Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Đường Đạt Đến Hạnh Phúc Theo Thánh Âu Tinh



Raymond Trần Thái Sơn

Mỗi người có quan điểm riêng về hạnh phúc và cách thức theo đuổi nó chắc cũng khác nhau. Sullivan (1992, tr.127) cho rằng: Hạnh phúc là đích điểm của con người khi nó phải là những gì hoàn thành bản chất của con người cách tốt nhất. Trong khi đó, những người thuộc phái khắc kỷ như Epictetus (Morris, 1999, tr.64) cho rằng: “Nhưng, nếu bạn điều khiển được thái độ và cảm xúc của mình và không bị ảnh hưởng bởi những cảm giác đó, hoặc thực thi những gì mà những nhà khắc kỷ gọi là dửng dưng, bạn sẽ đạt được một sự thanh thản và hạnh phúc, đó là mục tiêu của một người khôn ngoan”. Tuy nhiên, theo thánh Âu Tinh, hạnh phúc thì giống với việc biết và yêu mến Chúa, ngài nói: “Chúa tạo dựng nên chúng con cho Chúa, nên tâm hồn chúng con áy náy không ngừng, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (Augustine, 2009, tr.15). Đây là nội dung chính trong bài viết này, sẽ được triển khai và trình bày sau đây.

Trong tác phẩm De Beata Vita (II, 10, trích trong Gilson, 1960), thánh Âu Tinh trình bày: Vấn đề về hạnh phúc là ở chỗ, hãy biết điều gì người ta nên ước ao để có được hạnh phúc và hãy biết làm thế nào để đạt được nó. Trước tiên, đối tượng mà người ta khao khát là gì? Chắc chắc đối tượng này phải thỏa mãn được một số những điều kiện: Ví dụ, đối tượng phải mang tính không thay đổi và không lệ thuộc. Nếu con người thích những thứ nay còn mai mất, chắc chắn họ luôn sống trong sợ hãi, vì một ngày nào đó nó sẽ mất.
Đối với thánh Âu Tinh, điều quan trọng là cố gắng tự trau dồi kiến thức cho mình và biết những gì phải làm hầu trở nên tốt hơn và hạnh phúc (Gilson, 1960). Có thể nói rằng, kiến thức và biết là điểm mấu chốt và là khởi điểm của cuộc sống tốt của con người. Như vậy, chúng là hai trong những yếu tố làm nên con người tốt. Câu nói “biết mình” (know thyself) được ghi ở Đền Thờ Apollo, thành Delphi chắc chắn đã ảnh hưởng nhiều đến suy tư và đời sống của ngài. Theo Sahakian và Sahakian (1966), biết mình có nghĩa là biết bản thân mình một cách trọn vẹn, biết phần ý thức và vô thức của mình. Đồng thời khi biết mình cũng tạo sức mạnh, thành công và tự điều chỉnh chính mình. Một người mà biết mình thực sự sẽ thành công vì anh ta biết rõ khả năng của mình và lãnh vực nào để áp dụng chúng; trái lại, một người mà không biết mình sẽ lỗi phạm liên tục và thậm chí đi đến chỗ hủy hoại cuộc sống mình.
Thánh Âu Tinh đã trải qua rất nhiều năm sống trong vui thú trần gian, sống theo những thứ không tồn tại vĩnh cửu; ngài (Augustine, 1958) nhận định có rất nhiều ma quỷ trong hàng ngàn hình thức đã gây nguy hại cho con người. Chúng ta không nên chú trọng vào những khổ đau của cuộc sống này nhiều ra sao, nhưng là sự hạnh phúc vĩnh hằng phải được khát khao mãnh liệt như thế nào. Cho nên thánh nhân (De Beata Vita, IV, 35, trích trong Gilson, 1960) đã cho rằng, hạnh phúc đích thực thì không nằm ở thế gian này. Con người phải tìm kiếm hạnh phúc bằng cách đi vượt ra khỏi thế giới tự nhiên của mình, vì con người là bất toàn trong thế giới tự nhiên. Trên thế gian này chắc chẳng có gì tồn tại muôn thuở. Cũng trong tác phẩm này (II, 11), thánh Âu Tinh đã khẳng định: Vì Thiên Chúa là vĩnh cửu và vì thế Ngài là Đấng không thay đổi và độc lập hoàn toàn, nên chỉ có ai chiếm hữu được Ngài người đó sẽ có được hạnh phúc.
Tri thức và sự hiểu biết của con người còn nhiều giới hạn nên con người đã theo đuổi những cái không đúng, hoặc cách thức theo đuổi chúng là sai. Ví dụ, một người ham thích một cách sai lạc đối với quyền lực, danh vọng, tiền tài, bề ngoài, và những thứ tương tự; những thứ này không đáng để cho họ yêu thích. Người khác nữa đặt tạo vật vào vị trí chỉ dành cho Thiên Chúa, như vậy họ đã phạm một sai lầm lớn và quyết định hạnh phúc riêng của mình. Theo thánh Âu Tinh, yếu tố chủ yếu để có được hạnh phúc là một thứ tình yêu được đặt đúng vị trí của nó. (Austin, 2011).
Như vậy, với trí tuệ của con người, người ta khó có thể đạt được sự hiểu biết Thiên Chúa một cách trọn vẹn. Thánh Âu Tinh thừa nhận sự hiểu biết của con người về Thiên Chúa thì rất giới hạn. Để chứng minh cho điều này, ngài viết: “Vì vậy chúng ta phải nhớ rằng, thậm chí ngay cả thánh Phaolô tông đồ, đối với sự cao cả của ngài, cũng không thể nói hơn điều này: ‘Sự hiểu biết của chúng ta thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn. Khi cái hoàn hảo đến, cái có ngần có hạn sẽ biến đi… Bây giờ chúng ta chỉ thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được giáp mặt’ (1 Cor 13:9-12)”. (Augustine, 1958, tr.533). 
Trí tuệ của chúng ta có thể được thỏa mãn hoàn toàn, cuộc sống của chúng ta được gọi là hạnh phúc thực sự chỉ khi chúng ở trong tri thức hoàn hảo của Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đến Chân Lý (De Beata Vita, IV, 35, trích trong Gilson, 1960). Như vậy, với trí óc của con người và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, người ta mới có thể đạt đến Chân Lý hoàn hảo, đó là nhận biết Thiên Chúa.
Hơn nữa, theo cách suy tư của thánh Âu Tinh, hạnh phúc không thể tách rời khỏi tri thức. Nếu có được tri thức chỉ vì tri thức thôi, tri thức đó chẳng có ý nghĩa gì, nhưng nếu tri thức bao gồm sự khôn ngoan, thì nó sẽ có giá trị lớn lao. Theo thánh Phaolô, Chúa Kitô chính là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cor 1:24). Như vậy, có thể nói rằng những ai khi chiếm hữu được Thiên Chúa thì có được sự khôn ngoan và rốt cuộc cũng có được hạnh phúc. Sự khôn ngoan là gì nếu nó không phải là sự thật? Chúa Giêsu khẳng định: Ta là đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14:6). Điều này cho ta thấy tri thức của sự khôn ngoan đi liền với việc biết Thiên Chúa: Ngài là sự thật, khôn ngoan và hạnh phúc đích thực. Thánh Gioan cũng khẳng định: Sự sống đời đời là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Chúa Giêsu Kitô. (Ga 13:3).
Mặt khác, chiếm hữu Thiên Chúa đồng nghĩa với làm những gì Ngài muốn, và những ai làm những gì Ngài muốn là họ đang hướng tới một cuộc sống tốt. Chắc chắn đây là phương cách tốt nhất để có được hạnh phúc và cũng là cách thức tốt để con người thể hiện tình yêu thương của mình đối với Thiên Chúa.
Yêu thương đóng vai trò trung tâm trong học thuyết về đạo đức của thánh Âu Tinh. Yêu thương vật chất và những vật chóng qua thì bị vật chất hóa và cuối cùng những thứ đó sẽ buộc phải diệt vong; yêu thương sự vĩnh cửu sẽ trở nên vĩnh cửu; yêu thương Thiên Chúa sẽ trở nên Thiên Chúa (De Divine Quaest, 83, trích trong Gilson, 1960). Ba khái niệm này, thánh Âu Tinh khẳng định rất mạnh mẽ khi ai đó yêu thương những gì thì ngày nào đó họ cũng có thể trở nên giống với những gì họ yêu thương. Ca dao Việt Nam cũng có câu có thể áp dụng cho quan điểm này của thánh nhân: ‘Gần đèn thì rạng’.
Trong tác phẩm Thành Đô Thiên Chúa của thánh Âu Tinh (1958), ngài phân chia con người thành hai loại: Những người yêu mến Thiên Chúa thuộc về thành đô Thiên Quốc và những ai yêu mến thế gian thuộc về thành đô thế gian. Thành viên của hai thành đô này sống chung với nhau và lịch sử cho thấy họ có xung đột với nhau. Nhưng đến thời sau hết, thành đô thiên quốc sẽ chiến thắng và chiếm lấy vinh quang.
Tóm lại, trải qua thời gian khá dài (33 năm) trong cuộc sống của thành đô thế gian, thánh Âu Tinh đã cảm nghiệm sâu sắc về những khoảnh khắc đi tìm những gì là chóng qua. Những trải nghiệm này và những kiến thức và cảm nghiệm về Thiên Chúa chắc đã thôi thúc ngài phải thốt lên rằng “… tâm hồn chúng con áy náy không ngừng, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa” (Augustine, 2009). Cho nên, theo thánh nhân, hạnh phúc đích thực của đời sống con người là biết Chúa và yêu mến Ngài.

==============
Tài liệu tham khảo
Augustine. (2009).  Tự thuật. Dịch bởi Đức cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ. Long Xuyên: Toà Giám Mục Long Xuyên.
Austin, M. W. (2011). Achieving Happiness: Advice from Augustine. Tìm và lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2013 từ http://www.psychologytoday.com/blog/ethics-everyone/201106/achieving-happiness-advice-augustine
Gilson, E. (1960). The Christian philosophy of saint Augustine. New York: Random House.
Morris, T. (1999). Philosophy for dummies. New York: Wiley Publishing.
Sahakian, W. S., & Sahakian, M. L. (1966). Ideas of the great philosophers. New York: Barnes & Noble, Inc.
Saint Augustine (1958). The city of God. Dịch bởi Gerald G Walsh, Dennetrius B Zema, Grace Monahan, Daniel J Honan. New York: Image Books, Doubleday.

Sullivan, D. J. (1992). An introduction to philosophy. Illinois: Tan Books and Publisher.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP