Khải Hoàn
Ngày nay, con người đứng trước những biến đổi nhanh
chóng của thời đại, người tu sĩ đang sống giữa lòng đời và đồng thời sống với
thực tại Nước trời trong niềm tin và thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, nên người
tu sĩ cần phải học tập, trang bị khả năng chuyên môn để có thể thích nghi với
cuộc sống nhiều biến đổi hôm nay. Vì thế, người tu sĩ cần lưu tâm đến việc đào
tạo, trong đó việc học tập có chỗ đứng quan trọng trong đời sống tu trì. Để hiểu
rõ sự cần thiết của học tập trong đời tu chúng ta tìm hiểu các khía cạnh sau
đây.
Trước hết, chúng ta tìm hiểu học tập là gì? Học tập
là tích lũy kiến thức. Là tiếp thu tinh hoa của các thế hệ đi trước. Nhưng học
tập là tiếp thu một cách có chọn lọc. Học những kiến thức có ích cho sự nhận thức.
Học và thực hành phải đi cùng với nhau thì mới có hiệu quả một cách tốt nhất. Nếu
như chúng ta chỉ học lý thuyết mà không thực hành thì kiến thức của chúng ta rất
dễ rơi vào quên lãng. Việc học tập đối với người tu sĩ là để hiểu biết, tích
lũy kiến thức, đặc biệt về thánh khoa, Lời Chúa, để củng cố đức tin và yêu mến
Chúa hơn. Sự tích lũy kiến thức về Lời Chúa không chỉ để củng cố đức tin cho
mình mà còn cho người khác.
Căn tính của học tập là đó chính là trí nhớ, trí hiểu
hay còn gọi là lý trí. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người Ngài đã ban cho có lý
trí. Nhờ có lý trí con người mới nhận biết Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực mà
mọi thụ tạo đều mong muốn đạt được. Như thế, việc học tập đối với người tu sĩ
là hết sức quan trọng và cần thiết, vì qua học tập người tu sĩ sẽ nhận biết,
tin tưởng, yêu mến và phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Đối với đời sống tu trì,
là người theo sát Đức Kitô nên người tu sĩ cần phải học tập nơi Chúa Giêsu
không chỉ học làm người theo nghĩa nhân bản, mà còn phải học “nên hoàn thiện
như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Học tập giúp người tu sĩ có đời sống sung mãn. Để đạt
đến sự sung mãn trong đời sống tu, người tu sĩ cần phải theo sát Đức Kitô, thực
thi sứ vụ được trao phó và trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Vậy, để đạt
được sự sung mãn ấy, trước hết người tu sĩ cần ý thức thực thi bổn phận của
mình là trau dồi kiến thức, nhất là Lời Chúa. Người tu sĩ cần học tập để sống
hiệp thông với anh em mình, cùng nhau thăng tiến trong cộng đoàn, đồng thời góp
phần thực thi sứ mạng cứu độ của Đức Kitô. Hơn nữa, chúng ta cần ý thức ơn gọi
thánh hiến của người tu sĩ là được ở trong Đức Kitô và tham dự vào sứ mạng cứu
độ của Người. Một khi việc học có định hướng và phát triển, nó sẽ là động lực
giúp chúng ta sống sung mãn trong ơn gọi, được thể hiện qua việc cầu nguyện để
nhận biết thánh ý Chúa và dấn thân phục vụ, làm chứng cho Tin Mừng.
Học
tập giúp người tu sĩ sự hiểu biết. Thánh Augustine có nói: “hãy hiểu để tin và
tin để hiểu”. Sự hiểu biết là vô cùng cần thiết. Biết về Chúa, hiểu về Chúa
giúp chúng ta tin và sống theo Lời Chúa dạy. Chúng ta không thể tin theo điều
mà chúng ta không biết rõ. Mặt khác, biết Chúa, tin vào Chúa chúng ta mới có thể
giới thiệu Chúa với người khác. Biết ở đây không phải là biết một cách sơ sài,
nhưng là phải biết rõ, biết sâu để chúng ta có thể giải thích, hướng dẫn cho
người khác hiểu về Chúa và sống Lời Chúa như thế nào. Như thế, chúng ta mới tạo
được niềm tin nơi những người nghe, giúp họ tin vào những gì chúng ta rao giảng.
Học
tập để thích nghi với thời đại hôm nay. Trước những thay đổi của xã hội về tri
thức, sự hiểu biết, quan niệm sống…, người tu sĩ cũng phải luôn cập nhật những
môn học và thông tin mới có chọn lọc, để ngoài các kiến thức đầy đủ về triết học,
thần học, tu đức và phụng vụ, còn cần phải có những hiểu biết đầy đủ cần thiết
về các khoa học khác như: tâm lý học, xã hội học, sư phạm, nhân văn, kinh tế,
luật pháp... như Công đồng Vaticanô II đã dạy: Để việc thích nghi đời sống tu trì với những đòi hỏi của thời đại không
có tính cách phiếm diện, và để các tu sĩ dấn thân hoạt động tông đồ không bị hụt
hẫng đối với những trách vụ của mình, cần phải cung cấp cho họ những kiến thức
thích đáng về quy luật hiện hành cũng như lối sống và nếp nghĩ trong xã hội hiện
tại. Sự thích nghi thực sự chỉ xảy ra sau một quá trình học tập lâu dài,
một cách nghiêm túc và đầy trách nhiệm. (DT 18).
Học tập giúp ta thực thi sứ mạng của hội Dòng. Đối
với các tu sĩ, việc học tập và đào tạo luôn được ưu tiên, qua các giai đoạn đào
tạo: thỉnh viện, tiền tập, tập viện, học viện; và người tu sĩ đi tới hoàn thiện
chính mình từ học biết nhân bản, đời sống thiêng liêng, thánh hiến và tông đồ để
phục vụ cho Nước Chúa trong việc loan báo Tin mừng. Nhưng trong thực tế, để trở
nên những sứ giả loan báo Tin Mừng đạt hiệu quả, ngoài ơn Chúa tác động, còn
tùy thuộc vào việc học tập của mỗi tu sĩ. Thật vậy, việc học tập trong chương
trình đào tạo có một tầm quan trọng đối với sứ vụ của Dòng: “Việc canh tân thích nghi các hội Dòng tùy
thuộc rất nhiều vào việc đào tạo tu sĩ. Vì thế, suốt cuộc đời, các tu sĩ hãy
chuyên chăm hoàn bị việc đào tạo tâm linh, giáo lý, kỷ luật; còn các Bề Trên
hãy tùy sức lo cho họ có cơ hội, phương tiện và thời giờ chu toàn bổn phận ấy”.
(DT 18).
Cùng
đích của học tập là người tu sĩ cảm nghiệm được tình yêu và quyền năng của
Thiên Chúa, sẽ hoán cải tâm hồn, đồng thời nhận ra Chúa Giêsu chính là động lực
và cùng đích của học tập. Như thánh Phaolô có nói: Chúa Giêsu mới chính là cùng
đích của mọi sự tìm kiếm.
Tóm lại, việc học tập đối với tu sĩ là để củng
cố đức tin, canh tân thích nghi bản thân cũng như hội Dòng với xu hướng của thời
đại hôm nay. Học tập để hiểu biết Lời Chúa cũng làm nền tảng cho sứ vụ rao giảng
Tin Mừng. Học đi đôi với hành cũng giúp cho đức tin được củng cố, đức ái được
lan tỏa, để tình huynh đệ trong cộng đoàn mỗi ngày được cải thiện và phát huy,
tôn trọng phẩm giá, giúp nhau cùng tiến triển và hiệp nhất trong Đức Kitô.
Chúng ta phải luôn biết khiêm tốn học hỏi, biết lắng nghe và ở trong chân lý là
chính Thiên Chúa. Đồng thời, cảm nhận được hạnh phúc chân thật của mình là con
Thiên Chúa, chúng ta càng tin tưởng, phấn đấu vượt qua mọi thách đố để giới thiệu
tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét