Bruno Vinh
“Bình an” là một ân ban lớn mà
chính Đức Giê-su đã ban cho các môn đệ, trước khi Người rời các ông để bắt đầu
bước vào cuộc Thương Khó. Sự bình an này như là giải pháp để cho các môn đệ có
thể đứng vững trước những biến cố sẽ xảy ra cho Thầy của mình. Đây là sự bình
an đích thực vì đó là sự bình an của chính Đức Giê-su, sự bình an của Thiên
Chúa. Đây cũng không phải là sự bình an của thế gian (Ga 14,27). Vậy sự bình an
của Thiên Chúa là thế nào?
Tôi thiết nghĩ đó chính là sự bình
an thật ở trong lòng. Đó không phải là sự bình an giả tạo ở bên ngoài. Người có
được sự bình an thật thì không phải sợ hãi trước những biến cố xảy ra trong cuộc
sống. Người có được sự bình an thật thì không lo sợ trước những thế lực của thế
gian. Vì Chúa ban cho con người sự bình an thật là để cho người có được nó thì
có được cuộc sống hạnh phúc.
Vậy để có được sự bình an của Chúa
thì ta phải làm gì?
Thứ nhất, các môn đệ xưa để có được
sự bình an thì các ông cần phải lắng nghe để đón nhận mặc khải, cụ thể là những
điều Đức Giê-su đã truyền dạy cho các ông trong khoảng thời gian trước đó. Vậy
với chúng ta thì đó không gì khác là sự cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa nói
với mình. Lắng nghe xem Chúa muốn mình là gì và làm gì trong hoàn cảnh này. Lắng
nghe để đón nhận được những chỉ bảo từ Thiên Chúa chứ không phải là từ thế
gian. Lắng nghe để có được những hành động đúng theo như ý Chúa muốn. Cũng có
thể chúng ta lắng nghe được những tiếng nói ở đâu đó nói với mình trong tâm hồn,
nhưng đó chưa chắc đã phải là tiếng Chúa nói. Có thể tiếng nói đó là của quỉ.
Cũng có thể tiếng nói đó là của cái tôi ích kỷ (của chính mình). Vậy làm thế
nào chúng ta biết được đâu là tiếng nói của Chúa? Về điều này thì Thánh Phao-lô
đã cho chúng ta biết “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn
nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23); còn với
tác giả Tin mừng Gio-an thì “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ
của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Truyền thống tu đức cũng đưa ra những
tiêu chuẩn căn bản nhằm giúp cho sự nhận biết được chính xác tiếng Chúa nói với
chúng ta. Khi phân tích những biểu hiện và tình trạng nội tâm của con người,
chúng ta có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa, đâu là sự cám dỗ của ma quỷ, và
đâu là tiếng nói của riêng con người mình.
Nếu là tiếng Chúa thúc đẩy, người
ta sẽ có những biểu hiện như: sự chân thực, nghiêm túc, ngoan ngoãn để Thần Khí
hướng dẫn, thận trọng, khiêm tốn, bình an, tin tưởng vào Thiên Chúa, dễ phục
thiện, có ý ngay lành, kiên tâm trong đau khổ, quên mình, hồn nhiên, tự do tinh
thần, ước muốn theo gương Chúa Kitô và có một tình yêu vô vị lợi.
Nếu đó là sự cám dỗ của ma quỷ, thì
những biểu hiện đi kèm sẽ là: sự dối trá, tính hiếu kỳ bệnh hoạn, bối rối, lo
âu, thất vọng, cố chấp, hành động vô ý thức liên miên và tinh thân bất ổn, tự
ái và tự cao tự đại, khiêm nhường giả tạo, thiếu tin tưởng và nhát đảm, bất
tuân phục và cứng lòng, không nhẫn nại trong đau khổ và di hận dai dẳng, các
đam mê phóng túng và khuynh hướng mạnh về thú vui nhục dục, giả hình, lòng quyến
luyến thái quá với sự an ủi giác cảm, thiếu lòng sùng kính sâu xa đối với Chúa
Giêsu và Mẹ Maria, quá tỉ mỉ bám theo bản văn lề luật nhưng không hiểu và sống
tinh thần của luật. Và nếu đó là ý riêng
mình, thì bản thân luôn hướng chiều về những thoả mãn của chính mình, đó là bạn
của thú vui và là kẻ thù của bất cứ loại đau khổ nào. Thúc đẩy ta sẵn sàng hướng
về bất cứ điều gì hợp với tính khí riêng, sở thích và ngẫu hứng cá nhân, hoặc sự
thoả mãn tính tự ái; sẵn sàng khước từ những khổ hạnh hoặc hy sinh hãm mình.
Thứ hai, để có được sự bình an thật
thì các môn đệ còn phải không ngừng hiệp thông với nhau và với Đức Giê-su.
Chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta không có sự hiệp thông với nhau thì chúng ta
không thể có được sự bình an thật được. Nếu chỉ là sự hiệp thông giữa chúng ta
với nhau thì rất dễ trở thành bè phái. Điều này rất nguy hiểm. Bởi nếu sự đoàn
kết này có chất kết dính không phải là Thiên Chúa thì nó sẽ dẫn đến một nhóm
phá hoại. Nhóm này sẽ thể hiện sức mạnh của thế gian. Đây là sự bình an của thế
gian. Vì nếu ai thuộc về thế gian thì sẽ sống còn bằng không thì sẽ bị loại trừ,
sẽ bị bách hại và thậm chí là sẽ phải chết. Sự hiệp thông giữa chúng ta cần phải
có Chúa hiện diện. Cộng đoàn hiệp thông đó phải có sự hiện diện của Chúa. Sự hiệp
thông đó phải là hiệp thông trong Chúa.
Tóm lại, để có được sự bình an thật
chúng ta cần lắng nghe tiếng Chúa nói với mình qua đời sống cầu nguyện và không
ngừng hiệp thông với nhau và với Chúa trong tình yêu. Vì cuối cùng tình yêu
Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta vượt qua được tất cả. Tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp
chúng ta đứng vững trước những khủng hoảng mà chúng ta gặp phải trong đời sống
thường ngày. Tình yêu Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta có được sự bình an đích thực,
sự bình an của chính Chúa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét