Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Nền văn hóa - văn minh Ấn Độ mang đậm nét tôn giáo



Basile

Ấn Độ là một đất nước vô cùng phong phú đa dạng hội đủ mọi sắc thái về điều kiện tự nhiên. Đây là một bán đảo rộng lớn ở Nam Á. Nó nhìn như một hình tam giác khổng lồ với đáy là dãy Himalaya. Còn đối với trí tưởng tượng phong phú của mình, người dân Ấn Độ hình dung đất nước họ như một nàng tiên cá xinh đẹp có mái tóc bạch kim dài tung bay trong mây trời Himalaya và có cái đuôi cá vẫy vùng trong Ấn Độ Dương xanh thẳm. Himalaya là nơi khơi nguồn của hai con sông: sông Ấn và sông Hằng; và chính từ “tập hợp” núi – sông này đã khởi đầu cho nền văn minh Ấn Độ, và cũng là nơi mà, đối với người Ấn,  những vị thần ngự trị. Từ đó phát xuất ra những tôn giáo gắn chặt với nền văn hóa của Ấn Độ. Có thể nói rằng Ấn Độ là một dân tộc mộ đạo bậc nhất thế giới. Đối với người Ấn, tôn giáo còn cốt yếu hơn cả chính trị. Và trong suốt mấy ngàn năm qua, tôn giáo đã đi sâu vào đời sống văn hóa của người dân Ấn. Bởi vì nơi đây là nơi khai sinh ra nhiều tôn giáo mà trong đó có hai tôn giáo lớn đó là Phật giáo và Hindu giáo. Hơn nữa, nơi đây cũng là nơi tụ họp của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới như: Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo,… Nhiều học giả nói: “Nền văn hóa - văn minh Ấn Độ mang đậm nét tôn giáo”. Để hiểu rõ điều này, chúng ta xem xét những khía cạnh khác nhau trong đời sống văn hóa của người Ấn.
Về mặt lịch sử, người Ấn đã có những hoạt động văn hóa về sinh hoạt tôn giáo ngay từ thời tiền sử, thời Mohenjo-daro và Harappa, tuy rằng chưa có các đền đài để thờ cúng. Ngành khảo cổ học đã tìm thấy những bức tượng nhỏ bằng đất nung hình người phụ nữ, có lẽ đây là sự phụng thờ các nữ thần Mẹ, và tượng người đàn ông có lẽ là một Yogi trong văn hóa phồn thực. Rồi đến các nghi lễ hiến tế với nghi thức hiến sinh trong đạo Veda, trong thời Arya, với tác phẩm được viết ra là kinh Veda, thể hiện sự hòa điệu giữa vũ trụ và con người. Kế tiếp là kinh Upanishad của đạo Balamôn nhấn mạnh việc dùng tri thức để thực hiện sự hòa đồng với vũ trụ, tìm sự giải thoát. Đến sự hình thành Hindu giáo lấy cả kinh Veda và kinh Upanishad làm nền tảng. Tới vương triều Ashoka (273 – 232 TCN), Phật giáo được đề cao và phát triển mạnh trong đời sống văn hóa và tâm linh; họ không còn mang những đội quân hùng mạnh đi xâm lược nữa mà lại phái các phái đoàn đi truyền bá lòng từ bi hỷ xả của Phật. Tới thế kỷ XIII, quốc vương Sultan đã mở đầu cho vương triều Hồi giáo. Sau đó ba thế kỷ, triều đại Mughul cố gắng đưa Ấn giáo và Hồi giáo dung hòa với nhau, nhờ đó thúc đẩy văn hóa Ấn Độ phát triển trên những con đường mới, đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt: tôn giáo, văn học và nghệ thuật.
Về mặt văn học nghệ thuật, nhiều nhà nghiên cứu nói: “Ở Ấn, tôn giáo ‘đọc’ cho văn học ‘chép’”. Gần như toàn bộ tác phẩm văn học Ấn Độ, theo cách này hay cách khác, đều liên quan đến đề tài tôn giáo, thể hiện những tư tưởng tôn giáo. Chúng ta có thể thấy các tác phẩm nổi tiếng mang đặc trưng của tôn giáo như: kinh Veda, kinh Upanishad, hay hai sử thi vĩ đại Mahabharata và Ramayana. Đối với người Ấn, hai sử thi này còn hơn cả những kiệt tác văn học. Bởi vì, những sử thi này không hề cấm cản bất cứ thành phần nào trong xã hội Ấn Độ đọc nó; không giống như những kinh điển tôn giáo như Veda chỉ cho một số tầng lớp trên của xã hội đọc. Nơi những sử thi này người dân tìm được những chân lý tôn giáo, triết học, những hiểu biết và thể nghiệm cuộc sống chứa đựng trong đó. Thủ tướng J. Nehru nói về hai sử thi này: “Tôi không hề biết có bộ sách nào ở bất kỳ đâu lại có một ảnh hưởng liên tục và lan tràn như thế với tư tưởng quần chúng như hai bộ sử thi này”. Điều đặc biệt là hai sử thi này được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau và được tiếp nhận tùy mức độ tinh thần khác nhau của mỗi người dân. Về hình thức thể hiện có: đọc tụng (như tụng kinh), kể chuyện, bình giảng hay biểu diễn trên sân khấu. Còn về tinh thần tiếp nhận thì, có người tiếp nhận chúng như những truyện kể bình thường, có người tiếp nhận nó như những tác phẩm văn học kiệt xuất, có người  lại tiếp nhận nó như những bản thánh kinh. Qua đó ta thấy, sự sáng tác của các nghệ sĩ Ấn Độ cũng được nhìn như một nỗ lực tôn giáo liên quan tới các tác phẩm tâm linh cho phép người bình dân Ấn tiếp nhận được những hình ảnh thần linh mà họ tôn thờ. Ở Ấn Độ, phải hiểu tinh thần tôn giáo theo một cách rộng, nghĩa là hiểu nó như một cách sống, một cách nhìn thế giới, tinh thần tôn giáo hầu như đồng nghĩa với văn hóa. Tinh thần đó nằm trong tâm hồn của mỗi người dân Ấn, chứ không phải chỉ giới hạn trong giới tu sĩ khổ tu. Khổ hạnh, thần bí của các tu sĩ không phải là tất cả bộ mặt tinh thần tôn giáo Ấn Độ, mà là sự kết hợp hài hòa thống nhất giữa siêu thoát và trần thế, khổ hạnh và hưởng lạc… Tinh thần tôn giáo đó vẫn còn được thể hiện trong những bài thơ hiện đại của Rabindranath Tagore; những bài thơ của ông mang đậm tính tâm linh.
Về nghệ thuật, toàn bộ nghệ thuật Ấn Độ cách này hay cách khác và ở những mức độ khác nhau luôn gắn chặt với tôn giáo. Như tòa nhà chính phủ là nơi tụ họp kiến trúc của các tôn giáo: chóp nhọn của Phật giáo, chóp bầu của Hồi giáo, cột hoa văn của Ấn Độ giáo và kiến trúc tổng thể của Kitô giáo. Cả nghệ sĩ sáng tạo lẫn những người chiêm ngưỡng, những tác phẩm làm ra luôn mang những vẻ đẹp lôi cuốn nhưng không bao giờ rời xa mục đích cuối cùng là mở ra những trang nhất định của một cuốn Kinh Thánh nào đó với những biểu tượng, những huyền thoại trong thần phả, những giáo lý, những niềm tin và thuyết giảng tôn giáo. Những đền, chùa luôn luôn là những trung tâm hoạt động tôn giáo, và cũng là những trung tâm văn hóa – xã hội của đời sống cộng đồng.
Về đời sống xã hội, có bốn đẳng cấp chính, thứ tự là: Brahmin, Kshatrya, Vaishya, Sudra và một đẳng cấp thứ năm bị coi là ngoài lề xã hội là Paria. Về mặt tôn giáo, chỉ có ba đẳng cấp đầu mới được tham dự vào các nghi lễ tôn giáo, được thụ giáo các sư phụ Brahmin và được nghiên cứu kinh Veda; và chỉ có đẳng cấp Brahmin mới có quyền thuyết giải kinh Veda cho quần chúng, đồng thời chỉ có đẳng cấp này mới có quyền trong các nghi lễ thờ phụng.
Về phong tục tập quán, đời sống hôn nhân gia đình thì đã được quy định sẵn trong các sách Kinh Thánh, như trong Mahabharata, và cứ thế mà sống. Đạo Balamôn quy định việc vệ sinh, tắm rửa, chà răng… Hay những người theo Hindu giáo mặc loại trang phục Dhoti trong đời sống và đặc biệt trong các nghi lễ của họ.
Khi nhìn vào nền văn hóa Ấn Độ chúng ta thấy điều kỳ diệu đó là sự tồn tại mãi với thời gian của những giá trị vừa mang tính tâm linh vừa mang tính nhân văn cao cả như: kinh Veda, hai đại sử thi, các nghi lễ tôn giáo… Chúng được hình thành từ thời cổ đại và được lưu truyền liên tục cho đến ngày nay. Qua những trình bày sơ lược ở trên chúng ta thấy mỗi mặt cuộc sống và đời sống xã hội của người dân Ấn Độ đều được tôn giáo “chỉ đạo”, đây cũng là điểm quan trọng của văn hóa và văn minh của đất nước này. Các tôn giáo đã tác động sâu sắc vào đời sống tâm linh của mỗi người dân Ấn, điều đó làm cho người Ấn hay suy tưởng chiệm nghiệm hơn là biện luận, đặc biệt là tư duy huyền thoại, sử thi. Họ thích sống dựa vào thiên nhiên và hòa với núi – sông, nơi đã tạo dựng nên nền văn minh Ấn Độ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP