Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

SỐNG THÁNH QUA LỜI NÓI


Bênađô

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Điều này cho thấy lời nói giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống con người. Khi đứa bé mới bập bẹ tập nói cha mẹ đã chỉ dạy những lời hay lẽ phải, lớn lên đến trường học thầy cô cũng chỉ dạy “Tiên học lễ, hậu học văn”. Khi trưởng thành bước vào đời sống gia đình, đời sống tu trì hay đời sống khác, tương quan giữa con người với con người phụ thuộc rất nhiều qua lời nói với nhau. Thánh Giacôbê  đã nói: “Ai trong anh em không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo.” (Gc 3,2). Việc sống không chỉ là phải sống làm việc gì thật cao thượng, hay phải làm một việc gì thật lớn lao, thiết nghĩ theo tôi chúng ta chỉ cần sống ngay với lời nói của chúng ta là đã đủ lắm rồi.
Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu đã dạy rằng, “Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11,12). Lẽ dĩ nhiên là chúng ta phải thật cứng rắn với miệng lưỡi mình. Ðiều này không dễ dàng. Chuyện thất bại là lẽ đương nhiên, thua keo này ta bày keo khác. Nhưng rồi phải luôn nhớ là ta yếu đuối nên, miệng đọc, lòng suy, hồn phải gắn bó với Giêsu, ta sẽ thấy ta có sức khống chế lời nói của mình. Đây là nguồn an ủi lớn trong Trái Tim Chúa Giêsu, được như vậy ta mới cảm nhận được rằng tinh thần của sự cố gắng này sẽ thấm nhuần vào cuộc sống và công việc làm hàng ngày của ta. Để hiểu được câu nói của thánh Giacôbê, tôi đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu: thế nào là một vị thánh? Tại sao phải nên thánh? Tôi có thể nên thánh được không? Làm sao để nên thánh? Tránh nói hành nói xấu? Nhân ái trong lời nói? Tránh nóng giận, cung giọng, sự lố lăng và thô tục, phàn nàn…chúng ta cùng tìm hiểu sơ qua một vài điểm và sẽ đi sâu vào mục tránh nói hành nói xấu.
•           Thế nào là một vị Thánh?
Trước tiên, “Thánh” không nhất thiết phải là một người có làm phép lạ, hoặc luôn siêng năng đọc kinh cầu nguyện, mặc dù đây có thể là đặc điểm của một vài vị Thánh mà ta biết đến. Nói một cách đơn giản, Thánh là một người làm theo ý Chúa.
Một vị Thánh trước tiên sẽ không chấp nhận để mình phạm tội trọng, mà cũng không cho mình quyền tự do phạm những tội nhẹ mà nhiều người thường vô tình phạm đến. Hãy xem trường hợp của Ðức Mẹ diễm phúc của Chúa Giêsu, Mẹ được gọi là Nữ Vương các Thánh Nam Nữ đâu phải chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Không! Mẹ là Nữ Vương các Thánh vì Mẹ đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa một cách trọn vẹn, vâng phục trực tiếp cũng như gián tiếp, và đó cũng là hoa qủa của một đời cầu nguyện liên lỉ. Thật vậy, Mẹ đã sống một đời không tội lỗi, Mẹ thật là một phụ nữ vinh quang.
Thánh là một người yêu Chúa liên lỉ hết lòng, hết sức, hết trí khôn của mình. Ðó là người biết tập cho mình luôn luôn vâng theo thánh ý Chúa.
•           Tại sao ta phải nên Thánh?
Không có sự gì làm đẹp lòng Chúa hơn cho bằng sự thánh thiện. Như câu nói của thánh Phaolô đã thôi thúc ta phải mau lẹ “Tình yêu của Ðức Kitô thôi thúc chúng ta” (2 Cor 5,14). Khi ta nhận ra được tình yêu cao vời mà Ðức Chúa Cha dành cho, đã cho Chúa Con xuống thế làm người, và hy sinh khổ hình Thập gía vì ta, thì ta có thể lấy gì mà so sánh với tình yêu bao la cao cả đó? Giả sử chỉ một mình ta cần được cứu chuộc, thì Chúa cũng không từ nan vì trong mắt Ngài, sự sống của ta quí giá biết bao.
Lý do căn bản nhất khiến chúng ta phải nên Thánh là vì Thánh làm sáng danh Chúa. Vậy tôi có thể nên thánh không?
Tôi có thể nên Thánh. Lý do thứ nhất là để làm sáng danh Chúa, và lý do thứ hai là để bảo đảm cho mình được rỗi linh hồn. Và lý do này chỉ có Chúa mới là tác nhân chính cho việc nên thánh, còn không ai là người quyết định, nhưng phải nói một điều là ta phải cố gắng để cộng tác với Chúa thì ta mới có thể nên thánh, nếu mình Chúa thì cũng không làm được vì ta không muốn, Chúa muốn cho ta vào thiên đàng, mà ta lại không muốn vào thì Chúa cũng đành chịu thôi.
•           Tránh nói hành nói xấu. 
Nói hành nói xấu là những lời dèm pha người khác về một chuyện hay một việc gì đó. Đó là khi chúng ta soi mói một khía cạnh nào trong nhân cách của một cá nhân, biến nó nên tiêu cực bằng cách chê bai hay không tán thành. Thật vậy, một người luôn có ác tâm xét đoán người khác sẽ tạo nên bầu không khí căng thẳng khó chịu cho mọi người. Chúng ta thường phạm tội nói hành nói sấu rất dễ dàng. Nếu ta thành thật xét mình và ý thức hơn về lời nói của mình, ta sẽ khám phá ra rằng mình tiêu cực hơn mình tưởng nhiều. Mặc dù những lời nói xấu không phải lúc nào cũng là tội, nhưng nói chung, nó có phần tai hại. Những phê bình tiêu cực của chúng ta có ảnh hưởng đến nhiều người, làm giảm giá trị của người khác. Tật nói xấu cũng giống như chứng bệnh kinh niên không buông tha chúng ta, và chỉ có liều thuốc thông cảm và yêu thương mới trị được nó. Nếu chúng ta thực sự lắng nghe chính mình, ta sẽ rất ngạc nhiên khi thấy được chúng ta tiêu cực đến mức nào. Chúng ta không thể nên giống Chúa Kitô được nếu ta còn tiếp tục tuôn ra những lời nói xấu anh em mình. Lời nói tiêu cực không hẳn là tội lỗi nhưng tốt hơn hết là tránh đừng nói. Ta không nên cho phép sự tiêu cực nằm trong lời nói của mình, ngoại trừ trường hợp liên hệ tới pháp lý. Và nếu ta biết trước có một người nào đó là đề tài cho các cuộc bình phẩm, chê bai, thì đừng nhắc đến tên người ấy trong các buổi chuyện trò, vì như thế ta mới tránh được những lời nói xấu.
Một yếu tố quan trọng nữa trong sự dèm pha là những lời nói quanh co, ẩn ý. Có lúc con người chúng ta rất khôn ngoan khéo léo về những gì mình muốn nói. Trong thực tế, đôi lúc chúng ta thật hèn nhát, không nói rõ ràng, minh bạch, mà trái lại, chuyên nói quanh co bóng gió. Chúng ta không dám nói thẳng, chúng ta ám chỉ, nhưng hiệu quả cũng như nhau. Phải cương quyết không để cho những lời tiêu cực phát ra từ miệng , kể cả những ẩn ý. Đây không phải là việc dễ dàng, nhưng nếu ta muốn tìm kiếm nhân đức dũng cảm, ít ra ta phải thử cố gắng. Chúa Thánh Thần sẽ thực hiện phần còn lại.
Để tránh những điều nói trên, ta có thể thực hiện thêm và không đào sâu những điều như phải phải nói một cách nhân ái, thánh thiện, không nóng giận trong lời nói, vì nóng giận là một sự mất khôn và không thể lường trước được sự việc xảy ra sau khi nói. Ta cũng đừng xét đoán một cách vội vàng, như vậy ta mới có thể tránh được sự mất lòng, vì khi vội vàng xét đoán thì một điều xảy ra là ta không biết rõ tình huống đã xảy ra, và có thể ta sẽ kết luận sai. Khi nói năng, ta cũng nên sửa lại cung giọng cho dễ nghe, để lời nói lọt vào tai người khác và cũng cần tránh nói những lời lố lăng thô tục, làm ảnh hưởng đến chính phẩm giá của mình.
Quả là lời nói thật quan trọng, lời nói có thể tôn ta lên và cũng có thể hạ ta xuống, có thể ví lời nói như là một nghệ thuật và ta phải học, mà phải học từng ngày như Thầy Giêsu mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP