Cảnh Vương
I.
Dẫn
nhập
Trong mọi thời đại, người trẻ luôn
được coi là “tương lai của thế giới và Giáo hội”[1]. Chính vì vậy ,mà tu sĩ
Thánh Gia cũng cần ý thức về vai trò của mình đối với người trẻ
nơi môi trường mình sống. Các tu sĩ Thánh Gia tham gia vào ơn đoàn sủng của
Đấng Sáng Lập trước nhu cầu của thời đại ngài, các phần tử Dòng hiến
thân lo việc tông đồ bằng việc giảng dạy giáo lý, giáo dục các trẻ em và tham
gia vào các công tác mục vụ của Giáo phận. Như vậy, đối với tu sĩ
Thánh Gia việc đồng hành đức tin với các bạn trẻ cũng là thi hành
sứ vụ của mình phù hợp với thời đại và môi trường mình đang sống.
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, thì
tương lai của người trẻ được mở ra với nhiều hy vọng, nhiều hứa hẹn, nhưng đồng
thời cũng đặt ra những thách đố. Với người trẻ Công giáo, bên cạnh những thách
đố mang chiều kích kinh tế - xã hội như mọi người trẻ, thì thách đố mang chiều
kích đức tin cũng là điều đáng quan tâm mà chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây.
II.
Thách
đố về niềm tin
1.
Tuyên xưng đức tin trong đời sống thường ngày
Ngày nay, với một nền khoa học công
nghệ phát triển thì niềm tin nơi tôn giáo đang gặp phải những trở ngại, nhất là
nơi những bạn trẻ có trình độ học vấn. Với các bạn trẻ Công giáo, niềm tin vào
một Thiên Chúa siêu việt nào đó cũng rất là mơ hồ. Nói như thế là muốn trình
bày một thực tế đang diễn ra nơi các bạn trẻ sinh viên Công giáo, khi mà họ
chưa được hiểu rõ về đức tin của mình, nhưng lại chạy theo các trào lưu xã hội,
bỏ quên các sinh hoạt tôn giáo. Vì vậy để tìm hiểu đâu là thách đố thực sự
trong chiều kích đức tin mà các bạn trẻ đang phải đối diện, thiết nghĩ chúng ta
cần phải nêu lên khái niệm đức tin Công giáo là gì. Qua đó, người trẻ mới có cơ
sở nền để diễn tả niềm tin của mình trong cuộc sống thường ngày cho người xung
quanh.
Đức tin được định nghĩa là thái độ
tin nhận một cách chắc chắn và có cơ sở vào Thiên Chúa, hoặc chân lý được Ngài
mạc khải qua Đức Giêsu. Đức tin vừa là hành vi tự do của con người, vừa là hồng
ân nhưng không của Thiên Chúa[2]. Và
theo tác giả thư Hipri thì “Đức tin bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng
chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Như vậy, đức tin của người Kitô
hữu là tin vào những gì Thiên Chúa hứa.
Qua khái niệm ở trên thì đức tin
Công giáo là một ân ban của Thiên Chúa dành cho con người. Mỗi người được mời gọi
để đáp lại một cách tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ điều gì. Thế nhưng,
cái khó của các bạn trẻ Công giáo hiện nay là vẫn phải đối mặt với một hình thức
sống đạo nặng hình thức, không diễn tả được “cái hồn” của Tin Mừng. Trong khi
đó, môi trường sống, trình độ văn hóa, kiến thức khoa học của người trẻ đã khác
xa ngày xưa. Hơn nữa, họ đang phải đau khổ bởi sự cách biệt quá sâu rộng giữa
những gì tiếp thu ở nhà trường, nơi làm việc hoặc ngoài xã hội với nếp sống
trong gia đình và xứ đạo[3]. Trong suy nghĩ của người trẻ, cách thế giữ đạo
theo kiểu “đi lễ, đọc kinh” đã trở nên lạc hậu, là hình thức sống đạo của
những người lớn tuổi.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đừng
quên rằng, người trẻ hôm nay vẫn còn chịu ảnh hưởng một cách sâu đậm của những
năm tháng chiến tranh, hơn 60 năm Xã hội Chủ nghĩa ở miền Bắc và hơn 30 năm tại
miền Nam. Không chỉ có thế, từ khi Việt Nam mở cửa đến nay, khuynh hướng thực dụng,
chủ nghĩa cá nhân đã theo đó tràn vào một cách ồ ạt, không thể kiểm soát được.
Tất cả những điều đó đã tác động mạnh đến suy nghĩ, cách hiểu và sống đạo của họ[4]. Trong một mức độ nào đó, nhiều người trẻ đã
có những đề nghị nên xét lại một số tiêu chuẩn và mức thang giá trị cũ không
còn thích hợp với xã hội hiện tại. Họ mong muốn có sự cởi mở chân tình hơn giữa
các giáo sĩ, tu sĩ và người giáo dân[5].
Hơn nữa, sống trong một xã hội tục
hóa, khoa học hóa, đề cao giá trị dân chủ, tự do, bình đẳng... mà phải đối diện
với những giáo điều, độc đoán, khép kín, luật luân lý, kỷ luật của Giáo hội...
thì rõ ràng người trẻ đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống đức tin[6]. Với
đà phát triển của khoa học, làm thế nào để họ không bị ru ngủ, mê hoặc? Trong bối
cảnh này, phải chăng Thiên Chúa không còn chỗ để hiện diện nữa? Xem ra khoa học
đang tạo cho con người sự vô cảm trước đời sống đức tin. Thực dụng trong đời sống
đạo dẫn người trẻ đến một cám dỗ, là muốn vượt ra khỏi những ràng buộc của luật
lệ, nghi thức. Hiện tượng người trẻ đi dự lễ chẳng lấy gì làm vui là một thực tế.
Nhiều người chỉ vì để vui lòng cha mẹ, người thân mà phải đến nhà thờ vào ngày
Chúa nhật. Nếu những người lớn tuổi đi lễ vì nhu cầu tâm linh thật sự thì
người trẻ đi lễ như là để giải trí. Cứ theo tiến trình này thì xem ra “thế gian
đang vuốt ve, mơn trớn tôn giáo”[7] .
Từ những hiện tượng trên đã dẫn đến
một hậu quả tai hại là, nhiều người trẻ Công giáo đã chối bỏ danh xưng Kitô hữu
của mình, một cách công khai hoặc trong suy nghĩ. Công khai là khi vì quyền lợi
xã hội, được kết nạp vào các tổ chức đảng, đoàn nhằm giúp thăng tiến bản thân.
Họ sẵn sàng từ bỏ căn tính Kitô hữu của mình để chạy theo những quyền lợi trước
mắt. Chối bỏ niềm tin trong suy nghĩ, có thể gọi như thế, là khi người trẻ ngại
biểu hiện mình bằng cách “làm dấu thánh giá” trước khi dùng bữa ở nơi công cộng.
Nhiều người đưa ra lý do để biện hộ cho điều này, nhưng về căn bản là họ coi những
biểu hiện như thế chẳng quan trọng gì, không có cũng chẳng “chết” ai. Vấn đề
nêu lên là, phải chăng mọi sinh hoạt của đời sống đức tin đang trở thành những
khuôn mẫu cứng đọng mà người trẻ phải tuân giữ, khiến cho họ phải giữ đạo trong
tư thế sợ hãi, mà chẳng cảm nhận được hạnh phúc.
2.
Phải chăng đức tin Công giáo và chân lý khoa học có mâu thuẫn?
Một khó khăn khác đang đặt ra cho
người trẻ Công giáo ngày nay, mà có lẽ là căng thẳng hơn hết: Làm thế nào để lý
giải những khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn giữa những chân lý khoa học và đức
tin Công giáo? Chúng ta không lạ gì về điều này, bởi hầu hết các bạn trẻ Công
giáo Việt Nam chỉ được hướng dẫn Giáo lý một cách sơ đẳng, giáo điều theo một lối
nhìn đầy tính luân lý. Từ đó, khi đối diện với những vấn nạn mà khoa học đưa
ra, nhất là người ta coi Kinh Thánh như một tác phẩm trình bày về khoa học thì
chúng ta không lý giải được. Trong thực tế, khi muốn phủ nhận những giá trị của
Kitô giáo thì hầu như người ta đều nêu Kinh Thánh như một sự sai lầm trong việc
nghiên cứu khoa học. Nhiều người trẻ Công giáo đã gặp phải sự lúng túng thật sự
khi phải đối diện với vấn nạn này.
Thế nhưng, mọi người đâu biết rằng,
Kinh Thánh chỉ muốn trình bày về nội dung tôn giáo chứ không phải những kiến thức
khoa học. Không thể coi Kinh Thánh như một tác phẩm khoa học trình bày về nguồn
gốc vũ trụ, vì tác giả chỉ muốn mượn những hình ảnh và quan niệm về vũ trụ của
con người thời đó để truyền đạt chân lý đức tin. Thật vậy, “khi chúng ta tìm hiểu
thế giới vật chất với những quy tắc của chúng, thì chúng ta đang ở trong lãnh vực
khoa học. Những khám phá của khoa học có thể không đúng với cách thức diễn tả của
Kinh Thánh, nhưng nếu vì sự khác nhau đó mà nêu lên những kết luận về mặt tôn
giáo thì con người đã ra khỏi phạm vi khoa học. Mặt khác, nếu đòi hỏi Kinh
Thánh bài học của khoa học thì con người lại ra khỏi phạm vi tôn giáo”[8].
Mặt khác, chân lý đức tin và chân
lý khoa học là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ khăng
khít với nhau. Cả hai đều hướng đến việc giúp cho con người thấu triệt chân lý,
“là đôi cánh giúp cho trí tuệ con người vươn mình lên để chiêm niệm chân lý”[9]. Như
vậy, vấn nạn đặt ra đã được trả lời, không hề có sự mâu thuẫn giữa chân lý đức
tin và chân lý khoa học. Chính Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã xác
quyết: “Không bao giờ có sự xung khắc giữa đức tin và lý trí, vì cũng một Thiên
Chúa mạc khải những mầu nhiệm và thông ban đức tin là Đấng ban ánh sáng của lý
lẽ xuống trong trí khôn nhân loại; Thiên Chúa không phủ nhận chính mình, cũng
như chân lý không thể tương phản với chân lý”[10]. Và hơn nữa, “các thực tại
trần thế và các thực tại đức tin đều bởi một Thiên Chúa mà ra”[11]. Do
đó, trong quá trình truy tầm chân lý, con người cần phải phân định rõ ràng, đâu
là chân lý đức tin và đâu là chân lý khoa học, để có thể hiểu và nhận định các
vấn đề của cuộc sống một cách đúng đắn. Và trong cách thế sống đạo của mình, những
người trẻ cần phải nắm bắt rõ những yếu tố cơ bản này để không phải bối rối trước
những vấn nạn đang được đặt ra trong cuộc sống.
Chính vì vậy, những người trẻ, với
một tâm hồn thiện chí muốn thấu triệt những chân lý cao sâu thì cần phải phát
triển một cách hài hòa cả hai yếu tố: đức tin vững mạnh và lý trí sáng suốt. Nếu
đề cao một trong hai yếu tố, người trẻ rất có thể rơi vào tình trạng lầm lẫn hoặc
lạc hướng trong việc đạt tới chân lý toàn thiện. Bởi trong thực tế, tất cả mọi
người là những kẻ sống bằng tin tưởng, đồng thời cũng là những kẻ kiếm tìm chân
lý[12].
3.
Khát vọng tâm linh nơi người trẻ
Đứng trước một đời sống mà chỉ biết
đến vật chất, tiền bạc và tiêu thụ thì con người, nhất là các bạn trẻ ra như
đang được kêu gọi hãy hưởng thụ đi, hãy tiêu tiền đi, và ai có nhiều tiền thì
được coi là “thượng đế”. Từ đó, con người ra sức để kiếm tiền, bất chấp mọi thủ
đoạn và hậu quả có thể xảy ra. Và cũng trong xu hướng đó, họ làm việc như điên,
mua sắm như điên, du lịch như điên, đổi mới như điên, yêu như điên, ly dị như
điên...
Thế nhưng, con người vẫn bị hụt hẫng
vì dường như những thứ kia không làm họ thỏa mãn. Nói như Shakespear, khi sung
sướng quá, đầy đủ quá thì con người sẽ cảm thấy đau khổ, vì người ta không thể
nào sướng hơn được nữa. Nhiều người trẻ tìm mọi cách thức giải trí, hưởng thụ,
nhưng hậu quả là họ càng cảm thấy cô đơn hơn. Họ vẫn đang đói đang khát một điều
gì đó bên cạnh “cơm ngon áo đẹp”.
Mặt khác, nhìn vào đời sống sinh hoạt
của các tôn giáo truyền thống thì tình trạng vắng bóng tín đồ đang trở nên trầm
trọng. Đối với Công giáo Tây phương thì hiện trạng này đã trở nên quá tồi tệ.
Các bạn trẻ không còn biết đến nhà thờ, đi lễ xưng tội là gì cả. Xem ra, người
trẻ ngày nay đang mất dần thiện cảm với một thứ tôn giáo thủ cựu, giáo điều,
hình thức, chỉ chăm chú đến việc cân đo đong đếm những tội lỗi trần gian. Thế
nhưng trong sâu thẳm của cõi lòng, họ vẫn say mê vẻ phong phú của kinh nghiệm
tôn giáo, niềm an vui vì được cứu độ và chiều kích tâm linh của nền luân lý tâm
giao, căn cứ trên ân sủng và tình yêu. Họ đề cao hình thức sống đạo theo tinh
thần Tin Mừng, trong đó chiều kích nội tâm, niềm xác tín sâu xa, sự tự do hào
hùng của con cái Chúa và phẩm giá con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên
Chúa[13].
Như vậy, người trẻ ngày nay đang gặp
phải một cơn “khát” mà tất cả những gì họ có thể chiếm hữu được nơi trần gian đều
không giúp họ thỏa mãn, đó chính là khát vọng tâm linh. Tông huấn Giáo hội tại
Á châu số 18 đã gọi hiện tượng này là cơn khát nước hằng sống. Họ đang khao
khát có được đời sống tâm linh thực sự, giúp họ vượt qua những khủng hoảng của
thời đại mà những tiện nghi vật chất, tiền tài danh vọng chẳng bao giờ làm được.
Xem ra càng dấn sâu vào lối sống hưởng thụ, ích kỷ, lo cho bản thân mình thì
người trẻ cảm thấy cuộc sống mình càng cô đơn, trống vắng. Dường như họ đã nhận
ra được một điều, hạnh phúc của cuộc đời họ không thể tìm thấy được nơi trần
gian chóng qua này, nhưng mà ở một nơi khác. Mà ở đó, con người có được một
bình diện khác, căn bản hơn, sâu xa hơn, có tính cách muôn thuở, vượt mọi thời
đại, mọi biên giới, mọi chế độ chính trị, văn hóa, xã hội. Như vậy, nhu cầu tìm
về với đời sống tâm linh vẫn luôn khẩn thiết đối với người trẻ. Tuy nhiên, như
đã trình bày ở trên, các tôn giáo truyền thống tại Việt Nam vẫn chưa thể thực
hiện được điều này. Và như vậy, người trẻ vẫn đang phải dò dẫm tìm kiếm những
giá trị khác để thay thế.
Đứng trước những thách đố về đời
sống đức tin, người trẻ Công giáo Việt người cần được hướng dẫn và đồng
hành với họ để họ lớn lên trên con đường lữ hành đức tin. Người tu
sĩ Thánh Gia với sứ vụ của mình cũng cần biết không ngừng học hỏi
và giúp các bạn trẻ nơi môi trường mình sống và phục vụ.
III.
TÌM
MỘT HƯỚNG ĐI CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO VIỆT NAM
1.
Vai trò của Giáo hội và tu sĩ.
Đứng trước những thách đố về đời sống
đức tin nơi người trẻ, Giáo hội cách riêng đối với mỗi người tu sĩ Thánh
Gia, cần có sự hướng dẫn đúng đắn, phù hợp với tâm thức của người trẻ trong thời
đại mới, nhằm giúp họ can đảm bước tiếp trong cuộc đời. Đây chính là điều mà
người tu sĩ Thánh Gia cần phải thực hiện, vì nó thuộc về lãnh vực giáo dục của
Giáo hội, một nền giáo dục mang bản sắc Kitô giáo. Trong khi đồng hành đức
tin với người trẻ, người tu sĩ Thánh gia cần quan tâm đến những phương thế
thích hợp, giúp đào tạo con người trở nên toàn diện trong một thế giới đầy biến
động và phức tạp này.
1.1.
Hướng dẫn đời sống đức tin
Đối với người trẻ, hơn bao giờ hết,
đây là giai đoạn khủng hoảng về đức tin và gặp nhiều khó khăn trong lãnh vực
luân lý. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên, có thể nói như vậy, người tu sĩ
Thánh Gia cần giảng dạy để người trẻ nắm bắt vững vàng về giáo lý của Giáo hội,
để từ đó, họ có được một kim chỉ nam hướng dẫn trong cuộc sống thường nhật. Bởi
lẽ, “Việc giảng dạy giáo lý nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống
theo tinh thần Chúa Kitô, đưa đến việc ý thức và tham dự linh động vào mầu nhiệm
phụng vụ, khuyến khích hoạt động tông đồ”[14]. Như vậy, Giáo lý đóng một vai trò quan trọng
trong đời sống của người Kitô hữu nói chung, và cách riêng là các bạn trẻ. Hiểu
Giáo lý một cách đúng đắn và vững chắc chính là nền tảng giúp cho người trẻ đi
vào đời sống xã hội, thể hiện được niềm tin và căn tính của mình.
Thế nhưng, thế hệ trẻ Việt Nam hôm
nay đã được chuẩn bị như thế nào về lãnh vực giáo lý? Giáo lý bắt nguồn từ Kinh
Thánh, thử hỏi người trẻ đã được tìm hiểu về Kinh Thánh như thế nào? Chỉ với
hai câu hỏi cơ bản này, chúng ta đã nhận thấy người trẻ Công giáo Việt Nam đang
phải đối diện với một lỗ hổng lớn về phương diện giáo lý. Không phải vô cớ mà
chúng ta nhận định như thế về phương diện giáo lý của người trẻ hiện nay. Một
phần lớn những người trẻ hôm nay chỉ được học giáo lý theo kiểu “hỏi - thưa”
trong sách “kinh bổn” do các ông bà quản dạy cho. Đó là hình thức học cho thuộc
nhưng không ai giải thích cho hiểu, và bản thân người giúp cũng không có đủ khả
năng để giải thích. Chính trong bối cảnh đó mà người trẻ, khi bước vào đời sống
xã hội, họ đã bị lãng quên những gì đã học, không có khả năng đem áp dụng giáo
lý vào trong cuộc sống. Đứng trước những vấn nạn về luân lý, họ chỉ giữ theo kiểu
bị áp chế, chứ không nhận diện được những giá trị của luật, là muốn đem đến cho
con người sự tự do.
Bên cạnh đó, khi chia sẻ Lời Chúa
trong Thánh lễ, nhiều vị linh mục đã không làm rõ được ý nghĩa đích thực mà Lời
Chúa muốn nói, nhưng lại đem Lời Chúa diễn giải như một bài luân lý cần phải giữ.
Từ đó, người tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ đã không hiểu được Lời Chúa một
cách đúng đắn và cũng không cảm nhận được giá trị đích thực của Kinh Thánh. Hậu
quả của vấn đề là nhiều người không còn thiết tha lắng nghe Lời Chúa và cũng ngại
khi phải đối diện với việc tìm hiểu giáo lý, có chăng chỉ là tham gia cho có lệ.
Như vậy, đã đến lúc người tu sĩ
Thánh Gia cần làm sáng lên giá trị đích thực của Lời Chúa, cũng như phải có một
lối hướng dẫn giáo lý phù hợp với những đòi hỏi của thời đại. Trong đó, cung
cách sống đạo và giữ đạo của những người hướng dẫn đời sống đức tin của con
chiên cũng cần phải thể hiện được nét đẹp của Tin Mừng, theo gương Thầy Giêsu.
Chắc chắn người trẻ không dám đòi hỏi một sự đổi mới theo hướng dễ dàng trong
việc sống đạo, nhưng yếu tố diễn tả được “chất Tin Mừng” thông qua đời sống là
phải có nơi những người lãnh đạo. Chỉ có như thế mới giúp người trẻ kiên tâm
hơn và tự hào hơn nữa về đức tin của mình và mạnh dạn thể hiện ra trong cuộc sống.
Và cũng trong chiều hướng ấy, chúng ta đang diễn tả một cách rất mới những giá
trị của Lời Chúa trong xã hội hôm nay. Chúng ta đang làm cho Lời Chúa luôn mới,
không bị lạc hậu trong thế giới hôm nay.
1.2.
Đồng hành và yêu mến người trẻ
Bên cạnh việc hướng dẫn đức tin để
người trẻ ngày một trưởng thành hơn trong cung cách sống đạo của mình, thì việc
gần gũi cảm thông, yêu mến và chia sẻ những âu lo và hy vọng với người trẻ là
điều quan trọng. Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Con người là
con đường số một mà Giáo hội phải đắn đo khi thi hành chức vụ của mình”[15],
thì chúng ta cũng có thể nói, khi Giáo hội thi hành chức vụ của mình thì người
trẻ là đối tượng rất cần phải được quan tâm. Trong một lần gửi thư cho Bề trên
Cả Dòng Don Bosco, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phao lô II còn nói rõ hơn rằng:
“Không nên quên rằng ở thời đại chúng ta, thế hệ trẻ vướng phải những cám dỗ và
những hiểm nguy mà các bậc cha anh của họ đã không biết đến chẳng hạn như: ma
túy, bạo động, những cảnh thiếu nết na nơi những chương trình chiếu phim và
truyền hình, những thứ văn chương và hình ảnh khiêu dâm”[16], thì những người đóng vai
trò giáo dục đức tin cho người trẻ cần phải thể hiện được trách nhiệm của chính
mình.
Người tu sĩ Thánh Gia cần hiểu
người trẻ không chỉ ở bề mặt nhưng còn với cõi lòng, với sự đam mê và dám đồng
hành với họ. Chúng ta cần phải có cái nhìn toàn diện về con người của họ chứ
không đơn giản là tìm cách cứu rỗi linh hồn họ. Cần có một cái nhìn toàn thể,
đa diện chứ không phải nhìn trong tính đơn lẻ và phiếm diện. Chúng ta cần bước
vào cuộc sống thực tại của họ để tìm hiểu nghề nghiệp, môi trường sống, và ngay
cả cách suy nghĩ của họ. Chỉ khi thực hiện được điều đó, chúng ta mới có thể bước
đi cùng với người trẻ bằng chính thực tại cuộc sống của họ. Làm được điều đó,
chúng ta sẽ tự hào, như lời của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, mà nói lên rằng:
“Giáo hội rất yêu mến giới trẻ, không bao giờ và nhất là thời nay…, Giáo hội thấy
mình được Chúa dắt tới để nhìn lại thế hệ trẻ với một tình thương rất đặc biệt
và niềm hy vọng, và hãy coi việc giáo dục là một trong những nhiệm vụ chính của
mình”[17].
Đó là con đường chung của Giáo hội toàn
cầu, mà đức Gioan Phaolô II đã thực hiện một cách triệt để trong triều đại Giáo
hoàng của ngài. Thiết nghĩ con đường này cũng cần được người tu sĩ Thánh Gia
cụ thể hóa trong việc mục vụ của mình dành cho người trẻ. Hơn bao giờ hết, nếu
tu sĩ Thánh Gia muốn đồng hành với người trẻ thì phải là những người dẫn
đầu, luôn thể hiện được tấm lòng yêu mến của mình dành cho người trẻ. Đây cũng
có thể được coi là cách thế tốt nhất để người tu sĩ Thánh Gia cùng đồng hành
với người trẻ, giúp họ vượt qua được những khủng hoảng về đời sống đức tin
trong hoàn cảnh xã hội hiện nay.
[14] Vaticano II,
Tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 4.
[15]Ngọc Tâm, FMA, Giới trẻ:hồng ân-thách đố, Nội san
Chia sẻ Thần học- Mục vụ- Tu đức Liên Tu sĩ thánh phố, số 46, tháng 6 năm 2005,
tr 59.
[16]Ngọc Tâm, FMA, Giới trẻ:hồng ân-thách đố, Nội san
Chia sẻ Thần học- Mục vụ- Tu đức Liên Tu sĩ thánh phố, số 46, tháng 6 năm 2005,
tr 61.
[17]Ngọc Tâm, FMA, Giới trẻ:hồng ân-thách đố, Nội san
Chia sẻ Thần học- Mục vụ- Tu đức Liên Tu sĩ thánh phố, số 46, tháng 6 năm 2005,
tr 59.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét