đầy tớ của mình. Còn trong nhà Dòng, sự vâng lời
của các Tu sĩ là một nhân đức. Như vậy với ơn Chúa giúp mỗi Tu sĩ thực thi
thánh ý của Thiên Chúa qua việc vâng lời các đấng Bề trên của mình. Đức vâng lời
nằm trong mầu nhiệm của Chúa Kitô và Giáo hội. Chúa Kitô đã vâng lời Chúa Cha
và vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Giáo hội là hiền thê của Chúa
Kitô, vâng lời Chúa Kitô để trở thành hiền thê xinh đẹp của Ngài. Cụ thể một tu
sĩ vâng phục lệnh Bề trên thì phải hiểu như thế nào?
Trước hết,
Tu sĩ dùng ý chí, ý muốn tự do của mình để vâng lời, ý muốn vâng lời của người
Tu sĩ kết hiệp mật thiết với ý muốn của Thiên Chúa cứu độ loài người. Như vậy,
đó là một sự hiến dâng ý muốn và tự do của mình lên Thiên Chúa và ý muốn đó được
kết hiệp với ý muốn cứu độ của Thiên Chúa. Vì người Tu sĩ thuộc về Đức Kitô nên
ý muốn vâng lời và hiến dâng của người Tu sĩ hợp cùng với Chúa Kitô để dâng lên
Thiên Chúa Cha. Do đó, khi người Tu sĩ vâng lời lệnh Bề trên đại diện Thiên
Chúa, thì người Tu sĩ vâng lời Thiên Chúa trước hết và sống đức vâng lời trong
mầu nhiệm Chúa Kitô và mầu nhiệm Giáo hội. Điều này hoàn toàn khác với sự vâng
phục trong xã hội, giữa người có quyền và người thuộc quyền. Vâng lời mà thôi vẫn
chưa đủ nhưng chúng ta phải biết phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa
và để Thiên Chúa dẫn chúng ta đi.
2. vâng lời là sẵn sàng phó thác
vào sự quan phòng của Thiên Chúa
Sự vâng lời của Tu sĩ trở nên tròn
đầy hơn khi biết cậy nhờ vào ân ban và phó thác hoàn toàn cuộc sống của mình
trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa như chính Đức Kitô. Người là Đấng vâng
lời tuyệt hảo, Người đã từ bỏ mọi vinh quang và xuống thế không phải để làm
theo ý mình, nhưng để làm theo ý Đấng sai phái Người (x. Ga 6,38 ; Dt 10,5.7).
Người ký thác bản thân và hành động vào tay Chúa Cha (x. Lc 2,49). Bởi sự vâng
lời thảo hiếu, Người chọn thân phận nô lệ: “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang, mặc lấy thân nô lệ [...], vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết
trên cây thập tự” (Pl 2,7-8). Vậy khi vâng lời người Tu sĩ được gì phải
chăng là họ đã được phần thưởng ngay ở đời này.
IV.
Khi
vâng lời con người được gì?
Khi
vâng lời người Tu sĩ đang hành động đúng với bản chất ơn gọi của mình là từ bỏ
ý riêng của mình của mình để làm theo thánh ý Thiên Chúa, bắt chước Đức Kitô.
Không những thế người Tu sĩ còn thể hiện được hình ảnh sống động của Đức Kitô
trong việc thi hành sự vâng lời của mình.
Lời khấn vâng phục cốt yếu nhất ở
việc hy sinh ý riêng mình vì Thiên Chúa, chấp nhận một cách tự do mà quyết định
của họ là biểu hiện của thánh ý Thiên Chúa, để được vững tâm hơn và hoàn tất những
chương trình của Thiên Chúa định về chúng ta một cách hoàn hảo hơn. Vì thế,
vâng phục luôn bao hàm sự từ bỏ ý riêng, tức là từ bỏ quyền tự quyết về mình.
Chúa
Giêsu đã mặc khải cho chúng ta ý nghĩa của vâng lời: đó là được đồng hóa và hiệp
thông với thánh ý Thiên Chúa trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chấp nhận và thực
hiện thánh ý ấy khi được tỏ ra, nhất là qua các vị trung gian của Thiên Chúa.
Vì thế, vâng phục trong đời tu chói lọi như một hiến lễ toàn thiêu dâng tiến
Thiên Chúa với tinh thần hiếu thảo và hy sinh, noi theo gương Chúa Giêsu, Đấng
đã vâng phục Thiên Chúa Cha, chấp nhận cả cái chết để làm giá chuộc cho nhiều
người. Như vậy, vâng lời chính là chú tâm đến mọi dấu chỉ Thiên Chúa dùng để tỏ
ra thánh ý của Người. Thật vậy, hoa trái của sự vâng rất nhiều nhưng cũng không
ít những khó khăn.
V.
Thách
đố của lời khấn vâng lời trong thời đại hiện nay
1. Chủ nghĩa cá nhân
Con người thời nay thích sống theo
chủ nghĩa cá nhân, thích co cụm trên bản thân mình theo châm ngôn “sống chết mặc
bay”, chỉ biết sống cho mình mà quên đi những mối tương quan với người khác. Đồng
nghĩa với việc con người quá đề cao cái tôi của mình.
Con người được rập khuôn theo Đức
Kitô không thể phát triển được trong một con người coi cái tôi là quá lớn. Sự
phát triển hình ảnh của Thiên Chúa trong ta và sự trương phình bản ngã của ta
là hai sự việc luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau. Càng coi cái tôi của mình là
quan trọng, càng đặt nặng cái tôi của mình, thì cái tôi ấy càng lấn át tính chất
thần linh, và làm cho nó ngày càng yếu ớt, nhỏ bé đi, và đó chính là nguyên
nhân của mọi thứ tội lỗi. Trong tiếng Việt, chữ “tôi” được hình thành bởi chữ
“tôi” và dấu “nặng”: “tôi nặng tội”. Điều ấy không phải là không có ý nghĩa. Tội
lỗi được hình thành từ việc coi cái tôi của mình quá lớn. Và sự thánh thiện thì
ngược lại, được hình thành từ việc coi nhẹ hay tự hủy cái tôi của mình đi. Đức
Giêsu đã từng nói: “Hạt lúa được gieo vào lòng đất nếu không chết đi, nó vẫn chỉ
là hạt lúa, còn nếu chết đi, nó mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Cái tôi
có chết đi, thì sự sống thần linh trong ta mới phát triển và sinh hoa kết
trái được. Không chỉ có cái tôi mà thôi, một thách đố lớn không kém đó là tính
kiêu căng nơi mỗi người.
2. Kiêu căng
Một câu chuyện được kể lại như sau:
Có một con ếch nọ muốn rời khỏi vùng lạnh giá phía bắc để đến vùng
phía nam vì mùa đông băng giá sắp tới rồi. Nhưng nó quá lười biếng không muốn
nhảy hàng trăm cây số đường dài nên mới nghĩ ra một kế.
Nó thuyết phục được hai con ngỗng trời lớn. Theo kế hoạch,
thì mỗi con ngỗng ngậm một đầu của một chiếc que gỗ, còn ếch thì cắn vào
chính giữa. Như thế là cả ba bay lên trời hướng về phía
nam. Chú Ếch ta sung sướng nhìn xuống đồng ruộng và kiêu hãnh.
Tình cờ có một nhà nông làm ở ngoài đồng với
đứa con trai. Cha con ngước mắt lên trời thấy hai con ngỗng bay mà ngậm ở hai
đầu một que gỗ cho con ếch ngoạm vào. Người cha nói với con:
Con thấy gì không? Bố không hiểu
ai đã thuyết phục hai con ngỗng đó mà chúng lại cho con ếch bay lên trời
như vậy.
Ếch ta nghe được khoái chí lắm,
nhưng không dám nói gì. Sau cùng không chịu được nữa nó nói thật to:
Ta đây chứ ai!
Nhưng nói chưa hết câu thì nó đã
rơi xuống đất chết ngoẻo vì muốn khoe khoang mà quên không lo ngoạm vào que gỗ.
Trong cuộc sống cũng vậy, nhiều lần
chúng ta cũng đã mở miệng nói vì ham danh vọng nên đã gây ra không biết bao tai
hại cho chính bản thân và cho kẻ khác. Lòng ham danh vọng, ích kỷ và kiêu căng,
là những tật xấu ăn rễ sâu trong bản tính tự nhiên của con người, rất khó chừa
bỏ, đến độ thánh Phanxico De Sales đã nói như sau:
“Tính tự phụ kiêu căng nơi mỗi người
chúng ta chỉ chết đi mười lăm phút sau khi ta đã chết. Hơn nữa, môi trường xã hội
chung quanh xem ra không đề cao lòng quảng đại, vị tha, sự phục vụ khiêm tốn của
anh chị em. Mà ngược lại có chứa những yếu tố có tính kích thích lòng ham danh
lợi, tính tự phụ của mỗi người chúng ta. Nhiều lúc chúng ta bị cám dỗ muốn làm
việc này việc nọ, muốn nói điều này điều khác, cốt chỉ để khoe khoang và mưu
tìm danh vọng cho bản thân mà thôi”.
Và điều đó làm cho chúng ta tự đào
hố chôn mình, giống như con ếch ham danh lợi trong câu chuyện trên. Tật xấu này
không phải chỉ có nơi con người thời đại hôm nay mà thôi, nhưng còn có nơi con
người thuộc mọi thời đại, nhất là nó cũng đang có trong mỗi người Tu sĩ.
Kiêu căng đối nghịch với khiêm nhường.
Kiêu căng làm cho con người ta chỉ tập trung vào “cái tôi” và quên mất sự khiêm
tốn. Kiêu căng còn phá vỡ đi tình thương của chúng ta đối với tha nhân và đối với
Thiên Chúa. Chính vì kiêu căng mà ông bà nguyên tổ đã phá vỡ tình thương và ân
sủng mà Thiên Chúa ban cho con người và cuối cùng ông bà đã phải lãnh hậu quả
là phải đau khổ và phải chết. Nếu chúng ta không biết loại bỏ tính kiêu căng bằng
cách khiêm tốn nhìn nhận những giới hạn của mình thì chính tính kiêu căng đó sẽ
giết chết chính chúng ta. Một triết gia hiện sinh của Pháp là Marcel đã nói: “Tự
kiêu là tự diệt”. Còn trong Tin Mừng Chúa Giêsu cũng đã dạy các tông đồ rằng:
“Ai muốn nâng mình lên sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc
14,11).
Chính vì vậy mà tự kiêu là một vật
cản lớn làm cho chúng ta không thể thực thi đức vâng lời một cách tốt nhất. Và
để phá vỡ những thách đố trên, ta cần phải có những phương thế sau đây.
VI.
Phương
thế giúp cho chúng ta thực hành đời sống vâng lời.
1. Khiêm tốn
Khiêm tốn giúp chúng ta nhận ra được
những giới hạn của mình. Và rồi từ đó giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải
luôn luôn tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Để Ngài yêu thương,
che chở và dẫn dắt chúng ta đi. Chẳng hạn, trong dụ ngôn hai người lên đền thờ
Giêrusalem cầu nguyện: Một người luôn ra vẻ ta đây đạo đức làm được nhiều việc
tốt và chê bai người khác, con người kia thì không dám ngước mắt nhìn Chúa cầu
nguyện nhưng ở đằng xa nhìn nhận mọi tội lỗi và giới hạn của mình. Và khi ra về
người biết nhìn nhận tội lỗi, giới hạn của mình thì được tha hết các tội mà còn
được nhiều ơn ích, ngược lại người kia không được gì mà còn mắc thêm tội.
Qua đó, khiêm nhường được coi như
phương thế thực tập đức vâng lời. Hơn thế nữa, điều kiện tối cần và duy nhất để
con người tiếp cận với Thiên Chúa và tha nhân đó chính là khiêm nhường trong
tình yêu.
Vâng lời phát sinh từ “sự khiêm nhường
tùng phục” tức là sự kính phục dựa trên đức tin và sự đón nhận chu toàn những
gì được giao phó như một biểu hiện của tình yêu. Đối với những con người dâng
hiến, vâng lời trở thành một hành vi thờ phượng, được qui hướng về Thiên Chúa
là Đấng được nhìn nhận trong con người của Bề trên và trong các dấu chỉ khác được
Thiên Chúa dùng để tỏ mình ra.
Như vậy, Khiêm tốn đích thật được
xây dựng trên sự nhận biết phẩm giá của chúng ta như kitô hữu, và phải biết rằng
tất cả điều gì chúng ta có đều được nhận lãnh từ Thiên Chúa.
2. Cầu nguyện nhận ra thánh ý của
Thiên Chúa
Cầu nguyện rất cần thiết đối với mỗi
người, đặc biệt là chúng ta những con người dâng hiến, dâng mình cho Chúa. Một
người Tu sĩ không có đời sống cầu nguyện giống như người nông dân đi ra đồng cuốc
đất mà không có có cuốc. Cầu nguyện không những giúp cho mỗi người kết hợp mật
thiết với Chúa mà cầu nguyện còn giúp ta nhận ra thánh ý Chúa và mau mắn thi
hành.
Cầu nguyện còn còn giúp chúng ta chống
trả lại các cơn cám dỗ. Chúa Giêsu cũng đã từng nhắc nhở các tông đồ: “Anh em
hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái,
nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14, 38). Chính vì vậy, cầu nguyện là một ân ban
Thiên Chúa ban cho mỗi người cách nhưng không, nếu như chỉ cậy vào sức riêng của
ta thì ta không thể nào kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và nhận ra được thánh
ý của Người.
Do đó, với một đời sống cầu nguyện
tốt chúng ta sẽ thực hiện đời sống vâng lời cách trọn vẹn hơn.
Tóm
lại, sống trong Dòng tu, ta càng vâng lời thì ta càng thấy
rõ ơn gọi của ta, đó là một kinh nghiệm mà hầu như ai trong chúng ta phần nào
cũng cảm nghiệm được. Càng vâng lời sống cầu nguyện, chúng ta càng thấy gần
Chúa thì càng kết hợp với Chúa để nhận ra thánh ý của Ngài và mau mắn thi hành
có được như vậy người tu sĩ đang sống đức vâng lời một cách tròn đầy. Hơn nữa
nó còn là một của lễ tuyệt vời mà mỗi người sống trong đời sống dâng hiến dâng
lên Thiên Chúa Cha.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét