Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

GIÁO DỤC LƯƠNG TÂM CHO NGƯỜI TRẺ TRƯỚC NHỮNG CƠN KHỦNG HOẢNG CỦA THỜI ĐẠI



Anthony Hưng

Con đường an toàn nhất là không làm gì trái với lương tâm. Với bí mật này, chúng ta có thể hưởng thụ cuộc sống và không sợ chết”. - Voltaire
Giới trẻ ngày nay đang có nhiều cơ hội học hỏi, tích lũy và phát triển kiến thức do có nhiều điều kiện học tập để trau dồi tri thức và đạo đức, phục vụ cho sự tiến bộ và văn minh của đất nước và xã hội. Tuy nhiên, những hành vi vô cảm, thiếu đạo đức, nói đúng hơn là mất hết lương tâm của giới trẻ ngày càng được được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay tận mắt chúng ta chứng kiến thật xảy ra nhan nhản và hàng ngày như những vụ án sát thủ máu lạnh Lê Văn Luyện, băng cướp tuổi teen chặt tay cướp của ở Sài gòn, những vụ bạo lực học đường, thói sống bầy đàn của thanh thiếu niên, những “yêng hùng xa lộ” tuổi xì tin... Những vụ án này chưa thể phản ánh hết về hành vi vô lương, thói ăn chơi trác táng của giới trẻ nhưng đã nói lên sự thái hóa và biến chất của rất nhiều bạn trẻ. Thật, không thể dung thứ cho những hành động vô lương tâm ấy bởi nó đồng nghĩa với việc vứt bỏ truyền thống của dân tộc, cũng là vứt bỏ chính giá trị bản thân mình. Hậu quả của những hành vi vô tâm và tàn nhẫn này không chỉ nguy hại đến gia đình, xã hội và còn nơi chính người trẻ. Họ đang đánh mất đi chính mình, lạc đường và khủng hoảng về ý nghĩa của căn tính đời mình. Bên cạnh phải có biện pháp trừng trị thích đáng với những hành vi vô lương đó, vấn đề giáo dục lương tâm rất cần phải được quan tâm đặc biệt và đặt lại với tất cả mọi người nhất là với các bạn trẻ.

1.      Lương tâm là gì?
Lương tâm là khả năng phán đoán, nhận biết cái gì tự nó tốt hay xấu, cũng như để phê phán một hành vi hay thái độ là phải hay trái. Ở khía cạnh ý chí và nghị lực, lương tâm chính là yếu tố quyết định bản thân hành động theo điều ngay lẽ phải mà mình đã biết. Về khía cạnh phê phán trước hay sau khi bản thân hành động một công việc nào đó, một đàng lương tâm thúc giục khuyên lơn ý chí đi làm việc thiện tránh việc ác, đàng khác, sau khi hành động, lương tâm khen thưởng hay trách móc, hối hận vì điều đã làm. Con người là một nhân vị, có nghĩa là biết sống trong tương quan với người khác, với xã hội và với thế giới xung quanh. Con người cần phải hành động sao cho xứng với sự thực thiện hảo hay tốt đẹp của các mối tương quan này. Nhiệm vụ của lương tâm là phải đi tìm ra sự thực, sự thiện để rồi trình bày cho ý chí, nghị lực của bản thân quyết định và hành động.
2.      Bạn trẻ và lương tâm
2.1.    Bạn trẻ và cơn khủng hoảng trong thời đại
Thế giới đang biến đổi từng ngày do bàn tay và khối óc của con người tác động lên nó. Các công trình nghiên cứu, những phát minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật ra đời được tính bằng cấp số nhân làm cho thế giới đạt đến nền văn minh vượt bậc. Sống trong xã hội mà các ngành khoa học chế tạo máy đã phát triển thay thế cho lao động chân tay, con người dường như cảm thấy mình được thỏa mãn mọi nhu cầu trong cuộc sống. Cả guồng máy sản xuất hàng hóa, dịch vụ nhằm phục vụ con người cách tốt nhất, nhanh nhất, rẻ nhất. Đã qua rồi thời kỳ con người chỉ biết ăn no mặc ấm để tiến đến thời kỳ ăn ngon mặc đẹp. Mọi thứ như đang mời chào con người đến để hưởng dùng. Trong xu hướng phát triển của xã hội, giới trẻ là thành phần nhạy cảm nhất với những thành tựu của khoa học kỹ thuật. Bởi lẽ họ là một bộ phận được thừa hưởng những thành quả ấy và là người tiếp bước trên con đường khoa học để đưa thế giới này bước sang trang mới. Tuy sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ và đầy đủ tiện nghi như thế nhưng người trẻ hôm nay đang rơi vào trong cuộc khủng hoảng về ý nghĩa và căn tính của đời mình. Các bạn trẻ làm theo xu thế thời đại và chịu tác động bởi văn hóa hào nhoáng hình thức bề ngoài mà quên đi giá trị đích thực của một con người. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng bán rẻ lương tâm hoặc hành xử hết sức vô cảm ngay cả với người yêu nhất đó là những đấng bậc đã sinh thành và dưỡng dục ra mình. Nhiều bạn trẻ bị cám dỗ và lôi cuốn bởi những trò chơi điện tử thâu đêm suốt sáng, bỏ học, bỏ nhà, tụ tập băng nhóm để gây rối và phá vỡ trật tự công cộng. Có không ít bạn trẻ bị điều khiển bởi đồng tiền trở thành những sát thủ máu lạnh giết người không gớm tay… Nhiều bạn trẻ hiện nay cảm thấy mình như bị cô đơn và trống rỗng, sống chỉ dựa theo đồng tiền, đua đòi cùng chúng bạn và sẵn sàng bán rẻ lương tri.
2.2.    Bạn trẻ và cơn khủng hoảng về giá trị sống
Khi bàn về giới trẻ Việt Nam, nhiều người ta không khỏi giật mình về những sinh hoạt không lành mạnh và thiếu chuẩn mực: chơi bời, tụ tập băng nhóm để hút chích, sống bầy đàn, trộm cướp, giết người… Của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Tất cả những hành động ấy như muốn nói lên rằng giới trẻ đang rơi vào trong cơn khủng hoảng về ý nghĩa đời mình.
Trong cuộc sống, hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào, người ta đều phải có lối đi rõ ràng hay nói cách khác họ phải có định hướng. Tuy nhiên giới trẻ hôm nay lại đang loay hoay để đi tìm định hướng cho đời mình. Không thiếu những người trẻ đang dần đánh mất hướng đi chính mình do các trào lưu của xã hội hiện đại bày ra trước mắt họ. Điển hình là trào lưu tục hóa bành trướng theo đà phát triển của khoa học đã nhận chìm giới trẻ trong cơn mê của văn hóa hưởng thụ. Trào lưu này đã làm cho giới trẻ hôm nay gần như chẳng còn một lý tưởng nào để tranh đấu và để sống! Các ý thức hệ lớn đã bị sụp đổ, bây giờ phải sống và đối diện với vực thẳm vô nghĩa của một xã hội tiêu thụ. Trong một mức độ nào đó, giới trẻ chính là nạn nhân của buổi giao thời, đang lần mò, quờ quạng trong bóng tối, với tâm sự bi đát và nỗi niềm lo riêng… Để tìm một hướng đi cho cuộc sống. Các hiện tượng phi chuẩn mực hay tha hóa trong tầng lớp người trẻ hôm nay có thể nói đều xuất phát từ hiện trạng bị chao đảo trong dòng chảy vật chất và thực dụng. Nhiều bạn trẻ cảm thấy chán sống vì họ không tìm được ý nghĩa cho đời mình. Khi không tìm được ý nghĩa sống, người trẻ dễ rơi vào những tệ nạn của xã hội. Chính lối sống không định hướng làm cho người trẻ hôm nay trở nên hoang mang, bất mãn với hiện tại, thích hưởng thụ mà không biết ý nghĩa của giáo dục và lao động. Bên cạnh hiện trạng sống không định hướng, người trẻ hôm nay còn rơi vào một cuộc khủng hoảng khác, khủng hoảng về đạo lý luân thường.
2.3.    Bạn  trẻ và cơn khoảng về đạo lý luân thường
Nhiều bậc cha mẹ, nhà giáo dục cho rằng nền luân lý đạo đức của giới trẻ ngày nay đang tuột dốc không phanh và hết sức nghiêm trọng. Truyền thống đạo đức của cha ông hầu như chẳng được mấy người trẻ quan tâm, để ý. Mọi hành động của người trẻ hôm nay đều dựa trên tự do, điều mà họ cho rằng họ có quyền sử dụng nó một cách tối đa. Chính vì lẽ đó, thảm trạng sống thử trước hôn nhân, phá thai tại các thành phố lớn, bạo lực học đường, giết người, hành vi vô cảm của giới trẻ đang là vấn đề đau nhức của của các nhà giáo dục đạo đức. Đối với người trẻ hôm nay, vấn đề luân lý, đạo đức hay cái đẹp, cái cao thượng không còn một tác động nào đối với họ. Vậy nguyên nhân của thảm trạng này do đâu?
Do trào lưu tục hóa tự bản chất và định nghĩa là một phong trào về tư tưởng và thái độ chủ trương một nền nhân bản theo chủ nghĩa thực dụng và tiêu thụ, hoàn toàn tập trung vào sự sùng bái hành động vẩn xuất, bị thu hút bởi sự say mê hưởng thụ và tìm kiếm hưởng lạc mà không quan tâm gì đến mối nguy là đánh mất lương tâm. Trào lưu tục hóa này cũng làm hao mòn và mất đi ý thức về điều xấu, điều dữ của bạn trẻ, làm cho họ nghĩ là mình có quyền hành động mà không quan tâm đến vấn đề luân lý, đạo đức. Nói cách khác, tiếng nói thâm sâu nơi người trẻ là tiếng nói của lương tâm không còn vang vọng trong đời sống của họ. Người ta vẫn nói người trẻ hôm nay không hành động theo lương tâm, hay mạnh hơn nữa người trẻ không còn lương tâm, nên họ sẵn sàng hành động bất chấp đạo lý luân thường, chẳng màng đến lợi ích của người khác, của cộng đồng.
2.4.    Bạn trẻ và vấn đề lương tâm
Vâng, có thể nói người trẻ hôm nay đang rơi vào cơn khủng hoảng về chính lối sống của họ. Họ sống không có mục đích hoặc mục đích là hưởng thụ mà quên đi những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, nên mất đi ý thức về điều dữ, điều xấu. Bên cạnh đó, họ lại rơi vào trong tình cảnh nền luân lý và đạo đức đang xuống dốc trầm trọng. Vì vậy, họ chẳng còn biết bám víu vào đâu để quy chuẩn cho hành động của mình. Mọi hành động của người trẻ bây giờ chỉ còn cách dựa trên phán đoán của họ hay nói cách khác dựa vào tiếng nói của lương tâm. Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, đôi khi nhu cầu sinh sống và phát triển đã kéo theo những hệ lụy làm cho lương tâm con người bị sai lệch hoặc bị mất phương hướng. Chính vì lẽ đó có thể giải thích những hoạt động không lành mạnh của giới trẻ hôm nay đa phần là do sự lệch lạc của tiếng nói lương tâm.
“Nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng do sống trong môi trường không được đào luyện lương tâm đúng đắn, lương tâm người trẻ dần trở nên xơ cứng, dẫn đến chai lì và hoàn toàn vô cảm trước những nỗi khổ đau của người khác. Đứng trước một hành động cần đến sự phán đoán đúng sai, thì lương tâm lại rơi vào tình trạng bối rối nếu không muốn nói là sai lầm. Cũng vậy, đôi khi do người trẻ mất cảm thức về cái xấu nên lương tâm của họ cũng chẳng còn biết đâu là đúng, đâu là sai. Tệ hại hơn nữa, có nhiều bạn trẻ nại vào quyền tự do lương tâm để làm những gì mình cho là đúng mà không hề biết hoặc quan tâm đến những người xung quanh. Đứng trước thực trạng như thế đòi hỏi cần phải giáo dục lương tâm cho người trẻ, để giúp họ sống tốt và có ích cho đời, biết hành động thế nào cho đúng, cho phải.
3.      Giáo dục lương tâm cho bạn trẻ
Giáo dục lương tâm cho người trẻ là điều cần thiết và cấp bách trong giai đoạn xã hội đổi mới từng ngày, nhưng công việc giáo dục này nên bắt đầu từ đâu? Thiết nghĩ, công việc giáo dục lương tâm phải khởi đi từ con đường của sự thật, vì lương tâm là tiếng nói sâu thẳm và trung thực nhất nói cho con người làm lành tránh điều ác. Bản chất của lương tâm là ngay lành, trong sạch (lương : tốt lành, thiện hảo), nên không có việc lương tâm xấu, lương tâm đen tối, lương tâm sai lạc. Tuy nhiên, có nhiều lúc những dục vọng thấp hèn, xấu xa che mờ, lấn át, hoặc những hào nhoáng của danh vọng, quyền lực, tiền tài, hoặc vì những tập tục lạc hậu ... tạo những áp lực đè nén lương tâm; đó là lúc con người trở nên đê tiện, nô lệ cho điều ác và hành động một cách vô cảm. Vì vậy, người ta thường nói: “tiền bạc che mờ lý trí, danh vọng đánh mất lương tâm”. Vậy, để giúp bạn trẻ gìn giữ bản chất của lương tâm (kể cả việc trau dồi, giáo dục lương tâm cho ngày một tốt đẹp hơn), ngoài việc bản thân người trẻ phải vận dụng hết khả năng hiểu biết của mình, mặt khác cần có sự hướng dẫn và chỉ dạy của những nhà giáo dục đạo đức để giúp họ khỏi lạc lối và luôn biết làm theo tiếng nói của lương tâm.
3.1.    Dẫn dắt người trẻ đi trên con đường ngay lành
Trả lời một cuộc phỏng vấn báo Thanh Niên, ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội thẳng thắn nói: “Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức”. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để sống. Nói dối đã trở thành thói quen hằng ngày của xã hội Việt Nam. Thói quen đó lặp đi lặp lại nhiều lần thành “đạo đức”, mà cái “đạo đức” đó là rất mất đạo đức. Đó là một cái rất nguy hiểm nhưng lại thấy ít người quan tâm. Sống trong môi trường gian dối con người dễ bị lây nhiễm và dần trở thành quen và cho rằng gian dối cũng chỉ là hiện tượng bình thường trong cuộc sống. Vì thế, gian dối tràn lan trong xã hội hôm nay và ngay cả trong lĩnh vực không ai ngờ tới là giáo dục nó cũng đã len lỏi vào.
Sống trong xã hội mà gian dối đã tràn lan ắt hẳn người trẻ cũng bị lây nhiễm ít nhiều. Do đó, muốn giáo dục lương tâm cho người trẻ trước hết phải hướng dẫn họ đến và đi trên con đường của sự thật, của chân lý. Để có được một lương tâm trong sáng, điều trước tiên là phải tìm kiếm sự thật. Dựa trên sự thật ấy, lương tâm con người mới đưa ra những phát xét và hành động đúng đắn. Tóm lại, để lương tâm người trẻ trở nên trong sáng trước những thách đố của sự giả tạo và thực dụng của xã hội, trước tiên cần hướng dẫn họ đến với sự thật đó là niềm tin vào chính nghĩa. Một khi gặp gỡ được chân lý, lương tâm của người trẻ mới tìm thấy sự thật để hướng dẫn họ biết làm điều thiện và tránh điều ác.
3.2.    Phục hồi ý thức về điều ác, điều xấu nơi người trẻ
Trào lưu tục hóa và khuynh hướng hưởng thụ đã làm cho người trẻ ngày nay dần mất đi cảm thức về điều xấu, điều ác. Điều này có nghĩa rằng, giới trẻ hôm nay không cảm thấy mình có lỗi về hành vi vô tâm của mình. Như thế, việc làm những điều xấu, điều dữ không còn khả năng làm cho lương tâm người trẻ bị dày vò hay cắn rứt nữa. Người trẻ triền miên phạm tội và mức độ tội ác ngày càng gia tăng, nhưng chính họ không cảm thấy mình phạm tội và ra như họ đã được miễn nhiễm với điều dữ. Đánh mất cảm thức về hành vi xấu, bất chấp nền luân lý và đạo đức, giới trẻ đang mang bộ mặt “lang sói”, “máu lạnh” và “vô cảm”. Trước thảm cảnh đó, chỉ có tiếng nói lương tâm mới giúp các bạn trẻ “cải tà qui chính” và hành động theo sự thật và chân lý.
Trước tiên cần cho người trẻ hiểu rằng làm điều xấu là một tội ác cần lên án và loại trừ. Các bạn trẻ cần hiều rằng cuộc sống phải có tình người là biết yêu thương và chia sẻ cho nhau, nhất là đối với những người có hoàn cảnh khó khăn và đau khổ. Các bạn trẻ cần hiểu rằng làm việc tốt cho dù bản thân có chịu thiệt thòi nhưng đó là cách thể hiện tình đồng loại và giá trị của việc làm đó là sự văn minh và tiến bộ của con người. Thứ đến, cần giáo dục người trẻ kiến thức về những nền tảng và tiêu chuẩn của hành động tốt. Để làm được điều này, người trẻ phải được học hỏi và thực hành những việc tốt hằng ngày bằng những việc làm cụ thể như giúp đỡ người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn, bảo vệ trẻ em, người già, người cô thế cô thân… Cuối cùng là việc hướng dẫn người trẻ biết phân định tốt xấu để lựa chọn và hành động cho phù hợp với đạo lý luân thường. Các bạn trẻ cũng cần biết hồi tâm và suy xét về những hành động thiếu suy nghĩ và vô cảm của mình trước những vấn đề cuộc sống, đối với người khác để kịp thời điều chỉnh và thay đổi. Cũng vậy, để lương tâm của người trẻ nhận định đúng sai, thiện ác, cần cung cấp cho họ một hệ thống kiến thức và thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Dựa trên những cơ sở đó, lương tâm của người trẻ sẽ biết phán đoán đúng sai và làm theo sự mách bảo của lương tâm.
3.3.    Xây dựng và củng cố một nền văn minh tình thương
Thật thiếu xót trong việc huấn luyện lương tâm nếu ta không nói đến việc xây dựng trong người trẻ nền văn minh tình thương. Xã hội mà các bạn trẻ đang sống là một xã hội của sự văn minh, nếu người trẻ không có lương tâm hoặc tiếng nói lương tâm bị lu mờ thì tác hại sẽ là rất khủng khiếp. Khi đó, xã hội sẽ sống trong một nền văn minh sự chết, và rướm mùi chết chóc.
Cho nên, giác dục bạn trẻ về tình người như là sức mạnh duy nhất có khả năng thay đổi tâm hồn con người và toàn thể nhân loại, làm cho những quan hệ giữa người nam và người nữ, giữa giàu và nghèo, giữa các nền văn hóa và văn minh được thêm kết quả tốt đẹp và phong phú. Giới trẻ chỉ có thể có được cái tâm yêu thương khi họ được ôm ấp trong môi trường của tình yêu, của sự yêu thương từ gia đình, từ những thế hệ trước. “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, sống trong môi trường luôn được yêu thương ắt hẳn người trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương giành ho họ và tâm yêu thương của họ sẽ được khơi dậy. Khi một xã hội mà nền văn minh của tình thương được đề cao và đưa lên hàng đầu, giới trẻ mới thật sự có được trái tim nhân ái và hành động đúng đắn theo tiếng lương tâm chân thật.
4.      Trách nhiệm giáo dục lương tâm
Giáo dục lương tâm luôn phải tiến hành trong suốt cuộc đời, nhưng ngoài việc mỗi người trẻ phải tự vấn lương tâm, trách nhiệm ban đầu trong việc giáo dục lương tâm vẫn phải thuộc về gia đình và các nhà giáo dục. Trước tiên, giáo dục lương tâm phải được khởi đi từ môi trường gia đình, vì gia đình là cái nôi và là trường học đầu tiên trong đó cha mẹ chính là những nhà giáo dục.
4.1.    Cha mẹ và trách nhiệm giáo dục lương tâm cho trẻ
Theo các nhà tâm lý, từ khi đứa bé biết nhận thức đến lúc trưởng thành thường nó sẽ phải trải qua hai giai đoạn chính: giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm phải làm và giai đoạn các mệnh lệnh do tiếng nói lương tâm phải làm và nên làm.
4.2.    Lương tâm phải làm
Ban đầu đứa trẻ sẽ hành động theo những chỉ dẫn của ba mẹ. Nó hành động chỉ vì sợ nhưng chưa hiểu vì sao phải làm thế này, thế kia. Tuy rằng lương tâm của đứa trẻ vẫn còn non nớt nhưng khi nó làm điều gì trái ý ba mẹ, lương tâm của đứa trẻ tố giác nó làm cho hành động của nó trở nên luộm thuộm và đôi khi không thể giấu ai được. Thường nếu các bậc cha mẹ để mặc nó, đứa trẻ thường lâm vào tình trạng khi thì lo âu, khi thì bối rối. Chính những lúc này, đứa trẻ cần được sự giúp đỡ của ba mẹ dưới vai trò là nhà giáo dục. Lương tâm của con trẻ có trở nên trong sáng, vững chắc, dứt khoát, tinh tế, can đảm, lãnh nhận trách nhiệm cách thẳng thắn hay không tùy thuộc rất nhiều vào giai đoạn này.
Đứa trẻ trong giai đoạn này, ba mẹ là chuẩn mực cho mọi hành vi của con trẻ. Cha mẹ phải sống đúng theo những mệnh lệnh và lời khuyên mà họ đã dạy cho đứa bé, nếu đứa trẻ phải nghĩ rằng có hai loại lề luật tùy theo người lớn hay đứa nhỏ, thì lương tâm của nó đang lâm nguy. Khi đứa trẻ đã lớn lên và tới tuổi trưởng thành “lương tâm phải làm” dần nhường chỗ cho “lương tâm nên làm”.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng nhất để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ và xây dựng đất nước, xã hội. Do đó giáo dục lương tâm cho trẻ phải xuất phát đầu tiên từ gia đình mà trong đó cha mẹ phải là những nhà giáo dục hiểu biết và gương mẫu trong văn hóa ứng xử với mọi người, biết thông cảm, biết chia sẻ và giúp đỡ những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, đồng thời luôn biết sẵn sàng ủng hộ và làm điều ngay lành. Điều này chính là tấm gương mô phỏng và hiệu quả nhất để con cái biết bắt chước và noi theo.
4.3.    Lương tâm nên làm
Lúc này đứa trẻ đã có thể tự ý thức hành vi và trách nhiệm đối với hành vi của mình. Tự mình, đứa trẻ nhận ra những đòi buộc mà nó phải chu toàn trong cuộc sống. Nhiệm vụ của cha mẹ vẫn là giúp cho trẻ nhận định chính xác mệnh lệnh mà nó nên làm.
Bên cạnh đó, gia đình vẫn là nơi ấm áp và tin cậy nhất để cha mẹ thể hiện tình yêu thương giành cho con cái vì gia đình là “chiếc nôi của sự sống và tình yêu”. Chính tình yêu thương của cha mẹ sẽ thúc đẩy người trẻ sau này hành động theo con tim yêu thương, của lòng nhân ái. Đặc biệt, cũng trong môi trường gia đình, cha mẹ cần có trách nhiệm khơi dậy lương tâm nhạy bén nơi người trẻ, giúp chúng chọn lựa những chương trình truyền thông thích hợp và can đảm khước từ những gì không chính đáng.
Thật vậy, trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục lương tâm là hết sức quan trọng. Tuyên ngôn về giáo dục đã nhận định vai trò và trách nhiệm của cha mẹ trong việc giáo dục con cái: “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng”. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó, gia đình là trường học đầu tiên dạy các chuẩn mực đạo đức cần thiết cho mọi cá nhân.
4.4.    Giáo dục từ nhà trường
Nhìn vào thời khóa biểu và chương trình giáo dục của nhà trường từ mẫu giáo cho đến trung cấp hiện nay thật nặng nề về lý thuyết, học sinh phải học ngày học đêm, học quên cả giờ nghỉ…Mà vẫn chưa hết bài; thầy cô lo dạy thật nhanh nếu không cháy giáo án thì đâu còn thời gian để dạy học sinh về nhân cách sống. Với một chương trình giáo dục cả thầy và trò đều lo… Chạy để cho kịp chương trình thì học sinh đâu còn thời gian để phán đoán và suy xét về hành vi của mình. Sự gian dối, giả tạo trong kiểm tra thi cử; chửi thề, nói tục, vô lễ với người lớn; bạo lực xuất hiện nhan nhản trong môi trường học đường. Nhiều học sinh trốn học đi chơi games, bắt chước lối sống và hành động trong thế giới ảo này, tụ tập băng nhóm để đánh nhau, cướp bóc, thậm chí giết người không còn là chuyện hiếm. Ý thức về điều tội, điều ác nơi học sinh cũng bị mất dần do tác động của xã hội thực dụng và do sự nhận thức thiển cận của những người trẻ này. Cho nên, nhà trường cần có trách nhiệm giúp người trẻ hình thành và phát triển hệ giá trị của từng người: Tâm lực, trí lực, thể lực- giá trị học thức, giá trị sống, giá trị nhân bản, giá trị đóng góp, giá trị tự khẳng định mình qua việc sống là hành động theo lương tâm - là làm điều thiện, lên án và loại trừ điều xấu. Nhà trường cần trang bị cho thế hệ trẻ này các giá trị nhân bản để sống và hoạt động là biết hành động theo điều ngay lành- còn gọi là theo tiếng thúc dục của lương tâm, biết cảm thương và giúp đỡ người khác trong mọi hoàn cảnh. Có được như vậy mới giúp người trẻ phát huy được hệ giá trị bản thân đem lại cuộc sống ấm no và an lành cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội mà họ sống.
4.5.    Tự giáo dục
Giáo dục của gia đình, của các nhà giáo dục ở môi trường học đường, các nhà huấn luyện đạo đức chính là nền căn bản, nhờ đó lương tâm của các bạn trẻ thực sự trưởng thành. Giáo dục từ bên ngoài vẫn là bất toàn đôi khi sẽ trở nên vô hiệu nếu các bạn trẻ không thực thi nhiệm vụ tự giáo dục. Các bạn trẻ sẽ tự giáo dục lương tâm mình bằng cách kiểm nghiệm và tự vấn lương tâm của mình của tình thương yêu, lòng trắc ẩn và tình đồng loại.  Qua việc kiểm điểm lương tâm một cách thường xuyên, lương tâm của người trẻ trở nên ngay thẳng và thành thật hơn. Bên cạnh đó, để tránh việc u tối về những kiến thức của các hành động đạo đức, đòi hỏi mỗi người trẻ phải siêng năng học về những lời dạy dỗ, giáo huấn của các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục để biết phân định và hành động ngay lành.
Thay lời kết

Quả vậy, giáo dục lương tâm luôn đòi hỏi phải là một tiến trình dài. Không thể mong đợi việc giáo dục này trong một thời gian ngắn ngủi. Lương tâm phải được rèn luyện từ nhỏ ngay trong môi trường gia đình dưới sự hướng dẫn của cha mẹ. Một lương tâm được rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu các ảnh hưởng tiêu cực và bị điều xấu cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những điều phải, điều lành. Giáo dục lương tâm là nhiệm vụ phải theo đuổi suốt đời. Giáo dục lương tâm bảo đảm tự do và tạo bình an trong tâm hồn trong người trẻ. Giáo dục lương tâm hay huấn luyện lương tâm chính là giúp cho bạn trẻ nhận thức được sự biến chất, thoái hóa của các hành vi vô tâm của mình và cố gắng cải thiện, cố gắng điều chỉnh để đưa cái tâm bị biến chất, thoái hóa về với cái chính tâm, cái tâm thiện tức là lương tâm. Nhờ sự hướng dẫn của lương tâm, mỗi người, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, luôn có thể lắng nghe, nhận ra tiếng nói của lương tâm và làm theo điều lương tâm chỉ bảo.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP